Người con gái đất Vĩnh Hưng

Thứ Hai, 26/12/2022, 14:09

“Bọn giặc gầm lên: "Chồng mày đâu? Đồng đội mày đâu?"/ Chị lắc đầu: "Tôi không biết"/ Thằng chỉ huy hất hàm ra lệnh: "Bắn!"/ "Khoan, hãy chờ tôi giây lát"/ Rồi chị gượng đứng lên giành lại đứa con từ trong tay giặc.

Nguyên mẫu của vở vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng”

Tôi được nghe câu hát cải lương cùng câu chuyện về người phụ nữ kiên cường lúc ngồi trên xe đi vào thăm Tháp cổ Vĩnh Hưng, ngôi tháp Chăm duy nhất ở đồng bằng Nam Bộ và là di sản văn hóa cấp quốc gia. Câu chuyện cứ tưởng như tình cờ hóa ra lại có ý, là bởi cũng chính tại xã Vĩnh Hưng A, xã có ngôi tháp cổ, lại là quê hương của người phụ nữ đã “hóa thân” vào câu hát.

1.jpg -0
Di ảnh chị Nguyễn Thị Tư

Ông Ba Danh, một người Bạc Liêu chính gốc và cũng là người dẫn đoàn khi nghe tôi đề nghị được tới viếng mộ người phụ nữ ấy thì sốt sắng nhận lời ngay, ông Ba Danh còn nói thêm: “Mộ bả ở ngay nghĩa trang huyện. Hồi đưa bả vô nghĩa trang, tôi là người tham gia nên tôi rành lắm”.

Vậy là chúng tôi lội bộ theo chân ông Ba Danh tới Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Lợi. Không giống với nhiều huyện khác, nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Lợi được đặt ở xã Vĩnh Hưng A, ngay trên mảnh đất quê hương người phụ nữ kiên cường. Một nghĩa trang nằm kế bên kênh xáng Cầu Sập - Ngan Dừa, khá rộng và thoáng với tượng đài cao vút in đậm trên nền trời xanh thắm. Đang tầm gần trưa nên ánh nắng chói chang, những ngôi mộ liệt sĩ là người con của quê hương Vĩnh Lợi được bố trí theo hình cánh cung bao quanh tượng đài. Ông Ba Danh xăng xái đi trước, ông đi tới thẳng hàng mộ ở cánh cung bên trái. Dừng lại trước một ngôi mộ bình dị như bao ngôi mộ liệt sĩ, ông Ba Danh nói: “Phần mộ của bả đây”.

Người con gái đất Vĩnh Hưng -0
Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hồng Dân.

Chúng tôi cùng cúi đầu kính cẩn cúi chào những người con đã hy sinh vì quê hương đất nước. Ngôi mộ của “bả” như ông Ba Danh nói hôm nay ánh lên dưới nắng. Dòng chữ khắc nắn nót nhưng rất giản dị: Liệt sĩ Nguyễn Thị Tư. Sinh năm 1936. Cấp bậc: Cán bộ cơ sở cách mạng. Hy sinh ngày 7 tháng 4 năm 1972. Dòng chữ khiêm tốn và bình dị như chính sự hy sinh anh dũng và thanh thản của chị.

Người con gái đất Vĩnh Hưng -0
Tác giả cùng bạn bè viếng mộ chị Tư

Liệt sĩ Nguyễn Thị Tư chính là nguyên mẫu cho soạn giả cải lương Trọng Nguyễn, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh Bạc Liêu, viết bài vọng cổ “Giọt sữa cuối cùng”. Câu chuyện được kể lại rằng: Hồi đầu những năm 70 của thế kỷ 20, vùng quê Vĩnh Hưng (bao gồm 2 xã Vĩnh Hưng và Vĩnh Hưng A hiện nay) vốn là một vùng đệm. Ông Ba Danh giải thích: “Gọi là vùng đệm là bởi đây là vùng giữa vùng giải phóng là căn cứ Mỹ Trinh và vùng do chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Vùng đệm cũng là nơi “Ngày địch đêm ta” nên ở đây có cơ sở cách mạng hoạt động mạnh và cũng là nơi bọn địch thường tiến hành càn quét vây ráp cán bộ. Do vậy ở đây thường diễn ra những cuộc chiến đấu cam go quyết liệt”.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Tư sinh ra và lớn lên ngay chính trên mảnh đất kiên trung này. Hồi trước muốn vào vùng quê Vĩnh Hưng phải đi xuồng ghe qua những kênh xáng mênh mang nước. Chính vì thế nên phong trào cách mạng của ta đã tận dụng điều kiện này để hoạt động. Lực lượng du kích địa phương cũng theo thế mà phát triển khá mạnh, lực lượng này từng khiến bọn địch phải nhiều phen khiếp sợ. Dạo đó bọn địch đã từng treo thưởng cho ai báo hoặc bắt được xã đội trưởng Năm Dõng.

Người phụ nữ kiên trung

“Ông xã đội trưởng Năm Dõng tên thật là Lê Văn Dõng. Hồi đó ông là xã đội trưởng nổi tiếng và cũng chính là chồng của bà Tư đây” - ông Ba Danh nói. Được biết vào ngày mùng 7/4/1972, bọn địch được chỉ điểm nên tổ chức càn vào xã Vĩnh Hưng A. Chúng hí hửng xông tới căn nhà của vợ chồng ông Năm Dõng với chắc mẩm sẽ bắt được người chỉ huy du kích danh tiếng này. Nhưng chúng bị chưng hửng bởi ông Năm Dõng cùng các anh em du kích trong xã do cảnh giác cao nên đã kịp di chuyển về căn cứ Mỹ Trinh. Bọn lính tức lắm, chúng tìm khắp nhà, khắp vườn và thấy chị Nguyễn Thị Tư khi đó đang trú dưới hầm, chị đang bồng trên tay đứa con gái mới được 10 tháng tuổi. Chúng giằng đứa con gái đang khóc thét vì sợ và vì khát sữa ra khỏi tay chị Tư rồi trói chị ngay tại sân trước nhà. Tên chỉ huy gí súng vào người chị tra hỏi về xã đội trưởng Năm Dõng và các đồng chí du kích, nhưng chị Tư một mực lắc đầu nói “không biết”. Chúng liền đánh đập chị dã man nhưng chị vẫn nén đau không khai ra chồng và các đồng chí. Man rợ hơn, chúng còn lấy dao xẻo một bên tai của chị vừa là để uy hiếp chị vừa là để mang về đồn báo công. Chị Nguyễn Thị Tư vẫn kiên cường bởi chính chị cũng là một đội viên du kích xã. Sau này ông Năm Dõng kể lại cho biết: “Vợ tôi hy sinh là mất đi một đường dây giao liên, một đường dây tiếp tế thuốc men và lương thực cho cách mạng”.

Người con gái đất Vĩnh Hưng -0
Chị Lê Mỹ Linh - con gái chị Tư

Tra tấn với tra khảo chị nhiều giờ đồng hồ mà bọn địch vẫn không khuất phục được người phụ nữ kiên trung, chúng liền đưa đứa con mới 10 tháng tuổi đang khóc ngằn ngặt vì đói sữa ra để uy hiếp chị. Chị Nguyễn Thị Tư nhìn thấy con như đứt từng khúc ruột, nhưng chị vẫn một mực lắc đầu không chịu đầu hàng giặc. Đứa bé thấy thế thì còn  khóc dữ hơn. Chị Tư vùng người lên giằng lấy đứa con đang khát sữa rồi vạch áo cho con bú. Soạn giả Trọng Nguyễn đã viết: “Thằng chỉ huy hất hàm ra lệnh: “Bắn!”. “Khoan! Hãy chờ tôi giây lát”. Rồi chị gượng đứng lên giành lại đứa con từ trong tay giặc. Nước mắt tuôn trào, chị thầm gọi: “Con ơi, bú nhanh lên kẻo không còn kịp nữa. Ơi con tôi, ơi bầu sữa. Giọt sữa cuối cùng, con bú cạn nghe con...”.

Bất lực trước dũng khí kiên cường của người phụ nữ bình dị, tên chỉ huy địch đã sai lính giật lấy đứa bé đang bú. Dòng sữa nóng hổi từ bầu vú của chị Tư chảy ra thành dòng thấm xuống đất ngay chỗ chị ngồi. Tên chỉ huy lại một lần nữa gầm lên: “Bắn”. Một loạt đạn từ khẩu AR15 của địch vang lên chát chúa trong bóng tối. Cũng từ ngực chị, nơi dòng sữa nóng hổi vẫn đang chảy ra, là dòng máu tươi thắm đỏ. Máu của chị và dòng sữa mẹ nóng hổi hòa trộn vào nhau, thấm sâu vào đất. Bọn địch sau loạt súng thì vội vã bỏ đi, chúng sợ du kích ta lợi dụng bóng đêm quay lại tiêu diệt chúng. Bà con sau đó tìm tới và đưa xác chị đi chôn cất chờ du kích trở về. Đó là tối ngày mùng 7/4/1972. Năm đó chị Tư mới 36 tuổi.

Soạn giả Trọng Nguyễn viết bài cải lương “Giọt sữa cuối cùng” vào năm 1997 và một năm sau (1998) chị Nguyễn Thị Tư mới được công nhận là liệt sĩ sau 26 năm chị hy sinh. Câu chuyện chị Tư giờ vẫn được người dân nhắc tới và trong lòng mỗi người nơi đây, sự hy sinh của chị như một người anh hùng. Thành phố Bạc Liêu hiện có đường phố mang tên Nguyễn Thị Tư”.

Và đứa con gái khát sữa mẹ năm xưa bây giờ đã là người đàn bà 51 tuổi với một gia đình ấm êm. Người con gái ấy tên là Lê Mỹ Linh. Cô Linh lấy chồng bên huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng, cô xin với cha mình được đem di ảnh của mẹ đi cùng như một ý thức nguyện nhớ mãi người mẹ anh hùng của mình và lấy đó cho con cháu noi gương.

Miền quê trỗi dậy

Xã Vĩnh Hưng A năm 1978 được Nhà nước ta tặng Danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, vì những chiến công trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Quê hương người phụ nữ kiên trung đã anh dũng hy sinh 50 năm trước giờ đổi thay rất nhiều. Ông Ba Danh nói vui: “Vĩnh Hưng A đang trỗi dậy. Sắp tới đây xã sẽ được nâng cấp lên thành thị trấn”.

Người con gái đất Vĩnh Hưng -0
Người con gái đất Vĩnh Hưng -0
Xã Vĩnh Hưng A hôm nay

Nghe ông Ba Danh cho biết thế chúng tôi rất thích thú bởi khi xe chạy trên tỉnh lộ 978, đoạn đi qua xã đã thấy dọc hai bên đường là một dãy phố dài chừng 2 cây số. Những ngôi nhà san sát nhau, cửa hàng cửa hiệu tấp nập kẻ bán người mua. Tiếng người, tiếng còi xe, tiếng máy của những chiếc xuồng chiếc ghe chạy hối hả trên kênh xáng Cầu Sập - Ngan Dừa. Con kênh xáng chạy song song với con đường cùng dãy phố nhộn nhịp như một dự báo về tương lai đầy nội lực để phát triển của vùng quê giàu truyền thống cách mạng, ăm ắp tình người và dâng tràn nghĩa tình thủy chung, sắt son với cách mạng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Lợi nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Huyện sẽ phát triển đô thị tại trung tâm xã Vĩnh Hưng hiện hữu và mở rộng về phía Nam tuyến đường tỉnh 978 gắn với kênh xáng Cầu Sập - Ngan Dừa. Trên cơ sở hệ thống trung tâm đã có, bổ sung các công trình công cộng còn thiếu, mở rộng quy mô đất các công trình chưa đủ diện tích để tạo thành một đô thị hoàn chỉnh”.

Chúng tôi cùng nhìn lên bầu trời xanh ngát mà trong lòng dấy lên những dư cảm ngọt ngào khi vang lên câu hát: “Mỗi chiến công đổi bao nhiêu xương máu/ Chỉ có giọt sữa cuối cùng chị gửi lại cho con/ Đêm Vĩnh Hưng lúa trở mình ngậm sữa/ Dâng hạt gạo cho đời thêm giọt sữa cho con”.

Nguyễn Trọng Văn
.
.