Nhớ đại tướng nông dân Nguyễn Chí Thanh

Thứ Năm, 06/07/2023, 13:44

Ngày 6/7/1967, đúng vào ngày lên đường quay trở lại chiến trường miền Nam để tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bị một cơn đau tim đột ngột. Trái tim Đại tướng đã ngừng đập vào lúc 7 giờ 10 phút sáng tại Hà Nội, hưởng thọ 53 tuổi.

Đã 56 năm trôi qua kể từ ngày đau thương ấy, nhưng kí ức đầy mất mát vẫn còn mãi khi cả dân tộc phải vĩnh biệt một trong những nhà cách mạng lỗi lạc, vị chỉ huy tài ba của các lực lượng vũ trang, một đại tướng nông dân - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Ngày 6/7/1967 đau thương

Hà Nội những ngày đầu tháng 7/1967, trời nắng như đổ lửa. Trong căn nhà số 34 Lý Nam Đế - nơi gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sinh sống, tất cả mọi thành viên đều có tâm trạng bùi ngùi. Bởi Đại tướng sắp trở vào Nam, đối mặt với hòn tên mũi đạn, chẳng biết khi nào trở lại…

4.jpg -0
Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Cúc tại Hà Nội, năm 1957

Trong kí ức của nhiều người, hè năm ấy, ở nhà số 34 Lý Nam Đế có sự lạ, trong khuôn viên ngôi nhà xanh um cây trái, hai hàng dừa do chính tay Đại tướng mang giống từ miền Trung ra trồng lần đầu tiên bói quả. Hàng dừa ấy, mỗi chiều đi làm về, ông thường mắc võng giữa hai gốc dừa để ngả lưng. Uống hớp nước dừa ra bói, ông bỗng nói: “Chà, được uống miếng nước dừa ngọt thế, có chết cũng đáng”. Câu nói thốt lên như là định mệnh…

Ngày 5/7/1967, chỉ còn một ngày trước khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rời Hà Nội vào Nam. Trưa hôm ấy, Bác Hồ nói với đồng chí thư ký Vũ Kỳ mời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến ăn cơm với Bác, cũng là để tiễn ông ngày mai lên đường. Sau bữa cơm ấy, cả Đại tướng và Bác Hồ đều lên đường đi xa. Một số đồng chí ủy viên Bộ Chính trị cho ông biết rằng, Người sắp phải đi Trung Quốc chữa bệnh. Nghe những lời Người dặn dò, ngắm nhìn mái tóc bạc phơ, dáng đi chẳng còn nhanh nhẹn của Người, lòng ông nghẹn lại.

Chiều ngày 5/7/1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời ông ăn cơm và trao đổi thêm công việc với các đồng chí Văn phòng Trung ương tại ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Hai vị đại tướng của quân đội nhân dân Việt Nam ngồi trước tấm bản đồ lớn, chăm chú phân tích hướng tiến công chiến dịch lớn. Họ cùng ăn với nhau bữa cơm. Không thể ngờ rằng, những bức ảnh chụp tại đây là những bức ảnh cuối cùng trong cuộc đời Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

8 giờ tối ngày 5/7/1967, buổi tối cuối cùng trước khi lên đường, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn quay trở về Phủ Chủ tịch để được gặp Bác thêm một lần nữa. Hơn lúc nào hết, Đại tướng luôn canh cánh trong lòng trọng trách to lớn trong chuyến vào Nam lần thứ 2 này. Lần thứ nhất, từ năm 1964, khi Mỹ đổ quân vào miền Nam tiến hành “Chiến tranh cục bộ”, Nguyễn Chí Thanh đang đảm trách nhiệm vụ trên mặt trận nông nghiệp thì được Trung ương Đảng cử vào chiến trường làm đại diện Bộ Chính trị tại chiến trường, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng và kháng chiến ở miền Nam.

Nhớ đại tướng nông dân Nguyễn Chí Thanh -0
Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội được xây dựng theo nguyên mẫu ngôi nhà số 34B Lý Nam Đế

Lần này, Mỹ đã thua to trên chiến trường nhưng vẫn tiếp tục âm mưu xâm lược Việt Nam, thậm chí còn chuẩn bị phản công chiến lược lần thứ ba với quy mô lớn. Bởi vậy, quay trở lại chiến trường, Đại tướng sẽ trực tiếp chuẩn bị một phương thức tác chiến nhằm tạo nên sự chuyển biến lớn, có thể chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kì mới. Đại tướng lên đường mang theo quyết tâm thắng Mỹ, để sớm được đón Bác vào Nam.

Ngày cuối cùng trước chuyến đi xa trôi qua đầy bận bịu, Đại tướng trở về nhà số 34 Lý Nam Đế khi đã gần nửa đêm. Vậy mà toàn thể Trung đội bảo vệ vẫn xếp hàng chờ Đại tướng dưới hiên nhà. Họ đã viết đơn bằng máu xin được theo Đại tướng vào Nam chiến đấu. Ông động viên họ, hứa sẽ đưa cả trung đội vào sau. Tâm nguyện của những người lính trẻ sau này đã trở thành hiện thực, khi Đại tướng không còn nữa.

Đêm ấy, trước lúc đi nghỉ, ông còn nhắc người thân nhớ chuẩn bị hai cốc cà phê đen cho mình và người trợ tá trước lúc lên đường. Nhưng đến nửa đêm về sáng ngày 6/7/1967, Đại tướng bỗng thấy trong mình khó chịu, tức ngực và nóng ran trong bụng. Huyết áp 140/80, mạch 80. Bác sĩ riêng khuyên Đại tướng phải nằm yên để mời kíp cấp cứu của Bệnh viện Quân y 108 đến nhà. Ông không chịu mà vẫn bảo bác sĩ Thuận gọi điện báo cáo Trung ương tình trạng ông bị ốm bất ngờ và quyết định tự vào viện.

Nhớ đại tướng nông dân Nguyễn Chí Thanh -0
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng vợ - bà Nguyễn Thị Cúc và con trai Nguyễn Chí Vịnh tại nhà số 34 Lý Nam Đế năm 1963

Thấy xe ô tô đi nhanh ra cổng nhà số 34 Lý Nam Đế, trưởng nữ của Đại tướng là Nguyễn Thanh Hà khi đó vừa tròn 17 tuổi cứ nghĩ cha vội lên đường, chẳng kịp tạm biệt gia đình vì công việc bí mật. Con gái Đại tướng đêm ấy đã thức chờ trời sáng để được tiễn cha vào chiến trường. Cũng đêm ấy, người mẹ già của Đại tướng trắng đêm đứng bên cửa sổ tầng hai ngóng chờ. Thấy xe đi ra, mẹ vẫy tay tạm biệt. Không ai ngờ rằng, xe ô tô lại đưa Đại tướng đến bệnh viện trong tình thế nguy cấp.

Tại phòng cấp cứu Bệnh viện Quân y 108, đích thân Viện trưởng Nguyễn Thế Khánh và bác sĩ Phạm Tử Dương trực tiếp thăm khám cho Đại tướng. Khi ông vừa ngồi xuống giường rồi nằm xuống, bỗng nhiên phát ra một tiếng “ặc”, mặt và toàn thân tím ngắt. Các bác sĩ xoa bóp ngoài lồng ngực, tiêm các thuốc trợ tim, điều trị cấp cứu tích cực, nhưng không kết quả. Đại tướng được chuyển lên phòng mổ khẩn cấp và can thiệp ngoại khoa, mổ lồng ngực, kích thích trực tiếp vào tim. Đảm nhiệm ca mổ: Giáo sư Phạm Gia Triệu, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản. Tham gia hỗ trợ có bác sĩ Vũ Văn Cẩn - Cục trưởng Cục Quân y, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư Tôn Thất Tùng cùng nhiều chuyên gia tim mạch cùng hội chẩn cấp cứu.

Gần 6 giờ sáng 6/7/1967, Văn phòng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận được tin Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đang cấp cứu ở bệnh viện. Số thuốc đặc biệt dành riêng cho nguyên thủ quốc gia được chuyển tới bệnh viện khẩn cấp với tất cả hy vọng lạc quan nhất. Dù vậy, trái tim Đại tướng vẫn chỉ co bóp rời rạc. 7 giờ 10 phút sáng 6/7, Đại tướng rời cõi tạm. Chẩn đoán cuối cùng: Nhồi máu cơ tim (gây cơn đau ngực, lan xuống động mạch chủ bụng) gây chết đột ngột.

“Anh ấy mang tất cả đi rồi…!”

“Anh ấy mang tất cả đi rồi…!”. Đó là lời của Bí thư thứ nhất Lê Duẩn trước sự ra đi đột ngột của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Nhớ đại tướng nông dân Nguyễn Chí Thanh -0
Phòng làm việc trước đây của Đại tướng ở căn nhà 34 Lý Nam Đế được tái hiện chân thực tại bảo tàng

Khoảng 9 giờ sáng ngày 6/7, con trai của Đại tướng là Nguyễn Chí Vịnh được đưa vào Bệnh viện Quân y 108 và được đưa vào phòng mổ. Ba Thanh nằm trên băng ca, mặt đen sạm. Lúc đó, trong đầu óc non nớt của con trai nhỏ Nguyễn Chí Vịnh không thể có khái niệm là ba Thanh đã mất.

Chiều tối 6/7/1967 khi đám tang Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được cử hành tại Câu lạc bộ Quân nhân trên đường Hoàng Diệu, người đến viếng rất đông, mắt ai cũng đỏ hoe vì thương tiếc, vì bàng hoàng không tin đó là sự thật. Người mẹ già của Đại tướng khóc mà rằng: “Lá vàng chưa rụng, lá xanh trên cành đã héo rồi”. Bà Cúc - vợ của Đại tướng thì lòng quặn thắt: “Anh Thanh ơi, sao anh ra đi vô lý đến vậy hả anh?”.

Bỗng chốc một người phụ trách an ninh bước vào phía trong, mời tất cả các nhà báo, tất cả máy quay phim, mấy ảnh lùi ra bên ngoài. Vì Bác Hồ đang đến, vì Người không muốn sự đau đớn tiếc thương này lan đi trong nhân dân, sẽ không có lợi cho cuộc kháng chiến. Người đến bên mẹ của Đại tướng, bà Cúc, và ba người cùng khóc. Người đứng bên linh cữu Đại tướng, lấy khăn mùi soa lau nước mắt, không thắp hương, không đi quanh quan tài, như không muốn chia xa người đã khuất.

Chiều ngày hôm sau, 7/7/1967, linh cữu quàn thi hài Đại tướng được chuyển xuống nghĩa trang Mai Dịch. Tuy không có thông báo, nhưng người dân đổ ra đường rất đông, nhiều người khóc vì thương tiếc Đại tướng. Tang lễ được cử hành lúc 7 giờ tối.

Đột ngột qua đời ở tuổi 53, Đại tướng còn nhiều việc lớn đang dang dở, để lại nỗi đau xót, tiếc thương tột cùng cho gia đình, đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè thế giới. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói vào ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra đi rằng: “Chúng ta mất một con đại bàng trên trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng, lại thấy được cái rất cụ thể trên mặt đất”.

Hơn nửa thế kỉ sau, tất cả những kí ức về Đại tướng ùa về, tích đọng, tái hiện trong hai không gian đặc biệt: Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại cố đô Huế và tại thủ đô Hà Nội do gia đình Đại tướng xây dựng theo hình thức bảo tàng ngoài công lập. Hai không gian bảo tàng phần nào khỏa lấp nỗi nhớ thương, lòng mong mỏi của gia đình Đại tướng và đồng chí, đồng bào cả nước muốn được thấy lại một cách toàn vẹn nhất con người, sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Ngày 11/7/1967, ngay sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ trần, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã có “Hồ sơ tối mật số 1365” mang tựa đề “Các vấn đề đặt ra đối với Bắc Việt sau khi Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Chí Thanh qua đời”. Mãi đến năm 2001, báo cáo tối mật này mới được giải mật.

Báo cáo đã nhận định về Tướng Thanh: “Xuất thân trong quân ngũ và kinh nghiệm chính trị của Nguyễn Chí Thanh sẽ khiến ông trở thành người rất khó có thể thay thế. Ông là cá nhân duy nhất ngoài Tướng Giáp mang hàm Đại tướng trong lực lượng vũ trang, và cũng là thành viên chủ chốt trong nhóm lãnh đạo điều hành cuộc chiến của Bộ Chính trị Bắc Việt... Việc Nguyễn Chí Thanh chết do đột quỵ 6/7 đặt ra những vấn đề bức thiết với 10 thành viên còn lại của Bộ Chính trị - những hệ lụy lâu dài và hệ trọng với ban lãnh đạo Đảng Cộng sản.…”. (Trích trong cuốn sách “Nguyễn Chí Thanh, những góc nhìn từ hậu thế”, NXB Quân đội nhân dân, 2018).

Huyền Châm
.
.