Nỗi ám ảnh vũ khí sinh hóa của Mỹ ở chiến trường Việt Nam
Hầu như tất cả những ai đã từng sinh sống ở Tây Ninh vào thời điểm 1976 đều biết sự kiện nhân dân toàn tỉnh đột ngột bị sặc vì không khí đậm đặc mùi cay như ớt. Sau đó vài tháng, một trận dịch ghẻ bùng phát khắp nơi.
Từ Tây Ninh, dịch ghẻ lan sang các tỉnh lân cận rồi tỏa ra toàn quốc. Một số người thiếu hiểu biết cho rằng, bộ đội Trường Sơn đã mang sơn lam chướng khí từ rừng sâu xâm nhập vào thành thị tạo nên trận dịch ghẻ ấy...
Trận dịch và những thùng hóa chất trên lưng chừng núi
Các đơn vị phòng chống dịch bệnh, các cơ sở y tế toàn quốc đã chống chọi với nạn dịch này rất chật vật. Bộ Y tế đã nhanh chóng tung ra những loại thuốc đặc trị ghẻ ngoài da cho bệnh nhân rất hiệu quả. Thế nhưng chỉ khỏi bệnh một thời gian ngắn, bệnh nhân lại tái nhiễm.
Người dân chấp hành nghiêm túc khuyến cáo của ngành y tế về 3 diệt: Diệt ao tù, diệt khuẩn nơi ở và công sở, diệt mầm bệnh thân thể. Nhiều chiến dịch phun thuốc khử khuẩn được thực hiện khắp nơi nhưng vẫn không ngăn chặn được trận dịch tai quái. Bởi vì ngành y tế không tìm được xuất xứ của dịch ghẻ.
Hầu như gia đình nào cũng thuộc lòng vài bài thuốc cổ truyền tự trị bệnh ghẻ nhưng vẫn không ngăn được làn sóng “ghẻ ngứa toàn dân”.
Tết năm 1983, bỗng dưng toàn tỉnh Tây Ninh lại ngộp thở sặc sụa bởi trong gió lại xuất hiện mùi cay nồng. Nhiều người hít phải “gió độc” lăn ra ngất xỉu. Có ngày, khoa cấp cứu bệnh viện tỉnh bị quá tải do bệnh nhân sặc gió nhập viện liên tục. Lần tái xuất này, “gió độc” âm ỉ suốt vài tháng.
Thiếu tướng Ngô Quang Nghĩa, thời điểm đó là Đại tá - Trưởng ty Công an tỉnh Tây Ninh, đã cử một tổ công tác đi tìm nguyên nhân. Sau một thời gian dò la thông tin, tổ công tác phát hiện luồng “gió độc” phát tán từ núi Bà Đen.
Đi sâu vào điều tra, tổ công tác tìm được chính xác vị trí phát tán “gió độc”. Đó là một thung lũng nằm phía sau Điện Bà ở lưng chừng 1/3 ngọn núi. Phía dưới thung lũng có hàng chục thùng kim loại hình trụ tròn, đường kính hơn nửa mét, chiều cao hơn 1 mét. Những chiếc thùng bị vỡ khiến một loại bột màu cháo lòng tràn ra ngoài, theo nước mưa chảy xuống lòng suối.
Nguyên nhân các thùng chứa bị vỡ được xác định như sau: Tết năm 1976, người dân viếng điện Bà Đen đã mò ra con suối dưới thung lũng nghỉ ngơi, ăn uống trước khi xuống núi. Một số thanh niên phát hiện một mép thùng sắt chôn dưới đất lộ ra. Nghĩ là kho báu, họ đã khai quật lên. Khi mở thùng sắt, hơi cay đã khiến một người ngất tại chỗ. Những người cùng nhóm khiêng người bị nạn xuống núi, không rõ sống chết. Sau vài cơn mưa, chất bột trong thùng trôi hết xuống suối. Đoạn suối này là thượng nguồn của suối Vàng dưới chân núi. Mỗi khi mưa lớn, nước từ suối Vàng tràn bờ lan ra khắp khu vực rộng.
Tết năm 1983, người dân đi viếng Điện Bà lại mở hầm chứa các thùng kim loại. Lần này, người mở hầm làm nghề phế liệu. Họ đã đào hết “kho báu”. Trong “kho báu”, ngoài những chiếc thùng kim loại còn có thịt hộp và mìn.
Với người thường, mìn là cơn ám ảnh, nhưng với những người rà phế liệu thì đó là “vàng rầm”. Họ “tịch thu” tất cả những gì tìm thấy. Riêng các thùng hóa chất, họ dự tính đưa xuống núi rồi mới mở. Họ nghĩ bên trong chứa thứ gì đó bán được, có thể là thuốc súng. Tuy nhiên, do các thùng quá nặng, đường núi gồ ghề hoang sơ mà phương tiện vận chuyển chỉ là sức người. Loay hoay mấy ngày, cuối cùng họ chọn giải pháp mở thùng. Ngay nhát cưa đầu tiên họ đã nhận ra sự bất ổn khi hương vị không dễ chịu thoát ra từ thùng. Thế là họ mở thùng bằng cách hè nhau đẩy thùng rơi xuống mỏm đá phía dưới. Tất nhiên là chiếc thùng kim loại vỡ toác. Cả nhóm bất tỉnh.
Nhóm người chuyển “chiến lợi phẩm” chuyến đầu tiên trở lại vị trí “kho báu” đã hoảng vía khi trông thấy đồng bọn sùi bọt mép đã nhanh chóng cõng hết xuống núi và mất dấu tích.
Mỗi lần có mưa, chất bột màu cháo lòng có dịp trôi xuống chân núi tỏa mùi ngộp thở khắp tỉnh.
Vụ việc được báo cáo nhanh về Tỉnh ủy. Thời điểm đó, chiến tranh biên giới vẫn còn gay gắt nên Tỉnh ủy không xem chuyện phát hiện kho vũ khí gì đó của quân đội Mỹ còn sót lại. Cũng không ai liên tưởng nạn dịch có liên quan với những thùng hóa chất này.
Vị chỉ huy Công an sang Tỉnh đội mượn một tiểu đội công binh phối hợp giải quyết. Những thùng hóa chất được đưa xuống một khe sâu rồi phóng hỏa bằng chất đốt.
Không ngờ, sau đó, dịch ghẻ tan dần rồi chấm dứt hẳn vào năm 1989.
Sau này, nhiều tài liệu của Chính phủ Mỹ và một số chuyên gia nghiên cứu chiến tranh quốc tế được công bố. Những tài liệu này có những bằng chứng đáng tin cậy đã khẳng định, quân đội Mỹ bất chấp công ước quốc tế, sử dụng vũ khí sinh hóa tại chiến trường Việt Nam.
Những toán đặc nhiệm sinh hóa trong quân đội Mỹ
Trong bài viết Vietnam: The chemical war, đăng trên New York Time phát hành ngày 24-11-2017, Giáo sư chuyên ngành Lịch sử và Chính sách Công tại Đại học California, ông David Biggie đã công bố sự chứng kiến của mình về một đơn vị thuộc lực lượng chiến đấu sinh hóa mang phiên hiệu 266 đi tấn công đối phương bằng vũ khí sinh hóa.
Chính xác đó là ngày 18-11-1967. Hôm đó, họ nhận mệnh lệnh trực tiếp từ Bộ chỉ huy Thái Bình Dương yêu cầu yểm trợ Sư đoàn Anh Cả Đỏ (Sư đoàn 1) trong cuộc hành quân “Hòn đá vàng” (chiến dịch Juntion City) vào hướng Bắc Sài Gòn, tức tỉnh Tây Ninh - Nơi đặt các cơ quan lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Đơn vị 266 phải chuẩn bị 15 quả bom hóa chất da cam phát hoang, 48 quả bom phốt pho, 24 quả bom hơi cay CS và một số quả bom tem nhãn được cho là vũ khí sinh học được lưu kho từ chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1952).
Năm 1950, quân đội Mỹ đã từng sử dụng loại vũ khí sinh học này thả vào Bắc Triều Tiên gây bệnh ngoài da và nấm hại lúa.
Để các loại vũ khí hóa học này tiếp cận nhanh vùng chiến sự nhưng vẫn đảm báo bí mật, tránh sự dòm ngó của báo chí, đơn vị 266 được trực thăng vận CH-47 đưa người lẫn “hàng hóa” lên đỉnh núi Bà Đen lưu kho tại sân bay dã chiến.
Vì sao quân đội mỹ giữ bí mật sử dụng vũ khí sinh hóa với báo chí?
Đi ngược quá khứ, vào năm 1915, quân đội đế quốc Đức đã chiến thắng bạo tàn khi sử dụng 1 loại bom hóa chất gây ngạt tấn công quân đội Pháp tại chiến trường Ypres, Bỉ. Hàng trăm binh lính Pháp bị nhiễm độc thiệt mạng.
Thấy được sự hiệu quả tàn sát địch quân của hóa chất, các quốc gia Anh, Nga, Áo, Hung, Mỹ và Italy đã chạy đua nghiên cứu và sản xuất hàng loạt vũ khí hóa học.
Một nghiên cứu đã xác định có ít nhất 124.000 tấn bom hóa học được các quốc gia sản xuất trong suốt Thế chiến I.
Năm 1918, quân đội Mỹ thành lập Đơn vị Chiến tranh Hóa học (Chemical Warfare Service).
Năm 1925 tại Hội nghị Geneva về Giám sát Vận chuyển Vũ khí Quốc tế, Pháp đã đề xuất một nghị định thư về cấm sử dụng khí độc. Ba Lan đề xuất bổ sung các vũ khí sinh học vào các điều khoản nhưng không được quan tâm. Ngày 17-6-1925, Nghị định thư Geneva ra đời, tuyên bố cấm sử dụng khí gây ngạt, khí độc trong chiến tranh, được 38 quốc gia cùng ký kết. Mỹ không ký.
Mỹ vẫn duy trì đơn vị tác chiến hóa học. Để che mắt quốc tế, vào năm 1943, quân đội Mỹ đã mở một phòng thí nghiệm vũ khí hóa học và sinh học tại Fort Detrick, Maryland để tập trung hóa công tác nghiên cứu. Đến năm 1947, quân đội Mỹ đổi tên Đơn vị Chiến tranh Hóa học thành Đơn vị nghiên cứu Hóa học (Chemical Corps) để che giấu mùi chiến tranh. Đối với công luận, đơn vị này “chỉ nghiên cứu tác hại của hóa học và vệ sinh dịch tễ trong môi trường đóng quân”.
Thật ra, bộ phận “nghiên cứu tác hại hóa học” vẫn tiếp tục phát triển và sản xuất các loại vũ khí hóa học như bom Napal, hơi cay CS và “chất khai hoang”. Bộ phận nghiên cứu sinh học thì tiếp tục nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm “virus xâm nhập”. Sản phẩm bom sinh học đã được thử nghiệm tính hiệu quả khi tung vào Triều Tiên năm 1950.
Đơn vị 266 chỉ là một trong số hàng trăm đơn vị tác chiến sinh hóa trực thuộc Chemical Corps. Một đội đặc nhiệm này thường chỉ có quân số tương đương một trung đội, được huấn luyện chiến đấu theo mô hình combat support, tức hoạt động độc lập hỗ trợ tác chiến.
Khi mở màn một chiến dịch, đơn vị sinh hóa này sẽ được không quân đón tại một kho chứa bí mật đưa vào mục tiêu.
Trước những cánh rừng trụi lá dọc dải Trường Sơn do bom hóa học tàn phá mà chính quyền Mỹ giải thích rằng, đó là chất khai hoang, các phái đoàn quốc tế vào cuộc điều tra. Trong những cuộc điều tra, các phái đoàn còn nhận thấy, không chỉ có bom hóa học tiêu diệt sinh thái mà còn có những loại bom gây ngạt CS, và các loại bom gây cháy Napal. Bức ảnh “Em bé Napal” của phóng viên Nick Ut là bằng chứng không thể chối cãi về các loại vũ khí hóa học mà Nghị định thư Geneva năm 1925 đề cập.
Cho đến tận bây giờ, trên các tảng đá lớn ở núi Bà Đen Tây Ninh vẫn còn nhiều vệt bom Napal hiện rõ dù quá khứ chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ.
Năm 1966, tại bàn tròn Liên Hợp Quốc, đại biểu Hungary đã đưa ra các bằng chứng tố cáo Mỹ đã vi phạm trắng trợn Nghị định thư Geneve 1925 tại Việt Nam. Báo chí và dư luận quốc tế đổ dồn sự quan tâm vào Mỹ. Những cánh rừng trụi lá vì bom hóa học, những làng mạc và những tử thi bốc cháy bởi bom Napal, những luồng hơi ngạt tỏa khắp các thôn xóm Nam Việt Nam thi nhau lên trang nhất các mặt báo quốc tế và các màn hình tivi. Các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam bắt đầu manh nha xuất hiện.
Richard Nixon vừa mới đắc cử Tổng thống đành phải đề xuất Thượng viện phê chuẩn ký kết Nghị định thư Geneva 1925 đồng thời hứa sẽ đảm bảo không sử dụng các loại vũ khí hóa học ở Việt Nam, trừ bom Napal. Động thái này dẫn đến việc ngày 10-4-1972, Mỹ cùng Anh và Liên Xô cùng ký một công ước về Tiêu hủy và cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí sinh học. Bổ sung cho Nghị định thư Geneva chỉ cấm vũ khí hóa học. Công ước này có hiệu lực ngày 26-3-1975, sau khi có 22 nước tham gia
Trở lại đầu câu chuyện. Đơn vị đặc biệt 266 hoàn tất việc tập kết các loại vũ khí sinh hóa đúng vào thời điểm Nixon tuyên bố giải trừ loại vũ khí này. Lúc này, những thùng bom khai hoang đã được tung hết vào các cánh rừng khu vực Trung ương Cục. Những thùng sinh học vẫn đang chờ lệnh tung vào vùng hậu cứ đối phương. Nhiệm vụ của các thùng sinh học là tạo ghẻ da cho những chiến sỹ cách mạng. Dịch ghẻ sẽ làm giảm sức chiến đấu của họ, mặt khác, những người trong căn cứ đột nhập vào vùng kiểm soát của chế độ Sài Gòn sẽ dễ bị phát hiện bởi bệnh ghẻ ngứa.
Tháng 11-1969, Richard Nixon ký quyết định hủy bỏ mọi chương trình phát triển vũ khí. Đơn vị Chemical Corps được cải hoán thành cơ quan dân sự chỉ đơn thuần nghiên cứu về an toàn sinh học và miễn dịch.
Đơn vị đặc nhiệm 266 được lệnh tiêu hủy vật chứng chiến tranh sinh hóa. Những người lính mỏi mệt vì chiến tranh nên đã tiêu hủy bằng cách địa táng.
Sau nhiều năm mưa gió, những vật chứng đó dần dà ngoi lên mặt đất tạo thành cơn dịch ghẻ ngứa cho dân lành vào năm 1976.