Nội tình cuộc điện đàm cấp cao Nga - Mỹ
Trong số những liên kết viễn thông đặc biệt nhất đó là các tuyến liên lạc giữa các tổng thống Hoa Kỳ và Nga. Đường dây nóng đầu tiên và nổi tiếng hơn hết thảy đã được thiết lập ngay từ năm 1963, nhưng trái với niềm tin đại chúng thì tuyến liên lạc này không có bộ điện thoại nhỏ mà nó là một dạng kết nối máy điện báo ghi chữ (teletype) được thể hiện thành một hệ thống thư điện tử (email) bảo mật.
Chỉ đến năm 1990, một tuyến điện thoại bảo mật tách biệt đã được thiết lập giữa điện Kremlin và Tòa Bạch Ốc, nó được tích hợp vào mạng máy tính kỹ thuật số ngay từ năm 2008. Tính năng độc đáo này cũng cho phép thực hiện các cuộc gọi video, một khả năng đã được sử dụng lần đầu tiên bởi đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cách đây hơn 2 tuần, chính xác là vào ngày 7 tháng 12 năm 2021.
Cuộc gọi video đặc biệt
Về việc này, hãng thông tấn TASS (Nga) đã đưa tin rằng “Hội nghị video đã được tổ chức thông qua một tuyến điện đàm hội nghị video bảo mật, nó được thiết kế cho các hoạt động truyền tải nội dung liên lạc giữa 2 nhà lãnh đạo thế giới, cũng như mới được dùng lần đầu tiên trong thời buổi này”, quả là một khoảnh khắc đáng nhớ mà hiếm có hãng tin nào khác trên thế giới đề cập đến.
Có thể là bởi vì các tổng thống Mỹ và Nga đã thật sự từng tham gia vào vài hội nghị video đa phương, chẳng hạn như Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở Riyadh hồi tháng 11 năm 2020, và vì thế mà cuộc gọi video song phương lần đầu tiên này cũng không chắc đặc biệt hơn? Tổng thống Joe Biden đã tham dự cuộc họp ảo ngay bên trong phòng hội nghị lớn thuộc Phòng tình huống của Nhà Trắng, đây cũng là tầng hầm thuộc chái Tây của tòa nhà.
Cùng hiện diện trong phòng hội nghị là các nhân vật quan trọng của Mỹ như cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn cao cấp về các vấn đề Nga, ông Gric Green. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc gọi video từ phòng hội nghị nằm trong lòng tòa nhà Bocharov Ruchei, vốn là cung thự mùa hè của Tổng thống Nga thuộc khu nghỉ mát Sochi bên bờ Hắc Hải.
Trong các bức ảnh và video do điện Kremlin công bố, không thấy có mặt các phụ tá hay quan chức nào khác. Một chi tiết nhỏ song khá thú vị là camera an ninh trong góc phòng hội nghị dường như bọc nhựa đen, có khả năng ngăn các nhân viên an ninh tay mơ tò mò xem hoặc nghe lén cuộc gọi video nói với Tổng thống Biden. Một chi tiết lưu tâm khác là Tổng thống Putin dường như có một nút trắng ngay trước mặt mình, có lẽ nó cũng giống cái nút ở Nhà Trắng nơi Tổng thống Mỹ có thể dùng để triệu hồi trợ lý. Dưới thời ông Trump, cái nút bấm đó có tên gọi là “Nút Diet Coke”.
Một đoạn trích ngắn do kênh truyền hình nhà nước Nga phát sóng có cảnh 2 nhà lãnh đạo chào nhau khá thân thiện: Ông Putin nói: “Tôi chào ông, ngài Tổng thống”, nhưng phía Tổng thống Biden dường như đang loay hoay với microphone của mình, và lúng túng vẫy tay chào người đồng cấp Nga trong khoảnh khắc im lặng. Vài giây sau đó, ông Biden cúi người và nhấn vào một nút bấm trên bảng điều khiển của hệ thống hội nghị thoại video (VTC). Có vẻ như quý ngài Biden đã bật micro, và đột nhiên có tiếng cười khúc khích và vẫy chào ông Putin: “Ông xem đi?” (ý giải thích cho sự lúng túng của mình).
Sau đó ông Biden bày tỏ hy vọng về một cuộc hội ngộ trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga trong tương lai, những cuộc hội đàm tiếp theo được tiến hành riêng tư. Theo tiết lộ của Nhà Trắng thì 2 nhà lãnh đạo đã điện đàm hơn 2 tiếng đồng hồ (từ 10 giờ 7 phút sáng đến 12 giờ 8 phút trưa giờ miền Đông hay từ 18 giờ 8 phút chiều tối đến 20 giờ 10 phút tối giờ Moscow).
Ông Yuri Ushakov, cố vấn đối ngoại của chính quyền Putin đã mô tả hội nghị video của ngài Tổng thống là “thẳng thắn và thiết thực”, cũng như nói thêm là trong suốt buổi hội đàm, hai nhà lãnh đạo thường xuyên pha trò. Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden thì nói rằng cuộc gặp gỡ là “bổ ích” khi đã thảo luận “trực tiếp và thẳng thắn” cũng như “không có xuề xòa”. Sau cuộc điện đàm video với Tổng thống Putin, ông Biden có cuộc điện thoại (dùng cho hội nghị?) với Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron; Thủ tướng Đức Angela Merkel; Thủ tướng Anh, Boris Johnson và Thủ tướng Ý, Mario Draghi nhằm mô tả vắn tắt về cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Nga.
Các tuyến liên lạc Mỹ - Nga
Cần lưu ý rằng ngay cả những cuộc gọi video cũng như hội đàm điện thoại giữa 2 nhà lãnh đạo Nga và Mỹ thì đều được tiến hành thông qua Đường dây nóng nổi tiếng giữa Washington và Moscow. Đường dây nóng này chính thức có tên gọi là Liên kết truyền thông trực tiếp (DCL) được thiết lập nhằm ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân, và nó chính thức dựa trên một bản ghi nhớ giữa Mỹ và Liên Xô từ ngày 20 tháng 6 năm 1963.
Trong văn hóa đại chúng, Đường dây nóng Washington-Moscow (WMH) thường được gọi chung là Điện thoại đỏ, và vì vậy mà nhiều người nghĩ rằng bộ điện thoại này có màu đỏ, song WMH không phải là tuyến điện thoại, mà nó là một sự kết nối máy điện báo ghi chữ mà đến năm 1988 đã được nâng cấp lên thành các đơn vị fax. Kể từ năm 2008, WMH là một liên kết máy tính bảo mật cao với các thông điệp được chuyển bằng email.
Tổng thống Mỹ có một cái điện thoại đỏ (không dùng liên lạc với nước ngoài) chủ yếu dùng để liên lạc nội địa. Liên lạc nhanh chóng và dễ dàng giữa Tổng thống và các chỉ huy quân sự cũng quan trọng như khi liên lạc với điện Kremlin, và hoạt động này có được kết quả cao là nhờ thông qua một mạng điện thoại quân sự bảo mật có tên gọi là Mạng chuyển mạch đỏ quốc phòng (DRSN).
Liên kết thoại trực tiếp
Trong khi Tổng thống Ronald Reagan thường viết thư cho những người đồng cấp Liên Xô, thì người kế nhiệm ông là George H.W. Bush đã có cuộc gọi đầu tiên với Tổng bí thư Mikhail Gorbachev từ ngày 23 tháng Giêng năm 1989 chỉ 3 ngày sau khi ông đắc cử tổng thống. Hành động này đã thiết lập thông lệ gọi trực tiếp với giới lãnh đạo Liên Xô và đã chứng minh rất hiệu quả.
Vì lẽ đó mà Mỹ và Liên Xô đã nhất trí ký thỏa thuận vào ngày 2 tháng 6 năm 1990 nhằm thiết lập “Liên lạc điện thoại bảo mật, trực tiếp giữa Washington và Moscow”. Thỏa thuận này cũng được nâng tầm bằng một bản ghi nhớ chung giữa Mỹ và Liên bang Nga từ ngày 15 tháng 10 năm 1999.
Tên gọi chính thức của tuyến điện thoại này là Liên kết thoại trực tiếp (DVL) và nó kết nối Nhà Trắng với văn phòng Tổng thống Nga mà buổi ban đầu là cùng thông qua liên kết vệ tinh như WMH. Nhưng trong khi WMH được thiết kế cho các liên lạc khủng hoảng cấp cao nhất thì DVL lại được dùng cho các vấn đề thông thường cũng như những cuộc gọi được lên lịch trước nhằm bố trí sẵn sàng thông dịch viên.
Đề xuất tích hợp của Nga
Từ Chỉ thị rà soát Tổng thống/ NSC 51 đã được giải mật từ ngày 28 tháng 2 năm 1995 bởi cố vấn an ninh quốc gia Anthony Lake dưới thời Tổng thống Bill Clinton, trong đó có đoạn viết: “Gần đây chính phủ Nga đã đề xuất việc nâng cấp các tuyến liên lạc liên chính phủ hiện có giữa Washington và Moscow bằng cách thiết lập một mạng kỹ thuật số bảo mật gồm những khả năng thoại, dữ liệu và hội nghị thoại.
Đáng chú ý là đề xuất từ phía Nga cho rằng sẽ tích hợp Liên kết truyền thông trực tiếp (DCL) hiện có vào DVL bảo mật, cũng như mạng truyền thông Trung tâm giảm nguy cơ hạt nhân nhằm cho phép liên lạc liên chính phủ giữa Mỹ và các Tổng thống Nga cũng như các quan chức chính phủ khác; nó cũng sẽ cung cấp khả năng triệu tập các liên lạc hội nghị liên quan với Washington, Moscow và “Các bên thứ 3”, cùng những thủ đô khác của Các quốc gia độc lập mới.
Trước đề xuất này, giám đốc cấp cao về chính sách quốc phòng của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC) đã thành lập một nhóm làm việc liên ngành nhằm “tái thẩm tra mục đích, chức năng và cấu trúc tổng thể của những mạng truyền thông trực tiếp giữa Washington và Moscow”. Tại thời điểm đó, Mỹ chưa đồng ý với đề xuất của Nga.
Hệ thống truyền thông bảo mật trực tiếp
Cuối cùng người Nga đã có được phần nào điều họ muốn bởi vì ngày 30 tháng 10 năm 2008, một thỏa thuận đã được ký nhằm thiết lập một “hệ thống truyền thông bảo mật trực tiếp giữa Mỹ và và Liên bang Nga”. Thỏa thuận này đã thay thế và loại bỏ những thỏa thuận và biên bản ghi nhớ chung trước đó về WMH (từ các năm 1963, 1971, 1984 và 1988) và DVL (từ các năm 1990 và 1999). Hệ thống mới bao gồm “thiết bị được nối mạng và mạch thông tin liên lạc, dành cho việc liên lạc khẩn cấp và không khẩn cấp giữa giới lãnh đạo cao nhất của 2 nước”.
Nhằm khiến cho hệ thống trở nên đáng tin cậy, “các mạch liên lạc sẽ đi theo những con đường đa dạng về mặt địa lý” và 2 nước nhất trí chia đều chi phí thuê các mạch liên lạc chạy bên ngoài lãnh thổ của họ. Theo thỏa thuận, Cơ quan các hệ thống thông tin quốc phòng (DISA) về phía Mỹ, cùng Cục bảo vệ liên bang (FSO) phía Nga, đã “xác định cấu hình và các thông số kỹ thuật của mạch thông tin liên lạc, cũng như các loại thiết bị mã hóa cụ thể được dùng”.
Người ta cũng nhất trí rằng “Hệ thống liên lạc bảo mật sẽ được tái trang bị và cập nhật sau mỗi 5 lần” trong khi nó cũng được dùng để chuyển thông tin được phân loại nhưng ở mức độ Mật, khi thỏa thuận chỉ đề cập đến các dấu hiệu phân loại Mật và Kín. Kể từ khi hệ thống mới đi vào hoạt động (có thể là trong năm 2009), đã có một mạng bảo mật giữa Washington và Moscow dùng cho khả năng email của WMH vốn đã cũ kỹ cũng như cho tuyến điện thoại trực tiếp giữa 2 tổng thống.
Kể từ năm 2013, mạng này cũng dùng cho “Tuyến liên lạc truyền thông thoại bảo mật trực tiếp giữa Điều phối viên an ninh mạng Mỹ và Phó thư ký hội đồng bảo an Nga khi cần phải trực tiếp xử lý một tình huống khủng hoảng từ một sự cố an ninh mạng”. Tương tự điện đàm video giữa ông Biden và Putin cũng phải được tiến hành qua Hệ thống liên lạc bảo mật trực tiếp (DSCS).
Mạng nguyên thủ quốc gia
Mạng liên lạc an toàn mới giữa Washington và Moscow có lẽ đã được tích hợp từ mạng Nguyên thủ quốc gia (HoS) trong đó Tổng thống Mỹ sẽ dùng để liên lạc với các nguyên thủ ngoại quốc. Theo ngân sách năm 2009 của Cơ quan truyền thông Nhà Trắng (WHCA) thì mạng Nguyên thủ quốc gia này được cập nhật thành mạng IP và mở rộng “khả năng mạng bổ sung”, dự án cuối cùng đã được hoàn tất trong năm tài khóa 2013.
Có thể mạng này sẽ bao gồm đường dây nóng cấp cao nhất từ mối quan hệ song phương của các quốc gia trước đây với Nhà Trắng bao gồm Nga, Anh, Đức, Ấn Độ và có lẽ cả Trung Quốc; ngoài ra những quốc gia đồng minh khác cũng được thêm vào.
Những cuộc điện đàm Tổng thống tới các nguyên thủ quốc gia khác thường do nhân viên phụ trách cấp cao (SDO) của Phòng tình huống Nhà Trắng đảm nhiệm (họ sẽ đàm phán về ngày, giờ để thực hiện liên lạc được chỉ định tại thủ đô nước ngoài, cũng như sắp xếp một thông dịch viên từ Cục Ngôn ngữ của Bộ Ngoại giao Mỹ).
Những cuộc điện thoại này không được ghi âm, nhưng sĩ quan phụ trách trong Phòng tình huống sẽ ghi lại nguyên văn những ghi chú này và đặt chúng vào trong Biên bản đàm thoại (MemCon). Đơn cử là cuộc điện đàm cuối cùng của Tổng thống George H.W. Bush và lãnh tụ Mikhail Gorbachev vào ngày 25 tháng 12 năm 1991.
Các MemCon này sẽ được lưu trữ trên Tnet, một mạng máy tính nội bộ dùng cho nhân viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ (NSC). Trong trường hợp Phòng tình huống không có liên kết cụ thể với nhà lãnh đạo nước ngoài nào đó thì cuộc gọi sẽ được thành lập thông qua cái gọi là Chuyển mạch tín hiệu được điều hành bởi các nhân viên quân sự của WHCA.
Chuyển mạch tín hiệu cũng được dùng cho tất cả những cuộc điện đàm bảo mật khác, do đó mới có chuyện loại điện thoại IST2 được dùng bởi các Tổng thống George W. Bush và Barack Obama có những cái nút tách biệt cho không chỉ Phòng tình huống mà còn cả điện đàm hội nghị Nguyên thủ quốc gia.