Nữ ca sĩ Wiera Gran: Gián điệp Gestapo hay nạn nhân của thói đố kị?

Thứ Sáu, 15/09/2023, 12:48

Nữ ca sĩ kiêm diễn viên Ba Lan nổi tiếng Wiera Gran đã mang bí mật của mình xuống mồ. Cho đến nay, người ta chưa tìm thấy bằng chứng nào xác nhận hay bác bỏ thông tin về việc bà là gián điệp của Gestapo trong những năm Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan. Vì vậy, câu hỏi: điều gì đã cứu sống bà, một phụ nữ Do Thái, cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Cư dân khu ổ chuột

Weronika Grynberg (tên thật của Wiera Gran) sinh năm 1916 tại thành phố Bialystok của Ba Lan. Bà bắt đầu sự nghiệp từ rất sớm: năm 17 tuổi, bà lấy nghệ danh là Wiera Gran và thu âm một số bài hát rất thành công. Năm 1937, phòng thu âm “Odeon Records” của Đức bắt đầu hợp tác tích cực với bà.

ảnh 2.jpg -0
Wiera Gran ở Paris năm 2003

Các buổi biểu diễn trên sân khấu của các tửu quán danh tiếng bắt đầu. Năm 1939, Wiera Gran đóng vai nữ ca sĩ Bessi trong bộ phim “Không nhà”, dựa theo vở kịch của nhà viết kịch nổi tiếng Yakov Gordin. Đây là bộ phim Ba Lan cuối cùng bằng tiếng Yiddish. Cũng vào năm đó, bà bắt đầu biểu diễn trên sân khấu tửu quán nổi tiếng "ABC" ở Paris. Wiera Gran được mệnh danh là Edith Piaf của Ba Lan. Các bài hát "Tội lỗi" và "Bức thư" của bà được nhiều người hát ở cả Ba Lan và Pháp.

Và rồi mọi thứ sụp đổ trong khoảnh khắc - Thế chiến thứ hai bùng nổ. Đức Quốc xã chiếm đóng Ba Lan.

Giống như phần lớn những người đồng bào bất hạnh của mình, Wiera Gran trở thành cư dân của khu ổ chuột ở Warsaw, nơi quân Đức giam giữ 450.000 người Do Thái. Chỉ 8% trong số họ sống sót.

Nhưng chẳng bao lâu, một thay đổi đã xảy ra với bà - vừa may mắn vừa bí ẩn: bỗng nhiên bà lại xuất hiện ở khu người Đức ở Warsaw. Và Wiera Gran lại bình thản tiếp tục biểu diễn tại các tụ điểm vui chơi giải trí ở đây. Mặc dù trong lúc đó, mẹ và hai chị gái của bà đã chết ở trại hủy diệt Treblinka.

Sau chiến tranh, những lời buộc tội khủng khiếp đã đổ xuống đầu Wiera Gran: một số nghệ sĩ tố cáo bà hợp tác với Gestapo. Trong số những người tố cáo bà có nghệ sĩ piano nổi tiếng Wladyslaw Szpilman, người đã chạy trốn bọn phát xít trong suốt thời gian Warsaw bị chiếm đóng, và may mắn sống sót. Ông để lại những hồi ức của mình, theo đó, năm 2002, đạo diễn Roman Polanski đã thực hiện bộ phim "The Pianist" (“Nghệ sĩ dương cầm”) do diễn viên Mỹ Adrien Brody thủ vai chính.

Marek Edelman, một trong những người lãnh đạo cuộc nổi dậy ở khu ổ chuột Warsaw, ngay trước khi chiến tranh kết thúc, nói rằng Wiera Gran đã hợp tác với Gestapo. Nữ ca sĩ cũng phải hứng chịu những lời buộc tội xác đáng của Irena Sendler, nhân viên xã hội người Công giáo Ba Lan đã giải cứu những đứa trẻ Do Thái khỏi khu ổ chuột và cung cấp cho chúng những giấy tờ giả chứng minh nguồn gốc Ba Lan của mình.

Bản thân Wiera Gran thì nói rằng trước chiến tranh bà quen biết Kazimierz Jezierski, một người Do Thái có ngoại hình giống người Ba Lan, đã đánh lừa quân Đức về quốc tịch của mình. Năm 1942, chính ông ta đã giúp Wiera Gran rời khỏi khu ổ chuột và giấu bà tại một ngôi làng, nói dối rằng bà là vợ mình.

Sự thật hay dối trá?

Những kẻ buộc tội nói rằng thực ra, Wiera Gran đã nhanh chóng biến mất và trốn ở ngôi làng, khi bà cảm thấy mình có thể phải trả giá đắt cho việc hợp tác với bọn phát xít và mua vui cho chúng tại quán cà phê “Mokka”, nằm ở khu “Quý tộc Aryan” của Warsaw. Vấn đề ở chỗ, hình như người phụ nữ có giọng hát trầm khàn này phát hiện ra rằng các thành viên của Quân đội Kháng chiến Ba Lan đã đưa tên bà vào danh sách những kẻ phản bội cần tiêu diệt... Theo những người buộc tội Wiera Gran, cuộc sống ở ngôi làng không ai biết địa chỉ này đã cứu bà thoát chết bởi bàn tay của những chiến sĩ đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít.

Nữ ca sĩ Wiera Gran: Gián điệp Gestapo hay nạn nhân của thói đố kị? -0
Nghệ sĩ piano Wladyslaw  Szpilman

Vào nửa sau năm 1945, tòa án nội bộ của Hiệp hội các diễn viên Ba Lan dưới sự lãnh đạo của diễn viên kiêm đạo diễn nổi tiếng Aleksander Zelwerowicz đã xét xử vụ án Wiera Gran, và tháng 12 cùng năm, tòa đã đưa ra phán quyết vô tội. Năm 1947, vụ án liên quan đến việc buộc tội Wiera Gran hợp tác với Gestapo đã được tòa án dân sự thuộc Ủy ban Trung ương người Do Thái Ba Lan xem xét. Người ta không tìm thấy những chứng cứ thực tế về sự hợp tác của bà, và cáo buộc đã bị hủy bỏ. Được mời làm nhân chứng, nghệ sĩ piano Wladyslaw Szpilman tuyên bố rằng ông chỉ nghe nói bà phản bội, chứ không thể dẫn chứng bất cứ điều gì cụ thể.

Tuy nhiên, tình hình không đơn giản như vậy: rõ ràng, người phụ nữ Do Thái không che giấu nguồn gốc của mình, hát cho bọn Đức Quốc xã và vẫn sống sót sau Holocaust (nạn diệt chủng), nói một cách nhẹ nhàng, không chỉ mua vui cho bọn phát xít mà còn làm điều gì đó lớn hơn đối với chúng. Ví dụ, bà có thể tiết lộ những địa điểm đồng bào mình trốn tránh Đức Quốc xã. Và sau đó, họ bị đưa đến phòng hơi ngạt.          

Sự nghiệp ca hát

Chiến tranh kết thúc, Wiera Gran vẫn tiếp tục phụng sự nghệ thuật ở Ba Lan như không hề có chuyện gì xảy ra. Bà biểu diễn trên nhiều sân khấu khác nhau. Sự hợp tác của bà với hãng thu âm “Odeon Records” của Đức được phục hồi.

Nhưng cũng có người cho rằng: Wiera Gran xứng đáng bị trừng trị. Phiên tòa được chuyển đến Israel, nơi hầu hết những người cáo buộc Wiera Gran làm việc cho Gestapo đã hồi hương. Năm 1952, nữ ca sĩ không còn cách nào khác là phải chuyển đến Pháp: bà không thể chịu đựng được áp lực mạnh mẽ của các nạn nhân Holocaust ở Ba Lan.  

Tuy nhiên, Wiera Gran cũng được nhiều người ủng hộ. Ví dụ, nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch Ba Lan nổi tiếng Antoni Marianowicz tuyên bố rằng Wiera Gran chỉ là một ca sĩ, và không dửng dưng với công việc từ thiện. Có bằng chứng cho thấy bà đã giúp đỡ các đồng nghiệp có hoàn cảnh kém may mắn hơn trong khu ổ chuột. Nhà thơ nổi tiếng Jerzy Jurandot, người đã trốn khỏi khu ổ chuột ngay trước khi nó bị xóa sổ, cũng tuyên bố rằng những cáo buộc chống lại Wiera Gran là không có cơ sở.

Nữ ca sĩ Wiera Gran: Gián điệp Gestapo hay nạn nhân của thói đố kị? -0
Ông Kazimierz Jezierski

Nhưng vụ án của bà thú vị ở chỗ quá trình xét xử và điều tra diễn ra công bằng và trung thực: trên quan điểm điều tra, việc một người phụ nữ Do Thái sống ở khu  “Quý tộc Aryan” của thủ đô Ba Lan không có nghĩa là bà tiếp tay cho Gestapo. Mặc dù, đối với bất cứ người bình thường nào, sự hợp tác của Wiera Gran là hoàn toàn rõ ràng.

Những lời buộc tội chống lại Wiera Gran có thể được xác nhận hoặc bác bỏ bởi một trong ba nguồn: bản thân Wiera Gran, các tài liệu của Gestapo và  Kazimierz Jezierski. Nhưng sau khi Ba Lan được giải phóng khỏi phát xít Đức, Kazimierz Jezierski trở thành nhân vật nổi tiếng trong Bộ An ninh Ba Lan. Ông đã tham gia vào vụ thảm sát những người bất đồng chính kiến. Vì vậy, chắc gì những người tham gia phiên tòa công bằng và trung thực tin ông ta.

Ở Pháp, thời kỳ đầu, sự nghiệp của Wiera diễn ra thật tuyệt vời. Người Pháp không tin Wiera Gran là kẻ tiếp tay cho Đức Quốc xã. Họ quả quyết  rằng Đức Quốc xã đơn giản là không đủ can đảm để tiêu diệt một người phụ nữ có giọng hát xúc động lòng người đến thế.

Wiera Gran được ca sĩ kiêm diễn viên Pháp nổi tiếng Maurice Chevalier bảo trợ. Nhờ sự giúp đỡ của ông, ngoài Pháp, Wiera Gran đã biểu diễn ở London và lưu diễn vòng quanh thế giới: Thụy Điển, Canada, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Mexico. Mùa hè năm 1969, bà biểu diễn tại phòng hòa nhạc Carnegie Hall ở New York, và năm sau tại Salle Pleyel, phòng hòa nhạc lớn nhất của thủ đô nước Pháp. Bà cùng biểu diễn với các ngôi sao nhạc nhẹ của Pháp như Charles Aznavour và Jacques Brel. Wiera Gran còn xuất hiện trên “Đài Tự do châu Âu” và các chương trình phát thanh của Pháp bằng tiếng Ba Lan.

Thất bại duy nhất chờ đợi Wiera Gran năm 1970 tại Israel, nơi các kẻ thù của nữ ca sĩ đã phục hồi dư luận xã hội chống lại bà. Các chuyến lưu diễn bị hủy bỏ. Sau đó, Wiera Gran đến thăm Israel nhiều lần và đưa đơn kiện những kẻ xúc phạm bà, buộc tội họ vu khống, nhưng không có kết quả gì. Vào thời điểm đó, Wiera Gran hiểu rất rõ rằng những kẻ buộc tội bà không có bất kỳ tài liệu hay bằng chứng nào về việc bà làm việc cho Đức Quốc xã. Bà thực sự không quan tâm đến thắng thua trong vụ kiện này. Điều quan trọng là bà tin vào lẽ phải của mình và khẳng định điều đó.

Lần này, những lời khai chống lại Wiera Gran cũng không dựa trên sự thật mà trên những câu chuyện vu vơ, chẳng hạn, nghệ sĩ piano Wladyslaw Szpilman vẫn chỉ nhắc lại những điều ông đã nói vào cuối những năm 1960. Trước đó, thỉnh thoảng ông cũng đệm đàn cho Wiera Gran trong các buổi biểu diễn. Sau khi ông lên tiếng buộc tội bà, họ trở thành kẻ thù của nhau suốt đời.

Năm 1980, Wiera Gran xuất bản cuốn hồi ký của mình ở Paris với nhan đề “Cuộc chạy tiếp sức của những kẻ vu khống. Tự truyện của nữ ca sĩ”. Trong cuốn sách, đến lượt mình, bà lại cáo buộc "một nghệ sĩ piano nào đó" hợp tác với Gestapo. Vào thời điểm xuất bản cuốn tự truyện, sự nghiệp của nữ ca sĩ đã bắt đầu xuống dốc: bà không còn trẻ nữa, giọng hát đã kém đi. Wiera Gran đã mệt mỏi bởi những cuộc tấn công nhằm vào bà.

Wiera Gran qua đời năm 2007 tại Pháp trong một viện dưỡng lão ở ngoại ô Paris. Bà được an táng tại nghĩa trang Do Thái. Sau khi bà qua đời, album của bà “Huyền thoại Wiera Gran” được phát hành ở Ba Lan, gồm 13 bài hát được thu âm vào năm 1965, 4 bản thu âm trước chiến tranh, và một câu chuyện dài 15 phút về một trong những ca khúc thành công nhất của bà "Vũ hội đầu tiên của nàng”, lần đầu tiên được biểu diễn ở Warsaw năm 1941.

Nhưng ngay cả sau khi bà qua đời, những ồn ào xung quanh Wiera Gran vẫn không hề lắng xuống. Năm 2010, nữ văn sĩ Ba Lan Agata Tuszynska đã xuất bản cuốn sách “Wiera Gran: người bị buộc tội”. Trong tác phẩm này, nữ văn sĩ đã tố cáo Wladyslaw Szpilman không những đã làm việc cho bọn phát xít mà do đố kị đã đưa ra những lời cáo buộc giả dối chống lại nữ ca sĩ. Vào thời điểm đó, nghệ sĩ piano này không còn sống, và con trai ông Andrzej Szpilman đã đứng lên bảo vệ bố mình. Nhưng tội lỗi của Wladyslaw Szpilman cũng không được chứng minh.

Trong số những người Wiera Gran tiếp xúc gần gũi có Jerzy Placzkiewicz, nhà nghiên cứu âm nhạc Ba Lan cực kỳ uyên bác. Nhờ ông, tên tuổi của nữ ca sĩ đã không rơi vào quên lãng. Chính Jerzy Placzkiewicz đã tải lên YouTube các ca khúc do bà thể hiện trong những năm khác nhau.

Anh Duy (Tổng hợp)
.
.