Tháng ngày bên Bác
Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ sinh năm 1924, tham gia Cách mạng từ năm 1940, khi mới 16 tuổi. Ông hoạt động trong lực lượng Công an từ năm 1953 đến khi nghỉ hưu - năm 1992. Niềm hạnh phúc lớn lao, phần thưởng lớn nhất của đời ông là được trực tiếp làm cảnh vệ bảo vệ Bác Hồ trong suốt gần 10 năm cuối đời của Bác (1960-1969).
Cho đến tận khi nhắm mắt, những kỷ niệm về Bác Hồ, với Bác Hồ vẫn sống mãi trong trái tim ông...
Ân tình của người lính miền Nam
Giữa năm 1950, theo sự phân công của Tỉnh ủy Minh Hải, người chiến sĩ Quốc gia Tự vệ cuộc Phan Văn Xoàn và một số đồng chí khác được đưa ra Bắc và sang Trung Quốc học tập, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Từ đó đến tháng 3/1953, ông đã trải qua các khóa đào tạo tại Trường Nguyễn Ái Quốc III ở Trung Quốc. Mỗi lần ông và các đồng chí khác kết thúc khóa học, về Việt Bắc, Bác đều ghé thăm, khuyên nhủ ân cần. Với một người lính, cán bộ từ miền Nam ra, vậy là mãn nguyện. Ông yên tâm đợi ngày về Nam nhận nhiệm vụ.
Nhưng, công việc như nước cuốn, chuyến về Nam của Phan Văn Xoàn cứ lần lữa mãi rồi gác hẳn lại. Tháng 10/1955, ông được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn phân qua Cục Cảnh vệ. Năm 1958, Phan Văn Xoàn cùng các đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Nguyễn Tài, Sĩ Huynh, Phạm Lê Ninh được giao trọng trách bảo vệ Bác đi thăm Ấn Độ. Suốt 8 ngày 8 đêm, Phan Văn Xoàn và Sĩ Huynh lo bảo vệ chiếc chuyên cơ chở Bác ở các sân bay. Về đến Hà Nội an toàn, Bác bảo: “Cảm ơn các chú. Chỉ hai người mà phải lo bao nhiêu việc, chắc vất vả lắm phải không?”. Rồi Bác thưởng huy hiệu của Bác cho hai người... Đó là lần đầu tiên, Phan Văn Xoàn được trực tiếp gần gũi Bác.
Năm 1960, đồng chí Phạm Lê Ninh - người trực tiếp bảo vệ Bác được cử đi học. Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn lại gọi Phan Văn Xoàn, giao thay thế trọng trách này. Xúc động ứa nước mắt, nhưng cũng lo lắng không ít. Biết được, Bác gọi ông lại, bảo: “Bác nhớ miền Nam lắm. Có chú ở đây, ngày nào cũng được thấy miền Nam, vậy là Bác vui lắm rồi”. Giản dị mà chí tình, nghe Bác nói, Phan Văn Xoàn thấy lòng ấm áp và vững tin hẳn. Từ đó đến tận ngày Bác ra đi, ông luôn được đi bên cạnh Bác. Với ông, đó là cả cuộc đời.
Trên những chặng đường cách mạng
Những chuyến công tác về địa phương của Bác được tiến hành liên tục. Bác đi đâu, đến đâu đều chuẩn bị kỹ nhưng không hề báo trước. Người giải thích đơn giản: “Bác muốn đi để thấy cảnh thật, người thật, việc thật chứ đâu muốn đi để thấy cảnh được đón tiếp?”. Làm việc xong là Bác về ngay, nếu không đi thăm các đơn vị sản xuất. Chẳng bao giờ Bác chấp nhận tiệc tùng, chiêu đãi. Bác nói: “Đi công tác thì cốt xong việc, không nên làm phiền các địa phương”.
Đoàn đi thường có 7 người, 2 ô tô. Có khi sáng sớm đã từ Hà Nội đi, làm việc ở Phúc Yên xong, thấy còn sớm, Bác bảo cho xe qua Vĩnh Phú, tranh thủ làm việc nốt. Trưa, Bác thường bảo cảnh vệ kiếm một ngọn đồi vắng, một ngôi chùa xa nào đó nghỉ ngơi, chiều tiếp tục hành trình. Bác không ăn cơm tại nhà khách các tỉnh, vì lý do: “Đất nước còn nghèo, nhân dân còn khổ, chỉ bảy người đến mà bắt người ta phải giết bò, mổ lợn thì phí phạm lắm!”. Bữa cơm trưa của Người trên đường công tác, thường chỉ có cơm nắm cắt khoanh, thức ăn khô đạm bạc. Cảnh vệ bày ra và Bác cháu cùng ăn, không hề có sự phân biệt.
Ăn cơm xong, Bác thường chọn một gốc cây to, trải nilon cuộn áo bông lên rễ cây ngủ ngon lành độ 30 phút rồi lại dậy đi tiếp. Rừng thông Phúc Yên, ngọn đồi ở Ba Vì..., đó là những nơi Bác đã nhiều lần nghỉ ngơi trên đường công tác. Bác không muốn vào nhà dân, sợ phiền phức.
Một lần, đồng chí Vũ Kỳ thấy thương Bác quá nên có chuẩn bị sẵn. Ăn cơm trưa xong, ông đem giường xếp, chăn chiên, gối bông bày ra, mời Bác nghỉ. Bác khen: “Chú Kỳ thật chu đáo. Buổi trưa mà được thế này thì còn gì bằng. Nhưng, chỉ mỗi một bộ thôi à?”. Ông Kỳ đáp: “Dạ, thưa Bác, xe chật, chúng cháu chỉ mang theo được một bộ, mời Bác nghỉ lưng cho khỏe”. Bác cười: “Tốt! Nhưng, ai chu đáo, biết lo xa thì người đó đáng được hưởng. Chú Kỳ lên đó nghỉ đi, Bác nằm nilon cũng quen rồi”.
Năn nỉ thế nào Bác cũng không nghe. “Chừng nào lo được tất cả mọi người, từ Nam đến Bắc thì Bác sẽ có chỗ của mình trong đó”, Bác bảo vậy và cương quyết bắt Vũ Kỳ phải lên giường xếp. Không biết nói sao, ông Kỳ phải nghe lời Bác. Suốt buổi trưa, ông nằm không phải ngủ mà nằm... khóc! Nhưng, cũng không dám khóc to, sợ Bác biết Bác trách...
Là cảnh vệ trực tiếp bảo vệ Bác, không ai dám lơ là, dù chỉ một phút. Dù vậy, vẫn không thể tránh hết những thiếu sót nhỏ. Bác biết, không la rầy, trách móc bao giờ, chỉ góp ý phê bình nhẹ nhàng nhưng thấu đáo. Có lần, đưa Bác đi thực tế, tắt rừng, vượt đồi nên đi bộ. Đi được một lát, phát hiện ra lạc đường, anh em cảnh vệ toát mồ hôi. Bác biết, hỏi: “Các chú nhầm đường phải không?”. Phan Văn Xoàn đành thú thật: “Dạ, thấy hơi lạ lạ”. Vừa trả lời, tim vừa đập thình thịch. Bác khoát tay: “Thôi được, Bác cũng mệt rồi. Bác nghỉ chút. Các chú đi xem lại thử”. Nghe Bác nói, anh em đều thở phào. Thái độ bình thản và gần gũi của Bác khiến tất cả đều yên tâm trở lại.
Năm nào cũng thế, dứt khoát ngày 19/5 thì lịch làm việc của Người bao giờ cũng là đi công tác tỉnh xa. Sinh nhật năm 1965, Bác cũng lên lịch đi công tác. Anh em cảnh vệ bàn nhau: “Hay ta tự tổ chức mừng sinh nhật Bác?”. Vũ Kỳ bảo: “Ta nói bên Công an Vũ trang chuẩn bị trước, đừng cho Bác biết!”. Sáng dậy, mới tinh mơ, Bác thấy Công an Vũ trang đứng bồng súng xếp hàng, chào. Người ngạc nhiên lắm, hỏi: “Ai bày ra vậy? Để làm gì?”. Ông Vũ Kỳ đành thú thật. Bác ra lệnh giải tán, rất nghiêm khắc. Sau đó, Bác gọi cả đội cảnh vệ lại, nhắc: “Vì miền Nam, chúng ta đang gắng sức mỗi người làm việc bằng hai. Các chú đừng bắt Bác trở thành một biệt lệ!”.
Bác không nói gì thêm, chỉ người có mặt nghe mà cay xé mắt.
Bác với miền Nam
Theo cảm nhận của ông Phan Văn Xoàn, có lẽ tình thương sâu nặng nhất, Bác Hồ dành trọn cho miền Nam. Cây vú sữa, tấm bản đồ miền Nam, đó là những nơi Bác có thể đối diện trầm tư trong hàng tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng, Bác cũng hay chỉ vật này, vật kia, hỏi ông: “Trong Nam gọi vật này bằng tên gì?”. Bác cũng thường bảo ông kể chuyện đánh du kích ở Bạc Liêu cho nghe và dặn: “Chú đã ra đây, phải cố gắng học tập thêm. Mai mốt thống nhất, miền Nam còn cần nhiều cán bộ”.
Vào các dịp lễ lạt, điều đầu tiên Bác nghĩ tới là đi thăm các trường con em miền Nam. Bác bảo: “Các cháu xa nhà, xa quê, mong người thân lắm. Để Bác đến thăm cho các cháu đỡ buồn”. Vậy là Bác đi, khi Vĩnh Phú, lúc Hải Phòng...
Hồi đi thăm Trung Quốc, Bác có nghỉ lại ở Nam Ninh, ghé thăm Trường Thiếu nhi miền Nam ta gửi trên đất bạn. Lúc sắp ra về, Bác bắt nhịp bài “Kết Đoàn”. Các cháu thiếu nhi biết, quây tròn lại, không cho Bác về. Các đồng chí Công an Trung Quốc lo lắm. Một cháu nhỏ lòn dưới chân mọi người tiến lại phía Bác, sờ dép, sờ áo và la lên: “Sướng quá! Tao sờ được áo Bác Hồ rồi!”. Vậy là các em nhỏ khác bắt chước, cố xô lại, cố chạm tay vào Bác. Cảnh vệ hốt hoảng ngăn lại. Bác khoát tay cười: “Đừng. Các cháu đánh du kích ta đó!” và xoa đầu từng em một. Hồi lâu, thấy Bác đã mệt, các em bảo nhau tự động giãn ra để Bác về nghỉ.
Năm 1960, ông Nguyễn Văn Hiếu và nhà thơ Thanh Hải được đi trong đoàn đại biểu đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam ra thăm Bác. Bác bảo phục vụ chuẩn bị ở vườn hoa sau Phủ Chủ tịch để Bác tiếp khách, ngay dưới giàn hoa giấy. Ông Hiếu đem theo một chiếc lọ hoa bằng vỏ đạn kính tặng Bác, nói: “Nhân dân miền Nam luôn hướng về Bác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ!”. Cùng tiếp đoàn với Bác có Thủ tướng Phạm Văn Đồng và ông Xuân Thủy. Ông Xuân Thủy hỏi: “Thưa, Bác có quà gì tặng Miền Nam không ạ?”. Bác im lặng một lúc, rồi đưa tay chỉ phía trái tim: “Quà tặng miền Nam, Bác chỉ có cái này!”.
Mọi người xúc động, òa khóc nức nở. Riêng Phan Văn Xoàn đã ở cạnh Bác nhiều ngày nên càng hiểu, càng xúc động, càng khóc nhiều hơn.
Giản dị và vĩ đại
Năm 1960, Bác đi thăm đoàn văn công đóng ở Cầu Giấy. Khi Bác đang đi bộ ra xe để trở về, có một người đột ngột xô ra, ôm chầm lấy Bác. Cảnh vệ hốt hoảng, vội xô lại, bắt được người này. Khám người không thấy vũ khí, cũng chẳng có gì khả nghi, định cho giải đi. Bác hỏi thăm, anh ta trả lời: “Thưa Bác, cháu tên là Sún, cán bộ Quốc gia Tự vệ cuộc tỉnh Bạc Liêu, được phân công công tác ở Trường Nguyễn Ái Quốc. Cháu nghe tin Bác đến, mãi mà không sao đến gần được, đành phải làm liều, mong Bác tha lỗi”.
Bác nghe xong, không trách giận gì. Nhưng, đêm đó anh em cảnh vệ đều biết là Người không ngủ được.
Một lần khác đi công tác ở Hòa Bình. Trưa, mấy Bác cháu lên đồi thông nghỉ ngơi cơm nước. Anh em cảnh vệ nghe thấy nhiều tiếng chân lội bì bõm dưới ruộng nhưng lại không thấy người. Xuống kiểm tra, họ phát hiện 4 đứa bé. Chúng bảo là đi xúc tép, nhưng không thấy đứa nào mang theo giỏ, hom gì cả. Bác khuyến khích: “Các cháu nói thật đi, đi đâu giữa trưa nắng thế này?”. Thấy Bác hiền từ, không la mắng, bọn trẻ mạnh dạn thưa: “Thưa Bác, chúng cháu thấy Bác ở trên này nhưng không dám lại gần nên núp dưới bóng lúa trông lên để nhìn Bác cho thỏa ạ!”.
Cả đoàn xúc động, ngơ ngác. Bác bảo: “Có bao nhiêu bạn, gọi hết lên đây ngồi chơi với Bác. Nào!”.
Chưa kịp gọi, bọn trẻ đang nằm dưới ruộng đã đồng loạt đứng lên, áo quần đứa nào cũng bê bết bùn nước. Bác bảo bọn trẻ xếp vòng tròn, suốt trưa Bác cháu cùng ngồi ca hát vui vẻ.
Hồi đi thăm Ấn Độ, cảnh vệ Phan Văn Xoàn bàn với đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác: “Ở trong nước, Bác đi dép cao su cũng được, nhưng ra nước ngoài e không tiện. Hay ta giấu dép Bác đi?”. Ông Vũ Kỳ băn khoăn: “Lỡ Bác không đồng ý thì sao?”. Phan Văn Xoàn tính: “Ta cứ cất sẵn, Bác hỏi thì đưa, không hỏi thì thôi”.
Quả là Bác chịu đi giày thật. Nhưng, khi lên máy bay, Bác lại hỏi dép, ông Vũ Kỳ đành đưa ra. Bác bảo: “Bác quen rồi”. Và, Bác tháo giày đi dép. Báo chí Ấn Độ biết chi tiết này, khai thác và đăng khá nhiều nơi. Mọi người cảm động lắm.
Một bữa, có vợ chồng ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ấn Độ xin được gặp Bác. Bác đồng ý. Thấy Bác vẫn đi dép cao su, ông Bộ trưởng nói: “Nghe nói nhiều về sự giản dị của Người, nay mới được chứng kiến tận mắt, quả là đáng cho mọi người noi theo...”.
Tại Ấn Độ, Bác và đoàn có đi thăm mộ Mahatma Gandhi. Tục lệ vào đền là bỏ dép nhưng lễ tân nước bạn nhắc trước là Bác Hồ thì cứ đi dép vào, không cần theo lệ. Bác không đồng ý, vẫn lặng lẽ bỏ dép trước lúc vào đền. Ngay lập tức, hàng trăm dân chúng, phóng viên xông vào, muốn giành giật đôi dép của Người. Lực lượng bảo vệ không ngăn nổi. Phan Văn Xoàn vội vã quay trở lại, vừa cố bảo vệ đôi dép của Bác, vừa cố gắng giải thích là Bác Hồ chỉ quen đi dép cao su mà không quen đi các loại giày dép khác. Đến lúc đó, trật tự mới được vãn hồi. Dân chúng lặng lẽ xếp hàng đến đặt tay lên đôi dép của Người một cách kính cẩn. Hàng trăm máy ảnh, máy quay phim đã ghi lại cảnh này...
Mười năm bên Bác, cả một cuộc đời. Kỷ niệm về Người trong lòng ông Phan Văn Xoàn nhiều không kể hết. Với chúng tôi, ông bảo: “Tôi chỉ muốn nhắc lại một vài kỷ niệm về Bác mà báo chí, sách vở còn ít nhắc...”. Về hưu, những tháng ngày cuối đời, học tập tấm gương của Bác, ông Phan Văn Xoàn vẫn không ngừng làm việc. Dù Bác đi xa đã mấy mươi năm, nhưng hình ảnh vĩ đại mà gần gũi, bao la mà giản dị của Người vẫn sống mãi trong lòng ông. Với ông, sự vĩ đại của Bác Hồ không phải là những gì xa xôi được thần thánh hóa. Bác vĩ đại, lòng Bác bao la vì ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ việc gì, Bác cũng giống một người bình thường, giản dị, chan hòa... Với nhân loại, với cuộc đời thường, Bác của chúng ta không hề có khoảng cách...