Theoneste Bagosora - “Đại tướng diệt vong” của  Rwanda

Chủ Nhật, 10/10/2021, 21:38

Ngày 25-9-2021, Theoneste Bagosora, kẻ độc tài đứng đằng sau cuộc diệt chủng kéo dài 100 ngày năm 1994 cướp đi mạng sống của hơn 800.000 người dân tộc Tutsis tại quốc gia Rwanda, đã chết tại bệnh viện tỉnh Bamako ở tuổi 80.

Sau hàng thập niên hủy hoại chính đất nước của mình, kẻ có biệt danh “đại tướng diệt vong” bị bắt giữ và bị Tòa án Quốc tế Liên hợp quốc tuyên án tù chung thân năm 1994, nhưng năm 2011 được giảm án xuống 35 năm tù. Ở tuổi 80, sức khoẻ của hắn sa sút trầm trọng và hắn được cho phép điều trị ở một bệnh viện hiếm hoi đồng ý chăm sóc những tội phạm chiến tranh và chết ở đây.

a1.jpeg -0
Theoneste Bagosora.

Âm mưu thâm độc của vị tướng tộc Hutu

Théoneste Bagosora sinh ngày 16-8-1941 trong một gia đình Cơ đốc giáo ở Giciye, Rwanda. Sau khi tốt nghiệp trường đào tạo sĩ quan Kigali năm 1964, Bagosora tiếp tục được đào tạo quân sự ở Pháp và Bỉ.

Trước năm 1994, Bagosora công tác  ở Bộ Quốc phòng Rwanda. Nhờ mối quan hệ gần gũi với Thủ tướng Juvenal Habyarimana nên Bagosora luôn ở trên đỉnh cao quyền lực. 

Đầu thập niên 1990, Rwanda lâm vào cảnh hỗn loạn khi phải đối đầu lực lượng nổi dậy tộc Tutsi là đảng RPF - bao gồm những người Tutsi đã bị lưu đày đến Uganda nhiều năm trước. Tướng Bagosora là thành viên nhóm Akazu - một mạng lưới tộc Hutu cực đoan bắt nguồn từ phía Tây Bắc Rwanda và có mối liên hệ mật thiết với đệ nhất phu nhân. Nhóm Akazu củng cố tài sản và quyền lực qua những hoạt động phi pháp như buôn bán vũ khí và ma tuý, nhưng trên hết, chúng có tư tưởng bài trừ tộc Tutsi rõ ràng, do mặc dù chiếm khoảng 15% tổng dân số, tộc người này đã thống trị đất nước về mặt chính trị trong nhiều thập niên trước đó, đặc biệt là sau khi chính phủ Bỉ trao trả độc lập cho Rwanda vào năm 1962. 

a2.jpeg -0
Thủ tướng Juvenal Habyarimana bị ám sát năm 1994.

Cùng với một số tay sai thân cận, Bagosora thành lập một lực lượng vũ trang tên Interahamwe - có nghĩa là “Những người chiến hữu” - để lan truyền tư tưởng của chúng. Tiếp theo, nhóm Interahamwe triển khai một chiến dịch bôi nhọ lòng yêu nước của những người Tutsi không bị lưu đày sang Uganda mà được phép ở lại Rwanda sinh sống. Chúng cho  đăng tải bộ “10 điều răn Hutu” trên hàng loạt tờ báo cả nước, yêu cầu tộc Hutu phải “không được thương xót và đồng lòng chống lại kẻ thù chung Tutsi”  và cho rằng tộc người này đang âm mưu theo đuổi chủ nghĩa thượng đẳng.

Tiếp theo, Interahamwe khẳng định Rwanda nên phòng trừ tai họa bằng cách tước quyền được nhập ngũ và làm việc cho chính phủ của người Tutsi. Cuối cùng, Bagosora ra lệnh thành lập một đài phát thanh để ngày ngày công khai hạ nhục người Tutsi, gọi họ là quỷ dữ hoặc kẻ thù và bằng cách đó, gây ra hàng loạt vụ thảm sát trên toàn quốc nhắm vào dân tộc này vào đầu thập niên 1990.

Những vụ ám sát đẫm máu

Năm 1992, Bagosora chỉ thị cho các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng nêu tên của những kẻ được cho là “kẻ thù của Rwanda” và "đồng bọn" của họ. Danh sách bao gồm các chính trị gia Hutu ôn hòa, những người muốn có một thỏa thuận thương lượng với đảng RPF, và nhiều người Tutsis có tiếng nói. Một bản sao của danh sách này về sau đã được tìm thấy trong xe của một sĩ quan quân đội thiệt mạng trong một vụ va chạm xe hơi.

Một năm sau, Bộ trưởng Quốc phòng James Gasana đã cố gắng giải giáp lực lượng dân quân nhưng sau khi bị Bagosora dọa trừ khử, ông đã đưa cả gia đình chạy trốn đến Ý. Bagosora lập tức đưa tay sai Augustin Bizimana lên thay ông Gasana và Bizimana đã nhiệt tình tiến hành vũ trang cho nhóm Interahawe.

Đầu tháng 4-1994, đại tá người Bỉ Luc Marshal, một nhân viên Liên hợp quốc ở Kigali, đã báo cáo rằng Bagosora bày tỏ với ông cách duy nhất để giải quyết các vấn đề của Rwanda là tận diệt tộc Tutsis. Chỉ vài ngày sau đó, Bagosora đã khởi động kế hoạch tàn độc của mình khi phát hiện ra Thủ tướng Juvenal Habyarimana có kế hoạch bay tới Tanzania để kí kết thỏa thuận công nhận đảng RPF và sát nhập lực lượng nổi dậy vào quân đội Chính phủ Rwanda.

Nếu thỏa thuận được kí kết thành công, vị tướng này sẽ mất nhà cửa, công việc, vị trí của mình. Bên cạnh đó, hắn cần một sự kiện gây chấn động để kích động nhân dân và khơi dậy cơn khát máu trên toàn quốc, vậy là để “một công đôi việc”, hắn quyết định ám sát ông Habyarimana - vị lãnh tụ được nhân dân Rwanda vô cùng yêu quý.

a4.jpeg -0
Người dân Rwanda chạy trốn khỏi đất nước trong cuộc diệt chủng năm 1994.

Ngày 6-4-1994, Bagosora ra lệnh sử dụng 2 tên lửa đất đối không để bắn hạ phi cơ riêng của Thủ tướng Juvénal Habyarimana, sau đó hắn tiếp tục ám sát vị tướng tộc Burundi Cyprien Ntayamira.

Bagosora, vốn từng là cánh tay phải trung thành nhất của vị thủ tướng quá cố, đã ngay lập tức đổ tội cho tộc Tutsis nhằm gây chia rẽ đất nước và biến tộc người này thành những kẻ tội đồ. Tuy nhiên, không mấy ai tin chuyện này bởi Bagosora là một trong rất ít người biết rõ lịch trình của ông Habyarimana và ông Ntayamira, đồng thời hắn cũng khăng khăng yêu cầu lực lượng không quân quốc gia phải trang bị tên lửa đất đối không vài tháng trước. Cho dù không thuyết phục được ai, cái chết của Thủ tướng và Tổng tư lệnh quân đội đã cho phép Bagosora thâu tóm toàn bộ chính quyền để thực hiện những mưu đồ đẫm máu của mình.

Chỉ 14 tiếng sau, Bagosora đã lên kế hoạch ám sát người kế nhiệm ông Habyarimana là bà Agathe Uwilingiyimana.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Pháp vào đêm Thủ tướng Habyarimana bị ám sát, bà Uwilingiyimana khẳng định chính phủ đang cấp tốc tiến hành điều tra vụ ám sát. Tuy nhiên, bà cũng cho biết tư dinh của mình đang bị vây hãm, dân thường đang bị tra tấn và giết hại, và cả đất nước Rwanda đang phải chịu hậu quả của từ cái chết của thủ tướng.

Lo ngại cho sự an nguy của bà, 3h sáng ngày 7-4-1994, lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc cử 10 binh lính Bỉ và 5 binh lính Ghana đến bảo vệ gia đình nữ thủ tướng và dự định sẽ hộ tống bà đến đài phát thanh quốc gia do bà Uwilingiyimana có mong muốn đưa ra bài phát biểu trấn an nhân dân sau thảm kịch. Chính phủ Rwanda cử thêm 5 lính thuộc đội cận vệ của thủ tướng, nhưng vào khoảng 6h55 đến 7h15 sáng, 5 người lính này đã sát hại toàn bộ lực lượng Liên hợp quốc. Sau khi chứng kiến vụ tra tấn và thảm sát dã man nói trên, gia đình bà Uwilingiyimana đã ẩn náu trong khu nhà ở của tình nguyện viên Liên hợp quốc ở Kigali vào 8 giờ sáng. Các nhân chứng kể lại rằng binh lính Rwanda đã đột nhập vào khu nhà ở lúc 10 giờ sáng 7-4-1994, hai vợ chồng nữ thủ tướng đã buộc phải nộp mạng để bảo vệ 5 người con. Các con của ông bà đã được Liên hợp quốc giải cứu kịp thời và được đưa sang Thụy Sĩ sinh sống.

Vụ thảm sát 10 người lính quốc tịch Bỉ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khiến chính phủ nước này lập tức rút 400 lính khỏi Rwanda và nhờ vào đó, Bagosora ngay lập tức tiến hành những bước đầu của âm mưu diệt chủng mà không sợ bị ngăn cản bởi những người lính có thể nói là tinh nhuệ nhất trong lực lượng Liên hợp quốc lúc bấy giờ.

Cuộc diệt chủng kéo dài 100 ngày

Bagosora sau đó tuyên bố mình là nhà lãnh đạo của Rwanda với tư cách là người đứng đầu một “Ủy ban An toàn Công cộng” mới, tuy nhiên thực chất “ủy ban” này là một nhóm khủng bố được sử dụng để săn lùng người Tutsi. Các thành viên của lực lượng dân quân thanh niên Interahamwe đã công khai hành hình “kẻ thù” và thậm chí cả những người Hutu ôn hòa “dám” đứng lên ngăn chặn vụ thảm sát. Một số người đàn ông Hutu đã bị buộc phải hạ sát những người vợ Tutsi của mình để được toàn mạng. Chỉ trong 100 ngày, 800.000 người đã bỏ mạng.

Năm 1999, nhà sử học và nhà hoạt động nhân quyền Alison Des Forges, một chuyên gia về lịch sử và chính trị châu Phi, đã xuất bản cuốn sách 800 trang “Không để ai sống mà kể lại những gì đã xảy ra”. Theo bà Alison, tiêu đề quyển sách chính là lời Bagosora và các thủ lĩnh Hutu khác đã nói với người của họ trước những đợt tàn sát.

Theo bà, không chỉ tay sai của Bagosora đã xuống tay với người tộc Tutsi mà hàng trăm nghìn người dân Rwanda bình thường đã chọn tham gia vào cuộc diệt chủng một cách miễn cưỡng do lo sợ bị trừ khử.

Des Forges đã khởi động một chiến dịch quy mô kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền quốc tế bắt giữ Bagosora vì những tội ác chống lại nhân loại của hắn, và những nỗ lực của bà đã góp phần rất lớn vào công cuộc xét xử và kết án tên độc tài.

Cái kết của kẻ độc tài

Cuộc thảm sát năm 1994 đi đến hồi kết sau khi Mặt trận Ái quốc Rwanda do Uganda hậu thuẫn tràn vào Kigali, giết hại người Hutu để trả thù. Lo sợ phải bỏ mạng dưới tay Mặt trận Ái quốc Rwanda, Bagosora lẩn trốn ở Congo và sau đó bị bắt giữ tại Cameroon năm 1996.

Sáu năm sau, Bagosora bị Tòa án Hình sự Quốc tế Rwanda (ICTR) xét xử và kết tội diệt chủng tại Tanzania, rồi bị chuyển đến một nhà tù đặc biệt ở Koulikoro dành cho những tên độc tài thất thế.

Trong phiên tòa xét xử năm 2002, Bagosora khẳng định mình là "nạn nhân của âm mưu bôi nhọ thâm độc", phủ nhận mọi liên quan trực tiếp đến nạn diệt chủng năm 1994 và kêu gọi thẩm phán Tòa án giúp hắn tái hoà nhập trở lại xã hội.

Khoảnh khắc đáng chú ý nhất của phiên tòa năm 2004 là khi vị tướng Canada Romeo Dallaire, người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào năm 1994, “tái ngộ” Bagosora với tư cách là nhân chứng truy tố hắn.

Ông Dallaire tường thuật lại khoảnh khắc mình đi ngang qua Bagosora tại sảnh của khách sạn Diplomat ở Kigali ngay trước khi những vụ thảm sát bắt đầu và bị Bagosora dọa giết.

Trong cuốn hồi ký năm 2003 của mình mang tựa đề “Thỏa thuận với quỷ dữ”, Dallaire viết rằng, sau khi được triệu tập để gặp Bagosora và các thủ lĩnh dân quân thanh niên, ông đã tháo đạn ra khỏi khẩu súng lục của mình và bỏ lại súng trong xe để “đề phòng trường hợp khao khát tiêu diệt chúng quá mãnh liệt” .

Huyền Thi
.
.