Kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021):

Thiêng liêng hát khúc khải hoàn

Chủ Nhật, 10/10/2021, 12:54

Trong đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô mùa thu năm 1954, có một thiếu nữ Hà Nội mảnh mai đã từng mang lời ca tiếng hát của mình đi khắp chiến khu để động viên quân dân trường kỳ kháng chiến.

Ban mai rạng rỡ của ngày 10 tháng 10 năm ấy như báo hiệu hừng đông chói sáng của đất nước và vận mệnh dân tộc, chiếu rọi trên gương mặt những người con gái, con trai yêu nước phơi phới về tiếp quản Thủ đô.

"Ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi"

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cổ nép dưới tán cây xà cừ ở phố Tôn Thất Thiệp, Thượng tá, NSƯT Trần Ngà, nguyên Biên tập viên âm nhạc của Điện ảnh Quân đội Nhân dân vẫn giữ được vẻ đẹp thanh lịch của thiếu nữ Tràng An năm nào. Chỉ cho tôi xem cô gái có gương mặt bầu bĩnh ngồi trên chiếc xe thứ hai tham gia diễu binh qua 36 phố phường Hà Nội sau chiếc xe dẫn đường của Sư đoàn 308 được ghi lại qua tấm ảnh đen trắng, bà bảo: “85 năm cuộc đời đã trôi qua với biết bao vui buồn và những ký ức tuyệt vời, nhưng có lẽ ngày hôm ấy là ngày tôi cảm thấy hạnh phúc nhất, là ngày ý nghĩa nhất đối với tôi”.

Thiêng liêng hát khúc khải hoàn -0
Lễ chào cờ chiều ngày 10 tháng 10 tại sân vận động Cột Cờ (nay là Hoàng thành Thăng Long)

Theo dòng hoài niệm của bà, tôi như thấy lại người con gái năm xưa rời bỏ trường nữ sinh để lên Chiến khu Việt Bắc và tham gia đoàn văn công của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Cô gái xinh xẻo có giọng hát vút cao ấy đã không quản ngại khó khăn vượt núi, băng rừng từ chiến khu lên lòng chảo Điện Biên để biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội. Suốt những năm tháng ấy, núi đồi, hầm hào, ụ pháo là sân khấu, lửa nhiệt tình cách mạng làm ánh sáng, Trần Ngà đã cùng các chiến sĩ Điện Biên làm nên một chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Kháng chiến thành công, bộ đội, dân công và nhân dân Tây Bắc, Việt Bắc vô cùng phấn khởi. Ai nấy đều rộn ràng chờ ngày về tiếp quản quê hương, đoàn tụ với gia đình. Tiếp đó, trong buổi tiệc chiêu đãi Hoàng thân Su-va-nu-vong và Hoàng thân Si-ha-nuk trước khi đại diện ba nước Đông Dương tham dự Hội nghị Geneva, NSƯT Trần Ngà cũng được tham gia biểu diễn văn nghệ chào mừng. Đó cũng là lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ.

Khi chính thức có lệnh tiếp quản, Đoàn văn công Tổng cục Chính trị được chia thành 3 đội, một đội có nhiệm vụ đón đồng bào miền Nam, một đội đi biểu diễn lưu động tại các tỉnh lân cận và một đội theo đoàn quân về biểu diễn phục vụ nhân dân Hà Nội. Khi được giao nhiệm vụ trở về tiếp quản Thủ đô, đội văn công của NSƯT Trần Ngà được quán triệt rất rõ là phải giữ nghiêm quân lệnh, không được cầm bất cứ thứ gì của người dân dù chỉ là một bình nước; khi gặp mặt người thân cũng phải bình tĩnh không được vồ vập mừng vui. Sáng sớm ngày 9 tháng 9, xe xuất phát từ Việt Bắc, trên xe còn có nhiều anh chị em nghệ sĩ khác. Đường về trở nên thật gần vì lòng người náo nức, họ tập các ca khúc Hò kéo pháo, Giải phóng Điện Biên say sưa để có thể về Hà Nội hát cho đồng bào nghe. Nhân dân đổ ra dọc đường chào đón rất đông.

 
Thiêng liêng hát khúc khải hoàn -0
Thượng tá, NSƯT Trần Ngà (bìa trái, hàng dưới cùng) biểu diễn cùng dàn đồng ca tại Nhà hát lớn thành phố, ra mắt lãnh đạo và nhân dân thủ đô với bài hát “Chiến thắng Điện Biên”. (ảnh do nhân vật cung cấp).

Ấn tượng đầu tiên của NSƯT Trần Ngà sau bao năm rời xa Hà Nội là khi trời đã tối, xe ngang qua đường Hoàng Diệu, lần đầu tiên những chiến sĩ từ chiến khu về được nhìn thấy ánh điện le lói từ cửa hàng cắt tóc. Đêm ấy ngủ trong Hoàng thành, họ thao thức không ngủ, chỉ mong buổi lễ ngày hôm sau diễn ra thuận lợi và được trở về thăm gia đình thân yêu sau bao năm xa cách.

Sáng ngày 10 tháng 10, NSƯT Trần Ngà được phân công ngồi trên chiếc xe thứ hai, sau chiếc xe dẫn đầu của Sư đoàn 380 được tham gia đội duyệt binh. Không khí buổi lễ hôm ấy khiến lòng người như bay lên cùng sông núi, hòa theo lời ca, tiếng đàn tươi vui, phấn khởi. Đứng trên xe, cạnh nhạc sĩ Phong Nhã, NSƯT Trần Ngà đã say sưa hát và vẫy tay chào nhân dân Thủ đô. Trong dòng người đứng hai bên đường, bà đã nhìn thấy bố mẹ mình đang cầm hoa vẫy mà trào dâng nước mắt.

Và khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với cô văn công bé nhỏ ngày ấy là lần đầu tiên được đứng trên sân khấu lớn, đèn hoa rạng rỡ của Nhà hát Lớn Hà Nội để ca vang những bài ca cách mạng hào hùng về giải phóng Điện Biên, về Bác Hồ và cách mạng Việt Nam. NSƯT Trần Ngà chia sẻ: “Tôi vốn dĩ đã quen với sân khấu nhỏ được trải bằng chiếu trên chiến khu hay giữa trận địa, nên đứng từ hậu đài nhìn ra sân khấu lớn mà run. Sau tiết mục của mình, vào phía trong, được mọi người chúc mừng mà không thôi hồi hộp”.

Sáng hôm sau, bà đã chạy như bay về thăm nhà, sà vào vòng tay yêu thương của bố mẹ. Phút giây đoàn viên của gia đình sau ngày đoàn viên của dân tộc cũng thiêng liêng và xúc động vô cùng. Rồi những ngày sau đó, là niềm vui được sống trong tình yêu thương của nhân dân Thủ đô khi đến biểu diễn văn nghệ tại các quận, huyện. “Tôi nhớ mãi lần đầu tiên chúng tôi nhảy điệu múa sạp dân gian của đồng bào Thái Tây Bắc ở ga tàu điện trên Bờ hồ Hoàn Kiếm, nhân dân vỗ tay nhiệt liệt và khen là “bộ đội gái xinh xắn, hát hay, múa dẻo” khiến chúng tôi phấn khởi, biểu diễn không thấy mệt” - NSƯT Trần Ngà nhớ lại.

Niềm vui khi trở về tiếp quản quê hương

Chúng tôi gặp một lão thành cách mạng, ông Nguyễn Hải Hào, 91 tuổi, cựu sỹ quan pháo binh khi cụ cùng các đội viên Đội Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu bận rộn chuẩn bị hồ sơ đề nghị Chính phủ phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp. Dáng người cao đẹp, gương mặt phúc hậu và giọng nói thanh thoát của bậc lão niên từng tham gia Cách mạng Tháng 8, đánh chiếm Đại lý Hoàn Long (cách gọi chính quyền ngoại thành Hà Nội) và cầm súng đứng chặn xe tăng Nhật trước cửa Trại Bảo an binh ở phố Hàng Bài đã gợi cho chúng tôi những hình dung rõ nét về thời kỳ hào hùng ấy.

Thiêng liêng hát khúc khải hoàn -0
Thượng tá, NSưT Trần Ngà xem lại những bức ảnh kỷ niệm khi về tiếp quản Hà Nội

Cha và anh của ông Nguyễn Hải Hào đều tham gia Cách mạng. Căn nhà của  ông  ở làng Giáp Nhất (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) là nơi nuôi giấu cán bộ, là nơi cán bộ Thành ủy về bắt liên lạc, chỉ đạo, xây dựng lực lượng Thanh niên Cứu quốc vùng ngoại thành. Từ khi 10 tuổi, ông Hào đã trở thành liên lạc viên và đưa các chú, các anh đến mọi khu phố để dán truyền đơn, kẻ khẩu hiệu và gặp gỡ các nhân sĩ, trí thức yêu nước trong vùng. Ngày 18-8-1945, nhà ông Hào được chọn làm địa điểm tổ chức họp triển khai kế hoạch khởi nghĩa vùng ngoại thành Hà Nội, cậu bé Hào ngày ấy được giao nhiệm vụ đạp xe đi triệu tập các đầu mối để họp nhận lệnh Tổng khởi nghĩa.

Cuộc đấu tranh giành chính quyền ở ngoại thành Hà Nội thắng lợi, đoàn người từ Thanh Xuân kéo về trung tâm thành phố. Cậu bé Hào đi trong đoàn người ấy, tay ôm  khẩu súng mới cướp được ở Đại lý Hoàn Long đi dưới lá cờ đỏ sao vàng rồi tất cả tập hợp trước Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh. “Ủng hộ Việt Minh”, “Chính quyền nhân dân cách mạng”, “Cách mạng thành công muôn năm”... muôn người cùng hô vang thể hiện quyết tâm giành lại độc lập dân tộc.  Đại diện Ủy ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng của thủ đô.

Toàn quốc kháng chiến, ông Nguyễn Hải Hào đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ Thủ đô. Tiếp đó, ông cùng đơn vị rút quân qua cầu Long Biên, lên chiến khu tiếp tục kháng chiến và kinh qua nhiều trận đánh làm kinh hồn giặc Pháp. Năm 1954, người đội viên cứu quốc Thành Hoàng Diệu này cũng đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò là một chiến sĩ pháo binh.

Thiêng liêng hát khúc khải hoàn -0
Ông Nguyễn Hải Hào bên tấm biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến đặt tại căn nhà của gia đình

Khi cờ Tổ quốc bay trên nóc hầm Đờ Cát, cũng là lúc chàng trai ngoại thành Hà Nội ấy vừa tròn 22 tuổi đời, theo đoàn quân chiến thắng của Trung đoàn 45 (nay là Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh) xuôi về đóng quân tại Sơn Tây.

Và người sỹ quan pháo binh Nguyễn Hải Hào đã có những ký ức tuyệt vời về khoảnh khắc trở về quê hương vào ngày 10 tháng 10 năm 1954. Ông kể: “Đầu tháng 10, chúng tôi được lệnh chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô nên cán bộ chiến sĩ trung đoàn ai cũng rất vui khi có được vinh dự ấy. Cá nhân tôi càng mong chờ hơn bởi mình là người Hà Nội, đi theo kháng chiến suốt 9 năm chưa quay về quê hương. Sáng hôm ấy, chúng tôi hành quân từ nơi đóng quân về sân bay Bạch Mai.

Trên các ngả đường đoàn quân đi qua, nhân dân Hà Nội cầm cờ, hoa, hát vang, hô khẩu hiệu mừng Thủ đô sạch bóng quân thù. Người dân Hà Nội vô cùng yêu quý bộ đội đã đổ ra đường chào đón chúng tôi và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Hồi ấy tôi còn rất trẻ, theo các anh lớn tuổi đi dựng lán trại đóng quân ở khu vực Bạch Mai. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ bầu trời Hà Nội trước sự tấn công của kẻ thù từ trên cao”.

Chiều 10-10-1954, lễ chào cờ lịch sử đã diễn ra tại sân vận động Cột Cờ (nay là Hoàng thành Thăng Long). Cùng với các đơn vị bộ binh thuộc Đại đoàn 308, Đại đoàn 304, các đơn vị cơ giới và pháo binh của ông Nguyễn Hải Hào được tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh tham dự lễ chào cờ. Các chiến sĩ xếp hàng thẳng tắp, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe. Nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt, đứng vòng trong vòng ngoài, chật kín cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ).

“Đúng 15 giờ, còi từ Nhà hát Lớn vang lên, chúng tôi đứng nghiêm hướng về phía kỳ đài. Không gian như lắng đọng giây lát rồi lại bừng lên tiếng hát của bài “Tiến quân ca” hùng tráng. Tiếng ca từ dưới chân Cột Cờ vang xa rồi lan tỏa dần đến các xóm phố, người dân Hà Nội ở nội thành đứng nghiêm tại chính nhà mình để hát theo. Bài hát ấy tôi đã hát nhiều lần, nhưng nay được hát trong ngày khải hoàn trên quê hương mình mới thiêng liêng làm sao” - ông Nguyễn Hải Hào chia sẻ. 

Với ông, đó là phút giây đặc biệt không thể nào quên, bởi hơn ai hết, ông là người đã góp sức giành chính quyền về tay cách mạng, đã từng “sống chết với thủ đô để bảo vệ Hà Nội từ ngày đầu toàn quốc kháng chiến và hôm nay được trở về trong tư thế của những người chiến thắng.

Những ngày tháng sau này, ông Nguyễn Hải Hào cũng đã tiếp tục chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong kháng chiến chống Mỹ cho đến khi hòa bình lập lại.

Phạm Vân Anh
.
.