Triều Nguyễn trong quan hệ với láng giềng

Thứ Hai, 11/11/2024, 08:29

Năm 1838, vua Minh Mạng cho đổi quốc hiệu là Đại Nam, với ý nghĩa nước Nam lớn mạnh. Đằng sau danh xưng đầy kiêu hãnh và tự hào đó, triều Nguyễn đã có chiến lược ngoại giao đáng chú ý nào đối với láng giềng?

Chuyện đổi quốc hiệu

Vua triều Nguyễn cho sự thể bang giao là một việc quan trọng. Sách Đại Nam thực lục chép, năm Gia Long thứ nhất (1802), vua lấy Tham tri Bộ Binh Lê Quang Định làm Thượng thư Bộ Binh, sung Chánh sứ sang nước Thanh… Vua hạ lệnh cho Quang Định đem quốc thư và phẩm vật (2 cân kỳ nam, 2 cặp ngà voi, 4 tòa sừng tê, 100 cân trầm hương, 200 cân tốc hương và trừu, the, vải đều 200 tấm) đi xin phong và xin đổi quốc hiệu làm Nam Việt. Vua Thanh cho rằng chữ Nam Việt giống chữ Đông Tây Việt nên không muốn cho. Vua Gia Long hai, ba lần phục thư để biện giải, lại nói nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong. Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước. Đến đây vua Thanh sai Bố Sâm đem cáo sắc và quốc ấn đến phong (1804).

Triều Nguyễn trong quan hệ với láng giềng -0
Chánh sứ triều Nguyễn

Nhưng đến năm 1838, không cần thông qua nhà Thanh, vua Minh Mạng đã quyết định đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam với ý nghĩa nước Nam lớn mạnh. Từ đây, mọi xưng hô, văn bản, ngay cả các văn bản ngoại giao cũng đều phải theo đó tuân hành.

Vẻ vang quốc thể

Cổ nhân đúc kết: “Trị hay loạn ở tướng văn, thắng hay bại ở tướng võ, vinh hay nhục ở sứ thần”. Nói đến sự nghiệp ngoại giao của triều Nguyễn trong quan hệ với Trung Quốc, không thể không nhắc đến vai trò của các sứ thần với tư cách là những nhà ngoại giao trực tiếp thực hiện sứ mệnh cao cả mà đất nước giao phó “toàn quân mệnh, tráng quốc uy” (làm tròn mệnh vua, vẻ vang quốc thể).

Triều Nguyễn trong quan hệ với láng giềng -0
Lãnh thổ Việt Nam dưới triều Minh Mạng (Nguồn: Võ Hương An)

Về việc chọn người đi sứ, vua Minh Mạng cho rằng: “Đi sứ phải chọn người tài đức”, trong đó khả năng ứng đối là yếu tố rất quan trọng: “Các ngươi ứng đối không được kiêu căng cho người ngoài ghét. Không được nói hèn khuất cho người ngoài khinh. Việc đi sứ, cốt sao lời lẽ cho khéo mà thôi”. Nhà vua nhấn mạnh: “Việc đi sứ không ví như việc tầm thường đi lại để giao hiếu khác, sắc cho văn võ thuộc các nha sáu bộ, ai có thể lĩnh sứ mạng cho tự tiến lên”.

Sau đó, với những người dâng biểu xin đi, vua sai đình thần sát hạch. Văn bản của đình thần ban Văn năm Tự Đức 23 (1870) về việc cử người đi sứ Thanh viết: “Chúng thần vâng mệnh hội đồng tuyển chọn ba viên quan làm sứ thần đều là người có học thức uyên thâm”.

Các sứ thần, bên cạnh sứ mệnh ngoại giao, còn có nhiệm vụ tìm hiểu về con người, phong vật nước Thanh. Vua Minh Mạng cho rằng bản nhật ký về việc đi sứ chỉ ghi tên đất và số dặm đường, còn tình hình dân và công việc nước, không đề cập đến là chưa đạt yêu cầu. Các sứ thần cần phải hỏi han dân tình được sung sướng hay bị đau khổ, trong nước có tai biến hay có điềm lành, ghi chép rõ ràng, còn tên đất và số dặm đường đã có sách chép, có thể khảo cứu được, không cần đề cập nữa.

Năm Tự Đức 2 (1849), các viên đã đi sứ nước Thanh là Bùi Quỹ, Vương Hữu Quang và Nguyễn Du đệ trình quốc thư mời sứ nước Thanh đến Kinh đô nước ta làm lễ bang giao. Vừa mới nhận được quốc thư, họ đã đồng ý ngay. Công lao này của sứ bộ đã được nhà vua ghi nhận: “Bọn họ đem mệnh nước đã thực hiện công việc xuất sắc dẫn đến thành công, thật đáng khen thưởng, nên cần ban ơn. Gia ơn truyền thưởng cho Chánh sứ Bùi Quỹ 3 tấm lụa sa mầu. Phó sứ thứ nhất là Vương Hữu Quang và Phó sứ thứ hai là Nguyễn Du cũng thưởng mỗi người 2 tấm lụa sa mầu. Ba viên trên đều thưởng thêm cho mỗi người 1 cấp. Những người tùy tùng đều có công lao, vất vả nên thưởng chung 200 quan tiền, giao cho bọn Bùi Quỹ phân hạng chia cấp”.

Sứ bộ nước ta từ nước Thanh trở về, Bộ Binh cho các tỉnh đạo tiếp giáp nhau trên đường điều binh trạm dân phu đến các nơi địa đầu đợi đón đoàn sứ bộ và khiêng hàng hóa để sớm về kinh, lại sẽ tư cho tỉnh Lạng theo lệ chuẩn bị đầy đủ phẩm vật để tặng quan viên nước Thanh.

Triều Nguyễn trong quan hệ với láng giềng -0
Họa đồ hành trình đi sứ Trung Hoa thời Minh Mạng (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Đại lễ bang giao

Đại lễ bang giao tiếp sứ bộ thường được tổ chức trước điện Thái Hòa. “Việc có liên quan đến điển lệ lớn, người xa trông vào” và “sự đưa đón giao tế có điều không được chu đáo thì sự việc tuy nhỏ cũng liên quan đến quốc thể rất lớn” - điều này được khẳng định trong nhiều văn bản hành chính của triều đình - Châu bản triều Nguyễn (hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I).

Trong một văn bản năm Tự Đức thứ 2 (1849), Giám sát Ngự sử đạo Bình Phú tâu về việc đón tiếp sứ bộ nước Thanh. Văn bản nhấn mạnh: “Nay sứ kỳ đã đến gần, việc khoản tiếp trên đường đi cũng nhiều”, “sự đưa đón giao tế nếu có điều không được chu đáo thì sự việc tuy nhỏ cũng liên quan đến quốc thể rất lớn”. Vì vậy, “từ nay về sau hễ thấy sứ nước Thanh đến, việc đưa đón nhất thiết phải hợp nghi thức, tuân theo nghị bàn của bộ để làm cho ổn thỏa, cốt phải chu đáo. Đến khi họ trở về càng nên ân cần chu đáo gấp bội, khiến cho cảm động lòng người, cũng không nên biểu hiện chút gì lười biếng, để tỏ đạo nghĩa cao đẹp”.

Một Châu bản triều Tự Đức còn cho hậu thế biết thêm thông tin phong phú, cụ thể về hoạt động tiếp sứ: Ba bài thơ Hoàng đế Tự Đức làm đề vào chiếc quạt tặng quan Đề đốc nhà Thanh Phùng Tử Tài được giao cho đình thần ban Văn xem lại cẩn thận, xem có vấn đề gì quan ngại không thì lập tức phúc trình đợi phê chuẩn trước khi gửi đi.

Triều Nguyễn trong quan hệ với láng giềng -0
Bản tâu năm Minh Mạng thứ 8 (1827) cho biết Quốc vương Cao Miên bày tỏ lòng biết ơn khi được nước ta chẩn cấp cứu đói do mùa màng thất bát. (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia)

Với các tiểu quốc phía Tây Nam nước ta

Châu bản triều Nguyễn ghi chép lại không ít lần quốc vương các nước phía Tây Nam nước ta như Cao Miên, Vạn Tượng, Nam Chưởng, Thủy Xá, Hỏa Xá… tạ ơn triều Nguyễn đã cứu đói khi họ gặp thiên tai hay trợ giúp họ bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập.

Châu bản năm Minh Mạng 8 (1827) cho biết Quốc vương Cao Miên tạ ơn nước ta: “Nay căn cứ theo báo cáo của quan thống chế bảo hộ Cao Miên quốc ấn Nguyễn Văn Thụy và công văn của Quốc vương Cao Miên, những năm gần đây, mùa màng thất bát, vào thu lại gặp nạn nước to, quân dân nước này phần nhiều bị thiếu đói… Nay quốc vương đem gộp hai khoản chẩn cấp làm sớ bày tỏ lời cảm ơn, mang đến thành mong chúng thần đề đạt thay”.

Một Châu bản tâu báo về tình hình Vạn Tượng cho chúng ta thấy rõ hơn vai trò của cường quốc Đại Nam: Quốc vương nước Vạn Tượng từ sau ngày đến Tam Động, từng sai người về Thành dò biết quân Xiêm chừng hơn ngàn người đã đóng quân ở trong thành, nhân dân tan tác khắp nơi, mong nhà vua trở về thành, nếu không thì sẽ bị nước Xiêm lấy mất. Quốc vương ấy vội đem sự việc chuyển trình, mong Hoàng thượng ta phái quân đến bảo hộ, khiến cho nước ấy hàng năm sắm lễ cống nạp, mãi làm dân vùng biên, khỏi bị quân Xiêm quấy nhiễu. Văn bản năm Minh Mạng thứ 8.

Nhận được cầu khẩn, vua Minh Mạng đã lệnh cho Trần Lợi Trinh sung làm Tham tán quân vụ đại thần đến trấn đó sắp đặt việc biên giới. Nhờ đó, tình hình ở biên giới đã dần dần đi vào ổn định. Nội dung này được đề cập trong Chiếu thăng cấp cho Thượng thư Trần Lợi Trinh vì đã có công. Văn bản ngày 18 tháng 12 năm Minh Mạng 8 (1827).

Bản tâu của Bộ Binh ngày 23 tháng 5 năm Minh Mạng 21 (1840) về quan hệ giữa nước ta và Cao Miên viết: “Nguyên nước Cao Miên từ lâu đã nội thuộc (nước ta) hơn 100 năm nay. Đến thời Thế Tổ Cao Hoàng Đế, nước ấy phụng sự kính cẩn, nên được gia phong trọng hậu như dân trong nước. Khoảng năm Gia Long, nước ấy bị quân Xiêm xâm lược chiếm cứ Nam Vang, cố quốc vương ấy tự bỏ nước mình, một mình chạy đến thành Gia Định, nước Cao Miên không còn là sở hữu của quốc vương ấy nữa. Trẫm vâng theo mệnh lệnh của vua cha ta Thế Tổ Cao Hoàng đế đem quân đi đánh đuổi quân Xiêm khôi phục nước đó.

Chuyện nhận cống nạp

Các nước Cao Miên, Vạn Tượng, Nam Chưởng, Thủy Xá, Hỏa Xá… thường sai sứ sang triều cống vua triều Nguyễn và được nhà vua ban thưởng. Sách Đại Nam thực lục chép, Năm Gia Long thứ 10 (1811), nước Vạn Tượng sai sứ đến cống, lại đưa trả về hơn ba chục người lính trốn. Vua bảo Nguyễn Văn Thành và Phạm Như Đăng rằng: “Vạn Tượng đã nộp lễ cống hằng năm, lại trả lính trốn về, đủ thấy lòng thành thực. Nên nhân đấy ban chiếu khen ngợi để cho yên lòng… Thế là Vạn Tượng là nước phên giậu miền thượng đạo của ta đấy”.

Văn bản năm Thiệu Trị 4 (1844) chuẩn định cho hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá ba năm cống nạp một lần.

Ngoài ra, ở giữa các tiểu quốc và dãy Trường Sơn là các cộng đồng người đương thời được nhà Nguyễn gọi là “man”. Các “man” này ban đầu tự trị và chịu lệ cống nạp, nhưng về sau, dưới sự đe dọa của quân Xiêm, họ tự nguyện sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Vua Minh Mạng cho đặt thành phủ, huyện và đặt quan cai trị.

Một văn bản triều Thiệu Trị chép: Hoàng thượng buổi đầu nối nghiệp nên ban phát ân trạch, gia ơn miễn thuế cho các địa phương, trong đó có đoạn: “Các phủ Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị, Trấn Man thuộc tỉnh Thanh Hóa và bốn phủ thuộc tỉnh Nghệ An là Trấn Ninh, Trấn Định, Trấn Tĩnh, Trấn Biên cùng hai huyện mới lệ thuộc phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh làm Cam Môn, Cam Cát, thổ dân của các phủ huyện đó đã lệ thuộc sổ tịch của triều đình từ lâu”.

Trong quan hệ với Trung Quốc, dù bề ngoài triều Nguyễn tỏ ra thần phục nhưng luôn âm thầm tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của cường quốc phương Bắc. Trong khi đó, đối với các tiểu quốc Tây Nam, triều Nguyễn lại luôn đóng vai trò là chỗ dựa vững chắc, sẵn sàng đưa tay cứu giúp mỗi khi họ gặp hiểm nguy, thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với các nước láng giềng.

Hồng Nhung
.
.