Từ tiếng nổ trên đồi A1

Thứ Hai, 29/04/2024, 15:12

Tiếng bộc phá ngàn cân nổ trong đường hầm dưới đồi A1 (Điện Biên Phủ) như tiếng chuông báo hiệu giờ tàn cho tập đoàn cứ điểm của quân Pháp. Nếu chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, thì tiếng nổ trên đồi A1 thực sự là âm thanh đầu tiên của sự kiện ấy.

Những anh hùng ở đồi A1

Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, hàng chục ngàn du khách nườm nượp đổ về tham quan các di tích lịch sử của tỉnh Điện Biên. Trong số đó có đồi A1 nằm ở phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ) để sống lại những thời khắc huy hoàng của chiến thắng Điện Biên năm nào khiến cả thế giới phải chấn động.

1.jpg -0
Tổng tấn công đồi A1.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành tiếng sấm rền vang làm rung chuyển cả thế giới, xé toạc đám mây đen của chủ nghĩa thực dân - đế quốc, mang đến nguồn cổ vũ to lớn cho các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một dân tộc nhỏ bé bị đô hộ hàng trăm năm, bị coi là nhược tiểu với một đội quân non trẻ nhưng đã anh dũng đứng dậy đánh đổ gã khổng lồ của chủ nghĩa thực dân với quân số và trang bị vũ khí vượt trội. Trong 56 ngày đêm, quân ta đã xóa sổ hơn 16.000 quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm với sự hậu thuẫn của nhiều nước phương Tây, được coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”.

Đây cũng là lần đầu trong lịch sử một đội quân viễn chinh lớn như vậy của một đế quốc phương tây bị tiêu diệt tại một nước thuộc địa. Và từ đó, những tiếng hô vang “Việt Nam” - “Hồ Chí Minh” - “Điện Biên Phủ” như một khẩu hiệu quốc tế vang lên khắp mọi nơi, trở thành ngọn cờ đấu tranh cho khát vọng tự do của loài người tiến bộ, là biểu tượng của lòng quả cảm vô song và là ngôi sao sáng của phong trào giải phóng dân tộc trên khắp thế giới.

Từ tiếng nổ trên đồi A1 -0
Trên miệng hố bộc phá đồi A1 đã được đặt một tấm phù điêu ghi công chiến sĩ anh hùng Nguyễn Văn Bạch.

Điện Biên Phủ từ đó đã trở thành “điểm hẹn” của lịch sử, nơi mà những cột mốc của thế giới mỗi lần nhắc tới đều phải kể tên. Và trong chiến thắng vĩ đại ấy, có một “tiếng vọng” vang lên từ đất, đó là tiếng nổ của quả bộc phá gần 1 tấn thổi bay sức kháng cự của quân viễn chinh Pháp trên đồi A1, để rồi 13 giờ sau đó, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân ta ngạo nghễ bay trên nóc hầm tướng Christian de Castries. Lịch sử đã ghi lại cuộc tiến công ở Điện Biên Phủ, ghi lại cuộc chiến đấu của những anh hùng nơi đây. Và đồi A1 như một bản hùng ca chói lọi về chiến thắng. Trận đồi A1 là trận đánh vào ngày 30/3/1954, là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Do vị trí đặc biệt quan trọng, quân Pháp đã xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai sao cho một lính phòng ngự có thể cùng lúc chống lại nhiều lính tấn công.

Cuộc chiến ở đồi A1 giữa quân ta và quân Pháp là một cuộc chiến dai dẳng và đầy gian khổ. Nếu cả chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong 56 ngày đêm, thì riêng chiến trường đồi A1 đã diễn ra trong 38 ngày đêm để giành lấy từng tấc đất. Đồi A1 đã diễn ra không biết bao nhiêu những hành động dũng cảm. Nổi bật lên nhiều tấm gương anh hùng như Trung đoàn trưởng Hùng Sinh gan dạ, bình tĩnh trực tiếp chiến đấu cùng với chiến sỹ đánh lui nhiều đợt phản kích của quân Pháp. Đó là chiến sỹ điện đài Chu Văn Mùi dù lẻ loi một mình trên đỉnh đồi, không một hạt cơm vào bụng vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu để vừa đánh địch, bảo vệ thương binh, vừa dùng máy điện thanh chỉ mục tiêu cho pháo ta diệt địch. Hay là Đại đội trưởng Bảo Sằng (tức Quang Long), một thanh niên xứ Huế xuất thân hoàng tộc, đã chỉ huy đại đội chiến đấu đến người cuối cùng và anh dũng hy sinh, cùng với đó là rất nhiều chiến sỹ đã nằm xuống trên ngọn đồi này.

Tiếng nổ trên đồi A1

Nói chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nói, “Trận A1 là chìa khóa vàng trong chiến dịch”. Đồi A1 là điểm cao có giá trị về chiến thuật và chiến dịch. Địch gọi Đồi A1 là cổ họng của Điện Biên Phủ. Đồi A1 là điểm cao nằm trong dãy điểm cao ở phía Đông. Ở đây, địch quyết giữ và ta quyết đánh điểm cao này. Bởi vì, đồi A1 là điểm cao có giá trị về chiến thuật và chiến dịch.

Từ tiếng nổ trên đồi A1 -0
Di tích lịch sử đồi A1 bây giờ vẫn lưu giữ các chứng tích như những đường hầm chằng chịt kéo dài từ chân đồi lên đỉnh đồi; hố sâu do khối bộc phá nghìn cân tạo thành; xác xe tăng của Pháp bị bắn cháy; những khẩu pháo của bộ đội ta...

Nếu như ta chiếm đánh được đồi A1 và giữ được đồi A1 thì toàn bộ cánh đồng Mường Thanh trong căn cứ của quân Pháp sẽ bị khống chế. Vì vậy mà ta thì quyết đánh, địch thì quyết giữ. Đồi A1 là điểm cao có giá trị về chiến thuật và chiến dịch. Chiến dịch được giao cho hai trung đoàn thuộc hai đại đoàn. Đó là Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 và Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308. Trong trận đánh giằng co trên đồi A1 kéo dài suốt 38 ngày đêm, cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 174 và Trung đoàn 102 đã quyết tâm thực hiện bằng được nhiệm vụ được giao là chiếm giữ Đồi A1.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch đề ra phương án đào hầm ngầm ở trong lòng đồi A1, đặt bộc phá tiêu diệt “lô cốt mẹ”. Nhiệm vụ nặng nề này Bộ Chỉ huy giao cho đại đội đặc biệt M83, thuộc M151, Đại đoàn 351, do Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung chỉ huy. Đêm 20/4/1954, bắt đầu việc đào hầm ngầm từ phía đồi Cháy vào đồi A1 tiến hành dưới mưa bom bão đạn của địch. Các chiến sĩ đào hào, tiếp cận trên đồi rồi dùng xẻng, cuốc chim nằm nghiêng, đầu móc hàm ếch từng tấc đất. Để bảo đảm an toàn, bí mật, các chiến sĩ làm mái che và ngụy trang ở cửa hầm ngầm để che mắt địch, đồng thời tránh lựu đạn từ phía trên cao ném xuống. Đất đào được cho vào túi khâu bằng vải dù, vận chuyển ra theo chiến hào.

Từ tiếng nổ trên đồi A1 -0
Bức tranh toàn cảnh về Chiến dịch Điện Biên Phủ - được vẽ ngay trên tường của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là một trong những tác phẩm lớn nhất thế giới vẽ về đề tài chiến tranh.

Càng vào sâu, công việc càng khó khăn: Thiếu không khí, thiếu ánh sáng. Hơn nữa, vừa đào sâu vừa phải định vị sao cho đường hầm vào đúng “lô cốt mẹ” dài 49m để đặt quả bộc phá nghìn cân. Cho đến khi đường hầm hoàn thành, và khi người chiến sỹ Nguyễn Văn Bạch (được phong tặng danh hiệu AHLLVT năm 2008) nhận hiệu lệnh điểm hỏa từ nụ xòe số 1 đến nụ xòe số 5. Một tiếng nổ “ầm” vang lên, khói lửa từ trong lòng đồi A1 bốc lên mù mịt. Người chiến sỹ anh hùng Nguyễn Văn Bạch sung sướng chạy về địa điểm tập kết, báo cáo chỉ huy đại đội đặc biệt M83 đã hoàn thành nhiệm vụ. Bộc phá nghìn cân nổ lúc 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954 trên đồi A1 là hiệu lệnh cho bộ binh xung lên đánh chiếm các lô cốt trên đồi này cũng như tất cả các cứ điểm của địch ở trung tâm Mường Thanh. Cả lòng chảo chìm trong biển lửa.

Trận thắng đồi A1 có một ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra cho toàn mặt trận nhanh chóng chuyển sang tổng công kích và đã giành toàn thắng chỉ sau đó 13 giờ. Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng Christian de Castries báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến thắng của quân ta trên đồi A1 đã trở thành một trong những chiến công huyền thoại đi vào lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo Thượng tướng Trần Việt Khoa, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, tinh thần Điện Biên Phủ nói chung và trận đánh đồi A1 nói riêng là tinh thần yêu nước, không có gì quý hơn độc lập tự do, không cam chịu làm nô lệ, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ý chí quyết chiến, quyết thắng ấy được kết hợp với tinh thần sáng tạo và nỗ lực phi thường để khắc phục khó khăn tưởng chừng như là không vượt qua được. Nó tạo nên bước tiến vượt bậc và khả năng sức mạnh chiến đấu để chúng ta đánh thắng kẻ thù ngay từ khi chúng ta quyết tâm giành điểm cao A1, để tạo bàn đạp cho đại quân tiến đánh tất cả các cứ điểm còn lại trong căn cứ Điện Biên Phủ.

Sau 70 năm, tiếng nổ của quả bộc phá nghìn cân trên đồi A1 vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với quân viễn chinh Pháp từng có mặt trong các cứ điểm ở lòng chảo Mường Thanh; đồng thời cũng là niềm tự hào, sung sướng đến trào nước mắt đối với các chiến sĩ đã tạo nên tiếng nổ lịch sử đó. Năm 2004, kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trên miệng hố bộc phá đồi A1 đã được đặt một tấm phù điêu ghi công cụ Nguyễn Văn Bạch như sau: “Nguyễn Văn Bạch giật nổ khối bộc phá 960kg lúc 20h30’ ngày 6/5/1954. Tiếng nổ của khối bộc phá còn là hiệu lệnh của tổng công kích đợt cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Đã 70 năm trôi qua, nhưng những âm vang của tiếng pháo Điện Biên, tiếng bộc phá trên đồi A1, tiếng hò reo ngày chiến thắng… cứ dội về trong lồng ngực nhiều người. Ngày nay, giữa không gian văn hóa đặc trưng của vùng Tây Bắc, giữa phong cảnh hùng vĩ mà sơn thủy hữu tình say lòng người ấy, mấy ai có thể tưởng tượng, 70 năm trước đồi A1 đã ghi dấu một thiên anh hùng ca của công cuộc giữ nước của người Việt chúng ta. Di tích lịch sử đồi A1 bây giờ vẫn lưu giữ các chứng tích như những đường hầm chằng chịt kéo dài từ chân đồi lên đỉnh đồi; hố sâu do khối bộc phá nghìn cân tạo thành; xác xe tăng của Pháp bị bắn cháy; những khẩu pháo của bộ đội ta.

Đã hơn 70 năm trôi qua nhưng sự khốc liệt của chiến trường Điện Biên, lòng quả cảm và tinh thần hy sinh không tiếc máu xương của các chiến sĩ đồng bào tham gia chiến dịch để mang lại chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn còn vang vọng mãi trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới. Quần thể di tích, lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ chỉ có một không hai. Đặc biệt, có ý nghĩa rất lớn không riêng gì với Việt Nam mà cả các nước trên thế giới ưa chuộng hòa bình chống lại những cuộc chiến phi nghĩa. Di tích lịch sử quần thể Chiến trường Điện Biên Phủ không chỉ có giá trị đơn thuần về văn hóa, lịch sử mà còn có ý nghĩa về quân sự, lòng tự hào dân tộc… mang tầm cỡ toàn cầu về quy mô, về chiến lược quân sự của Đảng cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ vĩ đại và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hôm nay đây trên mảnh đất lịch sử anh hùng, trời Điện Biên khói lửa năm xưa đã khoác lên mình màu xanh của sự bình yên. Những cái tên Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam cùng với Đồi A1, D1... đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi. Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp để mỗi người dân Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài hướng về Điện Biên với mong muốn tìm về cội nguồn chiến thắng và sức mạnh dân tộc với bao cảm xúc tự hào và trân trọng những chiến công lịch sử hào hùng của dân tộc. Tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa sẽ được truyền tải vào trong mỗi người lính, để chúng ta có thể đánh thắng bất kể cuộc chiến tranh xâm lược của bất kể kẻ thù nào, để giữ vững hòa bình độc lập xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tiêu Dao
.
.