Vụ phá hủy “Khu phố Tàu” ở San Jose và lời xin lỗi muộn màng

Thứ Ba, 19/10/2021, 21:26

Hôm thứ ba, ngày 28-9-2021, Hội đồng thành phố San Jose, bang California, Mỹ, đã chính thức xin lỗi những người nhập cư Trung Quốc và con cháu họ vì đã để xảy ra vụ phá hủy Khu phố Tàu - Chinatown - ở thành phố San Jose hồi năm 1887. Phải mất 134 năm, lời xin lỗi mới được đưa ra dù đã quá muộn màng.

Bối cảnh của vụ đốt phá khu phố Tàu

Bắt đầu từ năm 1800, người Hoa từ Trung Quốc đại lục ồ ạt đến bang California, Mỹ, khi vùng đất này xảy ra “cơn sốt vàng”. Hầu hết khởi nghiệp bằng cách làm việc cho các mỏ vàng, số khác là công nhân xây dựng đường sắt, làm nông trong các trang trại hoặc đánh bắt tôm, bào ngư…

Vụ phá hủy “Khu phố Tàu” ở San Jose và lời xin lỗi muộn màng -0
Đám đông da trắng trước cảnh hoang tàn của Khu phố Tàu thứ hai sau khi bị đốt cháy.

Năm 1870, toàn nước Mỹ có gần 100.000 người Hoa. 77% trong số này sống ở bang California, nơi có khí hậu và thổ nhưỡng gần giống như tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến. Dần dà, tại thành phố San Jose, cộng đồng người Hoa xây dựng 3 “Khu phố Tàu - Chinatown” theo cách gọi của người Mỹ, gồm First Market Street (Phố chợ thứ nhất), hình thành năm 1866, Vine Street (Phố cây nho) năm 1870, Second Market Street (Phố chợ thứ hai) năm 1872. Riêng Woolen Mills (Khu phố Tàu Woolen Mills) và Chinatown Heinelvine (Khu phố Tàu Heinelvine), đều cùng hình thành năm 1887, trong đó Second Market Street và Heinelvine là 2 nơi sầm uất nhất. Phần lớn cư dân ở những nơi này sinh sống bằng nghề buôn bán thực phẩm, khám bệnh theo phương pháp y học cổ truyền Trung Quốc, tiệm thuốc Bắc, cửa hàng giặt ủi quần áo, tiệm hớt tóc, tiệm ăn, sửa chữa các đồ gia dụng, bán hàng rong… Nó phát triển đến mức nhiều người Mỹ da trắng ở San Jose nhìn nó với cặp mắt ghen tị vì cho rằng những “Khu phố Tàu” đã cướp mất công ăn việc làm của họ.

Dưới sức ép của người da trắng, Hội đồng thị chính San Jose ban hành một nghị quyết, theo đó người Hoa ở khu phố Tàu không được đăng ký sở hữu tài sản, không được kết hôn với người da trắng, trẻ em không có quyền vào học trong những trường công lập. Bên cạnh đó, những hành vi bạo lực của người da trắng với người Hoa đều không được tòa án xem xét. Đỉnh điểm của sự phân biệt chủng tộc là mờ sáng một ngày tháng 9-1870, khi Khu phố Tàu thứ 2 Vine Street vừa mới hình thành thì tại Phố chợ thứ nhất xảy ra một đám cháy, thiêu rụi hầu như tất cả. Các cuộc điều tra của cảnh sát đều có cùng kết luận “vô ý trong khi thắp nhang thờ cúng làm cháy nhà” mặc dù theo cộng đồng người Hoa, một nhóm da trắng ở San Jose là chủ mưu vụ hỏa hoạn.

Vụ phá hủy “Khu phố Tàu” ở San Jose và lời xin lỗi muộn màng -0
Người Hoa nhập cư làm thợ khai thác vàng.

Đỉnh điểm của việc “bài Hoa” là ngày 6-5-1882, ông Chester A. Arthur, tổng thống Mỹ  đã ký một văn bản lịch sử: Đạo luật loại trừ Trung Quốc, chấm dứt việc nhập quốc tịch Mỹ đối với người Hoa di cư đến Mỹ. Ngay lập tức, hơn 300 thành phố, thị trấn từ bang Wyoming đến bang Oregon bùng nổ phong trào tẩy chay người Mỹ gốc Hoa. Connie Young Yu, nhà sử học và là tác giả của cuốn Chinatown - San Jose, viết: “Theo đạo luật này, bất cứ người Hoa nào từ Mỹ về Trung Quốc thăm thân nhân đều sẽ bị cấm quay lại Mỹ. Cũng theo luật, công nhân người Hoa làm việc trong các mỏ vàng phải nộp 20USD mỗi tháng cho cái gọi là giấy phép của người nước ngoài. Đặc biệt hơn, phụ nữ Trung Quốc tuyệt đối không được vào Mỹ với lý do “trái đạo đức” - cụm từ ám chỉ nghề mại dâm”.

Vẫn theo Connie Young Yu, không chỉ bị chi phối bởi Đạo luật loại trừ Trung Quốc, người Hoa ở các Khu phố Tàu còn bị đối xử bất công. Trên nhiều con đường ở San Jose, từng nhóm trẻ con da trắng được sự cổ vũ, xúi giục của cha mẹ, anh chị chúng, sẵn sàng ném đá vào bất kỳ người Hoa nào mà chúng bắt gặp. Ở các cửa hàng thực phẩm, những tấm bảng với dòng chữ “Cấm chó và người Hoa” treo ngay lối ra vào. Nhiều bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân người Hoa ngay cả khi họ đang trong tình trạng thập tử nhất sinh. Khi các mỏ vàng bắt đầu có dấu hiệu cạn kiệt, thợ mỏ người Hoa trở thành đối tượng trả thù của thợ mỏ Mỹ dưới sự xúi giục của các chính trị gia địa phương vì họ cho rằng người Hoa là nguyên nhân dẫn đến suy tàn. Kinh khủng hơn, những nhà thờ được lập ra cho người Hoa theo đạo Thiên Chúa đều bị đốt cháy. Các cuộc biểu tình chống người Hoa xuất hiện ngày càng nhiều, và chỉ cách Khu phố Tàu vài dãy nhà. Những người biểu tình vừa hò hét, vừa giương cao khẩu hiệu “Chinatown must go - Khu phố Tàu phải ra đi”. Trong những buổi hội thảo, nhiều diễn giả cho rằng “Không thể quảng bá hình ảnh của San Jose như một nơi an toàn để kinh doanh và sinh sống chừng nào những Khu phố Tàu vẫn còn đó…”.

Đêm của những ngọn lửa hung tợn

Một thời gian ngắn sau khi Đạo luật loại trừ Trung Quốc ra đời, tình cảnh của người Hoa nhập cư ngày càng bi đát. Jimmy Lai, cháu của một người Hoa nhập cư kể lại: “Ông nội tôi đến San Jose khi mới 16 tuổi làm thợ đào vàng. Khi ấy, bang California được cộng đồng người Hoa gọi là “Gum San - Núi vàng” theo tiếng Quảng Đông. Ông nội tôi cũng là một trong những người xây dựng Khu Phố Tàu thứ 2 với hơn 1.400 người Hoa sống ở đó”.

Thế nhưng phong trào “bài Hoa” đã làm thay đổi tất cả. Đầu tháng 3-1872, một năm rưỡi sau ngày xảy ra vụ cháy bí ẩn, thiêu rụi toàn bộ Phố chợ thứ nhất - First Market Street thì trên tờ báo San Jose Mercury News đã cho đăng tải bài viết, trong đó nêu lên ý kiến của các nhà lãnh đạo thành phố bao gồm thị trưởng, ủy viên đường phố, cảnh sát trưởng và người chỉ huy cảnh sát cứu hỏa, rằng: “tình trạng chung của địa phương theo quan điểm vệ sinh đã đến mức không còn có thể tồi tệ hơn, còn nếu xét về khía cạnh thẩm mỹ hay đạo đức, Khu Phố Tàu đã vượt quá giới hạn chịu đựng của cộng đồng. Vì thế, nó phải ra đi”. Theo Thị trưởng San Jose là ông Charles Breyfogle và Hội đồng thành phố, tất cả đều đồng ý bỏ phiếu loại bỏ Khu phố Tàu thứ 2.

Tuy nhiên, trước khi chính quyền San Jose có bất kỳ một hành động nào trong việc “loại bỏ Khu phố Tàu thứ 2” thì đêm 24-3-1872, một nhóm khoảng 200 người da trắng xem việc thị trưởng Charles Breyfogle bỏ phiếu đồng ý loại bỏ Khu phố Tàu thứ 2 là dấu hiệu cho phép họ hành động, đã ào ạt tiến vào rồi đốt cháy gần như tất cả. Nhiều người Hoa bị đánh bằng gậy khi họ tìm cách dập lửa hoặc cứu lấy tài sản của mình trong lúc cảnh sát án binh bất động. Theo lời Jimmy Lai, tài sản của ông nội anh gồm 1 tiệm giặt ủi quần áo, một căn nhà là nơi sinh sống cho cả gia đình 12 người và một tiệm bán thức ăn điểm tâm đặc trưng của người Hoa Quảng Đông đều tan theo ngọn lửa. Lai nói: “Ông bà nội tôi xem như trắng tay. Kết quả dành dụm suốt mấy chục năm chỉ sau một đêm là biến mất”. Những người thân của Chung Qian, khi ấy mới 11 tuổi, kể lại: “Theo lời ông tôi, lúc nghe người Mỹ da trắng hò hét ở ngoài đường, mẹ của ông tôi đã đẩy ông vào trốn giữa những tấm gỗ trong căn nhà vốn là một xưởng mộc. Khi họ đốt nhà, mẹ của ông tôi kéo ông chạy ra. May mắn là cả hai đều sống sót”.

Vụ phá hủy “Khu phố Tàu” ở San Jose và lời xin lỗi muộn màng -0
Những phụ nữ người Hoa bị từ chối nhập cư với lý do “trái đạo đức”.

Đến sáng, khi ngọn lửa đã tàn, Khu phố Tàu thứ 2 chỉ còn là những đống tro. Hơn 1.400 cư dân người Hoa dắt díu nhau sang Khu phố Tàu Woolen Mills, tá túc trong nhà của những đồng hương nhưng do diện tích của Woolen Mills quá nhỏ, nhiều người phải ngủ ở ngoài thềm của những ngôi nhà trong lúc những người Hoa khác do không còn chỗ ở, đã vội vã gói ghém đồ đạc, chuyển ra vùng ngoại ô, nơi chỉ toàn những bãi đất hoang cằn cỗi sỏi đá. Cũng không ít người xuống thành phố cảng San Diego, tìm tàu về Trung Quốc. Đến giữa tháng 4, đến lượt Vine Street (Phố cây nho) bị đốt dù nơi đó chẳng còn bao nhiêu người.

Sau vụ đốt phá Khu phố Tàu thứ nhất và Khu phố Tàu thứ 2, Hội đồng thành phố San Jose cho đấu thầu cả 2 khu đất rồi dần dà, cả 2 khu mọc lên những công trình, nhà cửa, sầm uất của người Mỹ da trắng, còn cộng đồng người Hoa phải dạt ra những vùng ngoại ô hẻo lánh và vẫn bị chi phối bởi Đạo luật bài trừ Trung Quốc khiến cách sinh tồn duy nhất của họ là đi làm thuê. Đến năm 1885, một dân nhập cư người Đức là ông John Heinlen, cùng vợ và con chuyển từ bang Ohio đến San Jose rồi mua đất với ý định xây dựng trang trại. Khi thấy những người Hoa phải đối mặt với sự phân biệt đối xử bất công, John Heinlen đã cho họ tá túc trên mảnh đất của mình đồng thời không giấu giếm ý định là “sẽ hình thành lại một Khu phố Tàu” thay vì làm trang trại.

Khi thông tin này loan ra, John Heinlen phải đối mặt với những lời hăm dọa của người Mỹ da trắng ở San Jose. Họ cho rằng ông “đã phản bội lại chủng tộc da trắng” nhưng John Heinlen vẫn bỏ ngoài tai. Việc xây dựng với sự giúp sức của những người Hoa kéo dài suốt 1 năm rưỡi rồi khi hoàn thành vào năm 1887, nó chính thức được đặt tên là “Khu phố Tàu Heinlenvine”, cái tên tồn tại cho đến tận ngày nay.

Cũng trong thời gian John Heinlen xây Khu phố Tàu, cộng đồng người Hoa ở rải rác quanh thành phố San Jose được John Heinlen cho thuê đất, đã cùng nhau dựng nên một nơi định cư mới, và cũng hoàn thành năm 1887 với tên gọi Khu phố Tàu Woolen Mills. Để bảo vệ người Hoa, John Heinlen đã cho làm một hàng rào bằng gỗ cao 2,5m, bao quanh khu phố và chỉ có một cổng ra vào. Hàng đêm, đội tuần tra người Hoa do John Heinlen thành lập thay nhau canh gác. Yu Fat, cháu 3 đời của ông Yu Shan Tze - là một trong những người ở Khu phố Tàu Heinlenvine cho biết những người Hoa sinh sống trong Heinlenvine và Woolen Mills đều không dám ra khỏi khu vực vì sợ bị giết. Tất cả mọi việc giao thương với thế giới bên ngoài đều thông qua vợ chồng ông John Heinlen và những đứa con của ông ấy.

Năm 1889, Khu phố Tàu Heinlenville trở thành một cộng đồng thịnh vượng với 2.000 cư dân. Tâm điểm của khu phố là ngôi đền Shing Gung 2 tầng, tầng trên là nơi thờ cúng còn tầng dưới là nơi họp hành của hội đồng khu phố, cũng như trường học tiếng Trung cho những đứa trẻ lớn lên ở Heinlenville. Cuộc sống ở đây kéo dài suốt 44 năm cho đến 1931, cuộc đại suy thoái đã khiến Khu phố Tàu Heinlenville phá sản vì giá đất lao dốc, Heinlenville trở thành tài sản của thành phố nhưng cái tên Heinlenville vẫn được giữ nguyên.

Năm 1943, Quốc hội Mỹ tuyên bố hủy bỏ Đạo luật bài trừ Trung Quốc nhưng những người Hoa nhập cư vẫn phải chịu sự thanh lọc gắt gao. Theo Cục Di trú Liên bang Mỹ, chỉ có 105 người Trung Quốc được vào Mỹ mỗi năm trong thời gian này. Mãi đến năm 1965, một đạo luật mang tính bước ngoặt và được Thượng nghị sĩ Ted Kennedy ủng hộ thì vấn đề nhập cư mới nới lỏng.

Năm 2012, Hạ viện Mỹ chính thức bày tỏ sự hối tiếc vì các chính sách chống người Hoa nhập cư xảy ra trong quá khứ. Trước đó, năm 2011, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua nghị quyết xin lỗi người Hoa cũng với chủ đề này nhưng phải mất 134 năm, Hội đồng thị chính thành phố San Jose, nơi đã xảy ra vụ đốt phá 3 Khu phố Tàu mới ngỏ lời xin lỗi người nhập cư Trung Quốc cùng con cháu của họ vào ngày 28-9-2021 vì đã “thực hiện chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, bài ngoại một cách có hệ thống”.

Jimmy Lai, nói: “Một lời xin lỗi không thể xóa bỏ quá khứ, nhưng việc thừa nhận những hành động sai trái đã xảy ra có thể giúp giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc mà nước Mỹ vẫn đang phải đối mặt…”.

Vũ Cao (Theo History - Chinatown in San Jose)
.
.