Buôn lậu vàng: Lòng tham và bi kịch
- Những mánh khóe buôn lậu vàng qua đường hàng không
- Mánh khóe buôn lậu vàng qua đường hàng không
- Tạm giam 2 đối tượng buôn lậu vàng qua biên giới
Đường dây buôn lậu toàn người nhà
Tối 25-8-2017, trong đoàn hành khách trên chuyến bay mang số hiệu TG564 hành trình Thái Lan - Việt Nam vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, có 5 người đàn ông ăn vận khá giống nhau: giày thể thao năng động, quần áo kaki kiểu dân "cửu vạn" hay mặc, áo rộng buông ngoài quần. Mỗi người mang theo vali kéo, hoặc túi xách gọn gàng, tương đương với hành lý xách tay.
Thoạt nhìn, vẻ "bụi bặm" của bộ quần áo trông họ giống như những vị khách du lịch bình dân. Trong khi làm thủ tục nhập cảnh, 5 hành khách trên đã được Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm (Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội) phối hợp Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài "mời" vào phòng riêng để kiểm tra.
Khi chiếc áo kaki rộng thùng thình được cởi bỏ, lộ ra những tấm gen quấn quanh bụng nhiều lớp như phụ nữ thường làm sau sinh nở. Chỉ khác là những người đàn ông này không phải dùng gen để thu nhỏ vòng bụng như chị em, mà để làm đai giữ chặt những gói vàng được bọc giấy nến rất cẩn thận, chia đều mỗi người mang 3 gói. Toàn bộ đều là vàng trang sức gồm vòng đeo tay, dây chuyền, hoa tai... tổng trọng lượng 28,54kg.
Danh tính và mối quan hệ của 5 người đàn ông này được làm rõ gồm: Chu Thành Long (27 tuổi, ở ngõ 310 Nghi Tàm, quận Tây Hồ); Lê Trung Khánh (56 tuổi, ở ngõ 290 Kim Mã, quận Ba Đình) - là bác của Chu Thành Long; Nguyễn Anh Tuấn (48 tuổi, ở phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng) - cha dượng của Long; Hoàng Văn Thắng (44 tuổi, ở ngõ 266 Đội Cấn, quận Ba Đình) - là anh em họ của Lê Trung Khánh và Bùi Xuân Thanh (48 tuổi, ở ngõ 324 Thụy Khuê, quận Tây Hồ).
Tang vật thu giữ (ảnh trái) và thủ đoạn dùng gen quấn bụng cất giấu vàng trong đường dây buôn lậu vàng trang sức vừa bị bắt giữ. |
Từ lời khai của các đối tượng, lực lượng Chống buôn lậu đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với chủ nhân của số vàng "khủng" trên là Lê Thị Ngọc Mai (44 tuổi, ở quận Ba Đình). Đáng chú ý, Mai là em ruột của Lê Trung Khánh, đồng thời là dì ruột của Chu Thành Long.
Kết quả khám xét tại nơi ở của Lê Thị Ngọc Mai, cơ quan công an đã phát hiện thu giữ một số tài liệu và tang vật liên quan đến việc buôn lậu vàng gồm 8,155kg vàng trang sức, 480 triệu đồng và 20.000 USD. Như vậy, tổng số vàng trang sức thu giữ của đường dây buôn lậu này là 36,29kg, có trị giá trên 25 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT đã ra lệnh bắt khẩn cấp 6 đối tượng gồm Lê Thị Ngọc Mai, Lê Trung Khánh, Chu Thành Long, Nguyễn Anh Tuấn, Hoàng Văn Thắng và Bùi Xuân Thanh. Quá trình điều tra mở rộng, cơ quan điều tra còn khởi tố thêm Hoàng Thị Giang (34 tuổi, là vợ của Lê Trung Khánh) về tội buôn lậu.
Theo đánh giá của lực lượng Chống buôn lậu thì đây là vụ nhập lậu vàng trang sức qua đường hàng không lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện, bắt giữ trên địa bàn Hà Nội. Điều đặc biệt là toàn bộ các đối tượng tham gia trong đường dây đều có quan hệ ruột thịt, họ hàng thân thích dưới sự điều hành của Lê Thị Ngọc Mai, nguyên là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines.
Đây là "đặc trưng" của các đường dây buôn lậu vàng bởi với đặc điểm gọn nhẹ nhưng giá trị cao, dễ dàng mua bán trên thị trường nên buộc những đối tượng tham gia vận chuyển phải là người thân tín, đề phòng việc đánh tráo hoặc "cướp" hàng trên đường.
Tuy đã nghỉ việc từ năm 2010 nhưng thời gian làm tiếp viên hàng không đã giúp Mai tích lũy được nhiều "kinh nghiệm" để tổ chức đường dây buôn lậu vàng trang sức toàn người nhà này. Theo đó, vàng trang sức được nhập lậu từ Hồng Kông. Đây là một trong những thị trường vàng trang sức hết sức phong phú, được chế tác tinh xảo với nhiều mẫu mã đẹp mà công nghệ chế tác trong nước không làm được.
Ngoài những chuyến buôn lậu được thực hiện theo đường bay thẳng từ Hồng Kông về Việt Nam, để đối phó với việc kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng thì đôi khi, các đối tượng phải "bay vòng" qua một nước khác nhằm đánh lạc hướng. Điển hình là hành trình buôn lậu vàng bị bắt giữ ngày 25-8.
Để thực hiện thương vụ buôn lậu vàng trang sức với số lượng cực lớn này, từ tối 20-8, 5 đối tượng Long, Khánh, Tuấn, Thanh và Thắng trong vai khách du lịch xuất cảnh từ sân bay quốc tế Nội Bài sang sân bay Bangkok (Thái Lan). Sau khi nhập cảnh vào Thái Lan, 3 đối tượng Tuấn, Thanh, Thắng ở lại sân bay Bangkok chờ, còn Long và Khánh tiếp tục hành trình bay sang Hồng Kông để lấy vàng.
Đến trưa 25-8, hai bác cháu Lê Trung Khánh và Chu Thành Long bay từ Hồng Kông về sân bay Bangkok, mang theo 28,54kg vàng trang sức đã được đóng gói sẵn vào các bọc giấy.
Tại sân bay Bangkok, 5 đối tượng mang theo "đồ nghề" gen quấn bụng chuẩn bị sẵn, thực hiện việc cất giấu vàng rồi lên chuyến bay đã được "lập trình" trở về Việt Nam. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, cả 5 người đàn ông đã chọn trang phục "cửu vạn", áo kaki vừa dày vừa rộng nhằm che phủ bọc vàng được quấn quanh bụng.
Nếu không bị kiểm tra phát hiện sớm thì nhóm buôn lậu vàng này dễ dàng qua các "cửa ải" bởi hành lý mang theo, nếu soi chiếu cũng không có gì. Còn vàng sẽ theo người đi qua các cửa an toàn vì người nhập cảnh sẽ không bị kiểm tra gắt gao như thủ tục xuất cảnh. Đây cũng chính là lý do các đối tượng đã dùng thủ đoạn quấn vàng vào người cất giấu chứ không để trong hành lý xách tay.
Theo khai nhận của nhóm "người vận chuyển" này thì trước đó, mỗi đối tượng đã thực hiện thành công từ 4 đến 10 chuyến vận chuyển thuê vàng lậu từ Hồng Kông về Việt Nam cho Lê Thị Ngọc Mai với tiền công được trả khoảng 10 triệu đồng/ người/ chuyến.
Trong khi đó, với tính toán của lực lượng chống buôn lậu thì nếu chuyến buôn lậu vàng ngày 25-8 trót lọt, Mai sẽ thu về tiền lãi khoảng trên 500 triệu đồng. So với buôn bán ma túy thì lợi nhuận từ buôn lậu vàng cũng không kém!
Một trinh sát tham gia chuyên án triệt phá đường dây buôn lậu vàng cho rằng, với lãi suất cao như vậy đã phần nào lý giải vì sao một người có cuộc sống đẳng cấp, nhà biệt thự mặt phố trị giá hàng trăm tỷ đồng như Lê Thị Ngọc Mai vẫn ham... buôn lậu vàng, dù biết cái giá phải trả sẽ rất đắt.
Ngoài việc bị xử lý hình sự theo tội danh "buôn lậu" thì Mai còn dắt dây theo khá nhiều người nhà, người ruột thịt cũng rơi vào vòng lao lý.
Lòng tham dắt dây… vào tù
Trong các vụ buôn lậu vàng (bao gồm cả nhập lậu và xuất lậu) qua đường hàng không bị phát hiện, phần lớn đều có sự dính dáng của những nhân viên hàng không, đặc biệt là tiếp viên và tổ lái. Kể cả khi đã nghỉ việc thì lợi thế nghề nghiệp hoặc sự hiểu biết trong ngành hàng không đã được họ lợi dụng triệt để vào việc thực hiện hành vi phạm tội.
Lý do để họ liều lĩnh chọn buôn lậu vàng, theo phân tích của lực lượng chống buôn lậu, chỉ có thể là lợi nhuận. Vào những thời điểm giá vàng trong nước có sự chênh lệch cao so với giá vàng thế giới thì chỉ một chuyến bay trong vài giờ đồng hồ mang theo vài ki lôgam vàng cũng có thể thu về cả trăm triệu đồng tiền lãi.
Đường dây buôn lậu vàng của nguyên nữ tiếp viên hàng không Hoàng Thị Ngọc Anh trước vành móng ngựa. |
Điển hình là "chuyến du lịch" Hàn Quốc mang theo 4 cục vàng nặng hơn 3kg (tương đương 80 cây vàng) của hai vợ chồng Nguyễn Ngọc Sang và Hoàng Thị Ngọc Anh - nguyên tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vào cuối tháng 7-2016.
Trước khi bị bắt thì hai vợ chồng đang có cuộc sống khá sung túc tại khu đô thị Times City, niềm mơ ước của nhiều người. Thế nhưng lãi suất từ việc buôn lậu vàng có sức hút ghê gớm khiến cặp vợ chồng này đã liều lĩnh đi vay mượn, cầm cố tài sản của người thân để có số tiền gần 3 tỷ đồng thực hiện chuyến buôn lậu.
Mua gom 80 cây vàng, thuê đúc thành 4 cục để tiện lợi cho việc vận chuyển, Hoàng Thị Ngọc Anh với mối quan hệ trong ngành hàng không đã móc nối với Phạm Duy Nhuận, nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH MTV kỹ thuật máy bay VAECO Việt Nam đưa số vàng lậu này lên máy bay.
Theo kế hoạch, hai vợ chồng Ngọc Anh đặt mua vé máy bay đi du lịch Hàn Quốc. Sau khi có số ghế ngồi, Ngọc Anh sẽ chuyển vàng cho Nhuận. Trước chuyến bay, Nhuận với vai trò nhân viên kỹ thuật sẽ lên máy bay, gắn 4 cục vàng vào dưới ghế ngồi của hai vợ chồng Ngọc Anh. Khi lên máy bay, hai vợ chồng Ngọc Anh chỉ việc gỡ 4 cục vàng được gắn nam châm, coi như trót lọt. heo tính toán thì chuyến "du lịch" này sẽ mang lại cho Ngọc Anh gần trăm triệu đồng.
Để lật tẩy thủ đoạn buôn lậu vàng tinh vi của nguyên nữ tiếp viên hàng không, các trinh sát Đội Chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm (Phòng PC46 Công an TP Hà Nội) với sự phối hợp của Hải quan và Cảng hàng không Nội Bài đã kỳ công "đóng vai" các hành khách lên cùng chuyến bay sang Hàn Quốc cùng hai vợ chồng Ngọc Anh.
Khi cặp vợ chồng này ổn định ghế ngồi, các trinh sát đã tiến hành kiểm tra, thu giữ 4 cục vàng được giấu dưới ghế trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm hành khách trên chuyến bay.
Người ta bảo "độc như vàng" quả không sai. Vàng mang lại lợi nhuận lớn nhưng cũng trở thành cái giá quá đắt khi lòng tham con người không có giới hạn. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19-7 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt Hoàng Thị Ngọc Anh 11 năm tù, Nguyễn Ngọc Sang 10 năm tù và Phạm Duy Nhuận 9 năm tù về tội "Buôn lậu".