“Rửa tiền” bằng tiền ảo

Thứ Hai, 19/07/2021, 08:02
“Lợi dụng các thuộc tính như ẩn danh, không biên giới, không thể kiểm soát của đồng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), mà hoạt động rửa tiền đã và đang làm “nhức đầu” cơ quan chức năng của nhiều quốc gia trên thế giới. Hiện nay, việc truy vết theo dòng tiền do phạm tội mà có để từ đó tìm ra các đối tượng gây án khá nan giải bởi sự hiện diện trong đời sống của phương tiện thanh toán này. Tất nhiên là thủ đoạn phạm tội nào rồi cũng có cách khắc chế” - Thượng tá Ngô Minh An (nguyên Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội) đã nói với tôi như thế.


Tiền ảo đang trở thành công cụ rửa tiền của tội phạm.

Tiền ảo trong đời thật

Có thể với nhiều người, tiền ảo vẫn còn là một khái niệm xa lạ nhưng trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thì đây lại là thứ khiến cơ quan chức năng “lao tâm khổ tứ” bấy lâu nay. Giới tội phạm hiện nay thường “ziczac hóa” dòng tiền chiếm đoạt được bởi hành vi phạm tội thông qua các thiết chế tài chính trung gian, để xóa dấu vết tội phạm, cản trở hoạt động điều tra. Chúng thường sử dụng tiền ảo như một thứ công cụ hữu hiệu để hợp pháp hóa đồng tiền bất chính, hoặc chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Quang Huy (Ngân hàng Vietcombank) giải thích: tiền ảo (virtual currency) là một dạng tiền kỹ thuật số (digital money) không được ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền phát hành và kiểm soát, cũng không gắn liền với đồng tiền pháp định. Đồng tiền này do các nhà phát triển (developer) tạo ra và quản lý, được chấp nhận và sử dụng giữa các thành viên tham gia một cộng đồng trên không gian mạng, nghĩa là nó được chấp nhận như một phương tiện thanh toán trong cộng đồng đó và được coi là một thứ tài sản, có thể mua bán, cho tặng, chuyển nhượng, trao đổi...

Tiền ảo được chia làm 3 loại chính, gồm tiền ảo đóng, tiền ảo dịch chuyển một chiều và tiền ảo phi tập trung. Tiền ảo đóng không có liên hệ với nền kinh tế thực sự, đây là đơn vị tiền dùng trong các thế giới viễn tưởng như trong game trực tuyến. Tiền ảo dịch chuyển một chiều có thể mua bằng tiền thật nhưng không thể chuyển đổi theo hướng ngược lại như điểm tích lũy trong thẻ, tiền tài khoản Amazon, Facebook... Tiền ảo phi tập trung là các đơn vị tiền được tạo ra dựa trên nền tảng không tập trung, chẳng hạn như đồng Ethereum và Bitcoin v.v...

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hoạt động phát hành, lưu trữ, đào, giao dịch, đầu tư... tiền ảo diễn ra sôi động từ nhiều năm nay, thu hút nhiều người tham gia. Theo luật sư Chu Thị Út Quỳnh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) thì hiện nay pháp luật Việt Nam không thừa nhận và bảo hộ tài sản ảo cũng như tiền ảo. Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tiền ảo không thuộc một loại tài sản nào, vì chúng không thỏa mãn những thuộc tính của một tài sản thông thường, không thể xác định trên thực tế và không xác định rõ danh tính của các chủ thể sở hữu chúng.

Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1-1-2018, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là không hợp pháp và bị cấm tại Việt Nam. Chính vì Nhà nước chưa công nhận giao dịch bằng tiền ảo nên khi phát sinh tranh chấp thì tòa án sẽ coi đó là giao dịch vô hiệu bởi đối tượng của giao dịch không được pháp luật công nhận.

Công cụ làm “sạch” tiền

Rửa tiền là cách mà tội phạm chuyển hóa đồng tiền do phạm pháp mà có (tiền bẩn) thành tiền hợp pháp (tiền sạch). Thông qua các hoạt động phi pháp, tội phạm có thể kiếm được một lượng “tiền bẩn” khổng lồ và phát sinh nhu cầu đưa chúng vào trong giao dịch tài chính một cách đàng hoàng, công khai. Bằng việc rửa tiền, khoản tiền bẩn đó được quay trở lại hệ thống tài chính với một “lý lịch sạch sẽ”.

Giao dịch tiền ảo diễn ra ngày càng linh hoạt.

Theo Thượng tá An thì rửa tiền bằng tiền ảo đã và đang gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh của mỗi quốc gia, phá vỡ sự ổn định, tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. Ông cho biết giới tội phạm hiện thường dùng tiền ảo như một công cụ để rửa tiền, vì bản chất của tiền ảo là ẩn danh, nghĩa là rất khó để biết thông tin của chủ thể giao dịch. Như vậy, độ an toàn khi thực hiện rửa tiền qua tiền ảo là rất cao.

Mặt khác, để chuyển được một khoản tiền ra nước ngoài, chắc chắn sẽ cần phải làm rất nhiều thủ tục, tốn khá nhiều thời gian. Nhưng, với tiền ảo, một lượng tiền lớn có thể được chuyển qua lại giữa các quốc gia với nhau chỉ trong một vài phút. Điều quan trọng nhất là cho đến nay trên thế giới chưa có bất kỳ cơ quan, tổ chức nào kiểm soát giao dịch tiền ảo. Điều đó đồng nghĩa với tội phạm có thể tự do thực hiện mà không sợ bị giám sát, theo dõi.

Thực tiễn cho thấy, bọn tội phạm thường dùng tiền do phạm pháp mà có để đầu tư (mua) các đồng tiền ảo được chào bán công khai tại các sàn giao dịch trên mạng Internet. Lúc này, “tiền bẩn” đã ẩn mình dưới vỏ bọc là tiền ảo. Sau đó, nhờ tính ẩn danh, lượng tiền ảo đó có thể bán cho người khác hoặc bán ngược trở lại thị trường trong các giao dịch hằng ngày.

Đặc biệt, với sự xuất hiện của những sàn DEX như hiện nay, việc chuyển đổi (swap) từ một đồng tiền này sang đồng tiền khác quá dễ dàng. Thông qua việc mua bán qua lại giữa những người giao dịch tiền ảo trên sàn mà nguồn gốc số tiền phạm pháp được “làm sạch”. Khi cần quy đổi thành tiền mặt, tội phạm có thể bán số tiền ảo đó cho người cùng tham gia giao dịch trên sàn hoặc bán ngay cho chủ sàn, đàng hoàng rút tiền thật ra để hòa nhập với thị trường tài chính.

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thách thức mới đối với các quốc gia trên thế giới. Tư duy không quản được thì cấm đã lỗi thời, vì không công nhận tiền ảo thì nó vẫn tồn tại và ngày càng có ảnh hưởng trong sinh hoạt xã hội. Do đó, chúng ta buộc phải tìm cách thích nghi với những chuyển động của đời sống đương đại.

Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải có khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh doanh tiền ảo, chứ không thể để tự phát, vô chính phủ như hiện nay. Chỉ khi có quy định của pháp luật mới có công cụ hữu hiệu để quản lý và xử lý sai phạm trong lĩnh vực này. Để phát hiện hành vi rửa tiền thông qua giao dịch tiền ảo, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác nắm tình hình trên không gian mạng, nhất là tại các sàn giao dịch tiền ảo, phối hợp với ngành ngân hàng, các cổng thanh toán trung gian để theo dõi các giao dịch đáng ngờ xuất phát từ địa chỉ IP tại Việt Nam và tiến hành truy vết”.

Thượng tá Ngô Minh An

Đào Trung Hiếu
.
.