Sẽ làm rõ ai bao che cho VN Pharma

Thứ Tư, 02/10/2019, 17:15
Được nói lời sau cùng, nhiều bị cáo trong vụ VN Pharma đã khóc và thừa nhận hành vi của mình. Chiều 1.10, bản án được tuyên. Mức án nặng nhẹ tùy thuộc vai trò của từng bị cáo, nhưng không khiến dư luận lưu tâm nhiều bằng ý nghĩa băng hoại đạo đức xã hội của vụ việc. Đây là một tội ác, vì các bị cáo đã trục lợi trên sức khỏe của người bệnh.


Che giấu tính nguy hiểm của hành vi?

Trước khi Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm nói lời cuối cùng, đại diện VKS vẫn bảo lưu toàn bộ quan điểm đã nêu trong cáo trạng truy tố cũng như trong phần luận tội và tranh luận trước đó: "Lô thuốc H-Capita 500mg calet, được xác định không phải của Công ty Helix Canada như hồ sơ nhập khẩu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Công ty Helix Canada, theo xác minh của cơ quan tiến hành tố tụng là không có thật. Tên thuốc do các bị cáo đặt lại; tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc do VN Pharma thuê người viết... Như vậy, đã không xác định được tiêu chuẩn, hàm lượng đăng ký của nhà sản xuất, thì thuốc chữa bệnh này là giả, không dùng chữa bệnh cho người".

Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa xét xử vụ án “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.

Những cá nhân đã trực tiếp thẩm định, ký, cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu thuốc H-Capita vào Việt Nam đang bị Cơ quan An ninh điều tra sẽ tiếp tục làm rõ và sẽ xử lý trong giai đoạn 2 của vụ án.

Trước đó HĐXX nhận được một văn bản hỏa tốc Bộ Y tế gửi cho Tòa vào ngày 27-9, yêu cầu HĐXX xử lý nghiêm các bị cáo về hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu… nhằm trục lợi. Về văn bản hỏa tốc trên, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, văn bản hỏa tốc không thật sự khách quan. 

Bộ Y tế không có thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ. Những chứng cứ mà Bộ Y tế cung cấp đã không được thu thập theo đúng quy định nên không có giá trị pháp lý. Cục Quản lý Dược là đơn vị cấp phép cho Công ty VN Pharma nhập khẩu lô thuốc H-Capita vào Việt Nam, hiện Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý Dược và sẽ tiếp tục mở rộng điều tra trong giai đoạn 2 của vụ án nên tài liệu này không thật sự khách quan.

"Văn bản hỏa tốc của Bộ Y tế là sự biện minh để giảm trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, che giấu tính nguy hiểm về hành vi. Cục Quản lý Dược đưa ý kiến xử lý nghiêm nhưng lại che giấu trách nhiệm cho các bị cáo và che giấu sự thiếu trách nhiệm của Cục Quản lý Dược trong việc cấp giấy phép nhập khẩu các lô thuốc này", đại diện VKS nhấn mạnh.

Với việc luật sư đề nghị xem xét về tính chất nghiêm trọng của hậu quả, VKS cho rằng, thực tế, hậu quả đã xảy ra, toàn bộ lô thuốc giả đã được nhập khẩu trót lọt. "Nếu như lô thuốc này không được kịp thời ngăn chặn mà đưa vào chữa bệnh cho bệnh nhân ung thư, khi đó hậu quả xảy ra sẽ vô cùng lớn và chắc chắn hình phạt dành cho các bị cáo sẽ ở khung cao nhất của hình phạt", đại diện VKS nhận định.

Ngoài ra, VKS còn kiến nghị HĐXX điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến các tài liệu mật của Bộ Y tế trong vụ án.

Những giọt nước mắt muộn màng

Là người đầu tiên được nói lời sau cùng, Võ Mạnh Cường (bị đề nghị 20 năm tù) khẳng định cáo trạng nói bị cáo đã làm giấy tờ giả cho Nguyễn Minh Hùng là không có căn cứ. Bởi, theo kết luận điều tra, các giấy tờ trên đều do ông Raymundo cung cấp. 

Phiên tòa diễn ra trong trật tự, an toàn.

Thêm vào đó, Cường cho rằng, việc VKS quy kết bị cáo là người cầm đầu là không khách quan, thỏa đáng. "Bị cáo vẫn còn ấm ức. Mọi tội lỗi của Raymundo đều đổ lên đầu bị cáo?", Võ Mạnh Cường trình bày.

Nguyễn Minh Hùng (bị VKS đề nghị 18-19 năm tù) thì  tỏ ra ăn năn hối hận trước việc làm của mình. "Giá như bị cáo tìm hiểu pháp luật kỹ hơn thì đã không để sự việc xảy ra. Kính mong HĐXX xem xét, tuyên mức án nhẹ để bị cáo sớm được về với gia đình, xã hội".

Nhiều bị cáo mức án nặng (bị đề nghị từ 3-13 năm tù)  đã khóc và không làm chủ được lời nói. Tất cả đều thừa nhận sai phạm. Các bị cáo đều cho rằng chỉ là người làm công ăn lương, làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, mong HĐXX xem xét lại mức án mà VKS đã đề nghị.

Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Phòng nghiên cứu và phát triển VN Pharma) vừa khóc vừa trình bày: "Bị cáo là sinh viên ra trường mới làm năm thứ 2 đã vi phạm pháp luật. Bị cáo chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của cấp trên, hoàn toàn không có tư lợi. Hoàn cảnh gia đình bị cáo, mẹ ruột bị cáo mất do ung thư máu khi bị cáo còn nhỏ, gia đình hoàn toàn kiệt quệ kinh tế… 

Trước lời trăng trối của mẹ, bị cáo hứa sẽ cố gắng ăn học, vào ngành dược và ra trường đến hôm nay. Các anh chị em bị cáo không ai được đi học. Trách nhiệm gia đình bị cáo rất lớn. Nếu biết thuốc không có nguồn gốc thì có chỉ đạo bị cáo cũng không làm. 

Nguyễn Minh Hùng nói lời cuối cùng trước tòa.

Hiện sức khỏe của bị cáo rất yếu, bệnh xương khớp, thoát vị đĩa đệm, khó khăn trong sinh hoạt trong trại. Bị cáo thấm thía nỗi đau đớn xa gia đình, vợ con. Mong HĐXX xem xét cho bị cáo mức án nhẹ hơn mức án VKS đã đề nghị. Và xin tại ngoại điều trị bệnh trước khi thi hành án".

Một nữ luật sư thuộc Văn phòng luật sư Hồ Trung Hiếu (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Kinh doanh bất kỳ một loại hàng hóa gì cũng cần phải có đạo đức. Với các loại thuốc tân dược, vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, đạo đức nghề nghiệp càng đòi hỏi cao. Nếu dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, người bệnh càng nặng thêm…".

"Khi nhập lô thuốc trên về, không biết những con người kia có đặt mình vào vị trí của người bệnh? Kể cả những người làm công tác quản lý, không biết trách nhiệm của họ để ở đâu, sao họ có thể làm ngơ, tiếp tay cho hành vi gian dối, để trục lợi trên cơ thể người bệnh?", nữ luật sư bức xúc.

Đức Hà
.
.