"Cò đất" đâu phải chỉ... mày râu!
Gần đây, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) nổi lên nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hoạt động môi giới và chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Với phương thức, thủ đoạn hết sức táo tợn, manh động và cũng không kém phần tinh vi, các đối tượng đã thực hiện trót lọt hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều bị hại số tiền hàng chục tỷ đồng gây hoang mang, bức xúc dư luận.
Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Lâm Đồng xác định cầm đầu đường dây lừa đảo gây chấn động Lâm Đồng thời gian qua là 3 cô gái tuổi đời còn rất trẻ khiến nhiều người ngạc nhiên.
Lần theo dấu vết lừa đảo của các nữ nhân trẻ
Trong tháng 8 và 9-2021, cùng với cơn sốt đất len lỏi tới “hang cùng ngõ hẻm”, từ thành thị tới nông thôn, kể cả những vùng rừng núi xa xôi nhất của tỉnh Lâm Đồng vì trào lưu “bỏ phố về quê”. Qua đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã nhận được đơn tố cáo của hơn 10 bị hại liên quan đất đai. Tất cả những đơn tố cáo này đều liên quan đến hành vi môi giới, chuyển nhượng đất đai để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thậm chí, có trường hợp các đối tượng manh động tới mức gần như “cướp” luôn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà nạn nhân đang cầm trên tay sau đó đưa ra nhiều lý do chây ì, không chịu trả lại hoặc bị hại không có cách nào liên lạc được với các đối tượng để đòi lại. Người bị nhóm này lừa đảo, chiếm đoạt nhiều nhất hơn 10 tỷ đồng, người ít cũng lên tới vài trăm triệu đồng. Không ít trường hợp nạn nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn, sau khi bị các đối tượng lừa đảo lại càng trở nên túng quẫn.
Trước khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được đơn tố cáo của các bị hại, dư luận tại TP Đà Lạt đã lan truyền nhiều vụ lừa đảo do nhóm đối tượng này liên kết thực hiện với phương thức, thủ đoạn hết sức táo tợn và tinh vi. Thậm chí, nhiều người là nạn nhân hoặc biết rõ sự việc đã cảnh báo về hình thức lừa đảo trên lên mạng xã hội để cảnh tỉnh mọi người, tránh tiếp tục bị “sập bẫy” của chúng.
Các đối tượng này thường giả danh người làm môi giới bất động sản chuyên nghiệp, đi cùng gia chủ đang có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất, làm giả giấy tờ của ngân hàng, lệnh chuyển tiền qua tài khoản... khiến bị hại tin tưởng giao tài sản (giấy tờ nhà đất, tiền) cho các đối tượng. Lợi dụng điều này, các đối tượng lập tức tìm cách chiếm đoạt luôn tài sản của cả người mua lẫn người bán.
Từ đơn tố cáo của các bị hại cùng với thông tin nắm bắt của dư luận địa phương, ngay khi tiếp nhận đơn, xác định có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng đã xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh xác lập chuyên án đấu tranh, làm rõ băng nhóm lừa đảo đang gây xôn xao dư luận tại địa phương. Những điều tra viên giàu kinh nghiệm, đã được tôi luyện qua hàng chục chuyên án lớn được lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tham gia chuyên án với mục tiêu sớm làm rõ đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên, khẩn trương đưa các đối tượng liên quan ra xử lý để giải tỏa những bức xúc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bị hại và trấn an dư luận tại địa phương.
Sau thời gian tiến hành điều tra, Ban chuyên án xác định cầm đầu đường dây lừa đảo hết sức táo tợn, manh động và cũng không kém phần tinh vi này là 3 cô gái, tuổi đời đều chỉ 19 và 20, khiến ai cũng ngỡ ngàng. Các đối tượng lần lượt bị cơ quan điều tra triệu tập lên làm việc, gồm Phan Thị Kim Lộc (SN 2001, trú tổ 36, khu phố 4, Hòn Bồ, phường 12, TP Đà Lạt; tạm trú đường Nguyễn Hữu Cầu, phường 12, Đà Lạt), Huỳnh Nguyễn Hà Vy (SN 2002, trú tại tổ dân phố Thái An, phường 12, TP Đà Lạt) và Nguyễn Ngọc Huyền My (SN 2002, trú tại đường Cô Giang, phường 9, TP Đà Lạt).
Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, đối chiếu với lời khai nhận của các đối tượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng xác định, Phan Thị Kim Lộc giữ vai trò chủ mưu, trực tiếp chỉ đạo, tham gia nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Huỳnh Nguyễn Hà Vy thực hiện các lệnh chuyển tiền giả của ngân hàng, giữ vai trò đồng phạm quan trọng trong các vụ lừa đảo. Nguyễn Ngọc Huyền My tham gia ký nhiều hợp đồng giao dịch bất động sản với khách hàng, là người giữ vai trò giúp sức tích cực.
Lừa đảo, chiếm đoạt tiền để cá độ bóng đá
Sau khi lừa đảo, chiếm đoạt được tiền, tài sản của các bị hại, cả 3 chia nhau tiêu xài cá nhân. Riêng đối tượng Phan Thị Kim Lộc, mặc dù tuổi đời vừa mới 20 nhưng đã sớm lún sâu vào con đường cờ bạc, đam mê sát phạt “đỏ đen” với hình thức cá độ bóng đá. Phần lớn số tiền chiếm đoạt được của các bị hại, cô gái này đều nướng vào các trận bóng thuộc giải đấu Euro (diễn ra từ ngày 12-6-2021 đến 12-7-2021). Mức độ ăn chơi, tiêu tiền như nước của 3 cô gái trẻ tuổi mới bước vào nghề “môi giới bất động sản” khiến bạn bè cùng trang lứa và những người quen biết phải lác mắt.
Theo hồ sơ vụ án, cả 3 đối tượng này chơi với nhau từ khi còn là học sinh cấp 2. Huỳnh Nguyễn Hà Vy hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Tài chính Marketing (TP Hồ Chí Minh), nổi tiếng là học sinh giỏi từ bậc phổ thông đến đại học. Vy khai nhận, do đợt dịch COVID-19 bùng phát, việc học trực tiếp trên lớp không thực hiện được nên Vy rời TP Hồ Chí Minh về Đà Lạt sống với gia đình. Ở quê nhà, cô gái này gặp lại bạn cũ là Phan Thị Kim Lộc và Nguyễn Ngọc Huyền My. Ở nhà cùng với cha mẹ dài ngày lại không có việc làm, khi được Lộc rủ tham gia làm ăn chung từ việc đi môi giới bất động sản thì Vy đồng ý ngay. Để tạo vỏ bọc hoàn hảo là những người thành đạt nhằm dễ dàng qua mắt các bị hại, đối tượng Phan Thị Kim Lộc đã thuê một xe ôtô con có tài xế riêng, mỗi tháng trả 20 triệu đồng để chở cả 3 đi lại, thuê khách sạn cùng nhau ăn ở “sang chảnh”.
Thời điểm này, Lộc đã lún sâu vào nợ nần do mải mê sát phạt “đỏ đen” qua hình thức cá độ bóng đá. Số tiền Lộc cá độ thua từ vài chục triệu tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí có trận số tiền thua lên tới cả tỷ đồng. Để có tiền trả nợ, cô gái này rủ rê thêm My và Vy cùng tham gia vào các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng việc làm giả người môi giới bất động sản.
Thủ đoạn mà nhóm này thực hiện là khi đã tìm được người bán và người mua đất, các đối tượng đi theo ra công chứng đặt cọc, mua bán sang tên sau đó kiếm cớ “lật kèo”, lấy được tiền của người mua đất và chiếm đoạt luôn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ đất. Nhóm lừa đảo này tiếp tục đem bán hoặc cầm cố tài sản của người đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có những trường hợp, các đối tượng làm giả lệnh chuyển tiền của ngân hàng để đặt cọc mua đất sau đó chiếm đoạt “sổ đỏ” rồi bán cho người khác.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng cũng đã làm rõ, trong hàng loạt các vụ do nhóm này thực hiện, một số vụ chỉ mình Lộc tham gia, một số vụ khác Vy và My tham gia giúp sức tích cực. Huỳnh Nguyễn Hà Vy là người trực tiếp thực hiện (tạo ra) các lệnh chuyển khoản thành công - giả giao dịch của ngân hàng đến các số tài khoản của “khách hàng” do Lộc đưa. Vy khai nhận, đã thực hiện làm giả các lệnh chuyển tiền của ngân hàng bằng điện thoại di động của mình, trên phần mềm do Vy tự tìm hiểu thông tin trên mạng Internet. Sau khi có được họ tên, số tài khoản của người cần chuyển khoản qua, Vy sẽ sử dụng phần mềm để thay đổi thông tin, số tiền, số tài khoản, thời gian chuyển tiền và làm ra một lệnh giao dịch chuyển tiền giả giống y như lệnh giao dịch thật của hệ thống ngân hàng. Trên thực tế, người nhận được lệnh chuyển tiền do Vy thực hiện không hề nhận được tiền trong tài khoản mở tại ngân hàng.
Tin tưởng vào các lệnh chuyển tiền giả này, nhiều người đã chuyển tiền hoặc công chứng giấy tờ đất đai cho Lộc hoặc cho Lộc vay tiền. Có tiền, Lộc chia cho Vy, My theo tỉ lệ thỏa thuận cùng nhau tiêu xài. Làm việc với cơ quan điều tra, Vy và My khai, chỉ mình Lộc tham gia cá độ bóng đá. Do là bạn bè thân thiết từ nhỏ nên Vy làm các lệnh chuyển tiền giả chỉ với mục đích giúp Lộc, còn tiền do Lộc giữ hết. Tuy nhiên, Lộc lại khai, cả 3 cùng thực hiện cá độ trong các trận đấu thuộc khuôn khổ giải bóng đá Euro. Tình tiết này đang được các điều tra viên xác minh làm rõ.
Đến nay, các bị hại đã nộp các giấy tờ, bằng chứng chứng minh việc bị nhóm “nữ quái” giăng bẫy để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 13 tỷ đồng. Trong số các nạn nhân của nhóm lừa đảo này có cả những trường hợp gia cảnh hết sức khó khăn. Bà Nguyễn Thị Tuyết, ngụ Thái Phiên, phường 12, TP Đà Lạt, một trong hàng loạt nạn nhân của nhóm lừa đảo này cho biết, do tin tưởng Nguyễn Ngọc Huyền My nên bà đã ủy quyền cho đối tượng này quản lý, sử dụng, thế chấp, tặng cho, đặt cọc, chuyển nhượng, cho thuê đối với thửa đất 714, tờ bản đồ số 7, phường 12, TP Đà Lạt. Ngược lại, ngày 9-8-2021, Nguyễn Ngọc Huyền My viết giấy tay với nội dung mua lại thửa đất trên của bà Tuyết với giá 1,3 tỷ đồng. Cũng theo nội dung giấy viết tay này, My đã chuyển cho bà Tuyết 1 tỷ đồng bằng hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên, trên thực tế bà Tuyết không hề nhận được số tiền trên. Sau khi thực hiện thành công hành vi lừa đảo này, Nguyễn Ngọc Huyền My tìm cách lẩn trốn. Bà Tuyết không có cách nào liên lạc được với đối tượng này nữa.
Thượng tá Phạm Xuân Thủy, Phó thủ trưởng thường trực Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, quá trình làm việc với cơ quan điều tra, các đối tượng chỉ khai báo nhỏ giọt, quanh co, còn nhiều mâu thuẫn, chưa thể hiện thái độ thành khẩn. Hiện cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ số tiền các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt được của các bị hại cũng như vai trò, hành vi của từng đối tượng trong từng vụ việc. Ngoài 3 đối tượng trên, cơ quan chức năng cũng đang làm việc với một số người có liên quan, trong đó có cả nhân viên của một văn phòng công chứng tại TP Đà Lạt.