Vì sao Trần Hùng - “Người hùng chống hàng giả” bị bắt?

Thứ Hai, 23/08/2021, 19:52

Khi vụ án liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn, lợi nhuận thu được trên 50 tỉ đồng được khởi tố, điều tra, dư luận đặt câu hỏi, vì lẽ nào đường dây này tồn tại nhiều năm, hệ thống phân phối, tiêu thụ rộng khắp mà không bị phát hiện?

Đến khi hàng loạt cán bộ Quản lý thị trường, trong đó có cả nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) bị khởi tố, nguyên nhân mới phần nào sáng tỏ. Bởi chính những người được xem là “người hùng” trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu khi phát hiện ra sai phạm lại ngó lơ, không xử lý vì “mưu cầu cá nhân”.

Từ xe tải chở sách giả của gã giám đốc lộ kho hàng khủng

Trưa 18-6, chiếc ô tô tải mang biển kiểm soát 29H-132.87, màu trắng, tải trọng 11,4 tấn đang đỗ để bốc xếp sách từ thùng xe vào kho hàng của Công ty TNHH Sản xuất & thương mại Phú Hưng Phát (ngõ 88 Giáp Nhị, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ bị lực lượng chức năng kiểm tra, khám xét, xác định trên xe có 120 thùng carton, với 9.750 cuốn sách giáo khoa giả, dán tem hologram (tem chống hàng giả) giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Tổng giá trị sách theo giá bìa là 380 triệu đồng. Bất ngờ hơn, tài xế xe tải là Hoàng Mạnh Chiến, Giám đốc Công ty CP In và văn hóa truyền thông Hà Nội.

Vì sao Trần Hùng - “Người hùng chống hàng giả” bị bắt? -0
Vì sao Trần Hùng - “Người hùng chống hàng giả” bị bắt? -1
 Kho chứa sách giả bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý.

Ngay sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả đối với Hoàng Mạnh Chiến và áp dụng biện pháp tạm giữ hình sự đối với Chiến, đồng thời thu giữ toàn bộ sách giáo khoa giả và phương tiện vận chuyển nêu trên.

Tiếp đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đồng loạt triển khai khám xét khẩn cấp tại 19 địa điểm, 2 văn phòng công ty, xưởng in, xưởng gia công và 15 kho hàng nằm rải rác trên địa bàn Hà Nội. Kết quả khám xét bước đầu, cơ quan chức năng đã thu giữ, niêm phong nhiều đồ vật, tài liệu, phương tiện phạm tội của các đối tượng, gồm 3 dây chuyền máy in offset 4 màu và các loại máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách,...

Cơ quan chức năng còn thu giữ hàng triệu cuốn sách giáo khoa thành phẩm giả, nhiều phương tiện, sổ sách, chứng từ kế toán liên quan việc sản xuất, mua bán, tiêu thụ sách giả… Để trông như thật, các đối tượng trong đường dây này còn sản xuất cả tem giả, liên kết với nhau theo đường dây từ khâu in ấn, đến đóng gói rồi tiêu thụ nhằm khép kín hoạt động. Mỗi khâu là một doanh nghiệp điều hành. Các đối tượng sản xuất sách giáo khoa giả thường dùng thủ đoạn chia nhỏ các khâu, từ in đến gia công, đóng gói, rồi phát hành, tiêu thụ nên việc xử lý các đối tượng này rất khó khăn.

Bất ngờ hơn khi “khách hàng” của đường dây này là một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, như: Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh... Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi nhuận thu được từ số sách giả này khoảng 50 tỉ đồng. Đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay.

Vì sao Trần Hùng - “Người hùng chống hàng giả” bị bắt? -0
 Bị can Trần Hùng (bên trái) và Nguyễn Duy Hải.

Hàng loạt cán bộ quản lý thị trường... nhúng chàm

Ngày 23-6 Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, xảy ra tại Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát và các đơn vị liên quan, khởi tố Cao Thị Minh Thuận (chủ sở hữu Công ty Phú Hưng Phát), Nguyễn Mạnh Hà (Phó Giám đốc Công ty In truyền thông) cùng 5 bị can liên quan về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” quy định tại Khoản 3, Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015.

Một đường dây in và tiêu thu sách giả nằm rộng khắp trên địa bàn Hà Nội, hoạt động từ lâu, với lượng sách giáo khoa in giả lớn, tiêu thụ rộng khắp mà các cơ quan chức năng phát hiện làm dấy lên những nghi ngại, uẩn khúc. Vì lẽ đó, trong quá trình mở rộng vụ án, Cơ quan công an đã không dừng lại ở việc đấu tranh với các đối tượng trực tiếp sản xuất, buôn bán sách giả mà tìm ra những bí mật phía sau, để làm rõ tại sao những cơ sở in này lại có thể ngang nhiên hoạt động trong thời gian dài, đưa ra thị trường vô số đầu sách giả, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà xuất bản, cho nền kinh tế và gây mất trật tự trị an xã hội.

Bất ngờ, quá trình mở rộng điều tra cho thấy, ngày 9-7-2020 Đội QLTT số 17 (đội lưu động) thuộc Cục QLTT Hà Nội chủ trì, phối hợp với Tổng cục QLTT, Đội QLTT số 15 (quản lý địa bàn quận Hoàng Mai), Công an phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiến hành kiểm tra kho sách của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát tại số 87 Ngõ 1141 Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội. Khi đó, đoàn kiểm tra đã phát hiện 27.360 quyển sách giáo khoa giả. Cơ sở in số sách giáo dục giả này chính là của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát.

Tuy nhiên, lạ kỳ hơn là sau khi tổ công tác phát hiện dấu hiệu phạm tội của các đối tượng in sách giả, các bị can là những cán bộ QLTT đã không thực hiện việc báo cáo tới cơ quan điều tra có thẩm quyền mà tự ý xử lý vụ việc. Qua thu thập chứng cứ, tài liệu từ lời khai của các đối tượng, Cơ quan công an đã bắt giam nhóm cán bộ QLTT, gồm: Lê Việt Phương, nguyên Phó Đội trưởng QLTT số 17, nay là Đội trưởng QLTT số 14; Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương, nguyên kiểm soát viên Đội QLTT số 17, nay là kiểm soát viên Đội QLTT số 14, Cục QLTT TP Hà Nội, cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Khi cán bộ chống hàng lậu bị mua chuộc

Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm của ông Trần Hùng, chuyên viên chính, nguyên Tổ trưởng Tổ công tác 304 (nay là Tổ trưởng Tổ công tác 1444) Tổng cục QLTT, Bộ Công thương. Ông Hùng từng là Phó Cục trưởng Cục QLTT. Bất ngờ hơn, cùng thời điểm Bộ Công an khởi tố ông Hùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” thì cũng đồng thời ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự “Môi giới hối lộ” và khởi tố Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) về tội “Môi giới hối lộ”.

Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Trần Hùng trực tiếp chỉ đạo Cục QLTT Hà Nội và Đội QLTT số 17 kiểm tra kho của Công ty Phú Hưng Phát do Cao Thị Minh Thuận làm Giám đốc, phát hiện, thu giữ 27.360 quyển sách thuộc 68 đầu sách giáo khoa giả vào ngày 9-7-2020. Tuy nhiên, sau đó Nguyễn Duy Hải gặp và tác động, “nhờ” Trần Hùng xử lý nhẹ vụ việc của Thuận. Vì vậy, Trần Hùng không chỉ đạo giải quyết vụ việc đối với cấp dưới theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Dẫn đến, Cao Thị Minh Thuận tiếp tục thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với số lượng lớn.

Ông Trần Hùng được biết là người khá nổi tiếng trong lực lượng QLTT và  phát ngôn trên báo chí, mạng xã hội. Trước đó, năm 2015, vụ Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả là vụ việc phức tạp, ông Trần Hùng được biết đến là người tham gia ngay từ đầu khi Công ty Thuận Phong bị tố giác sản xuất phân bón giả. Sau vụ việc trên, ông Trần Hùng trải lòng, đã có nhiều người ở các bộ ngành theo ông liên tục, dùng quan hệ và tiền để “mua chuộc” nhưng ông không đồng ý.

Khi làm Phó Cục trưởng Cục QLTT, năm 2018, ông Trần Hùng đã lập đoàn kiểm tra hệ thống cửa hàng Con Cưng tại TP Hồ Chí Minh. Ông Trần Hùng cung cấp những thông tin cho báo chí về việc có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ của hệ thống cửa hàng Con Cưng (tuy nhiên, về sau công ty này được xác định chỉ mắc lỗi trong khuyến mãi, thương mại điện tử - PV). Dẫn đến, tháng 5-2019, ông Hùng bị Bộ trưởng Bộ Công thương “nghiêm khắc phê bình” và yêu cầu “rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Tháng 2-2020, ông Hùng được Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ định làm Tổ trưởng Tổ công tác 304 về QLTT. Theo Quyết định, Tổ công tác về QLTT gồm 6 thành viên, đại diện cho Tổng cục trưởng trong thực hiện nhiệm vụ được Tổng cục trưởng phân công. Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng cục trưởng xác minh các vụ việc vi phạm pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quy mô, số lượng lớn, hoạt động liên địa bàn. Tuy nhiên, tháng 3-2020, ông Trần Hùng lại bị xác định có dấu hiệu vượt quá thẩm quyền trong việc điều động, phân công, thay thế thành viên Tổ 304 tham gia đoàn công tác 416, khi thực hiện việc kiểm tra Công ty Quốc Bảo (Bắc Ninh).

Vì sao Trần Hùng - “Người hùng chống hàng giả” bị bắt? -0
 Các bị can là cán bộ Quản lý thị trường.

Đáng chú ý, vài ngày trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Trần Hùng đã có chia sẻ trên trang Facebook cá nhân về vụ việc các cán bộ QLTT, Cục QLTT Hà Nội bị bắt giam do liên quan đến vụ sản xuất sách giáo khoa giả. Ông Hùng bày tỏ “rất buồn và đau xót trước các sự việc này” và tự cảnh tỉnh rằng: “Không chỉ đối với lực lượng QLTT mà còn đối với toàn thể xã hội trong cuộc chiến với cái xấu, với cái sai, rằng chỉ cần một phút yếu lòng trước cam go và cám dỗ, con người ta có thể phạm những sai lầm không thể sửa chữa được và phải trả giá rất đắt vì điều đó. Nếu không giữ gìn đạo đức, phẩm chất, rèn luyện tu dưỡng thường xuyên thì con người ta dễ bị hạ gục và khuất phục bởi những cám dỗ”. Bây giờ thì đến lượt ông!

Kim Sa
.
.