Học giả quốc tế ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Thứ Tư, 30/04/2025, 06:37

Trong khí thế hào hùng của những ngày tháng 4 lịch sử, những người bạn quốc tế, cũng là những chuyên gia nghiên cứu lịch sử chính trị, đã dành nhiều lời ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam - gọi đây là biểu tượng của chính nghĩa và tình đoàn kết quốc tế.

Tấm gương của Việt Nam chính là ánh sáng hy vọng

"Chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam đã tạo ra ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ ở châu Phi mà đặc biệt là tại khu vực Mỹ Latinh", đây là khẳng định của ông Ezequiel Ramoneda - Điều phối viên Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CESEA), Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Quốc gia La Plata Argentina (UNLP).

Theo ông Ramoneda, ở nhiều quốc gia Mỹ Latinh, nơi người dân thời điểm đó đang đấu tranh chống lại các chế độ áp bức, chiến thắng của Việt Nam được xem như một biểu tượng của sự đấu tranh và phẩm giá dân tộc. Trong những năm tháng đen tối vào cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80, khi các chế độ độc tài quân sự, đàn áp chính trị và vi phạm nghiêm trọng quyền con người lan rộng ở Mỹ Latinh cũng như nhiều nơi khác, tấm gương của Việt Nam chính là ánh sáng hy vọng.

"Thắng lợi của nhân dân Việt Nam chứng minh rằng, ngay cả trong những hoàn cảnh gian nan nhất, cuộc đấu tranh vì công lý vẫn có thể đi đến thắng lợi. Đó chính là một trong những ảnh hưởng và di sản lớn lao nhất của chiến thắng Việt Nam năm 1975", ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

ttxvn-giai-phong-mien-nam-thong.jpg -0
Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Nhìn nhận sự vươn mình phát triển của Việt Nam, học giả Argentina bày tỏ cảm nhận vô cùng đặc biệt và ấn tượng với một quá trình phát triển phi thường diễn ra trong khoảng 50 năm. Nếu mở rộng góc nhìn, có thể thấy từ những năm 1940-1941, lãnh thổ và người dân Việt Nam đã bắt đầu chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các cuộc chiến. Tất cả tạo nên một gánh nặng lịch sử kéo dài hơn 30 năm, tác động mạnh đến môi trường, lãnh thổ và đặc biệt là con người.

Trong bối cảnh ấy, có rất ít quốc gia, nếu không muốn nói là hầu như không có quốc gia nào, có thể tiến hành một quá trình tái thiết đất nước thành công như Việt Nam. Một quá trình huy động toàn dân, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau, từng bước đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói, hướng đến phát triển toàn diện.

Ông Ramoneda khẳng định, Việt Nam không chỉ cho thấy hiệu quả chính trị rõ rệt trong những thời kỳ biến động lớn cả trong nước lẫn trên trường quốc tế, mà còn thể hiện một tầm nhìn chiến lược về hội nhập quốc tế. Nhờ đó, Việt Nam từng bước khẳng định vị thế là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng toàn cầu.

"Việc đạt được tất cả những điều ấy trong vòng chưa đầy 50 năm, đặc biệt khi xét đến những di sản' nặng nề mà lịch sử để lại, là một điều hết sức phi thường. Nó phản ánh rõ nét tinh thần kiên cường, sức bền bỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ và năng lượng sống mạnh mẽ của người dân Việt Nam", ông nhấn mạnh.

Học giả quốc tế ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam -0
Sáng 30/4/1975, từ khắp mọi hướng, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp cùng bộ binh đồng loạt thẳng tiến Phủ Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Sài Gòn. Ảnh: TTXVN

Vai trò quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần đoàn kết quốc tế

Nhắc lại thời khắc radio thông báo "chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng", ông Pedro Gellert, nhà báo kỳ cựu của tờ Regeneración, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Phong trào Tái thiết Quốc gia (MORENA) cầm quyền tại Mexico, kể lại: "Chúng tôi như nhảy lên trong vui sướng. Đó không chỉ là chiến thắng của Việt Nam, mà còn là chiến thắng của tất cả các dân tộc trên thế giới".

Ngay sau đó, ông nhắc lại, một cuộc mít tinh lớn tại New York đã được tổ chức để ăn mừng, với biển cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay giữa lòng nước Mỹ, cùng hàng triệu người tại Mỹ Latinh, châu Âu, Canada, Trung Đông và châu Á - những người coi chiến thắng của Việt Nam như chiến thắng của chính mình.

Dưới góc nhìn của một nhà báo kỳ cựu, ông cho rằng, chiến thắng 30/4/1975 đã có những tác động sâu sắc. Ở Mỹ Latinh, ở Mỹ, ở Châu Âu, hay Trung Đông, cũng như tất cả các nước Châu Á, chiến thắng này chứng minh được rằng, việc đánh bại chủ nghĩa đế quốc là hoàn toàn có thể!

Học giả quốc tế ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam -0
Nhà báo kỳ cựu Pedro Gellert trả lời phỏng vấn. 

Thứ hai, chiến thắng cho thấy rằng chúng ta có thể "đại chúng hóa" tình đoàn kết quốc tế. Tình đoàn kết không đến từ một tập thể nhỏ chỉ 100, 200 người, mà đã đến từ hàng triệu người đồng lòng với Việt Nam. Ông cho rằng tình đoàn kết đóng vai trò chủ chốt trong thành công của cuộc kháng chiến, và đường lối của Việt Nam đã đánh giá chính xác được sự quan trọng của tình đoàn kết.

"Nhờ vào cuộc đấu tranh kiên cường ấy và tinh thần đoàn kết sâu sắc của Việt Nam, ở khắp Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Âu đã xuất hiện một thế hệ mới: những người đồng chí, cả nam và nữ, đầy tinh thần chiến đấu, cam kết với các phong trào đấu tranh xã hội - một thế hệ mà trước đó chưa từng có", ông bày tỏ.

Cũng chính vì vậy, nhà báo kỳ cựu của Mexico tin rằng, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần đoàn kết quốc tế. Nhờ tinh thần đó, hàng triệu thanh niên ở Mỹ Latinh, Mỹ Canada và châu Âu đã bắt đầu tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị cho đến sau này.

Ông Pedro Gellert cũng chia sẻ rằng, với những người đã từng vui mừng trước chiến thắng của Việt Nam cách đây 50 năm, hôm nay họ lại cảm thấy hạnh phúc khi chứng kiến chặng đường phát triển mạnh mẽ và những thành tựu mà đất nước Việt Nam đã đạt được. Một đất nước từng gánh chịu tổn thất nặng nề bởi bom đạn, chất độc hóa học, vậy mà sau nửa thế kỷ đã trở thành một quốc gia hiện đại, thịnh vượng và đầy triển vọng.

Bảo Hân
.
.