Thông điệp đằng sau sự xuất hiện của tàu ngầm mạnh nhất Hải quân Mỹ tại Guam

Thứ Hai, 17/01/2022, 16:33

Một trong những vũ khí mạnh nhất trong kho vũ khí của Hải quân Mỹ đã có chuyến ghé thăm hiếm hoi đến Guam vào cuối tuần qua, gửi đi thông điệp tới cả đồng minh lẫn đối thủ trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, CNN đưa tin ngày 17/1.

Thông điệp đằng sau sự xuất hiện của tàu ngầm mạnh nhất Hải quân Mỹ tại Guam  -0
Tàu USS Nevada xuất hiện tại Guam được coi là một thông điệp của Washington đến cả đồng minh lẫn đối thủ trong khu vực. Ảnh CNN/Hải quân Mỹ. 

Tàu USS Nevada, một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ohio mang theo 20 tên lửa đạn đạo Trident và hàng chục đầu đạn hạt nhân, đã ghé thăm căn cứ Hải quân trên lãnh thổ Guam của Mỹ hôm 15/1. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo tới Guam kể từ năm 2016 và là chuyến thăm thứ hai được công bố kể từ những năm 1980.

Hải quân Mỹ trong một tuyên bố cho biết: “Chuyến thăm nhằm tăng cường hợp tác giữa Mỹ và các đồng minh trong khu vực, thể hiện khả năng, sự linh hoạt, sẵn sàng và cam kết của Mỹ đối với an ninh và ổn định của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.

Hành trình của 14 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Mỹ thường được giữ bí mật. Với việc sử dụng năng lượng hạt nhân, các tàu ngầm loại này của Mỹ có thể hoạt động dưới nước nhiều tháng liền. Giới hạn duy nhất đối với các tàu này chính là nguồn cung cấp cần thiết để duy trì hoạt động cho thủy thủ đoàn lên đến 150 thành viên.

Hải quân Mỹ cho biết các tàu ngầm lớp Ohio có khả năng hoạt động liên tục dưới nước trong trung bình 77 ngày trước khi phải “ngoi” lên và đi đến các cảng khoảng một tháng để bảo trì và bổ sung các nguồn cung cấp cần thiết.

Rất hiếm khi có một tàu ngầm loại này của Mỹ được trông thấy và chụp ảnh lại, thậm chí là tại các cảng chính ở Bangor, Washington và Kings Bay, bang Georgia. Các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Mỹ là một trong “bộ kiềng 3 chân”, bao gồm cả tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền và các máy bay ném bom có ​​khả năng mang đầu đạn hạt nhân như B-2 và B-52.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang cũng như việc Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa, việc Washington điều động tàu ngầm chiến lược đến khu vực Thái Bình Dương cũng là một cách để gửi đi thông điệp.

Theo một phân tích năm 2021 của các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc khó bắt kịp các tàu của Mỹ. Các nhà phân tích của CSIS hồi tháng 8/2021 cho biết tàu ngầm tên lửa đạn đạo Type 094 của Trung Quốc lớn hơn hai lần so với tàu ngầm của Mỹ, do đó dễ bị phát hiện hơn, nhưng lại có thể mang ít tên lửa và đầu đạn hơn.

Alessio Patalano, giáo sư về lĩnh vực chiến tranh và chiến lược tại Đại học King's College ở London, cho biết bên cạnh tín hiệu chính trị, sự hiện diện của tàu USS Nevada trong khu vực còn có thể là cơ hội quan trọng nhằm “bắt sóng” những tàu cùng loại của các nước có liên quan khác trong khu vực, cụ thể là Trung Quốc và Triều Tiên.

Lần gần nhất một tàu ngầm loại này của Hải quân Mỹ đến thăm Guam là vào năm 2016, đó là tàu USS Pennsylvania.

Các nhà phân tích cho biết căng thẳng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã gia tăng đáng kể kể từ thời điểm đó, và dự đoán sẽ còn nhiều màn “phô diễn” quân sự tương tự đến từ Washington trong bối cảnh hiện nay.

Tiến Dũng
.
.