Tương lai bất định với Afghanistan

Thứ Bảy, 21/08/2021, 10:22

Đã 5 ngày trôi qua kể từ khi Taliban chiếm quyền kiểm soát Afghanistan.  Nhiều quốc gia vẫn đang khẩn trương sơ tán công dân và người Afghanistan từng làm việc cho họ, còn Taliban thì tiếp tục có những bước đi để ổn định tình hình đất nước.

Câu hỏi đặt ra là Taliban có thực hiện đúng cam kết hay không và nếu họ tiếp quản quyền lực, liệu lực lượng này có đủ năng lực để điều hành và duy trì quyền kiểm soát thống nhất hay không?

Ngày 19/8 (giờ địa phương), tại nhiều thành phố của Afghanistan, nhiều người đã xuống đường biểu tình, phản đối Taliban, nhân kỷ niệm ngày Afghanistan giành độc lập từ Anh năm 1919. Chiến binh Taliban đã bắn vào đám đông ở thành phố Asadabad, khiến một số người thiệt mạng. Việc nổ súng vào các cuộc biểu tình làm dấy lên nghi ngờ đối với cam kết của Taliban sau khi lực lượng này tiếp quản Kabul như tuyên bố muốn hòa bình, không trả thù ai và tôn trọng quyền của phụ nữ trong khuôn khổ luật pháp Hồi giáo. Họ cũng đã kêu gọi các chức sắc Hồi giáo trong nước chống lại các thông tin tiêu cực về lực lượng này, cũng như thuyết phục người dân không cố gắng rời đất nước.

Taliban bày tỏ hy vọng các lãnh đạo Hồi giáo ở Thủ đô Kabul và các tỉnh thúc đẩy các lợi ích và kêu gọi đoàn kết. Các lãnh đạo của Taliban cũng bắt đầu thảo luận với các thành viên của lực lượng an ninh Afghanistan về tương lai của đất nước. Taliban trước đây từng tuyên bố sẽ ủng hộ một chính phủ chuyển tiếp nếu ông Ashraf Ghani từ chức. Tuy nhiên, không rõ liệu lực lượng này có thực hiện đúng cam kết hay không.

Tương lai bất định với Afghanistan -0
18.000 người đã được sơ tán từ sân bay Kabul kể từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan. Ảnh: AP. 

Ông Omar Samad, một cựu quan chức ngoại giao Afghanistan ở châu Âu, bày tỏ nghi ngờ rằng “liệu chúng tôi sẽ có một hệ thống được xây dựng trên cơ sở rộng lớn hay một hệ thống độc đảng, cho dù các dấu hiệu đều cho thấy sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp mang tính bao trùm hơn”. Trong khi đó, ông Torek Farhadi, một cựu cố vấn của Chính phủ Afghanistan, cho rằng nếu có một giai đoạn chuyển tiếp có tính bao trùm hơn, Taliban chắc chắn sẽ chiếm ưu thế nhưng có thể vẫn còn có chỗ cho các chủ thể chính trị khác.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia này hy vọng đó sẽ là những nhân vật và các bên liên quan ít được biết đến hơn chứ không phải là các nhân vật từ giới tinh hoa chính trị hiện tại ở Kabul. Ông nói: “Taliban có thể sẽ thành lập một chính phủ do họ lựa chọn, với các đại diện đến từ tất cả các tỉnh và các nhóm sắc tộc, nhưng không nhất thiết phải từ những nhân vật chính trị mà chúng ta đã biết”.

Câu hỏi đặt ra là nếu Taliban tiếp quản quyền lực, liệu lực lượng này có đủ năng lực để điều hành và duy trì quyền kiểm soát thống nhất hay không? Nhận định về vấn đề này, ông David Kilcullen, Giáo sư nghiên cứu quốc tế và chính trị tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Australia, cho rằng Taliban đã thành thạo hơn trong việc nắm quyền quản lý nhưng tương lai là điều không thể chắc chắn.

Ông nói: “Taliban đã huấn luyện các lực lượng nòng cốt cách nắm quyền điều hành và họ đã có các kỹ năng giao tiếp và truyền tải thông điệp tốt hơn. Taliban cũng điều hành một chính phủ bóng tối ở hầu hết các tỉnh và một loại chính phủ của quân du kích ở các thành phố lớn”.

Giáo sư David Kilcullen cũng cho biết Taliban có một nguồn thu quan trọng từ hệ thống thuế địa phương khá hiệu quả và nguồn thu từ việc sản xuất ma túy, làm lâm - nông nghiệp. Nhưng một khi nguồn lực lớn này không còn nữa, việc đạt được sự thống nhất có thể trở thành vấn đề. Đã có một lịch sử bất đồng lâu dài giữa các shura (hội đồng lãnh đạo) Quetta, Peshawar và Miran Shah - những thể chế chỉ đạo các hoạt động của Taliban. Giáo sư David Kilcullen lưu ý rằng chiến lược chống Taliban luôn tập trung vào việc thúc đẩy bất đồng này. Tuy nhiên, thủ lĩnh tối cao hiện tại của Taliban, Hibatullah Akhundzada, đã chứng tỏ là người có khả năng hơn nhiều so với người tiền nhiệm trong việc gắn kết các phe phái.

Giới phân tích nhận định rằng, một chính phủ do Taliban thống trị ở Kabul có thể sẽ xuất hiện. Trong thời kỳ Taliban từng nắm quyền cai trị, quyền lực được tập trung vào tay của một “Amir ul-Momineen” (người lãnh đạo những tín đồ ngoan đạo). Lãnh đạo tối cao này là nguyên thủ quốc gia và có quyền tối cao. Mullah Omar là người sáng lập và là lãnh đạo tinh thần của Taliban. Taliban đã bác bỏ nền dân chủ và các cuộc bầu cử, gọi đó là “hàng nhập khẩu nước ngoài.”

Hiện vẫn chưa rõ liệu Taliban có tái lập chế độ tàn bạo trước đây hay không. Khi lực lượng này cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, những người theo Hồi giáo chính thống đã áp bức phụ nữ, tàn sát các sắc tộc và tôn giáo thiểu số, đồng thời cấm âm nhạc và truyền hình. Các dấu hiệu ban đầu cho thấy Taliban sẽ áp dụng lại nhiều luật lệ đàn áp và các chính sách trái ngược với hiện nay ở Kabul - như họ đã làm ở các thành phố và thị trấn bị chiếm đóng khác trên khắp Afghanistan.

Taliban đã cấm phụ nữ ra ngoài làm việc, khắt khe hạn chế việc cho các bé gái đi học và yêu cầu phụ nữ phải đi cùng với một người thân là nam giới nếu họ muốn ra khỏi nhà. Cũng có một số thông tin về việc phụ nữ trẻ bị ép kết hôn với các tay súng Taliban. Tuy nhiên, các tay súng Taliban đã tìm cách thể hiện một bộ mặt ôn hòa hơn, hứa sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ và bảo vệ cả người nước ngoài và người Afghanistan. Người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen phát biểu hôm 15-8: “Chúng tôi đảm bảo với người dân, đặc biệt là ở thành phố Kabul, rằng tài sản và tính mạng của họ được an toàn”.

Những tuyên bố và bước đi của Taliban có đồng nhất hay không hiện đang được quốc tế theo dõi sát. Trả lời phỏng vấn hôm 19/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, Taliban có được cộng đồng quốc tế công nhận hay không là phụ thuộc vào hành động của họ. Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết thế giới cần đoàn kết thành một mặt trận chung trong việc đối phó với Taliban, thúc đẩy họ thành lập 1 chính phủ đại diện cho tất cả các nhóm sắc tộc khác nhau.

Ông nói: “Chính phủ đó sẽ tôn trọng nhân quyền và đặc biệt, vấn đề về quyền của phụ nữ là rất quan trọng đối với chúng tôi. Chính phủ đó phải tiếp tục cho phép các cuộc sơ tán khỏi Kabul và ngăn Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn cho chủ nghĩa khủng bố”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng các nước G7 cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong ứng phó với cuộc khủng hoảng ở Afghanistan để ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang. Về phần mình, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh Dominic Raab hôm 19/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng thay vì gây thêm sức ép, cộng đồng quốc tế nên khuyến khích, chỉ dẫn Afghanistan theo hướng tích cực. Điều này có lợi cho quá trình chuyển giao chính trị, sớm ổn định tình hình trong nước cũng như giảm thiểu tác động từ vấn đề tị nạn và nhập cư. Ông bày tỏ tin tưởng Taliban đã thay đổi và lịch sử cai trị hà khắc sẽ không lặp lại.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.