Cặp tỉ phú nổi tiếng… bủn xỉn

Thứ Ba, 24/04/2018, 08:18
Các siêu tỉ phú giàu nhất lại chính là những người tiêu pha dè xẻn nhất. Thống kê cho biết 3/4 giới tỉ phú Mỹ đi giày có giá dưới 100 USD, phục sức chưa tới 200 USD, đồng hồ đeo tay không quá 250 USD. Còn 1/3 số tỉ phú cự phách thường di chuyển trên các cỗ xe đời cũ đã “lỗi mốt”...

Cách đây 2 thập niên, vào năm 1998, lần đầu tiên tạp chí Mỹ Forbes chuyên xếp hạng đầy uy tín đã đưa ra bảng danh sách 40 người giàu nhất trong lịch sử Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, với duy nhất một đại diện của phái yếu góp mặt. Đó là bà Hetty Green (1834-1916), người phụ nữ đã đi vào huyền thoại của nền tài chính Hoa Kỳ qua biệt danh “The Witch of Wall Street” (phù thủy của phố Wall), cùng số tài sản tương đương 4,5 tỉ USD ở thời điểm hiện nay.

Vào đầu thế kỷ trước, trong khi thu nhập của một gia đình Mỹ trung lưu không quá 500 USD/năm, thì tài sản riêng của bà H. Green đã là 7 triệu USD. Nhưng mức độ giàu có lại không làm bà nổi tiếng bằng bản tính hết sức bủn xỉn. Sinh ra trong một gia đình có cha là chủ đội tàu săn bắt cá voi hùng hậu.

Lên 6 tuổi, cô bé Hetty bắt đầu nghiền ngẫm các bản tin chứng khoán, tới 8 tuổi tự mở tài khoản giao dịch tại ngân hàng gần nhà. Sinh nhật lần thứ 21, Hetty từ chối thắp những cây nến do cha tặng, để hôm sau đem ra cửa hàng đổi lấy tiền. Tới năm 33 tuổi, Hetty lấy “đại gia” Edward Henry Green vốn nổi tiếng là người biết tiêu pha dè xẻn làm chồng, rồi quyết định ly dị khi đã 68 tuổi do một lần ông nhà lỡ “vung tay quá trán”.

Người phụ nữ giàu nhất nước Mỹ H. Green luôn ra đường với chiếc váy áo màu đen “bất li thân”; Nhà tài phiệt dầu mỏ J. P. Getty từng được lên bìa tạp chí Mỹ Time vì bản tính... keo kiệt.

Trước khi kết hôn, họ thỏa thuận với nhau trên giấy trắng mực đen, rằng người chồng không được đòi quyền chia tài sản vốn có của vợ lúc chia tay. Đây có thể là hợp đồng tiền hôn nhân đầu tiên xảy ra trong lịch sử tư pháp Hoa Kỳ. Sau đó bà Hetty dẫn 2 đứa con đi thuê nhà trọ giá rẻ dưới một cái tên giả.

Để tiết kiệm chi tiêu, H. Green không bao giờ dùng lò sưởi cũng như sắm bình đun nước nóng. Chỉ có mỗi một chiếc váy đen mặc đi mặc lại khi ra đường, rất hiếm khi sắm đồ mới...

Chính vẻ nhếch nhác ấy khiến nhà đầu tư chứng khoán hàng đầu tại phố Wall mang biệt danh “phù thủy”. Những “phi vụ” trị giá hàng triệu USD thường được bà tiến hành ngay trên sàn nhà sở giao dịch, chẳng cần thuê văn phòng riêng làm gì cho đỡ... tốn tiền.

Ngay cả khi “cậu ấm” E.H.Robinson, thường gọi là Ned, bị tai nạn vỡ đầu gối năm 14 tuổi, bà Hetty cũng tự chữa lấy khiến vết thương nhiễm trùng buộc phải phẫu thuật. Rốt cục, nữ tỉ phú H. Green chỉ chịu đưa con tới bệnh viện chữa trị sau khi chồng cũ đồng ý trang trải mọi chi phí. Niềm đam mê duy nhất của người phụ nữ giàu “nứt đố đổ vách” này là con chó cảnh quấn bên bà “như hình với bóng”.

Thú nuôi luôn được thưởng thức những món ăn đắt tiền hơn cả chủ nhân. Nữ tỉ phú từ trần ngày 3-7-1916 vì nhũn não, chứng bệnh tiềm ẩn được giới thầy thuốc cảnh báo trước mà bệnh nhân vẫn chẳng màng chữa trị cho dù dư dả bạc tiền.

Kỹ nghệ gia John Paul Getty (1892-1976) lại là một cái tên “lạ hoắc” với công chúng, cho đến khi được tạp chí kinh doanh đa quốc gia Fortune xếp hạng là công dân Mỹ giàu nhất trong năm 1957, tới năm 1966 lại được Sách kỷ lục Guinness chính thức ghi nhận như là “Người giàu nhất thế giới”, cùng tổng số tài sản trị giá khoảng 1,2 tỉ USD, tương đương 9,05 tỉ USD ở thời điểm hiện nay.

Trước khi người cha George Getty, một luật sư kiêm doanh gia gạo cội mất cuối tháng 3-1930, chàng trai John đã tự mình kiếm được khoản tiền 1 triệu USD chỉ trong vòng 2 năm kề cận. Vào cuối thập niên 40 thế kỷ trước, J. Getty quyết định dốc hết gia sản do cha để lại vào “canh bạc lớn”: mua quyền thăm dò khai thác mỏ dầu ở vùng đất giáp ranh giữa Ảrập Xêút và Kuwait bây giờ, cùng cái giá “chóng mặt” là 9,5 triệu USD trong vòng 60 năm, cộng với khoản “thuế mặt bằng” là 1 triệu USD cứ mỗi năm qua đi.

Rồi giếng dầu thứ nhất được phát hiện vào năm 1953, biến “nhà đầu tư quả cảm” J. Getty trở thành ông trùm dầu mỏ, cũng là một trong những người đầu tiên trở thành tỉ phú USD trong thế giới hiện đại. Giữa năm 1960, J. Getty đột nhiên chuyển sang “ở ẩn” tại xứ sương mù, trong một khu điền trang cổ ở ngoại vi London, cho gắn điện thoại tự động bỏ xu ngay trước cổng ra vào để giới nhân viên phục dịch khỏi... “lạm dụng lòng tốt của ông chủ”, như nguyên văn lời người đang có 4 tỉ USD trong nhà băng khi ấy.

Ông thường tự tay giặt lấy những bộ quần áo khiêm nhường của mình, cấm ngặt việc vận hành hệ thống sưởi ấm bao trùm toàn bộ gia thất theo lối thiết kế thời thượng, cũng như săm soi chi li mọi khoản hóa đơn thanh toán.

Có lần J. Getty mời 3 người bạn tới ăn tối tại một nhà hàng trung tâm thủ đô London. Khi mọi người tề tựu đầy đủ thì nhà tỉ phú lại rủ họ... đi dạo. Nguyên nhân là chưa tới giờ nhà hàng áp dụng chương trình khuyến mãi hằng đêm.

Rồi tới vụ bắt cóc đòi tiền chuộc đứa cháu đích tôn 16 tuổi John Paul Getty III (1956-2011) tại Rome (Italia) ngày 10-7-1973. Người ông siêu tỉ phú J. Getty kiên trì mặc cả suốt một thời gian dài, bất chấp việc nạn nhân đã bị cắt một bên tai, để nhóm hung thủ chịu hạ mức tiền chuộc từ 17 triệu xuống còn 2,2 triệu USD, kèm điều kiện là người cháu phải trả lại khoản tiền ấy với mức lãi suất 4% một năm - tính từ thời điểm sau khi được thả.

Bản tính keo kiệt của người ông giàu sụ đã khiến đứa cháu trở thành kẻ tật nguyền do bị bọn bắt cóc tra tấn hành hạ nên phải ngồi xe lăn đến hết đời... Tấn bi kịch này đã được đạo diễn nổi tiếng Ridley Scott dựng thành bộ phim “All the Money in the World” (Trong thế giới này tất cả là tiền bạc) phát hành cuối năm 2017, chuyển thể từ đầu sách “Painfully Rich: The Outrageous Fortunes and Misfortunes of the Heirs of J. Paul Getty” (Đau đớn trong sự giàu có: Những nỗi thống khổ và bất hạnh của những người thừa kế của J. Paul Getty) do tiểu thuyết gia lão luyện người Anh John Pearson ấn hành năm 1995.

Bộ phim lột tả tấn bi kịch điển hình trong giới giàu có “lắm tiền nhiều của” này, từng được đề cử tranh giải Oscar năm 2018 đầu tháng 3 vừa qua.

Trần Hồng (theo Bloomberg Businessweek)
.
.