Đấu giá máy mật mã cực hiếm từ Thế chiến II
Trong phiên giao dịch ngày 25/3 tại trụ sở Nhà bán đấu giá (NBĐG) Auction Team Breker ở Cologne (Đức), một chiếc máy tạo tin điện mật mã hiệu Enigma do nhà máy Heimsoeth & Rinke chế tạo năm 1944, đã được một khách hàng khuyết danh trả mức giá cao nhất là 480.000 euro, tương đương 517.000 USD tính cả phí môi giới lẫn phí bảo hiểm.
Đó là chiếc máy Enigma có số sê-ri A 17867/jla/1944, với bàn phím QWERTY tiêu chuẩn có 26 phím theo ký tự Latin, nằm trong vỏ gỗ nguyên bản với 16 phích cắm, dây cáp và tài liệu hướng dẫn sử dụng đi kèm. Cỗ máy phức tạp này do kỹ sư người Đức Arthur Scherbius (1878-1929) phát minh, được thiết kế để tạo ra hơn 22 tỉ tổ hợp liên kết mà không lặp lại.
Vì tính chất an toàn và bảo mật cực cao, máy Enigma được quân Đức sử dụng để mã hóa những thông điệp tối mật trong Thế chiến II. Đến đầu năm 1943, những bí quyết tạo mã trên Enigma đã được nhà toán học Anh Alan Turing khám phá, dựa trên sự cải tiến cách giải mã của nhóm chuyên gia Ba Lan trước chiến tranh.
Hiện có 318 cỗ máy Enigma hoàn chỉnh còn được lưu giữ, đa phần nằm trong các viện bảo tàng, chỉ có 3 chiếc được đem bán đấu giá gồm 1 chiếc tại NBĐG Sothebys trong năm 2017 với giá 435.000 USD, 1 chiếc tại NBĐG Christies dạo giữa tháng 7/2020 với giá 440.000 USD và chiếc vừa được bán với giá 517.000 USD.