Điều thú vị về đầu sách tập hợp các kỷ lục thế giới Guinness
Người ta kể rằng, sáng kiến tập hợp các loại kỷ lục của thế giới là do Sir Hugh Beaver (1890-1967), Giám đốc điều hành Hãng bia Guinness nghĩ ra. Đó là một sự kiện gắn liền với lịch sử của cuốn sách.
Ngày 10-11-1951, Sir H. Beaver cùng với các bạn của mình đi săn chim chóc ven sông Slaney, đoạn chảy qua địa bàn quận Wexford phía đông nam Ireland. Không ai đạt được mục đích là bắn trúng chim báo mưa. Tối đến cả nhóm ngồi lại tranh luận với nhau, rằng phải chăng chim báo mưa là loài chim bay nhanh nhất ở châu Âu, nếu như không phải thì là giống chim nào?…
3 năm sau, vào cuối tháng 8-1954, trong một dịp tương tự, ngài Hugh lại lên tiếng tranh luận với bạn bè của mình về loài bay nhanh nhất, và câu chuyện tiếp tục được lan truyền trong 81.400 quán bia ở Vương quốc Anh và Bắc Ireland: người ta không ngớt cãi nhau về những cái gì nhất, nhất… nhưng chẳng biết ai đúng sai thế nào cả. Vậy là Sir H. Beaver liền bắt tay vào cuộc, liên hệ với Cục Thống kê London dưới quyền chỉ đạo của cặp anh em sinh đôi là Norris Dewar McWhirter (1925-2004) và Alan Ross McWhirter (1925-1975). H. Beaver long trọng hứa, rằng sẽ bỏ kinh phí để đặt họ việc sưu tập và phổ biến tất cả những kỷ lục đạt được của tạo hóa thiên nhiên, cũng như của con người nhân tạo.
Sách Guinness Quảng bá ấn bản mới niên giám 2016 trên mạng Internet. |
Anh em nhà McWhirter bị lôi cuốn bởi thứ đơn đặt hàng khác lạ, liền không bỏ phí thời gian. Họ lập ra một văn phòng đặc biệt trên đại lộ Fleet - phố của làng báo Anh, rồi thuê một nhóm phóng viên săn tìm các thông tin. Quyển sách đầu tiên gồm 198 trang được in ra mang tên hãng Guinness và tạo ra một sự lôi cuốn thích thú mới với công chúng, nhất là trong giới ưa uống bia và trở thành cuốn sách dạng best-seller tại Anh ngay trong năm 1955.
Tên tuổi của Sách Kỷ lục Guinness nhanh chóng vượt ra ngoài khuôn khổ Vương quốc Anh. Qua năm 1956 đã được xuất bản ở Mỹ. Vào đầu những năm 1960 bắt đầu được dịch lại, trước hết là tiếng Pháp và tiếng Đức, sau đó là tiếng Italia, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Na Uy, rồi tiếng Nhật… Giờ đây sách Kỷ lục Guinness được dịch ra gần 40 thứ tiếng, kể cả tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng Trung Quốc và tiếng Arập. Guinness trở thành cuốn sách nổi tiếng và có uy tín nhất về các kỷ lục thế giới, đúng như ý nguyện của những người sáng lập.
Lúc đầu các phóng viên rất vất vả trong việc tìm kiếm các thông số, còn bây giờ các kỷ lục lại tự tìm đến họ. Hàng ngày ở trụ sở chính của Sách Guinness tại London nhận được rất nhiều tư liệu, mà các tác giả thông báo về những kỷ lục khác nhau và đòi được in vào lần xuất bản kề cận. Nhiệm vụ của giới biên tập viên là phân tích một cách nghiêm túc các thông số, so sánh chúng với những kỷ lục hiện tại - nếu như trùng lặp trong một lĩnh vực rồi sau đó kiểm tra độ xác thực của thông tin. Điều kiện để các kỷ lục được ghi nhận là phải có những nhân chứng đáng tin cậy.
Một góc gian trưng bày "Cơ thể con người" ở Viện bảo tàng Guinness. |
Các tác giả của Sách Guinness giờ đây chỉ thực thi một điều lệ bất di bất dịch mới: những kỷ lục đạt được sẽ chỉ được công bố nếu như công chúng rộng rãi biết rõ, hoặc tốt nhất là trong các cuộc tranh tài có tầm cỡ quốc tế, hay trong các trường hợp tự phá kỷ lục cũ.
Lần xuất bản mới nhất của năm 2016 sách dày 311 trang, được ấn hành vào ngày 11-9-2015. Các kỷ lục được chia thành 12 phần. Có lẽ chuyên mục nổi tiếng nhất là phần "Con người đạt được", nhắm về mọi hoạt động đa dạng khác nhau, với mức độ gây được sự chú ý nhưng đối với nhiều độc giả thì những kỷ lục ấy là chuyện… tầm phào.
Theo cách đó đã ghi lại những cá nhân khác nhau muốn được nổi danh về một phương diện nào đó - bằng mọi cách không thể tưởng tượng nổi. Như 3 người Mỹ ở thành phố Portland (tiểu bang Oregon) đã cùng ngồi trên ghế xích-đu lâu nhất: từ ngày 20-8 đến 2-9-1976. Còn 6 cầu thủ môn bóng bầu dục thuộc một đội nghiệp dư tại New Zealand, đã phá nát một cây đàn dương cầm ra từng mảnh nhỏ chỉ trong vòng có… một phút rưỡi(!) v.v…
Trong 6 thập niên qua kể từ lần xuất bản đầu tiên, riêng bản thân cuốn sách đã tự đạt được kỷ lục đáng ghi nhận của mình, bởi đã bán được cả thảy gần 122 triệu bản tại hơn 100 quốc gia ở cả 5 châu lục. Nếu như ta xếp chúng chồng lên nhau từng cuốn một, sẽ có chiều cao gấp 300 lần đỉnh Everest - ngọn núi cao nhất thế giới.
Những tác giả của Sách Kỷ lục Guinness biết rằng ấn phẩm của họ ngày một nổi tiếng, nên họ đã làm thỏa mãn độc giả qua hình thức ngắn gọn súc tích nhất là mở nhà bảo tàng. Trong cuộc sống thường nhật hàng ngày của con người vốn đầy những điều bình thường, Sách Kỷ lục Guinness và Bảo tàng Guinness trở thành "điểm nhìn chung" về sự vô cùng của các giới hạn. Chúng phục vụ cho việc phổ biến những cái bất thường thành quảng đại cho mọi người biết, về những điều mà con người đạt được…