Cải cách kinh tế để nâng cao sức chống chịu sau COVID- 19

Thứ Ba, 10/11/2020, 11:58
Ngày 10/11 tại Hà Nội, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Dự án GIZ tổ chức Diễn đàn “Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau COVID-19: Từ thích ứng tới quản trị bất định”.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm nay đã có những tác động tiêu cực đến nhiều quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam, để lại những huệ lụy nặng nề với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, làm suy giảm tăng trưởng. Do đó, yêu cầu đặt ra sau dịch  là phải nâng cao năng lực nội tại và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững.

Do vậy, trong bối cảnh hậu COVID-19 đang đòi hỏi chúng ta tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh tế mạnh hơn trong thời gian sắp tới, cách tiếp cận và ưu tiên cải cách cũng phải thích ứng với bối cảnh mới. Yêu cầu căn bản tiếp tục là phải cải thiện năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế của các ngành hàng và của các doanh nghiệp. Đặc biệt cần đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và thực hiện chương trình nghị sự về phát triển bền vững nhằm tạo thêm động lực cho sự phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới.

Toàn cảnh diễn đàn

Các chuyên gia tại diễn dàn cũng cho rằng, để nâng cao sức chống chịu sau COVID-19, việc cải cách vẫn rất cần thiết. Theo đó, cần cắt giảm chi phí do chính sách tạo ra, tạo thêm không gian kinh tế và động lực đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp.

Đồng thời, tiếp tục hội nhập hiệu quả với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết; nâng cao năng lực đáp để đáp ứng các tiêu chuẩn trong Hiệp định. Thúc đẩy hợp tác đầu tư; chủ động để phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) có bài trình bày về thương mại và bền vững khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới

TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cũng cho rằng, Việt Nam tham gia nhiều FTA, đặc biệt mới đây là EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu tích cực trong hoạt động XNK, đầu tư. Tuy nhiên, bà Trang cũng đặt ra vấn đề về phát triển thương mại và bền vững khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, và các cam kết trong phát triển bền vững tác động tới nền kinh tế và doanh nghiệp. Bởi, thực hiện phát triển bền vững là sự bảo đảm cho tương lai bền vững của nền kinh tế. Thực thi cam kết về phát triển bền vững cũng là bảo đảm uy tín cho nền kinh tế trong thương mại quốc tế và thu hút đầu tư bền vững. Ở góc độ doanh nghiệp, sẽ hưởng lợi từ các ưu tiên cho hàng hoá xanh, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững là điều kiện cần để doanh nghiệp tiếp cận thị trường lớn, khách hàng quan trọng, đối tác tiềm năng. 

Dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 và 2021, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho hay, theo “Báo cáo Cập nhật Triển vọng phát triển châu Á 2020” của Ngân hàng Phát triển châu Á công bố ngày 15/9, GDP Việt Nam dự kiến tăng 1,8% trong năm 2020 và tăng ở mức 6,3% trong năm 2021, trong khi GDP khu vực châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, và tăng 6,8% trong năm 2021.

Với mức tăng trưởng này, Việt Nam được dự báo trong năm 2021 sẽ có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm đầu trên thế giới, và tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi tại khu vực này và chỉ sau một số nền kinh tế như Trung Quốc (6,9%), Malaysia (6,9%). Tuy nhiên, ông Lê Duy Bình nhận định, tăng trưởng vẫn đối mặt với một số rủi ro, rủi ro lớn nhất là xuất hiện trở lại của dịch bệnh.

“Dịch bệnh chưa được khống chế tại một số thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ và đang quay trở lại tại EU. Một số ngành vẫn tiếp tục chờ đợi, đặc biệt như du lịch, hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng, nhà hàng, dịch vụ ăn uống . Bên cạnh đó, ảnh hưởng tới triển khai các dự án FDI do hạn chế về việc đi lại của chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên, lao động tay nghề cao”, ông Bình nói.

Lưu Hiệp
.
.