Thị trường chuyển nhượng mùa hè khép lại với dòng tiền từ Qatar, Paris đã thực sự “tráng lệ”
Mùa hè 2017 sẽ đánh dấu một cột mốc trên bản đồ bóng đá thế giới. Bong bóng đã vỡ, khi cầu thủ được định giá như một món hàng cao cấp. Với cú hích mang tên PSG, các CLB bóng đá đua nhau chi tiền, tìm mọi thủ đoạn lách luật công bằng tài chính (FFP).
Khi PSG chi 222 triệu euro giúp Neymar phá bỏ hợp đồng với Barca, giới quan sát đã thấy rõ nhu cầu thị uy quyền lực của PSG. Và trong tuần lễ giao dịch cuối cùng, PSG tiếp tục bỏ ra 180 triệu euro để đổi lấy sự phục vụ của Mbappe – tiền đạo trẻ mới… 19 tuổi như một lời khẳng định, Paris mới là sân khấu chính của bóng đá thế giới.
Logic của PSG
Vì sao PSG sẵn sàng chi ra 402 triệu euro cho hai cầu thủ có tuổi đời cộng lại là 44?
PSG có cách giải thích của riêng họ. Đầu tiên, là… tiền đâu. Họ có tiền, và rất nhiều tiền là đằng khác. Đứng sau PSG là Quỹ đầu tư Qatar, đơn vị kiểm soát toàn bộ hoạt động tài chính của kỳ World Cup 2022.
![]() |
Neymar - ông chủ mới ở PSG. |
Mặt khác, Barca và Monaco đã có những tính toán sai lầm. Barca thì không hề nghĩ rằng sẽ có một CLB dám bỏ ra số tiền lớn đến vậy để giải phóng hợp đồng Neymar nên đã gài điều khoản phá vỡ.
Monaco với niềm tin sắt đá của Jardim cam đoan FFP sẽ ngăn cản PSG tiến tới những giao dịch điên rồ. Ở một diễn biến khác, chính Barca đã châm ngòi cho cuộc “chạy đua vũ trang” trên thị trường chuyển nhượng.
Cách đây 4 năm, khi Neymar mới nổi lên như một ngôi sao youtube, nguyên Chủ tịch Sandro Rosell đã thông qua các công ty môi giới do… bố Neymar đứng tên, rửa tiền và hợp pháp hóa vụ chuyển nhượng đưa Neymar từ Santos qua Barca.
Trên giấy tờ nộp cho cơ quan thuế, Barca bỏ ra 57 triệu euro – vốn bị xem là quá nhiều cho một tài năng chưa thể hiện được nhiều. Nhưng sau quá trình điều tra, tổng chi của Barca lên tới 86 triệu euro, tức là tương đương số tiền Real bỏ ra để có chữ ký của Cristiano Ronaldo hồi 2009.
Nếu Barca sẵn sàng bỏ số tiền tương xứng cầu thủ hay nhất thế giới cho kẻ vô danh, thì hà cớ gì PSG không thể biến Neymar – nhưng là thời hiện tại, đội trưởng của Brazil, một trong những siêu sao tấn công hàng đầu thế giới – thành món hàng có trị giá cao kỷ lục?
Trong khi đó, Monaco đã quên rằng luật sinh ra là để… phá bỏ. PSG và những cố vấn kinh tế rốt cuộc đã tìm ra một giải pháp: Ép Monaco đẩy Mbappe sang Công viên các hoàng tử theo dạng cho mượn vào mùa hè 2017, kèm theo điều khoản “được quyền mua đứt” vào hè 2018.
Một cách lách luật tài tình, bởi cứ giả như Monaco cứng đầu thì họ sẽ rơi vào một bi kịch: Mbappe đình công, không thi đấu và sau đây 12 tháng, PSG sẽ chi đúng số tiền phá vỡ hợp đồng giữa Monaco và Mbappe – được ký cách đây 2 năm có trị giá vỏn vẹn 27 triệu euro. Vậy thì, khuất phục PSG là lựa chọn duy nhất.
Đắt vô lý hay rẻ không ngờ?
Những huyền thoại bóng đá không giấu nổi sự bất bình với hiện trạng ngày nay của làng túc cầu. Roy Keane mới đây đã trả lời ESPN nếu Ryan Giggs sinh ra ở thời đại này, anh ta sẽ có giá 2 tỷ bảng. David Beckham và Van Nistelrooy mỗi người có giá 1 tỷ.
![]() |
Mbappe – tài năng trẻ trị giá 180 triệu euro. |
Nhưng có một sự thật, là những nhà quản lý bóng đá đều xuất thân là những doanh nhân đa quốc gia. Họ không chi tiền một cách vô tội vạ và sẽ chỉ kích hoạt giao dịch nếu biết chắc rằng sẽ nhận về một cái gì đó.
Nếu nhìn lại quá trình dài phát triển của bóng đá chuyên nghiệp, thì nó đã trở thành ngành công nghiệp không khói, một ngạch thương mại siêu lợi nhuận. Các CLB bóng đá ngày nay rất giàu có, nếu không muốn nói là những doanh nghiệp có chỉ số tài chính “khỏe mạnh”.
Thêm một lý do nữa, là số tiền các đội bóng bỏ ra mua ngôi sao nghe có vẻ là to lớn, nhưng so với tổng doanh thu trong một năm làm ăn thì không đáng là bao. Đó là thực tế rút ra trong 20 vụ chuyển nhượng đắt giá nhất lịch sử.
Chỉ 4/20 giao dịch tiêu tốn nhiều hơn 25% doanh số một năm của CLB. Là trường hợp của Zidane (hè 2001, Juventus sang Real, 77,5 triệu euro, chiếm 52%), Figo (hè 2000, Barca sang Real, 62 triệu euro, 43%), Neymar (hè 2017, Barca sang PSG, 222 triệu euro, 41%) và Falcao (hè 2013, Atletico Madrid sang Monaco, 60 triệu euro, 33%).
Về cơ bản, những đại gia như PSG đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Khi một ngôi sao cập bến, cũng có nghĩa là số tiền chi ra để sở hữu anh ta không chiếm phần nhiều trong ngân sách hoạt động đội bóng.
Tham vọng của PSG
PSG đã “đổi đời” được 6 năm sau sự xuất hiện của chủ đầu tư Qatar. Nhưng họ chưa bao giờ là ông lớn tại sân chơi Champions League, với thành tích tốt nhất là tứ kết. Ngay cả khi đã dẫn trước Barca 4-0 sau trận lượt đi mùa trước, PSG vẫn không thể vượt qua cái thần thái yếu ớt của một đội bóng “khôn nhà dại chợ”.
Vấn đề của PSG, là họ không có một ngôi sao “đủ tầm cỡ” trong nhiều năm qua. Ibra chưa bao giờ là tên tuổi ở giải đấu Cúp, còn Di Maria thì không gây dựng được tiếng nói ở Real tới mức phải bật bãi dù có năng lực. PSG cần một thủ lĩnh cả về chuyên môn lẫn tinh thần. Họ cần một cú đại nhảy vọt, thoát khỏi cái mác “thiếu gia”.
![]() |
Khelaifi muốn chứng minh Paris mới là kinh đô của bóng đá thế giới. |
Chắc nhiều người vẫn nhớ, Neymar – chứ không phải Messi – mới là nguồn sống cho Barca trong cú ngược dòng kinh điển hồi tháng 3 vừa rồi. Nhưng bức ảnh gây bão mạng xã hội trong đêm hôm đó lại là hình ảnh đám đông tôn vinh, quỳ rạp trước Messi.
Neymar cần nhiều hơn là những đồng euro biết nhảy múa. PSG không những cho Neymar 500.000 euro mỗi tuần sau thuế, mà còn cho anh cảm giác được làm trung tâm của vũ trụ.
Câu chuyện của Mbappe có hơi khác một chút. Khi PSG quyết tâm chi ra một số tiền khổng lồ cho tiền đạo tuy hay, nhưng mới nổi được nửa sau mùa giải trước thìvới nhiều người, đấy là một nước đi mạo hiểm. Bởi dù sao, Neymar đã khẳng định được đẳng cấp còn không ai dám chắc, Mbappe sẽ giữ được đôi chân lên mặt đất.
Nhưng Mbappe là hiện thân của bóng đá Pháp, là tương lai của Les Bleus. Mua Mbappe, cũng có nghĩa PSG sẽ định nghĩa lại cách nhìn nhận của đám đông về chính họ: Vừa có ngôi sao quốc tế, vừa sở hữu báu vật của bóng đá nước nhà. Đó sẽ là sự kết hợp hoàn hảo của hai giá trị truyền thống và hiện đại trong một thực thể. Có như thế, PSG sẽ rất dễ trong việc thu phục khán giả nhà, giúp giá trị hình ảnh của họ tăng cao và dễ bề làm ăn.
Paris chưa bao giờ là kinh đô của bóng đá thế giới. Lịch sử bóng đá Pháp cũng chỉ ghi nhận Lyons và Marseille như những biểu tượng túc cầu đích thực. Nhưng bây giờ, PSG sẽ khiến mọi ánh nhìn dồn về phía thủ đô. Bởi họ không chỉ rũ bỏ lớp áo cũ kỹ để vươn lên thành thế lực mới, mà còn định hình lại bức tranh toàn cảnh của thị trường chuyển nhượng thế giới.
Hòa vốn kiểu gì? Ngay sau khi Neymar và Mbappe cập bến Parc des Princes, hệ thống SPI của ESPN đã thay đổi tỷ lệ dự đoán PSG vô địch Champions League, từ 6% lên 11,5%. Trong khi đó, khả năng lên ngôi của Barca và Monaco lần lượt giảm từ 18% và 5% xuống 16% và 3,7%. Nếu năm nay, PSG vô địch Ligue 1, họ sẽ nhận về thêm 2 triệu euro. Vào tới tứ kết Champions League có 25 triệu euro, còn “nhỡ đâu” vô địch thì sẽ có khoảng 100 triệu euro. Trong khi đó, nếu giữa Neymar, Mbappe và PSG không có bất hòa nào xảy ra thì hợp đồng sẽ đáo hạn vào năm 2022. Cũng có nghĩa là tính mọi chi phí liên đới (bao gồm tiền chuyển nhượng, tiền lương, tiền thưởng), PSG sẽ mất khoảng 736 triệu euro để có sự phục vụ toàn quyền của hai ngôi sao này. Cộng thêm cả nguồn thu vé vào cửa (dự đoáng tăng 3.000 vé/trận), PSG có thể thu về thêm 2 triệu euro . Như vậy, để con số 736 triệu kia “hòa vốn”, PSG sẽ phải cần duy trì tình hình kinh doanh như trên trong khoảng 6 năm liên tiếp, một kịch bản bất khả thi khi không có gì là bất biến và vĩnh cửu trong bóng đá. Nhưng như lời Chủ tịch Khelaifi có nói, Neymar không chỉ là một cầu thủ. “Anh ấy là một thương hiệu”, trích dẫn trên tờ Le Figaro. Khi một doanh nghiệp được định vị thương hiệu trên toàn cầu, đấy mới là giá trị kinh tế to lớn. Những tấm gương của M.U, Arsenal, Real hay Barca là lời nhắn nhủ thôi thúc PSG mua bằng được Neymar. Nhờ sức lan tỏa mạnh, PSG giờ đây sẽ không dừng lại ở khuôn khổ nước Pháp và châu Âu. Họ sẽ tiến tới mô hình bóng đá toàn cầu, là bán giá trị thương hiệu tại hai thị trường Bắc Mỹ và châu Á – mảnh đất màu mỡ nhất của thương mại thể thao. Theo dự báo của Deloitte, tổng doanh thu của PSG sẽ tăng thêm 180% vào năm tài chính tiếp theo. |