Bầu cử Tổng thống Peru: Bóng cha đè nặng cuộc đời con

Thứ Hai, 13/06/2016, 11:45
Kết quả sơ bộ vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Peru vừa diễn ra hôm Chủ nhật 5-6 đã khiến những người quan tâm ngỡ ngàng nhưng không bất ngờ. Đó là, bà Keiko Fujimori, con gái cựu Tổng thống Alberto Fujimori, đã nhận thất bại cay đắng trước đối thủ 77 tuổi có biệt danh "PPK" với tỉ lệ phiếu rất sít sao.

Theo thông tin sơ bộ vào chiều tối ngày 6-6, ứng cử viên Pedro Pablo Kuczynski, thường được gọi bằng tên viết tắt "PPK", đã giành chiến thắng với tỉ lệ 50,2% phiếu, còn bà Keiko Fujimori được 49,08%. Ông Kuczynski chỉ nhỉnh hơn bà Keiko chưa tới 60.000 phiếu, một sự chênh lệch quá mỏng, mà theo nhiều người nếu may mắn chút xíu thôi, bà Keiko đã có thể vượt qua ông.

Kết quả chính thức sẽ còn chờ Ủy ban bầu cử quốc gia Peru công bố sau khi đã hoàn tất các thủ tục kiểm phiếu chính xác, nhưng ngay từ bây giờ, ông Kuczynski đã có thể nghĩ đến việc thành lập chính phủ mới để điều hành đất nước.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, chiến thắng của ông Kuczynski không phải do người dân Peru bầu cho ông, mà chính là người ta muốn gạch bỏ bà Keiko vì lý do khác: Di sản tham nhũng và tội lỗi trong quá khứ của cha bà vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân Peru.

Cuộc bầu cử Tổng thống Peru diễn ra theo kiểu không mấy tốt đẹp, nó na ná cuộc tranh đua đang diễn ra ở Mỹ, nhưng nó tệ hơn ở chỗ những lời lẽ công kích đối thủ thiếu hẳn tính chất chuyên nghiệp, mà thay vào đó là đầy rẫy những lời lẽ nhục mạ, bêu riếu lẫn nhau, bới móc các vụ án sát hại người vô tội trong cuộc chiến chống du kích quân Con đường Sáng (Shining Path) và chuyện tham nhũng trong quá khứ của cha bà Keiko.

Nhiều người Peru là thân nhân của các nạn nhân thời ông Fujimori làm Tổng thống vẫn chưa quên nỗi đau mà họ phải gánh chịu. Và nỗi đau đó đã được ông Kuczynski khơi lại trong chiến dịch vận động cho vòng hai cuộc bầu cử.

Rosa Roja Borda, người phụ nữ trung niên có chồng và con trai bị giết chết trong vụ thảm sát Barrio Altos cách đây 25 năm, cho đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau, và ký ức về trận thảm sát năm đó vẫn còn đeo bám, ám ảnh bà.

Bà Borda vẫn còn nhớ rất rõ khoảnh khắc chồng và con bà lịm dần trên tay bà sau khi bị bắn bởi những tay súng bịt mặt. Về sau, các nhà điều tra xác định đó là lực lượng dân quân được mệnh danh là "biệt đội thần chết" do ông Fujimori lập nên để triệt hạ các phần tử du kích và đối lập chính trị.

Sau cuộc bầu cử gian lận trắng trợn vào năm 2000, ông Fujimori đã chạy sang Indonesia và sau đó sang Nhật để trốn lệnh truy nã của Peru. Năm 2009, ông định quay trở lại Peru để tiếp tục làm chính trị, nắm lại quyền hành, nhưng đã bị bắt khi vừa đặt chân xuống Chile.

Cuộc điều tra, xét xử ông Fujimori đã làm lộ ra những vụ thảm sát khác ngoài vụ Bario Altos do đích thân ông ra lệnh. Ngoài ra, hàng tỉ USD tiền tham nhũng cũng được các nhà điều tra phanh phui. Từ đó, tòa án tuyên ông Fujimori 25 tù giam.

Thời cha bà lãnh đạo, chính Keiko đã luôn bên cạnh ông. Hình ảnh đó không thể nói là hoạt động của ông Fujimori là không có gì liên quan đến bà Keiko. Cho dù trong những năm gần đây, khi có tham vọng tranh cử Tổng thống Peru, bà Keiko đã nhiều lần công khai lên án những tội lỗi của cha mình, cố tình ly khai, tránh xa hình ảnh xấu xa trong quá khứ của ông, nhưng những gì ông Fujimori đã làm cho người dân Peru và cả những gì xấu xa, đau đớn ông đã gây ra cho họ, thì họ không bao giờ quên.

Cái bóng quá khứ của cha đã khiến bà Keiko Fujimori không vượt qua được vòng hai cuộc bầu cử.

Và chúng là vết nhơ đã đeo bám bà Keiko suốt trong thời gian bà tham gia hoạt động chính trị tại Peru vừa qua, và nó cũng sẽ còn tiếp tục đeo bám bà trong thời gian tới. Chúng khiến người dân Peru bị ám ảnh và không muốn quay trở lại với cái tên Fujimori thêm một lần nữa.

Nhưng, người ta cũng đặt vấn đề: Liệu ông Kuczynski có lãnh đạo được đất nước Peru hay không? Rõ ràng, ông Kuczynski sẽ gặp vô vàn khó khăn khi lên nhậm chức và trong quá trình điều hành đất nước.

Theo giới phân tích, những chính sách điều hành của ông Kuczynski trước hết phải vượt qua được rào cản ở Quốc hội do đảng Fuerza Popular của bà Keiko kiểm soát (chiếm 73 trên 130 ghế đại biểu), trong khi đảng Peruvianos por el Kambio của ông Kuczynski chỉ có 18 ghế. Vì thế, muốn thông qua luật pháp, chính sách điều hành suôn sẻ, ông Kuczynski sẽ phải liên minh với rất nhiều đảng phái khác. Mà điều này cũng không hề dễ dàng, vì đảng lớn thứ hai trong Quốc hội là đảng cánh tả Frente Amplio của bà Marisa Galve lại căm ghét ông Kuczynski sâu sắc, không thể có chuyện đồng ý liên minh với đảng của ông.

Bà Galve phát biểu với báo chí rằng, bà "hy vọng" ông Kuczynski hiểu rằng, chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua không phải do người dân Peru chấp nhận các chính sách của ông, mà chủ yếu bởi vì người ta muốn ngăn chặn sự quay trở lại cầm quyền của gia tộc Fujimori - của cái gọi là Fujimorismo (Chủ nghĩa Fujimori).

Lời nói của bà Glave cũng là ý kiến chung của rất nhiều người dân Peru khi đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống. Các cử tri được báo chí tiếp xúc đều nói rằng, họ không muốn bầu cho ông Kuczynski vì họ không đồng tình với các chính sách mà ông đưa ra giới thiệu, nhưng họ cũng rất "dị ứng" với cái tên Fujimori, cho nên họ thà tạm thời chấp nhận ông Luczynski.

Nhưng sự tạm thời sống chung này sẽ hết sức khó khăn. Những chính sách của ông Kuczynski đưa ra khi triển khai vào cuộc sống khi ông lên cầm quyền sẽ ít nhiều đụng chạm đến quyền lợi thiết thân của người dân Peru, và chúng sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề gây xung đột giữa chính phủ do ông lãnh đạo với người dân.

Do đó, cách tốt nhất theo giới phân tích là ông Kuczynski sẽ phải có điều chỉnh các chính sách của mình sao cho tương thích với nguyện vọng của người dân Peru. Làm được điều đó còn tốt hơn nhiều so với việc ông Kuczynski đi tìm sự liên minh với các đảng phái khác.

An Châu (tổng hợp)
.
.