Canada: Con trai Thủ tướng Trudeau nối nghiệp cha

Thứ Hai, 26/10/2015, 21:05
Cuộc bầu cử Quốc hội Canada hôm 19/10 vừa qua đã cho kết quả bất ngờ khiến dư luận Canada và thế giới quan tâm: một đảng đang xếp vị trí thứ ba đã giành chiến thắng với tỉ lệ đa số thuyết phục trước các đối thủ sừng sỏ. Kết quả này hứa hẹn nhiều thay đổi trong chính sách của Canada, trước mắt là việc rút máy bay ném bom ở Syria.

Theo kết quả chính thức của Ủy ban Bầu cử quốc gia Canada, đảng Tự do (LP) của Justin Trudeau đã giành được 184 trên tổng số 338 ghế ở Viện Bình dân (House of Commons), tức Hạ viện Canada, nắm đa số tuyệt đối trước các đối thủ sừng sỏ gồm đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Stephen Harper và đảng thiên tả đang lên Dân chủ mới (New Damocrat).

Điều đáng nói là, trong phần lớn các cuộc thăm dò cử tri trước bầu cử, đảng Tự do xếp ở vị trí thứ ba sau đảng Bảo thủ và Dân chủ mới. Vì vậy, chiến thắng ngoạn mục của đảng Tự do đã tạo nên một bầu không khí sôi động ở thành phố Toronto - căn cứ địa của LP - gây chấn động Canada và thế giới.

Đặc biệt, các bại tướng của Trudeau bao gồm vị Thủ tướng được đánh giá là bảo thủ nhất trong lịch sử Canada, Stephen Harper và đảng Bảo thủ sừng sỏ, và Tom Mulcair cùng đảng Dân chủ mới thiên tả vốn được kỳ vọng sẽ làm nên kỳ tích trước đảng Bảo thủ của ông Harper. Mulcair giữ được ghế nghị sĩ, nhưng đảng Dân chủ mới của ông thì giảm số đại biểu, tương tự như đảng Bảo thủ và đảng Xanh, trong đó đảng Bảo thủ "rớt" thê thảm nhất, từ 166 ghế còn 101 ghế.

Người góp công lớn tạo nên chiến thắng ngoạn mục của đảng LP không ai khác chính là vị lãnh đạo trẻ tuổi của đảng này, Justin Trudeau. Năm nay 44 tuổi, Justin sinh ra trong gia đình có truyền thống chính trị tại Canada. Ông nội Justin là Charles Trudeau, một doanh nhân, ông ngoại là cụ James Sinclair, Bộ trưởng Ngư nghiệp dưới thời Thủ tướng Louis Stephen St. Laurent (giai đoạn 1948-1957).

Justin Trudeau phát biểu sau khi giành chiến thắng.

Sinh ra khi cha đang là Thủ tướng Canada, từ nhỏ, Justin đã sống trong môi trường chính trị, theo cha mẹ cư ngụ trong tòa nhà số 24 phố Sussex ở thủ đô Ottawa, tức Dinh Thủ tướng Canada, cho đến khi cha ông rời khỏi ghế Thủ tướng năm 1984. Justin là con trai cả của Thủ tướng “huyền thoại” Canada Pierre Trudeau.

Pierre Trudeau được xem là vị Thủ tướng "huyền thoại" trong lịch sử Canada. Trong thời gian làm Thủ tướng Canada từ tháng 4/1968 đến tháng 6/1979 và từ tháng 3/1980 đến tháng 6/1984, ông Pierre đã tạo dựng cho đất nước Canada nhiều "di sản" về văn hóa, xã hội, chính trị. Ông đã góp công lớn trong tiến trình cải cách Hiến pháp năm 1982 từ đó xác lập chủ quyền cho Canada.

Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu chính sách đa ngôn ngữ vào đời sống xã hội, vào hệ thống phục vụ công quyền, giới thiệu chính sách Đa văn hóa trong Hạ viện. Đặc biệt quan trọng là chính sách Nhà nước liên bang của ông là nền tảng quan trọng nhất giúp duy trì Canada thành một thể thống nhất, đánh bại chủ nghĩa ly khai ở Quebec. Đây cũng là chủ trương quan trọng nhất mà con trai ông sau này, Justin Trudeau, tiếp tục theo đuổi và nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cử tri Canada.

Justin lần đầu "ra mắt" giới chính trị quốc gia vào tháng 9/2000, khi ông đọc bài điếu văn đầy xúc động trong tang lễ cha mình ở Montreal. Bài điếu văn hay đến nỗi sau khi Đài Truyền hình CBC phát sóng, đã có nhiều đài tư nhân và địa phương đến đăng ký xin phát lại.

Justin Trudeau cùng vợ và các con theo dõi kết quả bầu cử tối 19/10.

Claude Ryan, một chính khách hàng đầu của tỉnh ly khai Quebec, đã gọi đó là "tuyên ngôn đầu tiên của một triều đại". Tuy nhiên, những năm sau đó, Justin lại không dấn thân hẳn vào chính trị như nhiều người mong đợi. Thậm chí ông còn từ chối tham gia các cuộc tranh cử chủ tịch LP. Tốt nghiệp Trường đại học McGill và Đại học British Columbia, Justin dành thời gian dài dạy học (kịch nghệ, tiếng Pháp và toán học) tại nhiều trường trung học và cao đẳng, đại học khác nhau, tham gia các hoạt động nghệ thuật và thể thao (từng là võ sĩ quyền Anh nghiệp dư).

Năm 2007, Justin bắt đầu quan tâm chính trị thật sự. Ông chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội năm 2008 và giành suất ứng cử viên đại diện quận Papineau. Năm 2008, ông chính thức trở thành nghị sĩ Quốc hội Canada đại diện quận Papineau, tái cử năm 2011.

Năm 2012, trước tình thế đảng LP đang gặp khó khăn sau thảm bại trong cuộc bầu cử năm 2011, Trudeau mới suy nghĩ nghiêm túc đến việc phải ra gánh vác trọng trách. Quyết định ra lãnh đạo đảng LP đã được Justin đưa ra, không phải vì lý do quyền lực, mà vì Justin thấy không thể chần chừ lâu hơn. Ít ra ông đã vài lần từ chối việc này trong hơn 10 năm, kể từ khi cha mất. Và chỉ chờ có thế, tháng 4/2013, Justin Trudeau được tuyệt đại đa số người của đảng LP bầu làm Chủ tịch đảng.

Bước vào cuộc vận động tranh cử chỉ có 78 ngày, không ai tin rằng Justin và đảng LP của ông có thể làm được gì. Cho đến cuối tháng 9-2015, các con số, dữ liệu thăm dò đều cho thấy đảng LP của Justin Trudeau còn ở vị trí thứ ba, với chưa đến 20% cử tri ủng hộ. Nhưng từ đầu tháng 10, tình hình bỗng thay đổi bất ngờ. Đảng LP vượt qua đảng Bảo thủ trên bảng thăm dò dư luận. Nguyên do được cho là xuất phát từ khẩu hiệu "Thay đổi thật sự" (Real Change), và những hứa hẹn thay đổi táo bạo về chính sách điều hành đất nước. Kể từ đó cho đến ngày bầu cử, đảng LP luôn ở trên đỉnh danh sách ủng hộ của cử tri.

Trong bài phát biểu giành chiến thắng tối ngày 19/10, Justin Trudeau không nhắc gì đến ảnh hưởng của người cha - Thủ tướng “huyền thoại” Canada. Cũng dễ hiểu, bởi nếu có ảnh hưởng của Pierre Trudeau thì cuộc đua của đảng LP không vất vả như thế. Yếu tố quan trọng của màn lật đổ chính trị ngoạn mục này không thể không đề cập đến Justin Trudeau.

Sự sáng chói của ông không chỉ do cái họ Trudeau và lời "tiên tri" của cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon năm 1972 (Nixon nâng cốc uống mừng "vị Thủ tướng tương lai của Canada" Justin trong một quốc yến), mà đó đích thực là cái chất "con nhà nòi" đã xuất hiện từ khi ông còn là sinh viên đại học, tham gia vào các hoạt động phong trào thanh niên trường học, luôn nêu quan điểm "liên bang Canada" như một thể thống nhất.

Justin Trudeau khi còn nhỏ, năm 1980, với cha (bên phải) và Thủ tướng Anh Thatcher (bên trái).

Cũng trong bài phát biểu mừng chiến thắng, Justin Trudeau đã reo vang: "Hỡi tất cả bạn bè, thân hữu của tôi, tất cả người Canada, trong đêm nay là thời khắc thay đổi trên đất nước này, một sự thay đổi thật sự". Ngay sáng hôm sau, 20/10, Justin  Trudeau đã bắn phát pháo đầu tiên cho sự thay đổi đó: Thông báo với mọi người về quyết định sẽ rút hết 6 chiếc máy bay ném bom của Canada khỏi chiến dịch không kích IS ở Syria trong liên minh do Mỹ dẫn đầu. Đây là một sự thay đổi cụ thể và táo bạo nhất của một lãnh đạo Canada, và Justin  Trudeau thông báo đã trao đổi kỹ lưỡng với Tổng thống Mỹ Obama trước khi đưa ra quyết định, và ông Obama đã "thông cảm".

Bên cạnh đó, nhiều chính sách có từ thời Thủ tướng Harper cũng sẽ phải thay đổi. Theo Hãng thông tấn AP, người Mỹ hy vọng việc Justin lên thay ông Harper sẽ là cơ hội cải thiện quan hệ giữa Mỹ với nước láng giềng Canada trong nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đường ống dẫn dầu Keystone XL từ Alberta (Canada) đến Texas (Mỹ). Trudeau cũng được cho là sẽ thoải mái hơn trong vấn đề người nhập cư, sẵn sàng tiếp nhận khoảng 25.000 người Syria di cư, góp phần cùng Mỹ và đồng minh giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Ngoài ra, Justin Trudeau cũng sẽ thay đổi cách tiếp cận đối với các tỉnh trưởng Canada trong các vấn đề về môi trường trong khai thác dầu mỏ. Trước mắt, ông sẽ phải thành lập một nội các đúng tiêu chuẩn theo quan điểm chính trị của ông, đủ tầm để thực hiện thành công những quyết sách mới mà ông theo đuổi.

Theo quy định, Justin Trudeau sẽ chính thức nhậm chức Thủ tướng Canada vào ngày 15/11 tới, trở thành người đầu tiên nối nghiệp cha làm Thủ tướng Canada. Với những thay đổi về chính sách so với người tiền nhiệm, hứa hẹn ông sẽ đưa ra nhiều quyết sách mới để đưa Canada thoát ra khỏi lối mòn chính trị nhàm chán bấy lâu nay.

Người ta đang trông đợi một Trudeau mới sẽ tạo nên những dấu ấn lịch sử cho đất nước Canada, giống như cha ông  từng làm trong thập niên 60-80 thế kỷ trước.

An Châu (tổng hợp)
.
.