Kỷ niệm 70 năm ngày Liên Hiệp Quốc ra đời:

Chặng đường dài cho những nỗ lực vì nhân loại

Thứ Hai, 05/10/2015, 16:55
Dag Hammarskjold, nhà ngoại giao Thụy Điển và là Tổng Thư ký thứ 2 của tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ), có câu nói nổi tiếng: “Liên Hiệp Quốc được tạo ra không phải để đưa loài người lên thiên đường, mà là để cứu nhân loại thoát khỏi địa ngục”.

Khi LHQ được thành lập ngày 24/10/1945 với 51 quốc gia thành viên, sau khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc và sau vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản, “địa ngục” lúc đó được coi là sự bùng phát xung đột toàn cầu và thảm họa hạt nhân sẽ đẩy nhân loại đến ngày tận thế. Nhưng, “địa ngục” cũng có thể hiểu là tội ác diệt chủng - tức là cuộc thảm sát có hệ thống hàng ngàn người liên quan đến sắc tộc, tôn giáo, hay dân tộc. Dù thế nào đi nữa, cuối cùng LHQ cũng không thể ngăn chặn được “địa ngục” như thế.

Tổng Thư ký thứ 2 của Liên Hiệp Quốc Dag Hammarskjold.

Những điều được và chưa được

Rwanda và Srebrenica là hai thất bại đáng nói của LHQ. Trong suốt cuộc thảm sát ở Rwanda, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ được triển khai tại quốc gia này đã không ngăn chặn được cuộc thảm sát 800.000 người Tutsi và Hutu. Ở Srebrenica vào tháng 7/1995, hơn 8.000 người Hồi giáo - phần đông là đàn ông và bé trai - bị lực lượng người Serb tàn sát bất chấp sự có mặt của binh sĩ Hà Lan đội mũ nồi xanh của LHQ. Điều kinh khủng là những người Hồi giáo này đang ẩn náu trong những khu vực biệt lập được mô tả là "những khu an toàn" được LHQ bảo vệ!

Trong những cuộc xung đột khác, LHQ luôn bị chỉ trích do phản ứng quá chậm chạp, thậm chí tỏ thái độ dửng dưng như người đứng ngoài cuộc, điển hình là trong cuộc chiến tranh Iraq. Những nỗ lực làm trung gian đàm phán hòa bình trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm ở Syria cũng thất bại. Một trong những vấn đề hòa bình nan giải nhất của LHQ sau năm 1945 là cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestin.

Lực lượng Mũ nồi xanh LHQ còn bị cáo buộc liên quan đến hàng loạt vụ xâm hại tình dục, mới đây nhất là ở Cộng hòa Trung Phi. Ở Haiti, binh sĩ Mũ nồi xanh đóng quân tại một con sông lớn bị tố cáo liên quan đến cơn bùng phát dịch bệnh tả giết chết hơn 8.000 người song LHQ từ chối chịu trách nhiệm cũng như bồi thường.

Mặc dù LHQ được coi là tổ chức đề cao tính dân chủ hóa song thật ra là tổ chức "tập trung quyền lực". Trung tâm quyền lực của LHQ là Hội đồng Bảo an - với 5 quốc gia thành viên thường trực: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc - về thực chất vẫn là lực lượng đồng minh. Đức và Nhật Bản không có ghế ngồi thường trực trong Hội đồng Bảo an, và Ấn Độ hay Brazil cũng không!

Tuy nhiên, mặc dù có những thiếu sót, LHQ cũng mang lại nhiều điều tốt đẹp cho thế giới. Ví dụ như LHQ làm trung gian trong hơn 170 cuộc đàm phán hòa bình, và thực tế chứng minh rằng tổ chức này có tiếng nói ngăn ngừa xung đột giữa các quốc gia hiệu quả hơn là những biện pháp ngăn chặn những cuộc nội chiến.

Dù sao, con số những người chết trong những cuộc xung đột đã giảm bớt từ sau khi LHQ được thành lập năm 1945. Và số người chết vào thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI cũng ít hơn so với bất cứ thập niên nào trong thế kỷ XX. Những chiến dịch gìn giữ và giám sát hòa bình của LHQ - bắt đầu từ cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 - được mở rộng đến 16 sứ mạng trên khắp thế giới - từ Haiti đến Darfur, Cyprus đến Cao nguyên Golan.

Cựu thanh tra viên IGO Caroline Hunt-Matthes.

LHQ cũng thành lập hàng loạt bộ luật pháp quốc tế và cho ra đời Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948. LHQ cũng giúp thành lập những hiệp ước quốc tế quan trọng - như là hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) có hiệu lực từ năm 1970 - và giúp tổ chức những cuộc bầu cử lịch sử như cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên ở Afghanistan năm 2004. Hoạt động của các cơ quan LHQ hết sức ấn tượng, một phần do tổ chức thuê dụng một số chuyên gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực cứu trợ thiên tai, y tế công cộng và phát triển kinh tế.

Nhờ nỗ lực của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) mà số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong đã giảm từ gần 12 triệu năm 1990 xuống còn 6,9 triệu năm 2011. Cơ quan phụ trách người tị nạn LHQ (UNHCR) giúp 17 triệu người và kết quả của những nỗ lực là 2 giải thưởng Nobel năm 1954 và 1981.

Mỗi năm, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) hỗ trợ cho 80 triệu người tại 75 quốc gia. Hơn 1.000 địa điểm, danh lam thắng cảnh trên thế giới - từ Công viên Quốc gia Serengeti ở Tanzania đến Machu Picchu ở Peru - được bảo tồn một phần nhờ Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục LHQ (UNESCO).

Hoạt động của các cơ quan LHQ cho đến nay vẫn thường gặp trở ngại do thiếu tài trợ từ các quốc gia thành viên. Ví dụ, LHQ chỉ gom được 38% số tiền yêu cầu để trợ giúp cuộc khủng hoảng ở Syria. Cụ thể, trong tổng số 4,5 tỉ USD cần để đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn Syria, LHQ (hiện nay bao gồm 193 quốc gia thành viên) chỉ nhận được 1,8 tỉ USD do các quốc gia thành viên đóng góp. Syria chính là tình huống nan giải của LHQ.

Hiện nay, LHQ điều hành trại tị nạn khổng lồ Zaatari ở Jodran, nơi tiếp nhận 80.000 người rời bỏ quê hương lánh nạn vì chiến tranh. Trại Zaatari không hề được mô tả như là "thiên đường" song nơi đây cứu sống những con người tìm nơi ẩn náu khi thoát khỏi "địa ngục".

James Wasserstrom.

Thân phận những "người thổi còi" ở Liên Hiệp Quốc

Việc những "người thổi còi" ở LHQ bị trù dập, bị sa thải thậm chí bị bắt giam sau khi họ báo cáo hoặc phanh phui những vụ việc bê bối do nhân viên, quan chức LHQ gây ra là chuyện xảy ra thường xuyên ở cơ quan quốc tế lớn nhất thế giới này nhưng lâu nay ít ai được biết đến do vấn đề minh bạch và do những người trong cuộc lo sợ bị trả thù. Dư luận quốc tế đang bắt đầu lên tiếng về vấn nạn này.

Năm 2004, Caroline Hunt-Matthes, một nhà điều tra thuộc Văn phòng Tổng thanh tra (IGO) của Cao ủy LHQ về người tị nạn đã có bản báo cáo lên LHQ về loạt sai phạm, bê bối xảy ra tại UNHCR và IGO, trong đó bao gồm: vụ một nhân viên UNHCR làm việc tại Sri Lanka bị một nhân viên UNHCR khác hiếp dâm, và sau đó UNHCR can thiệp vào quá trình điều tra; rồi việc IGO quyết định tuyển dụng một người đang bị điều tra vì bê bối; vụ nhân viên UNHCR bắt giữ người tị nạn trái pháp luật dẫn đến cái chết của người tị nạn; và một báo cáo vụ một nhân viên UNHCR lạm dụng tình dục người tị nạn.

Sau khi phanh phui các vụ việc trên, bà Caroline đã bị trù dập và cuối cùng bị sa thải trong thời gian xin nghỉ phép trị bệnh vào năm 2004. Tháng 4/2006, Caroline làm đơn xin bảo vệ "chống trả đũa" gửi lên Văn phòng Đạo đức LHQ (UNEO). Tuy nhiên, sau 8 tháng điều tra, UNEO kết luận các hành động "trả đũa" đó không liên quan gì đến việc "thổi còi" của bà Caroline, do đó đơn thỉnh cầu của bà không được giải quyết. Vậy là Caroline đâm đơn kiện UNHCR.

Thế nhưng, do vấn đề bưng bít và sự bao che của các cơ quan LHQ trước các hành động kiện cáo của những nhân viên bị hại chống lại chính các cơ quan trực thuộc mà vụ việc đã phải kéo dài dai dẳng cho đến tháng 5/2013 mới được giải quyết. Rốt cuộc, ngày 28/5/2013, Caroline được Tòa án Tranh chấp LHQ (UNDT) tuyên thắng kiện, được bồi thường 8.000 USD. Khoản bồi thường này chẳng đáng là bao so với thiệt hại mà bà phải gánh chịu suốt 9 năm theo đuổi vụ kiện.

Và vụ việc của bà Caroline Hunt-Matthes cũng chỉ là một trong vô số các vụ việc được coi là trả thù những "người thổi còi" tại các cơ quan trực thuộc LHQ. Trong một phóng sự điều tra của tuần báo The Guardian phát hành vào trung tuần tháng 9 vừa qua đã đưa ra nhiều vụ việc khác không kém phần điển hình.

Đầu năm 2015, báo chí thế giới từng đăng thông tin về vụ việc một nhân viên cứu trợ của LHQ tên là Anders Kompass đã bị đình chỉ công tác do tiết lộ với các công tố viên về một báo cáo nội bộ liên quan đến vụ binh sĩ gìn giữ hòa bình người Pháp lạm dụng tình dục trẻ em ở Cộng hòa Trung Phi. Sau một cuộc tranh cãi quyết liệt về cách xử sự đối với ông Kompass, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã buộc phải mời các nhà điều tra từ bên ngoài để xử lý vụ việc.

Trước đó, UNEO cũng không bảo vệ được "người thổi còi" là một nhà ngoại giao của LHQ, ông James Wasserstrom. Ông này bị đình chỉ chức vụ và công việc và bị cảnh sát LHQ bắt giam sau khi ông đặt vấn đề nghi vấn tham nhũng trong hàng ngũ các quan chức cấp cao của Phái bộ LHQ tại Kosovo (UNMIK) vào năm 2007. Wasserstrom được Dự án Trách nhiệm Chính phủ (GAP) quan tâm hỗ trợ đòi công bằng.

Cuối cùng, sau 5 năm theo đuổi công lý, ông đã được Tòa án Tranh chấp LHQ tuyên thắng kiện, buộc LHQ phải bồi thường thiệt hại cho ông tổng cộng 65.000 USD. Những người quan tâm vụ kiện của ông Wasserstrom mỉa mai rằng số tiền này chỉ đủ để mua khoảng chục vé máy bay hạng sang cho các quan chức cấp cao LHQ đi công tác chứ hoàn toàn không đủ cho ông Wasserstrom bù đắp các chi phí theo đuổi kiện cáo bấy nhiêu năm.

Anders Kompass.

Việc những "người thổi còi" như thế bị trả thù nhưng không được cơ quan có trách nhiệm bảo vệ họ là UNEO bảo vệ tử tế, thậm chí nhiều trường hợp bị từ chối oan, bị đối xử ngược lại, đã khiến cho nhiều người có cái nhìn tiêu cực về cơ quan LHQ, họ xem LHQ ngày nay là một nơi làm việc rất không an toàn. “Ở nơi đó, bạn không được tố giác những việc sai trái" - bà Caroline chua chát nhận xét. Sau khi bị sa thải khỏi UNHCR, bà Caroline đã được nhận vào làm việc và hiện là giảng viên của một trường đại học ở Geneva, Thụy Sĩ.

Mới đây, GAP đã làm một cuộc kiểm tra toàn diện tình hình bảo vệ “người thổi còi” của UNEO và đưa ra báo cáo, tính đến tháng 7/2014, UNEO tiếp nhận khoảng 447 đơn yêu cầu bảo vệ của những "người thổi còi" trước những đòn trả đũa vì việc họ tố cáo sai phạm. Báo cáo cũng cho thấy, trên thực tế UNEO thụ lý giải quyết khoảng 135 đơn, nhưng chỉ xác định chứng cứ 14 đơn, và cuối cùng là chỉ khẳng định có 4 trường hợp bị trả đũa thật sự. Những con số báo cáo này khiến cho nhiều người không khỏi băn khoăn về mức độ bảo vệ công lý của các cơ quan LHQ, nó cho thấy hầu hết những trường hợp tố giác sai phạm không được bảo vệ khi bị trả đũa.

Các cơ quan của LHQ vốn mang tính độc lập như UNEO hay Văn phòng Giám sát hoạt động nội bộ (OIOS) giờ đây không còn độc lập nữa mà quay ngược lại gây bất lợi cho những người mà lẽ ra họ phải bảo vệ. Peter Gallo, một điều tra viên của OIOS, đã rời bỏ cơ quan này từ tháng 3/2015, tiết lộ rằng, OIOS bây giờ không còn giữ tôn chỉ, mục đích ban đầu, mà hiện nay đang đầy rẫy tệ nạn bè phái, thiếu năng lực và tham nhũng.

Sở dĩ những "người thổi còi" phải chịu nhiều thiệt thòi, bị trả đũa là bởi vì họ đụng chạm vào những đối tượng có mối quan hệ nhạy cảm với cơ quan LHQ hoặc phanh phui những vụ việc mang tính nhạy cảm cao mà LHQ cần phải giữ bí mật hoặc xử lý trong nội bộ.

Điều này làm nổi lên vấn đề minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động của cơ quan LHQ, đòi hỏi một chương trình cải cách triệt để. Trách nhiệm này sẽ đặt lên vai người nào lên thay ông Ban Ki-moon đảm nhiệm trọng trách Tổng thư ký LHQ vào năm 2016.

An Châu - Di An (theo The Guardian)
.
.