Châu Âu trước thềm bầu cử nghị viện
Hơn 2 tuần trước bầu cử, ngày 9-5, Liên minh châu Âu đã họp thượng đỉnh không chính thức tại Sibiu, Rumania, để chuẩn bị nhân sự trong guồng máy lãnh đạo châu Âu sau bầu cử nghị viện. Kết quả bầu cử sắp tới đây được cho là bấp bênh hơn bao giờ hết. Đa số cánh tả sắp mãn nhiệm đang bị chia rẽ. Trong bối cảnh đó, ai sẽ nắm giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu thay thế ông Jean-Claude Juncker?
Tại thượng đỉnh, Nghị viện châu Âu đề xuất áp đặt nguyên tắc, được gọi là nguyên tắc Spitzenkandidat (đứng đầu liên danh), quy định chủ tịch tương lai của Ủy ban châu Âu phải là người đứng đầu chính đảng về đầu trong cuộc bầu cử nghị viện sắp tới. Tuy nhiên, đề xuất này không nhận được đa số ủng hộ. Trong số những người phản đối gay gắt có Tổng thống Pháp Macron.
Có cùng ý kiến, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel nhấn mạnh rằng những người đứng đầu liên danh thường ít được công chúng biết đến. Trong khi đó, đối với một dự án lớn thì cần tới một ứng viên nghị lực.
Hiện tại, ông Manfred Weber, chính trị gia vùng Bayern của Đức, được đánh giá là có khả năng nhất trong số các ứng viên được các đảng châu Âu chỉ định. Là người khá kín tiếng và ít uy tín, ông Weber hiện đứng đầu đảng Nhân dân châu Âu (PPE) ở Nghị viện châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục ủng hộ ông Weber, tương tự với Thủ tướng Áo Sebastien Kurz. Ngược lại, một số chính trị gia khác cùng đảng PPE lại phản đối, đó là trường hợp của Thủ tướng Hungary Victor Orban.
Cũng nhân cuộc họp này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã trình bày thể thức tuyển chọn các ủy viên châu Âu sắp tới. 2 trong số các vị trí được chú ý nhiều nhất là chức vụ lãnh đạo ngành ngoại giao của Liên minh châu Âu và ủy viên đặc trách về hồ sơ kinh tế. Sau cùng, các bên cũng thảo luận gay gắt về việc chỉ định người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (BCE) thay thế Thống đốc Mario Draghi. Nhìn chung, các cuộc thương lượng được cho là rất tế nhị. Các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ họp vào ngày 28-5, chỉ vài ngày sau kỳ bầu cử nghị viện để tìm thỏa hiệp.
Vào lúc này, chiến dịch vận động bầu cử nghị viện châu Âu ở các nước đang nở rộ với đủ hình thái khác nhau. Tại Bỉ, nhiều thông tin loan truyền tố cáo nghị sĩ châu Âu là “vô ích” và đã bị giới vận động hành lang “mua chuộc”. Nhận định này không phải không có cơ sở khi nhìn vào tỷ lệ có mặt của các nghị sĩ tại các cuộc thảo luận hay bỏ phiếu dao động trong khoảng từ 42-99%. 30% trong số họ còn làm nghề khác cùng lúc với nhiệm kỳ nghị sĩ.
Liên minh châu Âu họp thượng đỉnh không chính thức để chuẩn bị nhân sự trong guồng máy lãnh đạo châu Âu sau bầu cử nghị viện. |
Điều đó có thể gây ra những xung đột lợi ích và khó tham dự đầy đủ các kỳ họp. Họ là luật sư, chủ doanh nghiệp nhưng cũng có những công việc không rõ ràng như “cố vấn” hay “nghề tự do”. Năm 2011, tờ báo Anh Sunday Times, đã cài bẫy 3 nghị sĩ châu Âu. Những người này đã bị kết án tù giam vì tội tham nhũng.
Phần lớn các đạo luật của Liên minh châu Âu phải được cả Nghị viện và Hội đồng châu Âu cùng thông qua. Từ năm 2009, các nghị sĩ biểu quyết ngân sách châu Âu. Kể từ năm 1979, họ được bầu theo thể thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp.
Tuy vậy, trong bài viết “Dân châu Âu gắn bó với đồng euro hơn là với Liên minh châu Âu”, báo Le Figaro của Pháp ra ngày 19-5 cho biết theo kết quả khảo sát mà Viện Thăm dò ý kiến Eurobaromètre tiến hành mùa thu năm 2018, 75% số người sống trong khu vực đồng tiền chung châu Âu ủng hộ “một liên minh kinh tế và tiền tệ với một đồng tiền duy nhất - đồng euro”.
Trái lại, chỉ có 42% số người được hỏi (trong tổng số 27.400 người) có niềm tin vào Liên minh châu Âu, tỉ lệ đánh giá tích cực đối với chính phủ các nước chỉ đạt 35%.
Tỉ lệ người tín nhiệm đồng euro như vậy đạt mức cao kỷ lục kể từ khi đồng tiền chung châu Âu ra đời vào năm 1999, chủ yếu vì 3 lý do. Thứ nhất, đồng euro có thể cầm nắm được. Ai cũng có thể giữ đồng euro trong túi. Thứ hai là người tiêu dùng thấy đồng euro là phương tiện trao đổi hữu ích ở tầm quốc tế, nhất là trong bối cảnh người châu Âu ngày càng quan tâm đến phương thức mua sắm trên mạng.
Ưu điểm thứ ba là đồng euro bảo đảm cho sự ổn định trong thời buổi rối ren, từ Brexit đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tỉ lệ tín nhiệm đồng euro cao nhất ở 3 nước Bỉ (84%), Đức (81%) và Hà Lan (80%). Italy đứng cuối bảng với tỉ lệ 63%. Theo Le Monde, tỉ lệ ủng hộ đồng euro ở một số nước như Áo, Italy thấp là do sự trỗi dậy của các đảng dân túy trong các kỳ bầu cử gần đây.
Theo một cuộc thăm dò của EuroTrack OpinionWay-Tilder thực hiện cho nhật báo kinh tế Les Echos và đài Radio Classique, tỉ lệ người dân Pháp nói sẽ tham gia cuộc bầu cử nghị viện châu Âu ở mức 41%, thấp hơn mức của năm 2014 là 1,4 điểm. Dù tỷ lệ này tăng nhẹ so với mức thăm dò được thực hiện hồi tháng 3 nhưng kết quả trên cho thấy cử tri Pháp không mấy hào hứng với cuộc bầu cử nghị viện châu Âu.
Dù hờ hững với Nghị viện châu Âu nhưng khi được hỏi các lãnh đạo châu Âu nên có ưu tiên kinh tế nào cho những năm sắp tới thì 42% số người được hỏi đặt trọng tâm vào mãi lực của người dân và 28% số người được hỏi ưu tiên cuộc chiến chống thất nghiệp. Điều này cho thấy các thách thức quốc gia là mối bận tâm chính của cử tri Pháp như phân tích của Frédéric Micheau, Giám đốc Viện Nghiên cứu OpinionWay.
Liên quan đến nước Anh, Phó Thủ tướng David Lidington, ngày 7-5 tuyên bố vẫn sẽ tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 23-5 tới, cho dù các nghị sĩ Anh có thông qua thỏa thuận Brexit hay không. Thủ tướng Theresa May muốn tránh kịch bản này nhưng việc đàm phán với Công đảng đối lập hiện chưa ra khỏi ngõ cụt.
Ông Lidington, nhân vật số hai trong Chính phủ Anh giải thích, trong trường hợp Nghị viện thông qua thỏa thuận Brexit thì cũng không đủ thời gian để phê chuẩn. Phát biểu trên truyền hình, ông David Lidington cho biết sẽ tăng gấp đôi nỗ lực để đẩy nhanh Brexit sau cuộc bầu cử và lý tưởng nhất là các đại biểu của Anh được bầu vào Nghị viện châu Âu sẽ không phải tham dự cuộc họp nào.