Chiến lược quân sự mới của Nhật Bản

Thứ Hai, 29/06/2020, 19:30
Để đối phó với những thách thức mới và cũng là để khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế, chiến lược hải quân của Nhật Bản đang được điều chỉnh nhằm củng cố năng lực của lực lượng phòng vệ, xây dựng lực lượng hải quân theo định hướng mang tính tiến công cao hơn và cuối cùng tiến tới một sự hợp tác sâu rộng hơn với đồng minh Mỹ và các đối tác chiến lược, chứ không chỉ là "phụ thuộc" như trước nữa.

Theo "Chương trình phòng thủ trung hạn" gần đây nhất trong giai đoạn 2019-2023, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) được trang bị tổng cộng 23 tàu trọng tải 66.000 tấn, đặc biệt là 10 tàu khu trục, 5 tàu ngầm, 12 máy bay tuần tra P1, 13 máy bay trực thăng tuần tra cải tiến S-60K/K, 3 mấy bay không người lái và 12 máy dò mìn MCH-101. Riêng trong năm 2019, Nhật Bản chế tạo 2 tàu khu trục FFM thế hệ mới, đưa tổng số tàu khu trục lên 54 tàu.

JMSDF cũng sẽ tiếp tục tăng số lượng tàu ngầm nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát, tuần tra và phòng thủ xung quanh Nhật Bản. Cuối năm 2019, Nhật Bản đã hạ thủy tàu ngầm JS Toryu do Kawasaki Heavy Industries đóng tại xưởng đóng tàu Kobé. Việc tăng cường nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát, tuần tra và phòng thủ rõ ràng là một ưu tiên của Nhật Bản lúc này. Ngoài việc tăng số lượng tàu ngầm, Nhật Bản còn muốn phát triển các tàu ngầm không người lái nhằm mở rộng khả năng giám sát, kể cả ven bờ Thái Bình Dương.

Một ưu tiên khác cũng được Nhật Bản chú trọng, đó là phát triển hệ thống chống tên lửa đạn đạo thông qua việc nâng cao năng lực hiện có trên hệ thống Aegis. Giữa năm 2019, lực lượng phòng vệ trên biển và lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật bản đã tiến hành cuộc tập trận chung quy mô lớn đầu tiên ở Biển Đông.

Tàu sân bay trực thăng Izumo của Hải quân Nhật Bản.

Để cải thiện khả năng hoạt động và tính linh hoạt của các chiến dịch và do số các căn cứ không quân trên đất liền giảm, JMSDF đã trang bị các tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo dài 248m cho phù hợp với máy bay tàng hình cất cánh thẳng đứng F35B của Mỹ. Theo Tokyo, các tàu khu trục này sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ khác nhau như phòng thủ và ứng phó với các thảm họa thiên nhiên.

Vì kế hoạch cải tạo tàu khu trục lớp Izumo và tàu Kaga không vi phạm hiến pháp, nên ngân sách của Nhật Bản dự kiến cho năm tài khóa 2019 là 70 triệu yên, bao gồm các khoản chi cho các nghiên cứu cần thiết. Và đối với năm tài khóa 2020, ngày 3-8-2019, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã yêu cầu khoản ngân sách 3,1 tỷ yên (tương đương 26 triệu euro).

Khả năng khuếch trương sức mạnh của Nhật Bản tới các quần đảo xa xôi cũng được thể hiện qua việc nước này xây dựng một lực lượng lính thủy đánh bộ trang bị các tàu hỗ trợ hậu cần và các tàu đổ bộ. Ngoài các sư đoàn và các lữ đoàn, một lữ đoàn lính thủy đánh bộ phản ứng nhanh được Nhật Bản thành lập và huấn luyện được 2 năm với biên chế từ 2.100 đến 3.000 lính.

Nhật Bản cũng đang mua các tên lửa tầm xa JSM, JASSM và LRASM để bổ sung cho hải quân và điều này nằm trong một chiến lược chung nhằm kiểm soát các quần đảo xa xôi. Đồng thời, trong năm tài khóa 2019, 13,9 tỷ yên, tương đương 115 triệu euro, đã được dành cho nghiên cứu tên lửa siêu thanh và các tên lửa chống hạm. Một khoản ngân sách dự tính khoảng 4,2 tỷ yên, tương đương 34 triệu euro cũng đã được Nhật Bản thông qua để nghiên cứu công nghệ tàu ngầm không người lái có thể thực hiện các nhiệm vụ giám sát hàng hải.

Người Nhật phát triển các khả năng hải quân mới, song họ cũng không đánh giá thấp các khả năng truyền thống và thể hiện quyết tâm tăng cường năng lực chống tàu ngầm, đặc biệt thông qua các tàu khu trục phóng tên lửa. Một ví dụ khác về năng lực chống tàu ngầm là máy bay tuần tra hàng hải Kawasaki P-1 của Nhật Bản. Với 15 chiếc hiện có, Nhật Bản có kế hoạch mua thêm 12 máy bay trong 5 năm tới. Kế hoạch mua sắm này là một phần của khoảng 243 tỷ USD mà Chính phủ Nhật Bản dự định chi cho quốc phòng trong 5 năm tới.

Nhật Bản luôn quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương và không ngần ngại cử tàu chiến bảo vệ các tuyến giao thông hàng hải, đặc biệt là các tuyến cung ứng dầu mỏ, chủ yếu đến từ Trung Đông. Đây là lý do tại sao vào năm 2011, Tokyo đã mở một căn cứ quân sự ở nước ngoài - lần đầu tiên kể từ năm 1945 - tại Djibouti, để chống cướp biển ở Đông Phi, cũng như triển khai 2 tàu khu trục trong khu vực kể từ năm 2009. Đồng thời, nhiều dự án cơ sở hạ tầng đã được người Nhật xây dựng ven bờ Ấn Độ Dương, là những nơi có thể là chỗ dừng chân cho các tàu dân sự và quân sự.

Ngoài việc gia tăng nội lực, một trong những chủ trương hiệu quả trong chiến lược quốc phòng của Nhật Bản phải kể tới việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác ra bên ngoài. Việc hợp tác ngày càng chặt chẽ với New Delhi đã đưa đến cho Tokyo một góc nhìn mới trong mục tiêu này. Đầu năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono và Tham mưu trưởng Katsutoshi Kawano đã đến New Delhi để tham gia Đối thoại Raisina, một hội nghị cấp cao ở Ấn Độ về địa chính trị.

Sự hợp tác này xoay quanh lĩnh vực hải quân, đặc biệt được phản ánh qua cuộc tập trận Malabar, giữa các lực lượng phòng vệ trên bộ, trên biển và trên không của Nhật Bản với lục quân, hải quân và không quân Ấn Độ. Kể từ năm 2017, tàu sân bay trực thăng Izumo và Kaga đã đến Ấn Độ và Sri Lanka như một hoạt động thường niên. Năm 2020 cũng được coi là một năm quan trọng trong sách lược quốc phòng Nhật Bản khi lần đầu tiên nước này triển khai một nhóm hải quân ở Ấn Độ Dương.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.