Chuyến thăm Iraq của Tổng thống Iran Rouhani

Thứ Hai, 18/03/2019, 18:00
Tổng thống Iran Hassan Rouhani vừa thực hiện chuyến thăm Iraq từ ngày 11 đến 14-3, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, đồng thời được cho là sẽ mở ra hướng đi để Iran thoát vòng vây cấm vận của Mỹ.

Phát biểu tại Tehran trước thềm chuyến đi, ông Rouhani đã chỉ trích chính sách của Mỹ đối với Iran, tuyên bố rằng Mỹ luôn tìm cách gây chia rẽ quan hệ giữa Iran và Iraq nhằm mục đích giành ảnh hưởng tại khu vực.

Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Iraq Barham Salih tại Baghdad, ông Rouhani tiếp tục công kích chính sách gây chia rẽ của Mỹ, nói rằng Iran và Iraq có nhiều cái chung về văn hóa và tôn giáo, do đó mối quan hệ hai nước không thể dễ dàng bị phá hỏng. 

Xét về mặt địa lý, hai nước Iran và Iraq có chung đường biên giới dài hơn 900 km. Tuy rằng hai nước từng giao tranh trong cuộc chiến biên giới kéo dài 8 năm (1980-1988) nhưng kể từ khi Mỹ đưa quân tấn công Iraq lật đổ Tổng thống Saddam Hussein và chiếm đóng Iraq, tình hình quan hệ hai nước đã thay đổi theo chiều hướng Iran gia tăng ảnh hưởng của mình tại Iraq, nhất là trong giai đoạn hỗn loạn 2003-2011. Chính Iran đã có chiến lược hiệu quả trong việc khắc chế các lực lượng nổi dậy người Hồi giáo dòng Sunni, trong khi quân đội Mỹ không thành công và để lại nhiều hậu quả xấu.

Trong vài tháng gần đây, cùng với chiến dịch thiết lập vòng vây tái cấm vận Iran sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân, các quan chức Mỹ cũng gia tăng áp lực thúc giục các lãnh đạo Iraq hủy bỏ hoặc ít nhất hạ thấp mức độ quan hệ với Iran. Hành động này đã bộc lộ điểm yếu của Mỹ là thiếu hẳn một sách lược phù hợp ở Iraq do đánh mất những nhân sự ngoại giao kỳ cựu, dồi dào kinh nghiệm về Iran, Iraq.

Tổng thống Trump còn chọc giận giới chính khách Iraq bằng tuyên bố rằng Mỹ duy trì quân đội tại Iraq không chỉ nhằm đối phó lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria mà còn nhằm mục đích “giám sát Iran”. Một số quan chức Iraq cho rằng đề xuất đó của Mỹ sẽ vi phạm chủ quyền Iraq và tuyên bố Iraq sẽ ban hành luật để “tống khứ” 5.200 quân Mỹ hiện hữu ra khỏi Iraq.

Tổng thống Iraq Barham Salih (bên phải) tiếp Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 11-3.

Thái độ của giới chức Iraq đủ cho thấy mức độ ảnh hưởng Iran đã gây dựng được tại đây. Kể từ khi cuộc chiến Iraq kết thúc, Mỹ rút hầu hết quân đội khỏi Iraq vào cuối năm 2011, Iran bắt đầu đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ nhiều mặt với Iraq, đặc biệt là về mặt chính trị. Việc Iran tiến hành chiến dịch chuyển hóa các nhóm vũ trang thành tổ chức chính trị, tương tự như cách họ đã từng giúp Hezbollah ở Liban, đã phản ánh ưu tiên mới của Iran trong quan hệ với Iraq là tăng cường quan hệ kinh tế nhằm đột phá vòng vây cấm vận của Mỹ.

Đại sứ Iran tại Iraq Iraj Masjedi cho rằng Iran “xem Iraq là điểm đến đầu tiên cho hàng hóa Iran”. Thật vậy, Iraq sẽ là cửa ngõ để Iran đưa hàng hóa ra thế giới trong điều kiện cấm vận của Mỹ. Đồng thời, Iraq cũng sẽ là địa bàn “cửa ngõ” để Iran xây dựng tuyến hành lang từ Vịnh Persic sang Địa Trung Hải nhằm kết nối liên thông với các hoạt động tại Liban và Syria.

Ai cũng thấy rõ rằng Iraq là mục tiêu cắm chốt của Mỹ tại Trung Đông và Washington đã đầu tư nhiều mặt tại đây kể từ năm 2003. Đây cũng là quốc gia đồng minh mà Mỹ buộc lòng phải “chiều chuộng” nhiều thứ để đạt mục tiêu đó. Vì thế, đột phá cấm vận bằng cách mở rộng giao thương với Iraq được xem là hướng đi táo bạo, đánh vào nơi mà Mỹ khó lòng kiểm soát.

Mỹ có thể ra lệnh trừng phạt các công ty, tổ chức, quốc gia khác vi phạm lệnh cấm vận nhưng Mỹ sẽ khó lòng làm vậy với Iraq. Vì thế, đưa hàng hóa ra bên ngoài qua Iraq là giải pháp “lách cấm vận” an toàn nhất cho Iran hiện nay.

Trước chuyến đi Iraq, Tổng thống Rouhani đã tuyên bố ông mong muốn nhân chuyến thăm để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường trao đổi buôn bán giữa hai nước từ mức 12 tỉ USD hiện tại lên 20 tỉ USD. Đại sứ Masjedi cho biết trong năm nay, hai nước sẽ tổ chức khoảng 40 hội chợ thương mại tại Iraq và Tổng thống Rouhani đã thảo luận với Tổng thống Iraq Barham Salih về việc hợp tác mở rộng tuyến đường xe lửa từ Kermanshah ở Iran đến thành phố Basra của Iraq. Bên cạnh đó, Iraq và Iran cũng đang hướng đến việc ban hành quy định mới về cấp thị thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giới làm ăn kinh tế đi lại giữa hai nước.

Với những kế hoạch hợp tác đó, giới phân tích đánh giá, Iran đang có tham vọng mở rộng hơn nữa chỗ đứng về mặt kinh tế của Iran tại Iraq. Về mặt này, Mỹ hầu như không có sự hiện diện tại Iraq. Iran đang hướng đến việc cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc để trở thành một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Iraq.

Giới phân tích cũng nhận định rằng, chuyến thăm của ông Rouhani biến Iraq thành tâm điểm của cuộc đấu quyền lực giữa Mỹ và Iran. Việc Iran mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường giao thương hàng hóa khiến Iraq rơi vào thế kẹt giữa hai cường quốc. Iraq hiện vẫn trông cậy vào quân đội và khí tài thám thính hiện đại của Mỹ để chống khủng bố, trong khi nước này cũng nhận sự hỗ trợ nhất định về mặt quân sự từ Iran.

Iraq hiện đang được tạm miễn một phần các lệnh cấm vận để có thể tiếp tục mua một số hàng hóa thiết yếu từ Iran, trong đó có điện và khí đốt phục vụ sinh hoạt người dân và phát triển kinh tế.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.