Cựu Ngoại trưởng Anh có thể tham gia nội các Mỹ

Thứ Ba, 10/05/2016, 16:10
Mặc dù đã từ bỏ chính trường Anh, song cựu Ngoại trưởng David Mililband vẫn có cơ hội quay lại làng chính trị quốc tế trong vai trò là một thành viên nội các chính phủ Mỹ. Theo nhiều tờ báo của Mỹ, nếu trúng cử Tổng thống, bà Hillary Clinton có thể mời ông David Miliband về làm việc dưới quyền mình.

Thông tin này được tờ The Sun tiết lộ hồi cuối tháng 4, thông qua lời kể của một số nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ và Quốc hội Anh. Những người này cho biết, cựu Tổng thư ký Công đảng Anh hiện đã nhập quốc tịch Mỹ và được bổ nhiệm làm Chủ tịch, Giám đốc điều hành Ủy ban Giải cứu quốc tế ở New York, Mỹ.

Nếu gia nhập nội các Mỹ trong trường hợp bà Hillary Clinton thắng cử Tổng thống Mỹ, nhiều khả năng, ông David Miliband sẽ được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Ngoại giao.

Một người bạn thân của cựu Ngoại trưởng Anh hiện đang là nghị sĩ trong Quốc hội Anh cho biết: “David Miliband rất háo hức với việc tới Mỹ làm việc”. Ông này cũng cho biết, cựu Ngoại trưởng Anh và cựu Ngoại trưởng Mỹ đã nhiều lần trao đổi với nhau về vấn đề này và họ luôn có những quan điểm chung trong các vấn đề chính trị.

Ông David Miliband và bà Hillary đã thân nhau từ khi còn đương nhiệm (ảnh: AP).

Một điểm đáng chú ý nữa là ông David Miliband và Hillary Clinton đã có thời gian hiểu nhau bởi cả hai cùng làm vị trí đứng đầu ngành ngoại giao Anh và Mỹ trong một thời điểm, chia sẻ nhiều kinh nghiệm và những bài học xử lý khủng hoảng ngoại giao.

Nguồn tin này cũng khẳng định, cho đến nay, cả hai vẫn là những người bạn tốt và không ít lần bà Hillary Clinton tham khảo ý kiến của ông David Miliband khi quyết định quay trở lại chính trường và tranh cử tổng thống. Hồi năm ngoái, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Tạp chí ES, cựu Ngoại trưởng Anh cũng khá “bẽn lẽn” và ngại ngùng khi được hỏi rằng ông đánh giá và hy vọng gì về tương lai trở thành Tổng thống Mỹ của bà Hillary Clinton.

Cuối cùng, ông David Miliband chỉ trả lời câu hỏi theo hướng ông cho là bà thông minh, nhanh nhạy trong các vấn đề chính trị và rằng cử tri Mỹ sẽ luôn ngạc nhiên và bị thuyết phục bởi các quyết định khôn ngoan của mình. Ông David Miliband cũng khen ngợi cựu Ngoại trưởng Mỹ là người biết lắng nghe người khác, không ngại va chạm cũng như thay đổi.

Sinh năm 1965 tại thủ đô London của Anh, David Miliband đã theo học tại trường Haverstock Comprehensive ởLondon. Sau đó, ông học chính trị, kinh tế và kỹ thuật tại các trường Corpus Christi, Oxford và Học viện Massachusetts. Ông tham gia chính trường từ rất sớm và từng giữ vị trí Bộ trưởng Giáo dục, Bộ trưởng Môi trường dưới thời Thủ tướng Anh Tony Blair. Vợ của ông là nghệ sĩ violon Louise Shackelton, từng sống ở Mỹ.

Cựu Ngoại trưởng Anh David Miliband.

Năm 2007, David Miliband được Thủ tướng Anh thời bấy giờ là Gordon Brown bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. Điều đáng chú ý là trước đó, ông David Miliband từng được coi là một trong những ứng cử viên sáng giá chạy đua vào chiếc ghế thủ tướng với ông Gordon Brown, nhưng sau đó lại quyết định "gài số lùi" và lên tiếng ủng hộ Gordon Brown khi đó mới là Bộ trưởng Tài chính vào vị trí Chủ tịch Công đảng và thủ tướng, thay thế ông Tony Blair.

Ông David Miliband được coi là người theo đuổi nền ngoại giao kiên nhẫn, có mục đích, lắng nghe và dẫn dắt. Với việc bổ nhiệm của Thủ tướng Gordon Brown khi đó, ông David Miliband đã trở thành Ngoại trưởng trẻ nhất của Anh trong vòng hơn 40 năm trở lại đây.

Năm 2011, sau khi thôi giữ chức Ngoại trưởng Anh và không trúng cử vào ghế lãnh đạo Công đảng, ông David Miliband đã chuyển sự quan tâm sang nhiều lĩnh vực, từ việc trở thành giáo viên tại trường trung học cũ cho tới một vị trí trong ban quản trị tại Câu lạc bộ bóng đá Sunderland. Một thời gian, ông còn tham gia giảng dạy môn chính trị tại Trường trung học Haverstock ở Chalk Charm, phía bắc thủ đô London, nơi ông và em trai Ed Miliband, người đã đánh bại ông để trở thành lãnh đạo Công đảng, từng theo học.

Năm 2013, David Miliband lại thôi không làm nghị sĩ đại diện cho vùng South Shields nữa. Tháng 9 năm đó, ông quyết định di cư sang Mỹ sau khi chấp nhận làm vị trí Chủ tịch, Giám đốc điều hành Ủy ban Giải cứu quốc tế ở New York với mức lương là 600.000 USD/năm.

Ở cương vị này, David Miliband phải giám sát các hoạt động nhân đạo, chương trình phát triển ở 40 quốc gia khác nhau với số nhân viên trên toàn cầu là 12.000 người và 1.300 tình nguyện viện. Mỗi năm, Ủy ban Giải cứu quốc tế chi tới 450 triệu USD cho các hoạt động này.

Ngọc Khuê
.
.