Nữ ứng cử viên tổng thống Pháp 2017:

“Giới kỹ trị Brussels dùng đồng Euro như một công cụ tống tiền”

Thứ Ba, 10/01/2017, 17:25
Giữa năm 2016, cả cựu lục địa và thế giới rung lắc dữ dội với sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu qua một cuộc trưng cầu dân ý. Liệu trong năm 2017 này, “biến động” này có được lặp lại và tâm chấn lần này xuất phát từ nước Pháp.

2 tuần vừa qua, bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận dân tộc cực hữu (FN), một trong các ứng viên nặng ký của cuộc chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Pháp nhiều lần lặp lại tuyên bố: Nếu bà đắc cử, Pháp sẽ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh Châu Âu (EU), còn thời điểm rút khỏi khu vực đồng euro sẽ được thực hiện cùng với các quốc gia khác!

Trả lời phỏng vấn của tờ báo Hy Lạp Kiryakatiki Dimokratiya ngày 25-12 vừa qua, sau khi công bố kế hoạch tham gia tranh cử Tổng thống Pháp, bà Le Pen nói: “Việc Pháp rút khỏi EU (Frexit) sẽ là một phần chính sách của tôi”.

“Việc Pháp rút khỏi EU (Frexit) sẽ là một phần chính sách của tôi”.

Không chỉ “khoanh vùng cục bộ” ở nước mình, Marine Le Pen còn “kéo bè” rằng, khi Pháp rời khỏi EU và khu vực đồng euro, Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha, Ireland, Hy Lạp và CH Síp “cũng nên nối gót”. Bà nói: “Sẽ thật tốt nếu tất cả các nước ra đi trong cùng một ngày với Pháp, và tôi sẽ cố gắng thuyết phục họ. Mọi người cần có cơ hội bỏ phiếu cho việc thoát khỏi ách nô lệ và công cụ tống tiền của giới kỹ trị ở Brussels và trả lại chủ quyền quốc gia. Người Anh đã nhận ra điều này và bỏ phiếu ủng hộ việc rút khỏi EU, bằng chứng hiển nhiên là họ chưa bao giờ thay đồng bảng bằng đồng euro”.

Nữ chính trị gia Pháp cũng tuyên bố, nếu bà trở thành tổng thống, nước Pháp sẽ không còn ở trong khối NATO vì tổ chức này hoàn toàn không cần thiết. Bà nêu rõ: “NATO được tạo ra khi có mối đe dọa của khối Hiệp ước Warsaw (Vácsava) và sự bành trướng của Liên Xô. Liên Xô đã tan rã từ lâu và Warsaw chỉ là một bóng ma trong khi Washington hỗ trợ sự tồn tại của NATO chỉ để phục vụ mục đích của họ ở châu Âu mà thôi. Vậy nước Pháp hà cớ gì cứ phải trói mình trong cái định chế hữu danh vô thực như thế?”.

FN - đảng do nữ chính trị gia Marine Le Pen lãnh đạo - nổi lên thành một đảng chính trị quan trọng trên chính trường Pháp từ cuối năm 2015 sau vụ tấn công khủng bố của phiến quân Hồi giáo vào thủ đô Paris hôm 13-11 khiến 130 người thiệt mạng. Trước kia, FN chỉ là một đảng nhỏ và yếu trên chính trường Pháp. Tuy nhiên, đảng này ngày càng có uy thế trên chính trường kể từ khi bà Le Pen tiếp quản vai trò lãnh đạo đảng từ người cha là ông Jean-Marie Le Pen vào năm 2011.

Trong mấy năm trở lại đây, FN - với chủ trương chống nhập cư và không ủng hộ hội nhập châu Âu - nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng của các cử tri Pháp có tâm trạng bất mãn với thất bại của chính phủ trong việc giải quyết nạn thất nghiệp, lo ngại dòng người nhập cư và cách đối phó tình thế chán ngắt của đảng cầm quyền.

Trong bối cảnh những nghi ngại về sự đoàn kết của châu Âu và tư tưởng chống người nhập cư gia tăng, các đảng cực hữu ở khu vực này đang nhận được sự ủng hộ ngày càng lớn, nhờ đó, bà Le Pen đang đứng trước cơ hội trở thành một ứng cử viên đáng gờm trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017.

Lời tố cáo của bà Marine Le Pen cho rằng, định chế Eurozone (khu vực đồng tiền chung châu Âu) là một “công cụ tống tiền của giới kỹ trị ở Brussels”  không phải là tiếng nói đơn lẻ. Chủ nhân giải thưởng Nobel kinh tế 2001 Joseph Stiglitz trong cuốn “LEuro, comment la monnaie unique menace lavenir de lEurope” (tạm dịch: Euro, gói tiền tệ duy nhất đe dọa tương lai châu Âu) ra mắt độc giả Paris vào tháng 9-2016 đưa ra nhận định: Việc sử dụng đồng tiền chung Euro là một thất bại cả về mặt kinh tế, chính trị lẫn xã hội, đồng euro có nguy cơ làm eurozone tan rã, chôn vùi luôn tham vọng xây dựng một cộng đồng chung châu Âu vững mạnh và hòa bình.

Trong cuốn sách dày hơn 450 trang, tác giả đã chứng minh rằng: do là một sai lầm cơ bản ngay từ ý tưởng ban đầu, châu Âu đã đi lạc hướng trong chính sách khắc phục hậu quả khủng hoảng. Ngân Hàng Trung ương châu Âu BCE chỉ tập trung vào vai trò kiềm hãm lạm phát mà quên đi nhiệm vụ thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm ổn định cho thị trường lao động.

Giáo sư Joseph Stiglitz ghi nhận: Khủng hoảng tài chính 2008 bắt nguồn từ Mỹ nhưng chỉ hai năm sau, tâm bão đã chuyển hướng về châu Âu. Kể từ năm 2010 công luận chỉ còn chú ý tới “khủng hoảng của khu vực đồng euro” qua hàng loạt các sự kiện như Hy Lạp bị đe dọa mất khả năng thanh toán, rồi vết dầu loang đã lan tới cả những nước trong vùng Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và đe dọa cả Italy, Pháp v.v..

Người thất nghiệp tại Pháp tìm kiếm việc làm.

Trong 6 năm qua, “thể trạng kinh tế châu Âu” là một chuỗi dài những đợt suy thoái. Trong lúc nước Mỹ đã phục hồi, châu Âu vẫn mò mẫm tìm “ánh sáng cuối đường hầm”. Các nền kinh tế trong khu vực đồng euro lại càng chậm chạp hơn cả để quay lại với con đường tăng trưởng. Mãi đến năm 2015, GDP của 19 nước thành viên eurozone mới chỉ bắt kịp lại mức của năm 2007. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong vùng thì vẫn còn cao trên 10%.

Về mặt xã hội, làn sóng khủng hoảng của châu Âu cướp đi công việc làm của cả trăm triệu dân trên Cựu lục địa (50% thanh niên Hy Lạp không có việc làm), qua đó cướp đi những giấc mơ, những mảnh đời của ngần ấy con người. Những đợt cắt giảm cho chi tiêu dồn dập mà các chủ nợ áp đặt với Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Ireland, chính sách khắc khổ mà Brussels đòi các nước thành viên tuân thủ là mầm mống gây bất mãn trong xã hội.

Hậu quả trực tiếp là từ đông sang tây, từ nam chí bắc, các đảng cực tả và cực hữu với những lập trường dân tộc chủ nghĩa, với những ý tưởng co cụm và bài châu Âu ngày càng lớn mạnh.

Trong bối cảnh đó, mọi người đã nhận ra rằng, đồng euro - đơn vị tiền tệ chung được 19 nước trong khu vực eurozone sử dụng chẳng những đã không đem lại thịnh vượng cho châu Âu như mong đợi mà còn là trở lực cho đà phục hồi. Ngân hàng Trung ương châu Âu BCE hoàn toàn bất lực trong nhiệm vụ đem lại tăng trưởng. Eurozone được lập ra như một mái nhà chung trong đại gia đình là Liên minh châu Âu lẽ ra phải hỗ trợ lẫn nhau khi một thành viên lâm nạn thì đã hoàn toàn chối bỏ nguyên tắc “san sẻ rủi ro”.

Giáo sư Joseph Stiglitz đã chỉ ra rằng, trong những lúc dầu sôi lửa bỏng nhất thì những nhà kỹ trị Brussels chỉ đưa ra những giải pháp nhất thời, kèm theo đó là những điều kiện ngặt nghèo để rồi kết quả vẫn không đi đến đâu.

Trả lời đài RFI, giáo sư Joseph Stiglitz nhấn mạnh đến chính sách hội nhập nửa vời của châu Âu, “có một đồng tiền chung nhưng không có một ngân sách đồng nhất, không có một ngân hàng trung ương đủ mạnh để bảo đảm cho đơn vị tiền tệ đó”. Vì thiếu sót cơ bản này mà BCE và Brussels đã bó tay trong mục tiêu vực dậy kinh tế sau khủng hoảng 2010.

Ông chỉ ra: Vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu gồm cả từ mục tiêu kiềm hãm lạm phát đến thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm công việc làm cho người dân, chứ không chỉ tập trung vào mỗi vế lạm phát như BCE đã làm.

Giáo sư Joseph Stiglitz: “Đồng euro chỉ đem lại những chia rẽ giữa các thành viên”.

Joseph Stiglitz không khoan nhượng với các nhà kỹ trị ở Brussels đòi các nền kinh tế lâm nạn như Hy Lạp bằng mọi giá cắt giảm chi tiêu và bội chi nhân sách, điều ông gọi là “nỗi ám ảnh cân bằng ngân sách”: “Ý tưởng được phổ biến vào thời điểm đồng euro được hình thành năm 1992, là nếu như một nhà nước làm tròn trách nhiệm, thì kinh tế sẽ thịnh vượng và hoạt động tốt nhờ thị trường tự do. Do vậy, vai trò của nhà nước là để bảo đảm thu hẹp bội chi ngân sách.

Từ ý tưởng đó, các nhà lãnh đạo ở Brussels, qua Hiệp định Maastricht, đã tung ra những con số như là: thâm hụt ngân sách không được vượt quá ngưỡng 3% GDP, nợ công phải được giữ dưới mức 60% tổng sản phẩm nội địa. Thế rồi Brussels đã khoanh vùng trách nhiệm của Ngân hàng Trung ương châu Âu là, giữ lạm phát ở mức tối thiểu. Đó là lối lập luận hoàn toàn sai lầm.

Những quốc gia như Ireland, Tây Ban Nha dù thặng dư ngân sách vẫn bị lôi vào vòng xoáy của khủng hoảng. Việc duy trì cân bằng ngân sách nhà nước hay giữ mức thâm hụt ở ngưỡng 3% không là lá bùa hộ mạng, tránh để một nền kinh tế bị khủng hoảng. Mục tiêu bằng mọi giá thu hẹp bội chi ngân sách chẳng những đã không là đòn bẩy, mà rốt cuộc lại là một trở lực cho việc phục hồi kinh tế.

Đồng tiền chung thay vì được tạo ra để phục vụ cho kinh tế thì giới lãnh đạo ở Brussels lại huy động cả một guồng máy kinh tế đồ sộ của eurozone để củng cố một đơn vị tiền tệ. Châu Âu làm chuyện ngược đời. Hậu quả là đồng euro chỉ đem lại những chia rẽ giữa các thành viên, thay vì mang lại thịnh vượng.

Đồng euro đã không cho phép châu Âu tiến xa hơn trên con đường hội nhập, mà ngược lại đã gây ra một sự chia rẽ, từ đó giải thích vì sao các đảng dân túy bài châu Âu ngày càng mạnh ở tất cả các quốc gia.

Quay lại với những tuyên bố của ứng viên Tổng thống Pháp 2017, thực tế đây không phải là những tuyên bố mạnh miệng, “gây sốc” nhằm thu hút thêm sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri mà Marine Le Pen là người vận động yêu cầu rút Pháp khỏi khu vực đồng tiền chung euro từ nhiều năm qua.

Tầm nhìn của bà là EU nên trở về sử dụng rổ tiền bao gồm tiền tệ của nhiều quốc gia được công nhận, liên kết thông qua một hệ thống đơn vị tiền tệ chung như Ecu (Đơn vị tiền tệ châu Âu), hệ thống đã được sử dụng trước khi đưa đồng euro vào làm đồng tiền duy nhất năm 1999.Theo kế hoạch của bà Le Pen, Pháp có thể quay lại sử dụng đồng franc trong khi duy trì quan hệ kinh tế tương đối chặt chẽ với các quốc gia còn lại.

Chiến lược này của Marine Le Pen được cho là sẽ thu hút những cử tri còn băn khoăn về đường lối cứng rắn của đảng đối với khối Liên minh châu Âu. Trong một bài phỏng vấn trong tuần này, khi được hỏi về quyết định thực hiện Frexit, bà Le Pen trả lời: “Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải tái thương lượng với EU để lấy lại chủ quyền của Pháp, điều này sẽ được hỗ trợ bằng một cuộc trưng cầu dân ý”.

Bà Le Pen cũng nói thêm là, nợ công của Pháp dưới thời bà làm tổng thống sẽ được ghi bằng đồng tiền riêng của nước này. Cần lưu ý rằng, tuy nhiều lần tuyên bố sẽ đưa Pháp rời khỏi khu vực đồng tiền chung euro nhưng thủ lĩnh đảng FN không cho biết lộ trình cụ thể để thực hiện động thái này. Chỉ còn vài tháng nữa là tới cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, vì vậy tuyên bố trên được xem như là động thái để trấn an những cử tri còn lo lắng về lộ trình thực hiện một quyết sách không hề đơn giản.

Cuộc bầu cử tổng thống trong tháng 4 và tháng 5-2017 ở Pháp sẽ là cuộc cạnh tranh giữa ứng cử viên bảo thủ Francois Fillon và lãnh đạo đảng Mặt trận dân tộc (FN) cực hữu Marine Le Pen. Nếu bà Le Pen giành chiến thắng, cả thế giới sẽ cảm nhận đầy đủ cơn địa chấn mang tên “Frexit”.

Còn trong trường hợp bà Le Pen thất bại thì quan điểm chống “công cụ tống tiền của giới kỹ trị ở Brussels” và người nhập cư của bà cũng sẽ tác động lớn tới sự lựa chọn của cử tri trong cuộc bầu cử nghị viện diễn ra một tháng sau đó.

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.