Hiệu ứng Trump ở Indonesia

Thứ Năm, 05/01/2017, 20:00
Nếu nói “hiệu ứng Trump” ở Đông Nam Á đã xảy ra ở Philippines, với việc Tổng thống Rodrigo Duterte có những phát ngôn, hành động mạnh bạo, dứt khoát và không theo lối mòn truyền thống, thì có thể nói rằng sắp tới đây chắc cũng sẽ có một “hiệu ứng Trump” nữa xảy ra ở Indonesia.

Đối tác kinh doanh của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Indonesia, một tỉ phú ngành xây dựng và truyền thông, vừa tuyên bố sẽ xem xét ra tranh cử tổng thống Indonesia vào năm 2019.

Hary Tanoesoedibjo, ở Indonesia thường gọi là Hary Tanoe, năm nay 50 tuổi, đã phát biểu trên Đài Phát thanh - Truyền hình Australia (ABC) như sau: “Nếu không có ai mà tôi có thể tin tưởng để giải quyết các vấn đề của đất nước, thì chính tôi có thể sẽ ra tranh cử tổng thống” Hary Tanoe nói thêm, việc ra tranh cử tổng thống không phải vì lợi ích cá nhân mà “vì đất nước tôi”.

Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Indonesia Setya Novanto.

Hary Tanoe là một đối tác kinh doanh của ông Trump tại Indonesia. Ông này hiện đang giúp ông Trump xây dựng 2 khu du lịch nghỉ dưỡng: Một là khu nghỉ dưỡng siêu cao cấp rộng 100 héc-ta, tiêu chuẩn 6 sao, nằm dọc bờ biển Bali; khu nghỉ dưỡng thứ hai ở ngoại ô Jakarta có sân golf “siêu hảo hạng” và 300 căn biệt thự sang trọng nằm cận kề bên một công viên chủ đề. Cả 2 dự án đều sẽ hoàn tất trong tương lai không xa.

Mối quan hệ đối tác kinh doanh đó đã mang lại lợi ích không nhỏ cho Tanoe, cả về kinh tế lẫn chính trị. Ngày ông Trump giành chiến thắng tháng 11-2016, cổ phiếu của Công ty Global Mediacom (MNC Group) của ông Tanoe tăng điểm đáng kể. Tanoe nói rằng, ông có thể tiếp cận ông Trump trong một số trường hợp, nhưng thường thì thông qua những người con của ông Trump, đặc biệt là trong 2 dự án lớn đang thực hiện ở Indonesia.

Donald Trump Jr, Eric Trump và Ivanka Trump mỗi người có vai trò khác nhau trong làm ăn với Tanoe, trong đó Donald Jr phụ trách chung, Eric phụ trách thiết kế và sân gôn, còn Ivanka phụ trách mảng khách sạn, biệt thự.

Chiến thắng của ông Trump cũng được xem là niềm khích lệ lớn lao để Tanoe tiếp tục nuôi giấc mơ chính trị. Nhưng nếu như ông Trump hoàn toàn xa lạ với chính trị trước khi đắc cử Tổng thống Mỹ, thì Tanoe vừa là doanh nhân vừa tham gia hoạt động chính trị từ vài năm gần đây.

Tanoe từng một lần tham gia cuộc đua tranh vào vị trí ứng viên phó tổng thống nhưng thất bại trong kỳ bầu cử năm 2014. Sau đó, ông quyết tâm theo đuổi mục tiêu chính  trị bằng việc thành lập đảng chính trị của riêng mình, lấy tên là Indonesia Thống nhất (United Indonesia), lấy mạng xã hội Twitter và các kênh truyền hình của mình làm diễn đàn vận động chính trị.

Mối làm ăn béo bở với Trump có thể tạo đà thuận lợi cho Tanoe trên thương trường.

Nhưng đó cũng là vấn đề nhiều người quan tâm khi đề cập đến nguy cơ xung đột lợi ích cho cả hai bên. Đối với ông Trump, nguy cơ xung đột lợi ích đang hiện rõ, và dư luận báo chí đang bình luận hàng ngày về hai dự án khu nghỉ dưỡng ở Indonesia của ông. Mặc dù ông Trump tuyên bố sẽ bàn giao công việc kinh doanh cho các con quản lý, nhưng không ai dám bảo đảm rằng ông sẽ hoàn toàn vô tư, khách quan trong các quyết sách kinh tế, trong các vấn đề về chính sách đối ngoại một khi có lợi ích của gia đình mình hiện hữu.

Hary Tanoe.

Còn ông Tanoe, tại cuộc bầu cử vào năm 2019, nếu đảng của ông giành được một tỉ lệ phiếu đáng kể, đóng vai trò nhất định trong nhiệm kỳ tới, hoặc bản thân ông giành được vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ trung ương hoặc cấp tỉnh, thì nguy cơ tiềm ẩn xung đột lợi ích sẽ càng gia tăng. Một viễn cảnh đang được giới phân tích vẽ ra: Khi hai lãnh đạo của hai quốc gia cùng là doanh nhân và là đối tác làm ăn của nhau, điều gì sẽ xảy ra?

Trong kỳ bầu cử năm 2014, khi không giành được quyền đại diện đảng ra tranh cử, Tanoe quay sang ủng hộ tướng Prabowo Subianto, nhưng ứng cử viên này sau đó cũng thất bại trước ông Joko Widodo. Điều này có nghĩa là cơ ngơi kinh tế của ông Trump tại Indonesia nằm trong tay một người không cùng phe với chính quyền đương nhiệm.

Và ông Tanoe cũng đã sắp xếp cho ông Trump tiếp xúc với hai chính khách đang gây tranh cãi ở Indonesia. Đó là Chủ tịch Hạ viện Setya Novanto, người đang dính sâu trong vụ bê bối tham nhũng có giá trị tài sản đến 4 tỉ USD ở Indonesia. Một đoạn ghi âm được công bố trên Đài Truyền thanh Indonesia vào tháng 12-2015 tiết lộ Setya vòi vĩnh 4 tỉ USD từ công ty khai thác mỏ Freeport-McMoRan của Mỹ.

Vì vụ bê bối này mà ông Novanto từng phải tạm ngưng chức Chủ tịch Hạ viện trong vài tuần. Vài tháng trước khi đoạn ghi âm được công bố, ông  Trump đã có cuộc hội kiến Setya tại Tháp Trump. Sau bữa ăn trưa, Trump cùng Setya chụp ảnh lưu niệm, và Trump tuyên bố: “Chúng ta sẽ làm những việc lớn cho nước Mỹ”.

Một phụ nữ Indonesia bên cạnh hình nộm ông Trump bằng các-tông.

Chính khách Indonesia thứ hai Trump “quen biết” thông qua Tanoe là Phó Chủ tịch Hạ viện Fadli Zon, có mối quan hệ rất thân với các lãnh đạo tôn giáo cứng rắn, những người đã đóng vai trò chính trong vụ biểu tình phản đối dữ dội ở Jakarta vừa qua dẫn đến việc Thị trưởng Basuki Purnama phải đi tù vì tội phỉ báng đạo Hồi.

Thị trưởng Basuki Purnama, bí danh là Ahok, là người theo đạo Thiên chúa, cho rằng cáo buộc ông phỉ báng đạo Hồi là không có cơ sở, là một thủ đọan nhằm ngăn cản ông ra ứng cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 2-2017. Đó là cuộc chiến tôn giáo muôn thuở ở Indonesia, luôn diễn ra gay gắt giữa hai tôn giáo chính là Thiên Chúa giáo và Hồi giáo.

Tanoe là một Hoa kiều theo đạo Thiên Chúa trong đất nước 260 triệu dân, với dân số Hồi giáo đông nhất thế giới. Điều này cũng có nghĩa là con đường chính trị của ông cũng sẽ đầy chông gai khi luôn phải đối mặt với những tình huống tương tự như Thị trưởng Jakarta Purnama gặp phải.

An Châu (tổng hợp)
.
.