Học thuyết rút lui của ông Donald Trump
- Con trai Tổng thống Donald Trump muốn theo nghiệp “quần đùi áo số”
- Tổng thống Iran mời Donald Trump dự “tiệc thân mật”
Nước Mỹ đang rút lui?
Giới phân tích từ chính nước Mỹ nhận định, Tổng thống Donald Trump đang "đánh cược" uy tín ngoại giao của nước Mỹ thông qua việc chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran - thỏa thuận vốn được các đồng minh châu Âu của ông coi là điểm chuẩn cho sự hợp tác quốc tế. Tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh nguy cơ chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết" của ông sẽ biến thành chính sách "Nước Mỹ cô độc" khi ông đối mặt với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Hiện giờ giới quan sát đang phải chật vật để xác định xem chiến lược cụ thể đằng sau những động thái trên của ông Trump là gì.
Có một điều chắc chắn là khi ông rút khỏi các thỏa thuận thương mại, hiệp định về khí hậu, hủy bỏ các hiệp ước quốc tế, dường như ông muốn chứng tỏ rằng không mối quan hệ quốc tế nào có thể ràng buộc được ông.
Kể từ sau Chiến tranh thế giới II, Mỹ nổi lên như một cường quốc không thể thiếu được trên vũ đài quốc tế một phần nhờ vai trò lãnh đạo của nước này trong hệ thống các hiệp ước và liên minh dựa trên các quy tắc toàn cầu. Còn bây giờ, như Tổng thống Trump đã tuyên bố thẳng thừng trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi tháng trước, ông chỉ coi Mỹ là cường quốc hùng mạnh nhất trong một mạng lưới các quốc gia có chủ quyền trên thế giới hiện nay.
Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại - một tổ chức khá có ảnh hưởng đã tổng kết cay đắng: Chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump đã cho thấy rõ, ông đang theo đuổi cái gọi là "Học thuyết rút lui".
Quả đúng như vậy. Gần đây nhất, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, nếu Quốc hội và các đồng minh còn hoài nghi và không nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Iran. Trước đó chỉ vài ngày ông Trump đã rút Mỹ khỏi UNESCO, khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và dường như có ý định phá hủy một hiệp ước lớn hơn, đó là NAFTA.
Iran cáo buộc Mỹ muốn rút khoải thỏa thuận hạt nhân. |
Ông cũng liên tục đề nghị đánh giá lại sự cần thiết của việc duy trì các cơ quan của LHQ. Ông thậm chí còn tuyên bố rằng Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định lớn nhất - và cũng được cho là quan trọng nhất - trong lịch sử thế giới, đó là Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu gồm 196 thành viên.
Thoái vị lãnh đạo?
Đúng như dự đoán, các thành viên trong chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đang rất tức giận và hoang mang về những gì mà họ cho là một sự thoái vị lãnh đạo của nước Mỹ. Cựu cố vấn cao cấp Ben Rhodes nói rằng: “Một lần nữa, Tổng thống Trump đang khiến mọi người đặt câu hỏi về khả năng duy trì cam kết của Mỹ đối với các hiệp định quốc tế. Các quốc gia khác sẽ không mong muốn ký kết thỏa thuận với Mỹ nữa”.
Lấy ví dụ gần nhất về việc Mỹ đơn phương phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, là thành quả không chỉ của Mỹ, mà nó là quá trình gian nan hơn 13 năm với sự góp sức của LHQ và 5 nước khác. Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 là một hiệp định quốc tế, được Hội đồng Bảo an thông qua. Rõ ràng các nước lo ngại là có cơ sở khi việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ khiến hồ sơ hạt nhân Triều Tiên càng khó giải quyết và tác động tiêu cực đến nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân của trên thế giới.
Cựu Ngoại trưởng John Kerry, kiến trúc sư chủ chốt của Thỏa thuận hạt nhân Iran, nói rằng phá bỏ các thỏa thuận quốc tế chính là tự cô lập chúng ta với các đồng minh, khiến việc giải quyết vấn đề Triều Tiên khó khăn hơn và có nguy cơ đẩy chúng ta tới gần hơn tới cuộc xung đột quân sự.
Trong một tuyên bố chung ngày 14-10, lãnh đạo các nước Pháp, Anh và Đức cảnh báo về việc Mỹ thực hiện các hành động có thể gây tổn hại tới thỏa thuận hạt nhân nói trên. Chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2017, Tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đã chỉ trích quyết định mới của Tổng thống Mỹ Trump rút lại sự ủng hộ JCPOA và cho rằng quyết định này sẽ tạo điều kiện cho các hoạt động phát triển hạt nhân.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Tehran, nói rằng động thái của ông Trump sẽ làm tổn hại lâu dài tới sự tín nhiệm của Mỹ. Các đồng minh của Mỹ đều tỏ ý không hài lòng bởi “nước cờ” Iran của ông Trump và cùng nhau đưa ra sự đáp trả. Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini tuyên bố: “Rõ ràng, không một tổng thống của một quốc gia nào trên thế giới có quyền hủy bỏ một thỏa thuận như vậy”.
Tại Washington, với việc không thể thuyết phục ông Trump dù có sự trợ giúp từ một số cố vấn cấp cao của ông, các nhà ngoại giao châu Âu đang vận động các nghị sĩ Quốc hội Mỹ để bảo vệ Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống Trump về vấn đề Iran ít nhất nhận được một số sự ủng hộ mạnh mẽ tại Washington. Liên đoàn Vì sự bảo vệ các nền dân chủ (FDD) - nhóm các nhân vật có quan điểm diều hâu trong chính sách đối ngoại được thượng nghị sĩ Tom Cotton và đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley ủng hộ - đã kêu gọi việc “không phê chuẩn” sự tuân thủ của Iran. Ít nhất, họ đồng tình với ông Trump rằng quan điểm cứng rắn hơn của ông có thể khiến Mỹ có ảnh hưởng hơn với các đối tác nước ngoài.
Behnam Ben Taleblu của tổ chức FDD nói: “Có thể quyết định không phê chuẩn nhưng vẫn duy trì thỏa thuận sẽ giúp thúc đẩy sự tín nhiệm của Mỹ”. Ông Taleblu cho rằng ông Trump “đang gửi đi một thông điệp rằng Mỹ sẽ không tham gia vào các thỏa thuận mà họ cảm thấy họ có những bất lợi thực sự”. Lý thuyết này sẽ được kiểm chứng ngay lập tức.
Trong các tuần tới, ông Trump và các quan chức cấp cao Mỹ sẽ tìm cách xây dựng một liên minh để gây sức ép nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Cả thế giới lại tiếp tục chờ đợi những "đột phá" mới từ nước Mỹ.