Kế hoạch của Tổng thống Barack Obama sau khi rời Nhà Trắng
Nhiều vị cựu tổng tư lệnh quân đội Mỹ đã biết cách sử dụng thời gian về hưu của mình một cách hiệu quả, như diễn thuyết với những món tiền thù lao khổng lồ, xây dựng quỹ từ thiện, hay thỏa sức với những thú vui mới như vẽ tranh… Còn hơn một năm nữa nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama sẽ kết thúc, và ông đã có một số dự định cho tương lai của mình.
Barack Obama phát biểu trên kênh truyền hình thể thao ESPN: "Ít nhất, tôi biết tôi muốn làm những gì khi tôi về hưu". Nhưng có một điều mà ông Obama chắc chắn, đó là sẽ không tìm kiếm một tương lai chính trị. Quyết định của ông Obama được xem là phổ biến trong số các cựu tổng thống Mỹ. Trong lịch sử, chỉ có 3 cựu tổng thống quyết định tiếp tục tham gia chính trường và tìm kiếm vị trí trong Hạ viện, Thượng viện hay Tòa án Tối cao.
John Quincy Adams, sau khi thất bại trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2 đã giành được chiếc ghế trong Hạ viện và phục vụ ở vị trí này cho đến lúc qua đời. Andrew Johnson giành được một ghế trong Thượng viện sau khi đảng Dân chủ từ chối đề cử ông ra tranh cử nhiệm kỳ 2. William Howard trở thành cựu Tổng thống duy nhất trở thành Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ. Trong khi đó, George Washington và Harry Truman trở về quê nhà để vui thú điền viên!
Trong thời đại hiện nay, các cựu tổng thống có cuộc sống xã hội sôi nổi hơn. Khi nói chuyện tại Đại học Lehman về chương trình "My Brother's Keeper Alliance" (hay MBK Alliance, sáng kiến của Nhà Trắng thành lập quỹ hỗ trợ cho thanh thiếu niên da màu và các cộng đồng thiểu số ở Mỹ), Obama cho biết ông sẽ tiếp tục công việc đấu tranh cho sự bình đẳng sắc tộc và kinh tế sau khi rời ghế tổng thống. Obama phát biểu: "Đây sẽ là sứ mạng cho tôi và cho Michelle không chỉ trong thời gian tôi còn làm tổng thống, mà còn trong phần đời còn lại của tôi".
Tổng thống Obama thông báo về sáng kiến MBK Alliance. |
Sự tập trung vào cộng đồng thiểu số người trẻ tuổi được coi là mục tiêu ưu tiên của Obama khi còn đương chức cũng như sau khi rời Nhà Trắng. Các vấn đề đang gây bão táp trong các cộng đồng thiểu số ở Mỹ - như ma túy và nghèo đói - trở thành đề tài bàn cãi nóng nhất trong nhiệm kỳ 2 của Obama, khi ông phải đối mặt với tình hình bất ổn dẫn đến bạo lực bùng phát sau cái chết của nhiều người da đen, mà những biến cố mới nhất xảy ra ở thành phố Baltimore.
Sáng kiến MBK Alliance là một phần trong phản ứng của Barack Obama trước cái chết của thiếu niên da đen 17 tuổi Trayvon Martin năm 2012. MBK Alliance đã nhận được 500 triệu USD từ các công ty và quỹ từ thiện để hỗ trợ cho các chương trình giáo dục, tạo việc làm và ngăn ngừa bạo lực ở tuổi thiếu niên. Obama cũng nhận được 80 triệu USD từ các công ty lớn cho phép ông tiếp tục duy trì hoạt động của MBK Alliance sau khi rời khỏi Nhà Trắng ở tuổi 55, tạo cơ hội học tập và việc làm cho người da đen cũng như người Mỹ gốc Tây Ban Nha. Obama nói một cách thẳng thắn: "Tôi sẽ trở lại làm những công việc mà trước đây tôi đã làm. Đó là tìm cách giúp đỡ mọi người. Đó là loại công việc mà tôi thật sự muốn làm".
MBK Alliance nằm dưới sự điều hành của Joe Echevarria, cựu Giám đốc điều hành Công ty kiểm toán Mỹ Deloitte LLP. Ca sĩ John Legend và cựu ngôi sao Hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) Alonzo Mourning - cả hai đều là người ủng hộ Obama - phục vụ trong ban giám đốc MBK Alliance. Vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton cũng đối mặt với những vấn đề xung đột lợi ích về những khoản tiền quyên tặng được giấu kín từ các chính quyền nước ngoài dành cho Quỹ Clinton.
Obama đang đối mặt với những vấn đề về tiền quyên góp cho MBK Alliance. Quỹ Obama không nhận tiền đóng góp từ các nhà vận động hành lang hay chính quyền nước ngoài và công khai mọi khoản tiền đóng góp trên 200 USD.
Quỹ Barack Obama (BOF), được thành lập năm 2014, sẽ tiếp tục các hoạt động từ thiện sau khi Obama thôi giữ chức tổng thống và kế hoạch xây dựng Thư viện mang tên ông vẫn được tiến hành tại khu South Side thành phố Chicago, bang Illinois. Ban giám đốc thư viện bao gồm: John Doerr (nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon) và Julianna Smoot - đều là người điều hành chiến dịch gây quỹ tranh cử cho Obama trong 2 năm 2008 và 2012.
Thư viện Obama sẽ bao gồm một văn phòng cho tổng thống. Một vài người nói rằng Obama - người tốt nghiệp Đại học Columbia năm 1983 - cũng có thể có một văn phòng khác trong khuôn viên Đại học Columbia ở New York. Thư viện Tổng thống Obama được Hội đồng thành phố Chicago cấp phép xây dựng trong khuôn viên Đại học Chicago. Theo tính toán, thư viện này sẽ giúp cung cấp gần 2.000 việc làm và thu hút 800.000 lượt du khách/năm.
Nước Mỹ hiện có 13 thư viện tổng thống, trong đó đắt tiền nhất là Thư viện Clinton với chi phí đến 165 triệu USD, nằm dưới sự quản lý của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ. Thư viện là nơi trưng bày sách sở, tư liệu, phim ảnh, văn kiện, hiện vật, quà tặng v.v… liên quan đến cuộc đời của tổng thống. Điều đặc biệt là, chi phí đầu tư xây dựng thư viện không thuộc về ngân sách quốc gia mà do các nguồn đóng góp tư nhân.