Khi các nghị sĩ làm thêm

Thứ Tư, 03/01/2018, 19:50
Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng các ông nghị ở Mỹ không phải làm việc gì khác ngoài việc làm của một nghị sĩ, đại diện cho quyền lợi của cử tri bầu ra mình hoặc những người đã bỏ tiền tài trợ cho hoạt động tranh cử của mình.

Thế nhưng, những thông tin mới công bố của Trung tâm Liên chính công (CPI) của Mỹ cho thấy phần lớn các nghị sĩ thuộc nghị viện các tiểu bang phải làm thêm ngoài giờ, thậm chí có người còn dành một nửa thời gian trong năm để làm việc kiếm thêm ngoài công việc nghị sĩ.

Đừng tưởng nghị sĩ là giàu!

Mỗi buổi tối hoặc vào những ngày cuối tuần, nghị sĩ Stephen Meeks (Hạ viện bang Arkansas) lái chiếc Toyota Corolla mang biển số nhà nước để đi phục vụ cho cử tri trong vùng của mình. Nhưng thứ mà ông Meeks mang đến cho họ không phải là những biểu mẫu đăng ký cử tri hay các phiếu trưng cầu ý kiến, mà là giao cho họ những chiếc bánh pizza thơm lừng.

Là một trong những nghị sĩ lâu năm nhất trong Hạ viện bang Arkansas, Meeks đồng thời cũng là một người giao bánh pizza nổi tiếng trong vùng. “Khác biệt lớn nhất giữa một chính khách đi gõ cửa từng nhà với một anh chàng giao bánh pizza chính là khi anh chàng giao bánh xuất hiện người ta luôn hào hứng đón chào” - Meeks hóm hỉnh phân tích.

Cũng như ông Meeks, các nghị sĩ cấp tiểu bang trên toàn nước Mỹ thường phải đi làm thêm công việc bên ngoài. Có người làm một việc, nhưng cũng có người làm nhiều việc một lúc, đến nỗi họ phải thu xếp một cách chật vật để đảm bảo làm tròn nhiệm vụ trong cơ quan lập pháp.

Thượng nghị sĩ Donald Olson của tiểu bang Alaska.

Theo một báo cáo của CPI công bố hồi đầu tháng 12-2017, có ít nhất 76% nghị sĩ cấp tiểu bang vào thời điểm năm 2015 có báo cáo công việc làm thêm bên ngoài. Báo cáo của CPI được căn cứ trên tài liệu công bố thu nhập, việc làm của 6.933 nghị sĩ thuộc 47 tiểu bang.

Nhưng không phải ai cũng có thể tranh thủ thời gian để đi làm thêm ngoài giờ. Đơn cử trường hợp nữ nghị sĩ Saira Blair của Hạ viện tiểu bang West Virginia. Năm nay 21 tuổi, nhưng Blair đã bắt đầu tham gia tranh cử nghị sĩ từ năm 18 tuổi, khi cô mới là sinh viên năm thứ nhất đại học. Cuộc sống của cô cũng bắt đầu quay như chong chóng kể từ thời điểm đó.

Tranh thủ ngoài giờ học và thời giờ nghỉ trong giai đoạn tranh cử, Blair đi làm thêm ở một nhà hàng gần trường đại học. Thế nhưng, sau khi đắc cử trở thành nghị sĩ, Blair đã phải bỏ các học phần mùa xuân ở trường đại học, đồng thời cắt hết những công việc làm thêm ngoài giờ để tập trung cho công việc nghị sĩ (do nghị viện tiểu bang họp liên tục 60 ngày, từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm).

Nhưng là một nghị sĩ trẻ, mới làm việc hơn một nhiệm kỳ, Blair hoạt động rất tích cực, dành thời gian ngoài kỳ họp nghị viện để hỗ trợ, khảo sát, nghiên cứu các vấn đề của cử tri, đồng thời cũng để vận động sự ủng hộ của cử tri.

Hầu hết các tiểu bang ở Mỹ đều có viện lập pháp, chỉ họp vài tháng trong năm. Do thời gian làm việc thực tế quá ít nên thu nhập chính thức của các nghị sĩ này cũng rất thấp, không đủ để họ trang trải cuộc sống. Vì thế, trừ phi đã nghỉ hưu hoặc là giàu có sẵn, thường thì các nghị sĩ cần có thêm nguồn thu nhập khác bổ sung

Ở tiểu bang West Virginia, một nghị sĩ rất khó xoay xở cuộc sống cá nhân và gia đình nếu chỉ dựa vào thu nhập chỉ 20.000 USD/năm cộng một số phụ cấp chức vụ, nghề nghiệp từ công việc nghị sĩ.

Nghị sĩ Stephen Meeks.

Theo khảo sát của CPI, mức thu nhập này là thấp nhất trong các nghị viện ở Mỹ, thậm chí chỉ bằng một nửa thu nhập từ việc giao bánh pizza của nghị sĩ Meeks nêu trên. Chỉ có một số tiểu bang như Alska, California và New York, các nghị sĩ không đi làm thêm, vì một mặt công việc nghị sĩ là toàn thời gian, mặt khác họ cũng được trả lương kha khá, khoảng 80.000 đến trên 100.000 USD/năm, cho nên cũng không gặp phải vấn đề về tài chính.

“Nghị sĩ công dân”

Cuộc khảo sát của CPI cho thấy các nghị sĩ cấp tiểu bang làm nhiều loại công việc khác nhau, có người làm những công việc giản đơn là giao bánh, giao bưu phẩm, hoặc làm hầu bàn quán ăn, có người làm kinh doanh bất động sản, chạy xe Uber, UPS, cũng có một số người làm công việc phức tạp như luật sư. Lại cũng có người làm những việc ít ai dám làm, như nhà sản xuất phim kinh dị, thợ săn cá sấu, múa dân gian, lùa tuần lộc,... Tất cả đều cho rằng công việc làm thêm giúp họ có cuộc sống thoải mái hơn, nhờ đó họ cũng có thể làm nghị sĩ tốt hơn.

Có không ít sự ủng hộ trong cử tri dành cho các nghị sĩ đi làm thêm, mà họ dùng cách gọi “Nghị sĩ công dân” để chỉ các ông nghị, bà nghị phải đi làm thêm ngoài giờ này. Người ta cho rằng các ông nghị, bà nghị không nên là chính khách chuyên nghiệp, mà nên là công dân bình thường. Bởi vì, khi làm những công việc bình thường như những công dân bình thường, họ sẽ có mối liên hệ thực tế tốt hơn về những băn khoăn, lo lắng của người dân, của cử tri đã bầu họ lên, và họ sẽ mang những kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống vào việc hoạch định chính sách, làm cho chính sách sát thực hơn, gần dân hơn.

Thượng nghị sĩ Donald Olson (đảng Dân chủ tiểu bang Alaska), 64 tuổi, dành thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 để làm việc chính thức ở Juneau, thủ phủ tiểu bang, thời gian còn lại trong năm thì ông về quê ở Golovin để lái máy bay trực thăng lùa tuần lộc. Nhưng Olson vốn dĩ đã làm công việc này từ trước khi là nghị sĩ tiểu bang. Ông sinh ra và lớn lên ở thị trấn chỉ có vỏn vẹn 160 dân này, nhưng tổ tiên gia đình ông di cư từ Bắc Âu đến Alaska hơn một thế kỷ trước.

Họ vốn là những người chăn tuần lộc có truyền thống lâu đời, đã truyền nghề cho ông. Olson được bố dạy cho cách lái máy bay để lùa tuần lộc từ thập niên 80 thế kỷ XX. Ngày nay, Olson sở hữu Công ty Polar Express Airways và công ty dịch vụ taxi hàng không Olson Ventures. Bên cạnh đó ông còn là một bác sĩ.

Công việc lùa tuần lộc của Olson được ghi dấu ấn bởi cuộc giải cứu tuần lộc nổi tiếng vào năm 1992. Vài tuần sau lễ Giáng sinh, Olson tuyển chọn một nhóm người lùa tuần lộc đi theo mình trên chuyến bay đến các bãi biển băng giá ở đảo Hagemeister. Hòn đảo chỉ dài 24 dặm này là nơi hoang vắng, không có người ở. Cục Quản lý cá và đời sống hoang dã đã cử người đến hòn đảo Hagemeister nhằm giết chết hơn 1.000 con tuần lộc vì chúng có biểu hiện mất kiểm soát.

Nghị sĩ Dan Morhaim của tiểu bang Maryland bị khiển trách vì xung đột lợi ích.

Khi Olson biết được kế hoạch giết tuần lộc, ông nhanh chóng tổ chức một đội giải cứu. Olson dành ra nhiều ngày để lùa hàng chục con tuần lộc lên một chiếc máy bay vận tải cũ từ thời Thế chiến II để chở đi. Sau 3 chuyến bay, ông đã giải cứu được 125 con tuần lộc, nhưng thời tiết mùa đông khắc nghiệt đã buộc Olson phải dừng cuộc giải cứu.

Trước cuộc bầu cử nghị viện năm 2000, Olson quyết định tranh cử khi ông nhận thấy Thượng viện Alaska thiếu người có tầm nhìn như ông. Hiện nay, Olson là thành viên của nhiều ủy ban trong nghị viện, và vận dụng vào đấy những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm thực tế của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Bắc Cực, tài chính, y tế, công tác xã hội.

Xung đột lợi ích - chuyện thường ngày

Các nghị sĩ báo cáo về công việc làm thêm ngoài cơ quan và các nguồn thu nhập bổ sung ở mỗi tiểu bang khác nhau. Ở Illinois, các nghị sĩ phải điền vào một biểu mẫu để trả lời các câu hỏi về các lợi ích kinh tế của cá nhân và những xung đột lợi ích tiềm ẩn. Còn ở Idaho, Vermont và Michigan thì ngược lại, không đòi hỏi các nghị sĩ phải tiết lộ những lợi ích tài chính của cá nhân. Tiểu bang Vermont sẽ yêu cầu điều đó từ năm 2018.

Quy định pháp luật về đạo đức công vụ ở Mỹ không cấm các nghị sĩ có tiềm ẩn xung đột lợi ích tham gia thảo luận dự luật và thậm chí bỏ phiếu, biểu quyết thông qua luật. Các nghị sĩ bang Pennsylvania nếu có tiềm ẩn xung đột lợi ích buộc phải tham vấn chủ tịch nghị viện liệu họ có được bỏ phiếu hay không.

Saira Blair bỏ học để làm nghị sĩ.

Trong 3 năm gần đây, bang Pennsylvania có khoảng 30 trường hợp tham vấn xung đột lợi ích, và tất cả đều được chấp thuận. Thậm chí có một thượng nghị sĩ còn được phép tham gia bỏ phiếu thông qua đề cử mẹ ruột của ông ta vào một hội đồng công ích. 2 tiểu bang Utah và Oregon thậm chí còn yêu cầu các nghị sĩ tham gia bỏ phiếu ngay cả khi họ có xung đột lợi ích.

Bang California cho phép các nghị sĩ bỏ phiếu thông qua dự luật ngay cả sau khi công bố xung đột lợi ích nếu họ “tin rằng lá phiếu của mình là khách quan và công bằng”(!?).

Thực tế làm gì có chuyện “khách quan và công bằng” một khi dự luật có liên quan đến lợi ích cá nhân các “ông nghị”. Báo cáo khảo sát của CPI phát hiện rất nhiều trường hợp các nghị sĩ tiểu bang ở Mỹ đã giới thiệu và ủng hộ các dự án luật trực tiếp và gián tiếp tác động có lợi cho công việc làm ăn của họ, ông chủ của họ. Đơn cử một trường hợp xung đột lợi ích trong việc sửa đổi luật thuế tiểu bang Iowa gần đây có liên quan đến một nghị sĩ tên Mark Chelgren.

Dự luật sửa đổi luật thuế này do Chelgren soạn thảo và đề xuất, đồng thời là người vận động quyết liệt nhất để luật được thông qua vào năm 2016. Vấn đề là, ông nghị này sở hữu cùng lúc một cửa hàng máy móc cơ khí, một công ty hàn, tiện và một nhà máy sản xuất linh phụ kiện cho xe lăn tay. Và luật thuế mới đã giúp cho các cơ sở sản xuất kinh doanh của ông Chelgren tiết kiệm được một số khoản chi phí do không phải nộp thuế kinh doanh khi mua một số trang thiết bị phục vụ sản xuất như cưa, máy phay thủy lực.

Chelgren không phải là trường hợp duy nhất thúc đẩy thông qua pháp luật phục vụ lợi ích cá nhân ngoài cơ quan. Một nghị sĩ bang North Dakota tích cực thúc đẩy nghị viện tiểu bang chấp thuận cấp hàng triệu USD cho các trường cao đẳng, đại học để các trường dùng tiền này mua hàng hóa từ doanh nghiệp của ông ta. Thượng nghị sĩ Ben Kiekhefer của tiểu bang Nevada đã ít nhất 6 lần bỏ phiếu thúc đẩy các chính sách có lợi cho hàng loạt khách hàng của công ty vận động hành lang McDonald Carano nơi ông ta... làm thêm ngoài giờ.

Ở Hawaii, 2 nghị sĩ làm chủ kinh doanh căn hộ kết hợp văn phòng đã bảo trợ và bỏ phiếu thông qua các dự án luật nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của ngành này. Danh sách các nghị sĩ xung đột lợi ích kiểu này còn dài.

Trước thực trạng trên, nghị viện các tiểu bang ở Mỹ đang bắt đầu có những hành động nhằm tăng cường các biện pháp ngăn chặn xung đột lợi ích. 2 tiểu bang Alaska và South Dakota đang thông qua các sáng kiến giải pháp ngăn chặn xung đột lợi ích để áp dụng từ năm 2018.

Tiểu bang Maryland cũng đã thông qua chính sách cải cách chế độ công vụ sau khi Hạ viện tiểu bang khiển trách nghị sĩ Dan Morhaim vì vi phạm quy định về đạo đức, chuẩn mực công vụ của tiểu bang. Ông Morhaim đã không khai báo việc mình làm có lĩnh lương cho một công ty kinh doanh cần sa khi tham gia làm chính sách về cần sa.

An Châu (tổng hợp)
.
.