Mối tình cuối cùng của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ

Thứ Sáu, 31/05/2019, 07:48
Đối với một người đã dành phần lớn cuộc đời của mình dưới ánh đèn sân khấu, Jacqueline Kennedy Onassis có lẽ là minh chứng sống động nhất cho sự đam mê quyền riêng tư cũng như các vai trò và nhiều mối quan hệ đã biến bà trở thành biểu tượng sống của nước Mỹ.

Vì thế ngày 19-5-1994, khi hay tin cựu đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy đã tạ thế tại căn hộ của bà ở Manhattan sau một thời gian chiến đấu chống căn bệnh ung thư hạch Hodgkins, đã có khá nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng phút lâm chung của Jackie luôn có sự hiện diện của một nhóm nhỏ những người thân cận với bà.

Cái gọi là “3 thành viên gia đình” bên cạnh người quá cố, 2 trong số đó là các con của Jackie là Caroline Kennedy và John F. Kennedy Jr., còn người thứ 3 là Maurice Tempelsman.

Dạo bộ là môn thể thao yêu thích của Jackie Kennedy và Maurice Tempelsman. Ảnh nguồn: Lawrence Schwartzwald/ Getty Images.

Buổi gặp gỡ đầu tiên với tỷ phú kim cương

Với những người hiểu rõ về con người của Jackie Kennedy thì việc đưa tên của ông Maurice Tempelsman là một điều hết sức tự nhiên. Ngay tại đám tang của cố phu nhân Jackie tại Nhà thờ công giáo La Mã St. Ignatius Loyola ở Park Avenue chỉ 5 ngày sau khi bà mất, ông Tempelsman đã đứng cùng các con riêng của Jackie và xúc động đọc bài thơ Ithakađược sáng tác bởi thi sĩ người Hy Lạp - C.P. Cavafy, và ông đã nói thêm lời thì thầm của riêng mình.

Sau tất cả, mặc dù Tempelsman thường ghi chú mình là “bạn đồng hành” hay “hộ tống viên”, nhưng bạn bè thân thiết của Jackie thừa biết một sự thật rằng: Maurice Tempelsman là tình yêu nồng thắm cuối cùng của cố đệ nhất phu nhân, ông cũng là người chồng thứ 3 của bà dù không được thừa nhận về mặt pháp lý.

Jackie Kennedy thường không công khai tất cả mọi thứ hay ít nhất là với báo giới và công chúng về những mối quan hệ của bà với những người đàn ông vây quanh mình. So sánh với hình ảnh vị hoàng tử gốc Công giáo Ireland tức người chồng đầu tiên - Tổng thống John F. Kennedy, hay sự hào nhoáng của người chồng thứ hai, ông trùm tàu thủy xứ Hy Lạp -Aristotle Onassis, thì “người chồng thứ 3” Tempelsman dường như là một sự lựa chọn nhẹ nhàng cho chuyện tình vĩ đại cuối cùng của biểu tượng Mỹ.

Dáng người thấp đậm và hói đầu, Maurice Tempelsman chào đời trong một gia đình Chính thống giáo Do Thái ở Bỉ trước khi cha mẹ ông chuyển tới sống ở New York nhằm thoát khỏi bàn tay tàn bạo của đảng Quốc Xã. Ở tuổi 16, Tempelsman tiếp nối cha trong ngành công nghiệp kim cương, giả mạo các mối liên hệ, và chúng đã biến ông trở thành trụ cột của ngành công nghiệp nhập khẩu kim cương.

Bước sang tuổi 21, Tempelsman trở thành tay triệu phú thành đạt khi ông đạt được một hợp đồng môi giới với Chính phủ Mỹ nhằm xây dựng một kho dự trữ kim cương cho các mục đích công nghiệp, như làm mũi khoan cho việc khoan dầu khí. Tempelsman tạo ra những mối quan hệ nặng ký với nguồn kim cương châu Phi và kết thân với gia đình Oppenheimer trở thành một trong những nhóm người được chọn lọc và được cho phép quyền mua trực tiếp kim cương từ Hãng De Beers.

Tempelsman cũng hoạt động năng nổ trong việc xúc tiến các mối quan hệ bang giao giữa Hoa Kỳ và châu Phi, ông đóng vai trò Chủ tịch của Viện nghiên cứu Phi - Mỹ (một tổ chức phi lợi nhuận) và thậm chí giúp bảo lãnh chuyến đi đầu tiên của ông Nelson Mandela đến Hoa Kỳ. Chính vì những mối quan hệ với thành phần thượng lưu giàu có mà đã tạo cơ hội cho thương gia Tempelsman được gặp mặt đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy lần đầu tiên vào thập niên 1950, khi ông dàn dựng một buổi họp giữa Thượng nghị sỹ khi đó là John F. Kennedy và các nhà tài phiệt kim cương Nam Phi.

Jackie với các đồng nghiệp tại tòa soạn báo Viking ở New York vào năm 1977. Ảnh nguồn: Betty Mann/ Getty Images.

Mặc dù cũng phải mất thêm nhiều năm trước khi mối quan hệ của họ nảy nở thành một thứ còn hơn cả tình bạn đơn thuần, thì kết nối buổi ban đầu ấy với ông Tempelsman còn có nghĩa là mối quan hệ cuối cùng của Jackie. Jackie biết về nhà buôn kim cương trong một khoảng thời gian thậm chí còn lâu hơn thời gian sống với 2 người chồng đầu tiên của bà.

Mặc dù 2 ông xã JFK và Onassis dễ dàng được công chúng nhận biết là những người tình của Jackie, nhưng với ông Tempelsman, thì họ không biết một chút gì về vai trò của ông trong cuộc sống tuổi xế chiều của đệ nhất phu nhân. Trước khi lấy JFK, Jacqueline Bouvier đã đính hôn một thời gian ngắn với nhà buôn chứng khoán John Husted Jr., nhưng mối quan hệ thình lình bị bể (sau khi Jackie biết tỏng vị hôn phu chỉ kiếm đúng 17.000 USD/năm).

Sau vụ ông xã JFK bị ám sát chết, Jackie liền kết thân với kiến trúc sư Jack Warnecke nhằm thiết kế một tượng đài kỷ niệm ngọn lửa vĩnh hằng mà ngày nay nó đang đứng hiên ngang ở Nghĩa trang quốc gia Arlington.

Giãi bày lý do cưới tỷ phú Onassis

Jackie - Warnecke đã hợp tác từ trước đó trong một dự án bảo tồn các ngôi nhà lịch sử ở thủ đô Washington D.C. nhưng trong suốt thời gian này mối quan hệ của họ đã tiến triển một số thứ khác. Mặc dù cả Jackie lẫn Warnecke đều cố gắng giữ kín mối quan hệ của họ, nhưng lời đồn đại bắt đầu lan xa. Dù cả hai đã tính tới chuyện hôn nhân, nhưng lại không như mong muốn, do tính phức tạp của 2 gia đình giao thoa (Warnecke có 4 đứa con riêng) và bản thân Warnecke cũng dính nợ nần tài chính nên cuối cùng họ đường ai nấy đi.

Một thời gian ngắn sau khi bỏ Warnecke, phu nhân Jackie bắt đầu để mắt tới tỷ phú Aristotle Onassis, họ làm đám cưới vào năm 1968. Điều đặc biệt là dù đã ly hôn nhưng Jackie vẫn duy trì liên hệ với chồng cũ Warnecke, hàng năm ông Warnecke thường xuyên gửi thiệp trong các dịp Lễ tình nhân cho vợ cũ cho tới ngày bà qua đời.

Trong thời gian yêu Onassis, Jackie cũng để mắt tới nhà quý tộc người Anh tên là David Ormsby Gore, Lãnh chúa Harlech, ông từng là cựu đại sứ Anh ở Washington và là một trong những người bạn của ông chồng đầu tiên JFK.

Cũng như phu nhân Jackie, ông Ormsby Gore đã góa vợ, hai người cùng bị ràng buộc bởi những cái chết quá đỗi bất ngờ và đầy bi kịch của chồng / vợ của họ. Họ đi du lịch cùng nhau va âOrmsby Gore từng mở lời cầu hôn, nhưng cuối cùng Jackie quyết định cưới tỷ phú Onassis.

Trong lúc chuẩn bị lễ cưới ở Hy Lạp, Jackie đã viết thư cho Ormsby Gore với lời giải thích rằng: “Sở dĩ em chọn Onassis vì anh ấy lẻ loi và muốn bảo vệ em khỏi sự cô độc. Anh ấy rất khôn ngoan và tốt bụng. Anh ấy đã thề sẽ chung thủy với em và em đã đồng ý. Em biết nói ra điều này sẽ khiến nhiều người cảm thấy ngạc nhiên. Nhưng họ chỉ quan tâm tới sắc đẹp của em mà không hiểu tâm hồn em nghĩ gì”.

Jackie đã kết hôn với nhà tỷ phú, họ sống yên ả, hạnh phúc trong suốt 6,5 năm trước khi ông Onassis qua đời vào năm 1975. Tháng 9-1975, Jackie quay trở lại New York, nơi đây bà đã chật vật đấu tranh để tìm lại chính mình sau một thập kỷ chìm trong biến động và bi kịch. Khi đó cô con gái Caroline đã tốt nghiệp trung học, còn cậu con trai John thì đang là học sinh tại Collegiate – một trường tư thục toàn nam sinh.

Tình yêu không vướng thị phi

Hai tác giả Sam Kashner và Nancy Schoenberger viết trong tác phẩm hồi ký của họ mang tiêu đề “Cặp chị em nổi tiếng nhà Bouvier: Những cuộc đời rực rỡ và bi kịch  của Jackie và Lee” cho hay cựu thư ký của phu nhân Jackie và cũng là bạn thân tên là Tish Baldrige biết rằng Jackie đang muốn đi làm một việc gì đó. Nhà văn Jimmy Breslin, người bạn lâu năm của phu nhân Jackie, cũng thúc giục bà làm gì đó để quên đi cô quạnh.

Nghe lời Breslin, Jackie nhanh chóng làm công việc biên tập viên tại tờ Viking. Bà yêu thích công việc này và cuối cùng làm một lèo suốt 19 năm tại nhiều nhà xuất bản ở New York. Trong suốt sự nghiệp biên tập của mình, phu nhân Jackie đã xử lý gần 100 tác phẩm báo chí ở dạng tiểu thuyết và hư cấu, nuôi dưỡng nhiều tác giả và thường đọc các bản thảo sáng tác của họ và viết ghi chú của mình vào các bản thảo ngay cả trong thời gian bà đang điều trị ung thư cho đến ngày cuối đời.

JACKIE với cháu của bà ở công viên trung tâm vào năm 1992, chỉ 2 năm trước khi bà qua đời. Ảnh nguồn: Keith Butler/ Rex/ Shutterstock.

Trước khi định cư ở New York vào năm 1975, phu nhân Jackie đã nghe tiếng về nhà buôn kim cương Maurice Templesman suốt gần hai thập kỷ, nhưng chỉ sau đó họ mới dần trở nên thân thiết. Tempelsman tìm cách giúp đỡ bạn gái Jackie cách để quản lý tài chính và số tiền thừa kế trị giá 26 triệu USD từ ông chồng quá cố Onassis. Tempelsman trở thành một quản gia của Jackie; ngay lúc Jackie qua đời, ngôi nhà của bà được định giá gần 45 triệu USD.

Bản chất riêng tư của họ có nghĩa là rất ít người biết chính xác khi nào thì mối quan hệ của bà Jackie với Templesman đã vụt biến thành một mối tình lãng mạn, và rồi chuyện tình cũng bị rò rỉ ngay đầu thập niên 1980 bởi sự tiết lộ từ những người từng cầu hôn Jackie, họ phong thanh hiểu ra việc nhà buôn kim cương Tempelsman luôn tháp tùng  Jackie tại các sự kiện lớn ở New York.

Ông Samuel Pisar, một người bạn thân của phu nhân Jackie đã tiết lộ với phóng viên của một tờ báo lớn rằng: “Quý ông Do Thái hào hoa này (Maurice Tempelsman) đã tạo ra một luồng ánh sáng an lành cho phu nhân Onassis. Tempelsman không coi Jackie là của riêng của nhà tỷ phú Onassis quá cố, trái lại ông đề cao bà như viên kim cương sáng trên chiếc vương miện của mình. Maurice, thương nhân kim cương, biết cách xử lý mọi việc theo hướng hoàn hảo; ông bảo vệ bà ấy, hiểu được vị thế của bà trong xã hội và tôn trọng sự riêng tư của bạn gái”.

Không giống như 2 người chồng đầu tiên và những người từng mở lời cầu hôn với Jackie, thương gia Tempelsman luôn né tránh ánh đèn sân khấu, ông không chủ động tìm kiếm nó. Sau tất cả, hôn nhân không thể được lựa chọn. Dù Tempelsman sống ly thân với vợ cũ (mẹ của 3 đứa con) suốt nhiều năm, nhưng họ chưa từng nói ý định ly dị.

Thay vào đó, Tempelsman sống chung với Jackie trong một căn hộ có 15 phòng ở Đại lộ số 5 New York từ giữa thập niên 1980 cho tới ngày bà qua đời vào năm 1994. Mối quan hệ của họ được bạn bè chứng thực rằng “cực kỳ thân thiện và hòa đồng.

Bất chấp chuyện con chung, con riêng, Tempelsman vẫn kết thân với các con riêng của vợ mới, ông cũng tham dự lễ cưới của Caroline. Hai vợ chồng họ cùng có những sở thích chung liên quan đế nghệ thuật và văn chương. Họ thường nói chuyện bằng tiếng Pháp những khi cùng nhau ăn uống trong các nhà hàng ở khu thượng lưu Upper East Side và đi dạo bộ cùng nhau, tay nắm tay ở công viên trung tâm.

Tempelsman ủng hộ vợ làm biên tập viên và họ chia sẻ tình yêu khi sưu tập các món đồ nghệ thuật: Nghệ thuật châu Phi, Hy Lạp. Họ đi nghỉ mát cùng nhau ở khu điền trang trồng nho Marthas; và từng rước vợ chồng Tổng thống Bill Clinton và đệ nhất phu nhân Hillary cùng du ngoạn trên chiếc du thuyền Relemar dài 21,3m của Tempelsman chỉ 1 năm trước khi Jackie mất.

Khi Jackie được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, Tempelsman không lúc nào ngưng quan tâm, chăm sóc cho bà, ông thành lập văn phòng tại khu căn hộ để tiện chăm sóc vợ và cùng đưa vợ đi bệnh viện khám.

Một trong các bác sĩ nhớ lại những ngày tháng Tempelsman chăm sóc cho Jackie: “Họ yêu nhau đến mức phi lý. Ông ấy luôn cầm tay Jackie, hay vuốt ve đôi má của bà, và khi ngồi bên nhau họ hay cụng đầu vào nhau, cứ như thể vợ chồng son vậy”. Nhiều người cảm thấy tiếc khi thấy Jackie mất quá sớm (thọ 64 tuổi) nhưng với bà, việc được Tempelsman chăm sóc và yêu thương trong những năm cuối đời là mãn nguyện lắm rồi!

Thanh Hải (tổng hợp)
.
.