Nữ đại sứ Mỹ làm lu mờ cả Ngoại trưởng

Thứ Ba, 30/05/2017, 16:24
Những gì nữ Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley thể hiện từ trước đến nay khiến dư luận cho rằng trong tương lai, người phụ nữ này sẽ còn tiến xa trong sự nghiệp chính trị.


Trong cuộc gặp đầu tiên với bà Haley ngày 17-11-2016, ông Donald Trump đã đề nghị bà làm Ngoại trưởng Mỹ. Theo hai nguồn tin biết rõ cuộc gặp, bà Haley đã từ chối lời đề nghị, nói với Tổng thống đắc cử Trump khi ấy rằng bà thiếu kinh nghiệm cần thiết về chính sách ngoại giao để đảm nhận công việc đó. Cuối cùng, cựu Thống đốc bang Nam Carolina đã đồng ý làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) thay vì chức Ngoại trưởng Mỹ.

Ở tuổi 45, bà Haley được coi là ngôi sao mới nổi trong đảng Cộng hòa trước khi ông Trump được bầu làm tổng thống. Khả năng của bà Haley trong dẫn dắt chính quyền của ông Trump qua những “vùng nước nguy hiểm” thời gian qua đã làm dấy lên đồn đoán về tương lai chính trị của người phụ nữ này.

Giới Cộng hòa cho rằng bà có thể là người kế vị ông Tillerson, thậm chí có thể là một ứng cử viên tổng thống trong tương lai. Một chuyên gia khác về chính sách ngoại giao thời ông Bush nhận xét: “Bà Haley ở vị trí hoàn hảo để kế thừa Bộ Ngoại giao. Bà cần một hay hai năm tại LHQ và sau đó bà sẽ tiến thẳng tới Bộ Ngoại giao”.

Nữ Đại sứ Mỹ Nikki Haley tại Liên Hiệp Quốc.

Trong vòng 2 tháng đầu đảm nhiệm vị trí Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Haley xuất hiện trước ống kính nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào. Bà đã đại diện cho chính quyền xuất hiện trong các chương trình tin tức quan trọng như “This Week” của đài ABC, “Face the Nation” của đài CBS hay trên kênh truyền hình Fox News, NBC.

Bà Haley có biệt tài dùng những câu nói đùa khi xuất hiện trên truyền hình. Có lần, khi phát biểu trước khán giả chăm chú lắng nghe tại hội nghị chính sách thường niên của Ủy ban Các vấn đề công cộng Israel Mỹ, bà đã thông báo có một “cảnh sát trưởng mới” tại LHQ. Bà nói: “Tôi đi giày cao gót, không phải là để trình diễn thời trang mà là vì bất kỳ lúc nào nếu tôi thấy có điều gì sai trái, tôi sẽ đá bay chúng”.

Bà Haley cũng quan tâm tới việc đưa ra các cảnh báo với đối thủ của Mỹ. Trong lần xuất hiện đầu tiên với tư cách Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Haley nói: “Đối với những người không được chúng tôi ủng hộ, chúng tôi đang điểm danh”. Về sau, các phụ tá của bà mỗi lần nhắc tới bài phát biểu này là họ đều nói đó là bài phát biểu “điểm danh”.

Việc ông Trump chọn bà Haley làm Đại sứ Mỹ tại LHQ gây bất ngờ không chỉ vì bà không có nhiều kinh nghiệm về chính sách đối ngoại mà còn vì xung đột giữa bà và ông Trump. Khi còn là Thống đốc bang Nam Carolina, bà đã công khai chỉ trích ông Trump. Bà sử dụng thông điệp liên bang cuối cùng của ông Barack Obama trên cương vị tổng thống hồi tháng 2-2016 để phản pháo ông Trump - khi đó là ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa.

Bà cảnh báo những thành viên Cộng hòa nên gạt bỏ “cám dỗ” của việc đi theo “tiếng còi báo động của những tiếng nói giận dữ nhất”. Đáp lại, ông Trump viết trên Twitter: “Người dân Nam Carolina bị Nikki Haley làm cho xấu hổ”.

Không chỉ công khai chỉ trích ông Trump trên cương vị đại sứ Mỹ, bà cũng không ngần ngại thể hiện quan điểm khác với tổng thống. Tại trụ sở LHQ ở New York, bà Haley đã tận dụng lợi thế cách xa về địa lý với ông Trump và khoảng trống được tạo ra do ông Tillerson vắng bóng trên “sân khấu” để đưa ra những quan điểm không thiện cảm về Nga.

Quan chức về chính sách ngoại giao thời ông Bush nhận xét: “Bà Haley may mắn vì cách xa Washington nên các trận đấu đá giữa giới Cộng hòa truyền thống và Nhà Trắng của ông Trump không tổn hại tới bà”. Có lần, bà Haley kể trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh ABC: “Tổng thống chưa từng một lần gọi cho tôi và dặn đừng gây gổ với Nga, chưa từng một lần gọi tôi và bảo tôi phải làm gì. Tôi đang gây gổ với Nga đây”.

Bà Haley từng chỉ trích mạnh mẽ ông Trump.

Việc bà Haley có khả năng “đi trên dây” giữa một bên là chính sách đối ngoại Cộng hòa chính thống và thế giới đảo lộn của ông Trump hóa ra lại có lợi cho đôi bên. Nhà Trắng luôn có một “van an toàn” là bà Haley, mặt khác, bà Haley lại có cơ hội lấy lòng những người hoài nghi ông Trump.

Một ví dụ là khi bà Haley có bài phát biểu đầu tiên tại Hội đồng Bảo an LHQ. Bà đã chỉ trích việc Nga can thiệp vào Ukraine và nói rõ các biện pháp trừng phạt Nga sau khi sáp nhập Crimea vẫn không thay đổi. Nhà Trắng đã bám lấy phát biểu này để cứu vãn tình thế sau khi cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức vì dính líu tới Nga và các phụ tá của ông Trump bị cáo buộc mềm mỏng với Nga.

Ông Steve Schmidt, giám đốc chiến dịch tranh cử tổng thống của ông John McCain năm 2008, nhận định: Bà Haley đã thể hiện sự đúng mực và nhân phẩm, đồng thời duy trì được sự tín nhiệm trong những tháng đầu tiên của chính quyền Trump. Ông Schmidt còn cho rằng đây là một thành tích đáng được trao huy chương vàng.

Sự nổi bật của bà Haley đã khiến nhiều người giới Cộng hòa ghi nhận. Tuy nhiên, một số đánh giá bà đã thể hiện quá “phô” tham vọng chính trị. Thậm chí, một quan chức từng làm việc trong Bộ Ngoại giao gọi vị trí hiện tại của bà Haley là “bài tập” để đánh bóng lý lịch nhằm tranh cử tổng thống trong tương lai.

Khi tới LHQ, bà Haley đã mang theo một số thành viên quan trọng nhất trong đội ngũ chính trị cho dù một số cố vấn lâu năm cảnh báo rằng hành động này có thể khiến các nhà ngoại giao khác hiểu nhầm thông điệp. Nhà khảo sát dư luận kiêm chiến lược gia lâu năm của bà là Jon Lerner, dù không có kinh nghiệm chính sách ngoại giao nhưng đã được bà Haley bổ nhiệm làm cấp phó.

Hiện dư luận đang chờ xem quan hệ của bà Haley và Ngoại trưởng Tillerson sẽ ra sao, một khi ông này quyết định xuất hiện nhiều hơn trên mặt trận ngoại giao. Ông John Bolton, Đại sứ Mỹ tại LHQ thời ông Bush, nhận định: Chỉ có thể có một ngoại trưởng tại một thời điểm.

Còn trong bối cảnh hiện nay, khi ông Tillerson gần như im hơi lặng tiếng hoàn toàn, bà Haley rõ ràng đang nổi danh và là một trong những lãnh đạo chính trị ít ỏi có khoảng thời gian tốt đẹp kéo dài trên chính trường vài năm qua.

Nhật Minh
.
.