Nữ hoàng ủng hộ việc nước Anh rời khỏi EU?

Chủ Nhật, 20/03/2016, 15:00
Vụ việc này nói lên phương cách làm việc "quy chụp" của một trong những tờ báo có lượng độc giả đông đảo nhất nước Anh. Dẫn lời những "nguồn tin cao cấp giấu tên", ngày 9-3 tờ The Sun đã đăng một cái tít giật gân trên trang nhất: "Nữ hoàng ủng hộ Brexit" (từ ghép ám chỉ khuynh hướng nước Anh rời khỏi EU), cạnh đó là một bức ảnh của Nữ hoàng Elizabeth II.

Bài báo giật gân của tờ The Sun đã phá vỡ 2 tập quán tồn tại từ lâu: Nữ hoàng luôn thể hiện thái độ trung lập trước những trào lưu chính trị và sự nghiêm cấm giới chính trị gia thuật lại cho báo chí nội dung những cuộc đàm luận với Nữ hoàng.

"Nữ hoàng khẳng định rằng EU đang đi sai hướng" - tờ báo đăng tin, trong khi những cuộc thăm dò đang được tiến hành cho cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 về vấn đề nước Anh nên ở lại hay rời khỏi EU, Nữ hoàng lại "có vẻ như về phe ủng hộ Brexit". Tờ báo có lượng người đọc đông nhất nước Anh còn tiết lộ: Vào năm 2011, trong một cuộc nói chuyện với Nick Clegg, lúc ấy là phó thủ tướng và là lãnh tụ đảng Tự do Dân chủ rất ủng hộ một Liên minh châu Âu thống nhất, Nữ hoàng đã khẳng định rằng "EU đang đi sai hướng".

The Sun mô tả: "Cuộc trò chuyện với Clegg kéo dài khá lâu - dẫn lời "một nguồn tin cấp cao rất đáng tin cậy nhưng giấu tên"(!) - "Những người đã nghe cuộc trò chuyện đó không hề nghi ngờ gì về tâm trạng của Nữ hoàng đối với việc gia nhập EU. Quả thật EU là một chủ đề mà Nữ hoàng có ý kiến rất say mê".

Để thêm thông tin củng cố cho bài báo, tờ The Sun kể: Trong một cuộc nói chuyện khác với các nghị sĩ tại điện Buckingham, Nữ hoàng đã nói: "Tôi không hiểu EU". Nguồn tin "nghị sĩ giấu tên" nói thêm: "Bà đã nói điều đó trong tâm trạng bức xúc. Tôi sẽ không bao giờ quên".

Bìa tờ The SUN ngày 9-3.

Ngài Nick Clegg đã phản ứng dữ dội về các "phát hiện" đó: "Đó là những điều ngu xuẩn. Tôi không nhớ một chút gì về cảnh tượng đó" - ông viết trên Twitter. Còn phát ngôn viên của điện Buckingham tuyên bố: "Không có bình luận gì về những điều khẳng định vô căn cứ. Về mặt chính trị, Nữ hoàng giữ lập trường trung lập như đã từng trong 63 năm qua. Chính người dân Anh mới quyết định về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý".

Nhưng phe ủng hộ rời khỏi EU lại hân hoan. "Lý do chúng tôi nhiệt tình hát bài "God Save The Queen" là vì chúng tôi nghĩ rằng Nữ hoàng có mặt ở đây để bảo vệ chúng tôi khỏi sự xâm phạm của EU"- nghị sĩ bảo thủ Jacob Rees Mogg cho biết. Điện Buckingham đã kiện lên tổ chức điều phối báo chí Independent Press Standards Organisation căn cứ vào khoản đầu tiên của đạo luật hành xử báo chí: "Báo chí phải làm sao để không đăng tải các thông tin hay hình ảnh giả tạo, lừa gạt hoặc bị bóp méo, kể cả khi cái tít không đúng với nội dung bài báo".

Bài báo giật gân của tờ Sun đã phá vỡ 2 tập quán vững chãi từ lâu đời: sự trung lập của Nữ hoàng và sự nghiêm cấm giới chính trị gia - đặc biệt là Thủ tướng mà bà tiếp vào ngày thứ Tư hằng tuần - kể lại với báo chí nội dung những cuộc đàm luận với Nữ hoàng. Điều phiền phức là các điều đó cũng có ngoại lệ.

Vài ngày trước cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 về đòi hỏi độc lập của Scotland, Nữ hoàng Elizabeth II đã hòa vào nhóm người "suy nghĩ nghiêm túc về tương lai", một lập trường được diễn dịch như là sự ủng hộ việc Scotland vẫn trong Vương quốc Anh.

Và tại Berlin vào tháng 6-2015, Nữ hoàng đã cảnh báo về "sự chia rẽ của EU" khi nói đến "lục địa của chúng ta". Cách sử dụng từ ngữ đó dường như phản ảnh tâm tư gắn bó của Nữ hoàng đối với châu Âu, thậm chí với EU, trái ngược với những gì tờ The Sun vừa đăng tải.

Khi cuộc trưng cầu dân ý đang đến gần, mối bận tâm của 2 phe về việc tận dụng trọng lượng chính trị của hoàng gia thể hiện rất rõ ràng. Bài diễn từ của Hoàng tử William đọc trước Bộ Ngoại giao vào tháng 2, trong đó ông xem nước Anh như là "một đất nước hướng ra bên ngoài" được xem như một lập trường muốn nước Anh vẫn nằm trong EU, bất chấp sự phủ nhận của điện Buckingham.

Còn về bí mật của những cuộc luận đàm chính trị với Nữ hoàng, quy tắc này đã bị vi phạm nghiêm trọng khi vào tháng 9-2014, ít lâu sau việc đòi độc lập của Scoland thất bại, Thủ tướng Cameron đã bị bí mật ghi âm về cuộc nói chuyện với Nữ hoàng và cho biết rằng bà đã "gật gù khoái chí" khi biết kết quả trưng cầu dân ý. Thủ tướng Cameron sau đó đã phải xin lỗi hoàng gia và công luận vì đã "vô tình tiết lộ" cuộc đàm luận riêng với Nữ hoàng.

Mê Linh (tổng hợp)
.
.