Nước Đức lại lâm vào khủng hoảng chính trị

Thứ Năm, 18/10/2018, 16:42
Cả hai đảng CSU và SPD, liên minh với đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel trong chính liên minh cầm quyền tại Đức hiện nay, đã phải chịu một thất bại tồi tệ trong cuộc bầu cử khu vực vào ngày 14-10 ở Bavaria. Thất bại này đủ để làm suy yếu liên minh cầm quyền vốn đang rất mong manh của Thủ tướng Merkel.

Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục suy yếu vào ngày 14-10, sau một thất bại cay đắng của đảng Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong các cuộc bầu cử khu vực ở Bavaria, miền đông nam nước Đức.

Đảng CSU, đảng "anh em" với đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Angela Merkel, với 37% số phiếu bầu, đã mất đa số tuyệt đối trong quốc hội khu vực và mất 10 điểm so với kết quả hồi năm 2013. Đảng SPD đã nhận được một “cái tát” thực sự, khi mất gần một nửa số cử tri và chỉ đạt 9,5% số phiếu bầu. Những người chiến thắng trong cuộc bầu cử Bavaria là đảng Xanh, đứng thứ hai với gần 18% phiếu bầu và đảng AfD cực hữu với 10,6% phiếu bầu.

Ngay sáng 15-10, các lãnh đạo đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel và đảng SPD đã nhóm họp khẩn cấp tại Berlin để rút ra bài học từ những thất bại này.

Liên minh cầm quyền bị dồn vào chân tường

7 tháng sau khi được thành lập trong “đau đớn”, và sau 2 cuộc khủng hoảng nội bộ mùa hè này, chính phủ liên minh CDU/CSU-SPD cầm quyền của Thủ tướng Merkel giờ đây dường như bị dồn vào chân tường. Giờ là lúc liên minh này phải giải quyết mâu thuẫn giữa người đứng đầu CSU, ông Horst Seehofer, với bà Angela Merkel.

Từ nhiều tháng qua, đảng CSU, vốn chỉ hiện diện tại bang Bavaria mà thôi, đã liên tục chỉ trích Thủ tướng Merkel về chính sách di dân nhập cư, tạo ra những căng thẳng trong chính phủ Berlin. Một ví dụ: buổi mít tinh vận động tranh cử cuối cùng của đảng CSU vào hôm 12-10-2018, có khách mời danh dự là Thủ tướng Áo Sebastian Kurz chứ không phải là Thủ tướng Đức Merkel.

Bà Merkel não nề sau nhiều lần thất bại đàm phán thành lập chính phủ, tháng 11-2017.

Đảng CSU bị suy yếu, giờ đây phải hàn gắn vết thương và sẽ có những vụ buộc phải giải quyết trong nội bộ đảng và không loại trừ đảng này chĩa mũi dùi tấn công vào bà Merkel. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng những sai lầm của đảng CSU sẽ là một bài học tốt, cho phép đảng này khôi phục vị thế trên một cơ sở mới. Thất bại trong cuộc bầu cử ngày 14-10 có thể khiến cho đảng này chuyển hướng nhiều hơn về phía cánh trung, cho phép giảm bớt căng thẳng trong nội bộ liên minh cầm quyền tại Berlin.

Giải thích về thất bại của CSU, các nhà quan sát cho rằng chiến lược được triển khai trong những tháng gần đây bởi CSU để lấy lại những lá phiếu từ AfD trong cuộc bầu cử hồi tháng 9-2017 đã không phát huy tác dụng. Theo các cuộc thăm dò dư luận, những cử tri bị cám dỗ bởi phe cực hữu đã không trở lại CSU hay những đảng khác mà đã quay sang đảng Xanh.

2 tuần nữa đến lượt đảng CDU của bà Merkel phải đối mặt với cuộc bầu cử địa phương tại Hessen. Đây là nơi CDU đang kiểm soát chính quyền và lãnh đạo cấp vùng cũng có thể sẽ bị cử tri mạnh tay trừng phạt. Bà Angela Merkel vốn đã yếu thế nay lại càng bị đe dọa, nhất là trong bối cảnh, đến đầu tháng 12 tới, CDU họp đại hội đảng và bà Merkel muốn tiếp tục giữ chức chủ tịch đảng thêm một nhiệm kỳ.

Trong khi đó, đảng AfD cực hữu và đảng Xanh đang muốn thành lập liên minh. "Đây là một lời cảnh báo cho CDU và đó là lý do tại sao ưu tiên của chúng tôi trong 2 tuần tới phải đứng đầu ở Hesse", Tổng thư ký đảng CDU, Annegret Kramp-Karrenbauer nói hôm 14-10.

Vị thế của Thủ tướng Merkel bị lung lay

Sau 13 năm nắm quyền, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải trải qua thời kỳ khó khăn nhất. Đó là hậu quả chính trị sau quyết định mở cửa nước Đức cho những người di cư gặp nạn của bà vào năm 2015.

Mặc dù đã thắt chặt đáng kể chính sách này nhưng bà Angela Merkel đã bị “trọng thương” bởi sự thắng thế của phe cực đoan trong các cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 9-2017. Bà đã chiến đấu suốt gần 6 tháng sau đó để thành lập một chính phủ liên minh với SPD và CSU.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận quốc gia được tờ báo Bild công bố ngày 14-10, liên minh CDU/CSU chỉ nhận được 26% phiếu tín nhiệm, trong khi SPD ở mức 17%, bằng với đảng Xanh và chỉ đứng trên đảng cựu hữu một chút (15%).

Một vấn đề khác đối với Thủ tướng Merkel, đó là những ý định ra khỏi liên minh cầm quyền của đảng SPD. Hơn nữa, ngay sau thất bại của CSU và SPD trong cuộc bầu cử ngày 14-10, phe cực hữu đã nhanh chóng đòi chính phủ "thiểu số" phải giải tán.

"Những người bỏ phiếu cho AfD ở Bavaria cũng muốn nói rằng bà Merkel phải ra đi", một trong những lãnh đạo của cánh hữu, Alice Weidel tuyên bố. "Hãy dọn đường cho cuộc bầu cử sớm!", bà Weidel lên tiếng.

Liệu liên minh CDU/CSU-SPD sẽ có được một sức bật mới, không còn tranh cãi và khủng hoảng nữa? Nhìn vào kết quả tồi tệ của các cuộc thăm dò dư luận, cả 3 đảng là CDU, CSU và SPD đều không có lợi ích gì nếu nước Đức phải bầu lại Quốc hội trước thời hạn.

Bà Merkel hiện đang làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư trong bối cảnh phe cực hữu trỗi dậy mạnh mẽ ở Đức. Đảng AfD, theo xu hướng bài ngoại, nay có đến 92 dân biểu ở Quốc hội, trở thành lực lượng đối lập hàng đầu ở nước này.

Theo AFP, nhiều nhà quan sát dự đoán rằng đây sẽ là nhiệm kỳ thủ tướng cuối cùng của bà Angela Merkel, thậm chí có người cho rằng có thể bà sẽ không làm thủ tướng hết nhiệm kỳ này vì liên minh CDU/CSU với SPD khó mà trụ được trong 4 năm.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.