Phát súng chỉ thiên của ông Trump

Thứ Sáu, 21/04/2017, 14:05
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra một loạt quyết định quan trọng nhằm chấn chỉnh hàng ngũ trong bộ sậu cố vấn. Đặc biệt, ông vừa có một số động thái được giới báo chí đánh giá là “ghìm cương” một trong những cố vấn cao cấp và thân cận nhất của mình - Steve Bannon, vốn được xem là “người hùng” nhờ tham mưu chiến lược giúp ông Trump tranh cử thắng lợi.

Giữa lúc “dầu sôi lửa bỏng” khi đưa ra quyết định hệ trọng ra lệnh tấn công tên lửa vào Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn phải đau đầu lo dàn xếp cuộc giằng co quyền lực giữa chiến lược gia trưởng, cố vấn cao cấp Steve Bannon với người con rể, cố vấn thân cận nhất của mình, Jared Kushner.

Hôm 6-4, Trump đã phát cáu nói với hai cố vấn thân cận của mình: “Hãy giải quyết cho xong vụ này đi!” Đó là một mệnh lệnh ông Trump giao cho hai nhóm người đang khiến ông đau đầu: nhóm thứ nhất gồm Bannon và Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, và nhóm thứ hai gồm Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump, và Gary Cohn, cố vấn kinh tế.

Nhà Trắng từ khi ông Trump nhậm chức đến nay luôn giống như “thùng thuốc súng” lúc nào cũng nóng, với các phe cánh “chiến đấu” với nhau liên miên để tranh giành quyền lực, sự ảnh hưởng đối với tổng thống. Nhiều người, trong đó có cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich cho rằng, nội bộ Nhà Trắng đang căng thẳng xuất phát từ những thất bại đầu tiên trong chính sách cầm quyền của ông Trump, và các phụ tá của ông Trump đang lợi dụng những thất bại đó để “đâm thọc” nhau.

Bannon và Kushner.

Cuộc đấu quyền lực bắt đầu nóng lên kể từ khi Nhà Trắng thất bại trong việc thông qua Hạ viện dự luật cải cách y tế mới thay thế đạo luật cải cách y tế của cựu Tổng thống Barack Obama, còn gọi là Obamacare. Tiếp đến nữa, đó là sóng gió quanh lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân của 8 quốc gia, trong đó có 6 nước Hồi giáo ở Trung Đông. Và không thể không kể đến vụ việc nhiều người trong bộ máy nhân sự của Tổng thống Trump có quan hệ ít nhiều với các quan chức Nga, Kushner cũng là một trong số người đó.

Bannon và Kushner được xem là hai đại diện của hai trường phái tư tưởng đang kình chống nhau trong Nhà Trắng. Các cựu cố vấn cho rằng, Kushner đang cố gắng lôi kéo Tổng thống Trump đi theo đường lối chính trị chính thống hơn, trong khi Bannon ngược lại cố gắng giữ lửa tinh thần dân tộc chủ nghĩa - thứ đã góp phần quan trọng giúp ông Trump giành chiến thắng trong bầu cử.

Bannon là người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, bảo thủ một cách cứng rắn, tự xem mình là “người gác cổng” để bảo đảm ông Trump thực hiện các lời hứa với cử tri, còn Kushner và Cohn thì theo trường phái tư tưởng tự do, trái ngược với Bannon. Từ khi ông Trump đắc cử tổng thống, Bannon đã trở thành phụ tá thân cận, có tầm ảnh hưởng lớn đối với các quyết định về chính sách và tuyển chọn nhân sự của Tổng thống Trump.

Nhiệm vụ Bannon được giao khá rộng nhưng không rõ ràng, với danh xưng “chiến lược gia trưởng”, và điều đó khiến cho Bannon ngày càng bị cô lập khi đối chọi với các phe phái khác. Trong khi đó, Kushner là một đại diện cho lớp trẻ, tân thời. Với vai trò phụ tá hàng đầu trong Cánh Tây Nhà Trắng, nhiệm vụ của Kushner còn rộng hơn Bannon, trong đó có sứ mệnh làm đặc phái viên đối ngoại của tổng thống, mà nhiều người gọi nôm na là “Bộ trưởng Ngoại giao trong bóng tối”. Kushner hậm hực cho rằng, Bannon đã lợi dụng lúc mình được phái đi công cán ở Iraq vừa qua để “nói xấu” sau lưng về chuyện có liên hệ, tiếp xúc với các quan chức Nga.

Khi chuyện hục hặc giữa hai người đến mức công khai, Tổng thống Trump đã phải lên tiếng để lập lại trật tự. Sau “phát súng chỉ thiên” của Tổng thống Trump, ngày 9-4, hai phe cánh trong bộ sậu cố vấn của ông Trump đã có một cuộc họp tại Mar-a-Lago để dàn xếp, và hai bên đã đồng ý tạm gác lại những bất đồng để tập trung cho nhiệm vụ phò tá tổng thống.

Steve Bannon đang thất thế sau cuộc “so găng” với con rể ông Trump.

Người ta cho rằng, phong cách điều hành của Trump là muốn có những phụ tá có quan điểm trái ngược nhau cùng làm việc cho mình. Điều này thể hiện rõ từ khi ông vận động tranh cử. Khi đó, các trường phái quan điểm trái ngược nhau cũng “choảng” nhau ầm ầm. Người ta cũng cho rằng ông Trump không thích những phụ tá dưới quyền gây chú ý quá nhiều trong dư luận. Bởi thế, ông đã cảnh cáo Bannon với phát biểu trên tờ báo New York Post hôm 11-4 rằng: “Tôi là chiến lược gia của chính tôi”.

Các phụ tá trong Nhà Trắng cho rằng phát biểu của ông Trump ngầm ý cho biết ông đang không hài lòng với Bannon vì một số lý do, trong đó có chuyện hục hặc với ông con rể. Trump cũng rất bực mình khi luôn phải nghe dư luận phản ánh việc Bannon huênh hoang tự cho mình là “bộ não” đằng sau chiến thắng của ông Trump và là “người cầm cờ” trong phong trào dân túy dân tộc chủ nghĩa, bảo thủ làm nên thương hiệu của Tổng thống Trump.

Ngày 12-4, Tổng thống Trump tiếp tục có những phát biểu trên tờ Wall Street Journal về Bannon. Trump khẳng định lại vai trò phụ tá của Bannon, xác định trước công luận quan điểm rằng không ai khác ngoài ông là người quyết định các chính sách, chiến lược của ông. Điều này được coi là làm cho vai trò và vị trí của Bannon bị hạ thấp. Những dấu hiệu khác cũng cho thấy thời vận của Bannon đang yếu đi. Đó là việc ông bị đưa ra khỏi Hội đồng An ninh quốc gia.

Trong dư luận gần đây luôn có tin đồn rằng Trump đang chuẩn bị thực hiện một cuộc cải tổ mạnh mẽ về nhân sự trong Nhà Trắng, và báo chí vẫn đang theo dõi xem liệu Trump có thực sự làm hay không. Một số người quen biết Trump lâu năm, như chiến lược gia Charlie Black của đảng Cộng hòa thì cho rằng Trump sẽ không làm điều đó, mà chẳng qua ông chỉ “bắn chỉ thiên” để cảnh cáo những phụ tá đang mất tập trung vào chương trình hành động của ông. Trong trường hợp của Bannon, có thể ông không bị mất chức, nhưng sẽ tiếp tục tại vị với vai trò yếu hơn, ít gây ồn ào hơn.

Văn Trương (tổng hợp)
.
.