Rafael Trujillo - “Kẻ sát nhân thanh lịch” của Dominica

Thứ Sáu, 07/09/2018, 08:17
Luôn ăn mặc hết sức lịch thiệp cùng những loại nước hoa đắt tiền, Trujillo nổi danh là một nhân vật cực kỳ cẩn thận và cũng rất nhẫn tâm. Người dân Dominica chính thức gọi ông ta là “El Jefe”, có nghĩa là “người chủ chốt”.

Mặc dù đã điều hành đất nước trong một thời gian dài với những chính sách tàn bạo nhưng một số người, vì nhiều lý do, vẫn luôn hoài niệm về thời kỳ cai trị của Trujillo.

“Sự say mê trang phục sang trọng đã được ông ấy thể hiện từ khi còn nhỏ. Đến khi trở thành tổng thống, ông ấy chỉ mặc quân phục và những bộ đồ đắt tiền được may theo đơn đặt hàng. Chẳng hạn, chỉ một chiếc quần trong tủ của ông ấy có thể trị giá tới gần 10 ngàn đôla. Ông ấy luôn trông như một ông hoàng thực sự. Trong 12 căn nhà của ông ấy đều có nhiều tủ chứa đầy những bộ trang phục đắt tiền cùng những chiếc khuy bằng vàng hay bạch kim” - một nhà viết tiểu sử đã mô tả như vậy về Trujillo.

Còn tác giả thứ hai cho biết thêm: “Con người này yêu thích tiền bạc và quyền lực hơn hết thảy mọi thứ trên thế giới. Trujillo thường thức dậy vào lúc 4 giờ sáng, tập thể dục, đọc sách báo và ăn sáng. Ông ấy có mặt tại văn phòng vào lúc 9 giờ không chậm phút nào và làm việc cho đến 19 giờ 30.

Sau đó, ông phát biểu tại các hội nghị, tham gia các buổi lễ hay lẳng lặng dạo khắp thành phố để tìm hiểu người dân đối với mình như thế nào. Ông ấy có cả một bộ sưu tập vũ khí lớn. Mỗi hành động của ông đều có cảm giác của sự cẩn thận và bí mật. Ông ấy không có bạn - chỉ có người quen và phụ tá. Nói chung, ông ta hành xử một cách không thể đoán trước được”.

Rafael Trujillo.

Trujillo và gia đình tại Cộng hòa Dominica có khối lượng tài sản không thể đếm xuể: các bãi chăn nuôi gia súc, hàng loạt công ty sản xuất thịt, sữa, muối, đường và thuốc lá. Tiền từ việc bán xổ số cũng rơi vào túi ông ấy. Họ hàng ông nắm những cương vị lãnh đạo trong quân đội và chính phủ. Như một cậu con trai của Trujillo trở thành đại tá khi mới... 4 tuổi.

Trujillo thực sự say mê sưu tầm cà vạt và vũ khí. Sau khi ông ta chết, người ta đã phát hiện hàng chục ngàn chiếc cà vạt và nơ cài khác nhau trong các tủ quần áo. Trujillo đặc biệt ưa thích những thiếu nữ mang trong mình dòng máu lai. Những tay chân thân cận của ông ta hằng ngày đều săn lùng những thiếu nữ thuộc loại này, dùng vũ lực bắt họ để đưa tới phục vụ ông chủ của mình.

Sùng bái và tư nhân hóa

Trujillo sinh ra trong một gia đình tiểu thương có nhiều con. Chỉ tốt nghiệp tiểu học, nên cậu ta chủ yếu được giáo dục ngoài đường phố, đầu tiên là những trò ăn cắp vặt. Lớn thêm vài tuổi, cậu đã trở thành đại ca của một băng nhóm nhỏ chuyên cướp giật. Từ lúc đó, Trujillo đã biết cảm giác ham thích những đồng tiền tội lỗi và bắt đầu học cách điều hành mọi người.

Có lẽ Trujillo sẽ “yên phận” là một tên cướp nếu như quân Mỹ không tới chiếm đóng Dominica từ năm 1916. Người Mỹ triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng thuần phục quốc gia này, cải tổ quân đội và các cơ quan quyền lực. Trujillo khi đó đã quyết định gia nhập quân đội. Người Mỹ đã đánh giá cao sự nhẫn tâm của anh ta khi trừng phạt những kẻ chống đối lại Washington. Kết quả là sự bảo đảm nhanh chóng cho việc thăng tiến trong sự nghiệp: chỉ trong 9 năm, Trujillo đã có được quân hàm cấp tướng và vị trí tổng chỉ huy quân đội.

Tuy nhiên, Trujillo vẫn chưa hài lòng với cương vị trên mà tiếp tục để mắt tới chiếc ghế tổng thống. Để đạt được mục đích trên, chắc chắn cần phải loại bỏ vị nguyên thủ của Dominica khi đó. Rất may cho Trujillo là “chướng ngại vật” trên đã được giải quyết nhờ bàn tay của thủ lĩnh phe nổi dậy Estrella Urena.

Trujillo trong một lần trả lời phỏng vấn vào năm 1961.

Kết quả là chỉ vài tháng sau, Trujillo đã giành thắng lợi gần như tuyệt đối trong cuộc bầu cử tổng thống với 99% số phiếu bầu. Thế là từ mùa xuân năm 1930, Cộng hòa Dominica bắt đầu bước vào giai đoạn cai trị đẫm máu của nhà độc tài Rafael Trujillo.

Đầu tiên, ông ta cho tư hữu hóa phần lớn các xí nghiệp của Dominica. Tiếp đó là việc thành lập đảng Dominica - đảng phái chính trị lãnh đạo duy nhất tại quốc gia này. Tất cả người dân đều có nghĩa vụ phải gia nhập đảng, kèm theo đó là những khoản đảng phí không nhỏ. Trong khi ngân quỹ của đảng lại do đích thân Trujillo nắm giữ.

Không có gì ngạc nhiên khi Trujillo nhanh chóng trở thành một nhân vật giàu có và ảnh hưởng nhất tại Dominica. Hàng loạt đất đai, nhà cửa, xí nghiệp của đất nước bị ông ta và gia đình thâu tóm. Trujillo cũng đặc biệt thích tự phong cho mình những phần thưởng hay danh hiệu - dù trong đầu chỉ có vỏn vẹn vài chữ từ thời nhỏ nhưng ông ta đã được phong là “bác sĩ đầu tiên”, là “tiến sĩ khoa học đầu tiên” của Dominica. Chưa kể sau đó, ông còn tự phong cho mình chức thống chế, một danh hiệu ưa thích với nhiều nhà độc tài.

Vào thời kỳ đó, có thể gặp cái tên Trujillo ở khắp nơi: người dân đi lại trên nhiều con đường mang tên Trujillo, cùng gia đình đi chơi tại các công viên Trujillo, học sinh đi học tại các trường mang tên nhà độc tài, thành phố chính của đất nước cũng mang tên Ciudad Trujillo, thậm chí đỉnh núi cao nhất tại quốc gia này cũng mang tên Trujillo. Chưa hết, ngay tại trung tâm thủ đô còn có một tấm biển lớn với khẩu hiệu: “Thượng đế trên trời, Trujillo dưới mặt đất”.

Du thuyền Ramfis của nhà độc tài Trujillo.

Gia đình Trujillo có thể nói đã thâu tóm toàn bộ những ngành kinh tế chính của đất nước. Để tránh sự cạnh tranh, ông ta duy trì sự độc quyền cung cấp thịt cho thủ đô, trước khi cả nước cùng đua nhau mua thịt của... tổng thống. Tiếp sau đó là việc độc quyền về sữa, xuất khẩu gạo và muối. Nền kinh tế Dominica được xây dựng theo hình thức, theo đó các xí nghiệp được phân chia hoặc dưới quyền sở hữu của chính tổng thống, hoặc của ai đó trong số họ hàng của ông ta. Tính ra, thu nhập của gia đình Trujillo chiếm gần 40% tổng thu nhập quốc gia.

Nhưng xét về một khía cạnh khác, chính sách tư nhân hóa kiểu trên cũng đem lại lợi ích không nhỏ cho Dominica. Trujillo điều hành, giám sát từng xí nghiệp như những đứa con cưng của mình, đồng thời yêu cầu họ hàng và tay chân cũng phải tuân thủ như vậy. Nền kinh tế ổn định hoàn toàn định hướng tới thị trường bên ngoài đã trở thành sức hút không nhỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Dominica trở thành một quốc gia phồn thịnh nếu so sánh với các đất nước khác trong khu vực châu Mỹ latinh. Đến năm 1947, Dominica còn thanh toán hết mọi khoản nợ quốc gia.

Một tấm biển tôn sùng cá nhân với dòng chữ: “Trong ngôi nhà này là Trujillo - một biểu tượng dân tộc”.

Sụp đổ của chế độ độc tài

Mọi chuyện nhìn từ bên ngoài đều có vẻ ổn định và thuận lợi với Dominica. Tuy nhiên, Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã bất ngờ cảnh báo về vấn đề vi phạm nhân quyền hàng loạt tại quốc gia này.

Theo báo chí phương Tây, Trujillo có sở thích đặc biệt về việc dọa nạt cấp dưới. Nhiều nhân viên vì lo sợ sự giận dữ của ông ta đã phải tự sát hay phát điên. Đối với cấp dưới còn như vậy, thì tất nhiên, đối với những kẻ chống đối, Trujillo không hề có chuyện nương tay: họ bị tước đoạt tài sản, tống vào tù và biến mất vĩnh viễn.

Một ý tưởng luôn ám ảnh nhà độc tài chính là mong muốn biến Dominica thành một quốc gia có đại đa số là người da trắng. Bất chấp việc mình có bà là người gốc Haiti, Trujillo vẫn ra lệnh sát hại hàng loạt người gốc Haiti với một lý do đơn giản - người Haiti có làn da đen hơn nhiều so với người gốc Dominica.

Trong lịch sử nhiều năm trước, người Haiti thường tới Dominica để lao động theo mùa, cụ thể là tham gia thu hoạch mía. Đáng kể nhất, trong một đợt thảm sát, Trujillo đã sát hại thẳng thừng hơn 20 ngàn người vô tội. Dù từ trước vẫn nhắm mắt làm ngơ nhưng phương Tây cho đến lúc này đã buộc phải hành động.

Chiếc xe của Trojillo bị phục kích với hơn 50 vết đạn.

Cộng đồng quốc tế ngoài tội ác trên, còn buộc tội Trujillo âm mưu tổ chức ám sát Tổng thống Romulo Betancourt của Venezuela vào năm 1960. Họa vô đơn chí khi đến lượt Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ triển khai cấm vận chống Dominica, với việc một loạt quốc gia thành viên cùng cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Trujillo.

Ngày 30-5-1961, chiếc xe ôtô của nhà độc tài bị phục kích và phải hứng chịu một cơn mưa đạn khiến Trujillo chết ngay tại chỗ. Có tin đồn cho rằng, vụ ám sát trên có bàn tay của mật vụ Mỹ, do Washington đơn giản là đã chán ngấy với chế độ độc tài của ông ta. Dù sao, tay chân của Trujillo vẫn tìm ra những thủ phạm bên trong và thẳng tay thanh trừng.

Trước tình hình biến động khó lường, họ hàng của Trujillo đã tháo chạy khỏi Dominica, mang theo hàng triệu đôla tài sản. Gia đình nhà độc tài tới định cư tại Paris, mang theo lọ tro cốt ông ta và chôn tại nghĩa trang Pere-Lachaise.

Có một thực tế đáng chú ý là bất chấp những chính sách tàn bạo và nhẫn tâm, nhà độc tài vẫn còn một số lượng người ủng hộ khá nhiệt thành ngay tại Dominica. Theo họ, chính Trujillo đã có công kéo Dominica ra khỏi vực thẳm kinh tế, đem lại sự phồn vinh, ổn định cho đất nước.

Quỳnh Nga (tổng hợp)
.
.