Romania sẽ có nữ thủ tướng Hồi giáo?

Thứ Năm, 29/12/2016, 15:05
Ngay sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 11-12 vừa qua, chính đảng lớn nhất Romania, đảng Dân chủ xã hội (PSD) đã đề cử một phụ nữ theo đạo Hồi cho vị trí Thủ tướng thay vì Chủ tịch đảng như thông lệ từ trước đến nay, khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên.

Người được đề cử là bà Sevil Shhaideh, 52 tuổi, thành viên cấp cao của đảng PSD, đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 11-12 vừa qua với 45% phiếu. Do không nắm đa số nên đảng này sẽ liên minh với đảng nhỏ hơn là Liên minh tự do và dân chủ để nắm quyền kiểm soát Quốc hội.

Tuy nhiên, việc PSD đề cử bà Shhaideh làm Thủ tướng được xem là điều bất thường. Theo lẽ thông thường thì lãnh đạo đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội sẽ được đảng đó đề cử làm Thủ tướng. Nhưng, như Tổng thống Klaus Iohannis thông báo: Thủ tướng mới của Romania phải là người không tì vết, không vi phạm pháp luật hoặc đang bị điều tra. Chủ tịch đảng PSD Liviu Dragnea bị vướng quy định nêu trên. Tháng 4-2016, ông Dragnea bị cáo buộc gian lận bầu cử và bị phạt tạm đình chỉ tham gia các chức vụ trong chính phủ, theo một đạo luật ban hành năm 2001.

Bà Sevil Shhaideh.

Giới chuyên gia và quan sát tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin đề cử bà Shhaideh làm Thủ tướng Romania. Sergiu Miscoiu, giáo sư chính trị học tại Đại học Babes-Bolyai University ở thành phố Cluj nhận định: Đó là một sự lựa chọn bất ngờ. Mọi người mong chờ ai đó thuộc phe cánh của ông Dragnea nhưng phải ở hàng cao cấp chứ không phải một người mới như bà Shhaideh. Bà này không bị “phốt” vi phạm nào, lại nằm trong vòng kiểm soát của Dragnea.

Từ đó có thể thấy rằng Dragnea sẽ kiểm soát Chính phủ Romania mà không cần phải trực tiếp phụ trách. Nhà phân tích Paul Ivan thuộc Trung tâm Chính sách châu Âu ở Brussels cho biết, ông cũng lấy làm ngạc nhiên bởi danh sách đề cử gửi đến Ủy ban châu Âu có nhiều cái tên khác, không hề có tên bà Shhaideh.

Quả đúng vậy, trước khi được đề cử, bà Shhaideh ít được biết đến trên chính trường Romania. Chuyên gia Ivan cho biết, bà Shhaideh là người mang phong cách của một nhà quản lý doanh nghiệp hơn là một chính khách, một nhà kỹ trị đúng nghĩa. Bà đã dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp làm việc ở thành phố cảng Constanta, không bám trụ ở Bucharest như nhiều người khác. Nhưng bà được xem là người thân tín của ông Dragnea, và ông này từng đến dự đám cưới của bà.

Shhaideh từng làm Thư ký Bộ Phát triển nông thôn và Quản trị công Romania khi ông Dragnea làm Bộ trưởng, và sau đó lên kế nhiệm ông khi ông từ chức vào năm 2015. Năm 2011, Shhaideh kết hôn với ông Akram Shhaideh, một thương nhân người Syria. Trong báo cáo kê khai tài sản năm 2015, vợ chồng bà có 3 tài sản ở Syria.

Nếu được Tổng thống Iohannis chấp thuận đề cử và Quốc hội thông qua, bà Shhaideh là trường hợp đặc biệt hiếm, thuộc nhóm sắc tộc thiểu số Tatar; Romania có đến trên 80% dân chúng theo Chính thống giáo, còn Hồi giáo chỉ chiếm trên dưới 1%. Đồng thời bà cũng sẽ là Thủ tướng đầu tiên ở Romania theo đạo Hồi. Như vậy, hai vị trí lãnh đạo cao nhất của đất nước Romnani sẽ nằm trong tay hai người thuộc nhóm thiểu số: đó là Tổng thống Iohannis thuộc nhóm sắc tộc thiểu số gốc Đức, và bà Shhaideh.

Chủ tịch đảng PSD Liviu Dragnea.

Trên bình diện châu Âu, Shhaideh cũng là trường hợp hiếm hoi một phụ nữ Hồi giáo giữ chức vụ lãnh đạo một quốc gia. Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ từng có nữ Thủ tướng Tansu Ciller trong những năm 90 thế kỷ XX, và Atifete Jahjaga làm Tổng thống Kosovo giai đoạn 2011-2016.

Từ đó, giới chuyên gia cho rằng, việc chọn đề cử bà Shhaideh làm Thủ tướng cũng là một động thái chính trị mang tính chất gượng ép, hình thức hơn là sự lựa chọn tốt nhất. Sự lựa chọn đó mang một thông điệp rõ ràng từ đảng PSD nhằm phản bác các cáo buộc rằng đảng này mang nặng tinh thần Chính thống giáo và dân tộc chủ nghĩa, không quan tâm đến các thành phần sắc tộc, tôn giáo khác.

Mặc dù vẫn có một nhóm người theo Chính thống giáo không ưa thích bà, nhưng Shhaideh sẽ có được sự ủng hộ của các cộng đồng thiểu số ở Romania, như người Tatar, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Đức, và cộng đồng Hồi giáo. Hơn nữa, cộng đồng Hồi giáo mới xuất hiện ở Romania khoảng hơn 100 năm qua, và hiện nay tôn giáo này được xem là hiện đại hơn ở các quốc gia châu Âu khác, với các quy định không khắc khe, chẳng hạn như việc bà Shhaideh không đội khăn trùm đầu hay che mặt như phụ nữ Hồi giáo nhiều nơi khác.

Giới quan sát cũng nhận định rằng, việc Shhaideh là một phụ nữ Hồi giáo không có nghĩa Romania sẽ dịu giọng về vấn đề hạn ngạch nhập cư của châu Âu. Romania là một trong các thành viên EU phản đối việc giao hạn ngạch tiếp nhận và tái định cư người tị nạn, phần lớn đến từ Trung Đông và Bắc Phi, và nhiều người trong số họ theo đạo Hồi.

Nhiều khả năng bà Shhaideh sẽ chọn cách né tránh các vấn đề nhạy cảm như vấn đề người nhập cư, vì bản thân bà theo đạo Hồi, sẽ rất khó khăn khi đưa ra quan điểm về người nhập cư, nhất là người Hồi giáo.

An Châu (tổng hợp)
.
.