Tân Thủ tướng đối diện thử thách kinh tế
- Bốn người phụ nữ chinh phục chính trường Bồ Đào Nha
- Chính phủ Bồ Đào Nha bị phe đối lập lật đổ
- Truy tố cựu Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha
- Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha bị bắt giữ
Ông Antonio Costa nhậm chức sau khi nhận được sự phê chuẩn "chiếu lệ" của Tổng thống Cavaco Silva, bởi người mà ông này ưa thích là vị Thủ tướng vừa bị phế truất Pedro Passos Coelho mà ông đã phê chuẩn cách đây khoảng 3 tuần. Điều này báo hiệu một cuộc sống chung sắp tới không hề dễ dàng giữa Tổng thống Silva và Thủ tướng Costa.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Bồ Đào Nha ngày 4-10 vừa qua, liên minh bảo thủ Bồ Đào Nha Tiến lên (Portugal Ahead) giành chiến thắng với 38,6% phiếu, đảng Xã hội của ông Costa về nhì với 32,3% phiếu, do đó, ông Pesro Passos Coelho tái đắc cử Thủ tướng. Tuy nhiên, chính phủ của ông Coelho chỉ tồn tại 11 ngày.
Costa lãnh đạo đảng Xã hội tiến hành liên minh với 3 đảng cánh tả gồm: Đảng Cộng sản, đảng Khối tả (Bloco de Esquerda) và đảng Xanh (Ecologist Party). Sau khi thành lập, liên minh Cánh tả đã chiếm 122 ghế trên tổng số 230 ghế Quốc hội, đủ số phiếu phủ quyết mọi chính sách kinh tế - xã hội thắt lưng buộc bụng của ông Coelho. Đây là 4 đảng chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng mà Liên minh châu Âu yêu cầu áp dụng.
Một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 10-11 đã truất phế ông Coelho và chính phủ thiểu số của ông, gây nên một sự kiện lịch sử chưa từng có tiền lệ. Với thế đa số áp đảo, đương nhiên liên minh cánh tả giành quyền thành lập chính phủ. Do đảng Xã hội có số ghế cao nhất trong liên minh nên có quyền cử người làm Thủ tướng.
Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu nội bộ tháng 9-2014 của đảng Xã hội để cử người ra ứng cử thủ tướng, ông Costa đã đánh bại Tổng thư ký đảng khi đó là ông António José Seguro.
Nói về thất bại của ông Coelho, giới quan sát cho rằng, kết quả bầu cử ngày 4-10 là một thất bại của đảng Bồ Đào Nha Tiến lên, vì đã mất đến 12% phiếu bầu so với nhiệm kỳ trước. Sự mất điểm đó tạo điều kiện cho đảng Xã hội và đảng Bloco de Esquerda cùng đảng Cộng sản, đảng Xanh giành thêm phiếu, từ đó dẫn đến việc đảng Bồ Đào Nha Tiến lên không còn đủ sức để chống chọi một khi 4 đảng thiên tả liên minh lại với nhau.
Phân tích nguyên nhân, người ta cho rằng, trong nhiệm kỳ thứ nhất, việc bám sát các chính sách thắt lưng buộc bụng, chấp nhận các điều kiện khắc nghiệt của các chủ nợ quốc tế để đổi lấy khoản tài trợ cứu nợ 83 triệu USD vào năm 2011. Coelho đã được các chủ nợ hoan nghênh, khen ngợi. Tuy nhiên, để đáp ứng được điều đó, Coelho đã phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, từ đó kinh tế ngày càng khó khăn, làm gia tăng tình trạng mất thu nhập trong xã hội.
Thủ tướng Antonio Costa và Tổng thống Cavaco Silva, cuộc sống chung sẽ không dễ dàng. |
Trong khi đó, ông lại áp dụng chính sách miễn giảm thuế cho giới doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Bồ Đào Nha với hy vọng bù đắp cán cân tăng trưởng kinh tế, vô tình tạo thêm bất công trong xã hội Bồ Đào Nha vốn đã đầy bất công. Tất cả những việc đó đã khiến cho chính phủ của ông Coelho đánh mất niềm tin của một bộ phận không nhỏ cử tri Bồ Đào Nha. Thất bại là điều khó tránh khỏi.
Năm nay 54 tuổi, Antonio Costa xuất thân gia đình gốc Pháp, tốt nghiệp ngành luật và từng làm luật sư trước khi chính thức tham gia hoạt động chính trị. Trong các nhiệm kỳ chính phủ do đảng Xã hội lãnh đạo trước đây, Costa đã từng kinh qua vài chức vụ Bộ trưởng, trong đó quan trọng nhất là chức Bộ trưởng Tư pháp năm 1999-2002, rồi sau đó trở thành Nghị sĩ châu Âu (năm 2004), trở thành một trong 14 phó chủ tịch của Nghị viện châu Âu, rồi quay trở lại làm Bộ trưởng trong chính phủ của Thủ tướng Jose Socrates từ năm 2005.
Tháng 5-2007, Costa trở thành Thị trưởng thành phố Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha, đến tháng 9-2014 ông từ chức để dốc sức cho cuộc tranh cử quyết liệt năm 2015.
Trên cương vị Thủ tướng Bồ Đào Nha, Costa sẽ phải bắt tay vào thực thi những điều mình đã hứa trong lúc tranh cử, trong đó quan trọng nhất là lời hứa gỡ bỏ một số biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm giảm bớt khó khăn, giúp cho các hộ gia đình có điều kiện sống dễ thở hơn. Trong phát biểu nhậm chức hôm 26-11, ông Costa đã hứa sẽ tái tạo cân bằng tài chính công bằng các biện pháp như tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập.
Đồng thời, ông cũng tuyên bố sẽ bãi bỏ việc tăng thuế giá trị gia tăng mà chính phủ tiền nhiệm đã áp dụng một cách vô lý đối với các dịch vụ ăn uống nhằm phục tùng các đòi hỏi của chủ nợ quốc tế. Costa tin rằng, những thay đổi mạnh mẽ trong công tác điều hành kinh tế sẽ góp phần tạo chuyển biến tốt trên cơ sở chống đói nghèo và bất công xã hội.
Trong phát biểu nhậm chức, Costa cũng phê phán chính phủ tiền nhiệm khi áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng đã không quan tâm đến khu vực dịch vụ công đã châm ngòi cho làn sóng người Bồ Đào Nha đổ xô đi tìm việc làm ở nước ngoài, gây nên tình trạng chảy máu nhân lực làm ảnh hưởng xấu đến khả năng phục hồi của nền kinh tế. Ông đả kích chính sách thắt lưng buộc bụng không giúp tạo nên sự thịnh vượng.
Tuy nhiên, về ngắn hạn, ông Costa sẽ phải đối mặt với một khó khăn lớn là làm sao cân bằng giữa việc đáp ứng các yêu cầu của các đồng minh trong liên minh cánh tả gỡ bỏ một số biện pháp thắt lưng buộc bụng mà chính phủ Coelho đã cam kết với các chủ nợ quốc tế, trong khi vẫn bảo đảm duy trì lòng tin của các chủ nợ. Cho dù khẳng khái nới lỏng bớt chính sách thắt lưng buộc bụng, Costa cũng không thể làm gì khác hơn vẫn bảo đảm đáp ứng các mục tiêu về thâm hụt ngân sách và nợ công như đã thỏa thuận với Brussels.
Điều này có nghĩa là ông vẫn phải theo đuổi phương án thắt chặt chi tiêu công trong khi vẫn phải đáp ứng các yêu cầu của liên minh cánh tả. Nhưng, như Costa tuyên bố, cách làm của chính phủ mới do ông lãnh đạo sẽ rất khác chính phủ tiền nhiệm. "Chúng tôi muốn xây dựng một thời đại mới cho Bồ Đào Nha, từng bước một, từng biện pháp một" - ông nói.