Tiến sĩ tóc đuôi ngựa và cuộc cách mạng Podemos

Thứ Tư, 30/12/2015, 17:40
Sau cuộc bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha ngày 20-12 vừa qua, với kết quả đảng Podemos xếp thứ ba với 69 ghế đại biểu và 21% phiếu bầu, chỉ kém đảng về nhì là đảng Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) đúng 1 điểm phần trăm. Sự lớn nhanh của Podemos gây chú ý mạnh trong giới quan sát chính trị châu Âu, và người ta gọi đó là một "cuộc cách mạng".

Vâng, đó là cuộc cách mạng của những nhà trí thức, những nhà hoạt động phong trào quần chúng, đại diện dân nghèo Tây Ban Nha.

“Hậu duệ” bất đắc dĩ của một chính khách

Nói về sự hình thành và lớn mạnh của Podemos thì phải nhắc đến "cha đẻ" của nó: Pablo Iglesias, nhà sáng lập kiêm Tổng thư ký của đảng. Đặc biệt ở chỗ, Iglesias còn rất trẻ, năm nay mới 37 tuổi nhưng đã là một giáo sư, tiến sĩ và đã giảng dạy Khoa học chính trị tại Đại học Complutense ở Madrid từ năm 2008. Dáng vẻ bề ngoài độc đáo, để tóc đuôi ngựa, ăn mặc ra dáng phong trần, Iglesias có lối giảng dạy cũng đặc biệt không kém, khác hẳn lề lối thuyết trình truyền thống của các giáo sư hàn lâm.

Ngoài dạy học, ông còn là một nhà báo có tay nghề, thích đi đây đi đó, quan sát tỉ mỉ, phân tích sâu sắc mọi vấn đề. Iglesias thần tượng các tổng thống thiên tả: Rafael Correa của Ecuador và Evo Morales của Bolivia, xem họ là những người hùng của châu Mỹ Latinh.

Iglesias mừng chiến thắng sau cuộc bầu cử chính quyền địa phương, tháng 5-2015.

Tiểu sử Pablo Iglesias cho thấy ông có vẻ là một "hậu duệ" bất đắc dĩ của một chính khách tiền bối tên là Pablo Iglesias, người đã sáng lập ra đảng PSOE vào năm 1879. Cha mẹ ông không mang họ Iglesias. Họ đã gặp gỡ nhau lần đầu tiên trong một dịp lễ tưởng niệm ông Iglesias tổ chức ngay trước ngôi mộ của vị tiền bối này, và vì quá ngưỡng mộ ông Iglesias nên hai ông bà khi lấy nhau đã quyết định lấy tên Pablo Iglesias để đặt tên cho con.

Thời còn nhỏ, Iglesias từng tham gia Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Vallecas, một trong những khu phố nghèo nhất và cũng đáng tự hào nhất thành phố Madrid. Cho đến ngày nay, Iglesias vẫn sống tại khu Vallecas, trong một căn hộ khiêm tốn của một tòa chung cư trung bình được xây dựng từ thập niên 80 thế kỷ XX.

Một thành viên cao cấp của Podemos, bạn nối khố từ nhỏ của Iglesias kể, ngay từ khi còn niên thiếu, Iglesias đã ra vẻ một thủ lĩnh và có sức hút rất mạnh. Tinh thần phản kháng, bất tuân mệnh lệnh đã có ở Iglesias từ thời ông là sinh viên Luật - Đại học Complutense, sau đó ông chuyển sang học Khoa học chính trị và lấy bằng tiến sĩ với đề tài về sự nổi dậy bất tuân lệnh và chống toàn cầu hóa, được đánh giá hạng ưu.

Một mình đương đầu với thế lực bảo thủ

Giới phân tích cho rằng, sự thăng tiến vượt bậc của Iglesias và đảng Podemos mang màu sắc thần kỳ, nhưng thực chất đó là kết tinh của tri thức, sự gắn kết chặt chẽ giữa Iglesias - vốn xuất thân trong tầng lớp lao động nghèo ở các khu lao động ở Madrid - với các tầng lớp trí thức và nhân dân lao động nghèo Tây Ban Nha.

Sau khi lấy bằng tiến sĩ (2008), Iglesias bắt đầu giảng dạy Khoa học chính trị tại Đại học Complutense. Và chính tại đây, ông đã gặp được những cái đầu cùng chí hướng, những trí thức trẻ, có tinh thần nổi dậy, vùng lên đấu tranh để giúp ông lập ra đảng Podemos. Nhóm trí thức của Iglesias chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nhà tư tưởng Marxist Antonio Gramsci, người Italia, với quan điểm cho rằng cuộc đấu tranh cốt lõi là cuộc đấu tranh nhằm kiểm soát guồng máy định hình tư tưởng công chúng.

Nhóm cũng tìm thấy cảm hứng từ hai vợ chồng giáo sư người Argentina, Ernesto Laclau (giảng dạy tại Đại học Essex) và Chantal Mouffe (Đại học Westminster, Anh); cả hai đều là những nhà nghiên cứu sâu sắc chủ nghĩa Mác, có quan điểm mới về chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giai cấp. Chủ nghĩa xã hội mới, theo họ, phải tập hợp tất cả các tầng lớp nhân dân, các thành phần khác nhau trong xã hội, từ các nhà đấu tranh nữ quyền, người đồng tính, nhà hoạt động bảo vệ môi trường cho đến công nhân thất nghiệp để đấu tranh cho quyền lợi của tất cả họ. Và muốn làm được điều này cần có một thủ lĩnh có sức hút mạnh, người sẵn sàng đại diện cho họ đấu tranh với các thế lực hùng mạnh trong xã hội. Và Iglesias chính là một hình mẫu của người lãnh đạo cuộc đấu tranh đó.

Tiêu biểu trong nhóm trí thức trẻ của Iglesias có Inigo Errejon, người sau này trở thành nhân vật số 2 ở Podemos. Ngày 15-5-2011, Errejon từ thủ đô Quito, Ecuador bay sang Madrid chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Complutense, nơi Tổng thống Bolivia Evo Morales cũng từng theo học và tiếp cận với tư tưởng Marxist của Gramsci và hai vợ chồng giáo sư Laclau.

Pablo Iglesias với Alexis Tsizpras tại Athens, tháng 1-2015.

Errejon được bạn bè mách bảo nên đến Quảng trường Puerto del Sol để tận mắt chứng kiến "hiện tượng bất thường" đang diễn ra. Đó là cuộc biểu tình phản đối của hàng ngàn người "dân thường phản kháng" (indignados), cuộc biểu tình được xem là châm ngòi cho phong trào "Chiếm phố Uôn" (Occupy Wall Street) sau đó lan ra khắp châu Âu. 80% người dân Tây Ban Nha đã ủng hộ cuộc biểu tình này.

Tuy nhiên, những năm sau, từ 2010 cho đến trước tháng 8-2013, cuộc vận động tập hợp lực lượng của Iglesias vẫn chưa có tiến triển gì thêm. Ông đã tổ chức những sự kiện đình đám, như cuộc tranh luận chính trị tại khoa ông giảng dạy mang tên One Step Beyond (Một bước ra bên ngoài) vào tháng 5-2010, tại đó mỗi diễn giả chỉ được nói trong 99 giây, được truyền hình đưa tin, gây chú ý mạnh.

Nhưng sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2011 lại khiến đám đông quần chúng lao động, các tầng lớp thấp trong xã hội thất vọng, với việc đảng Nhân dân của ông Mariano giành chiến thắng với đa số tuyệt đối. Sau bầu cử, dân tình bất mãn, thất vọng, vì Rajoy không quan tâm đến lợi ích của họ, mà "cúi đầu" phục tùng mệnh lệnh từ Berlin, áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng khắt khe, đời sống dân lao động thêm khó khăn.

Mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn đối với Iglesias kể từ ngày 25-4-2013, khi đó ông đã tham gia một chương trình tranh luận của cánh hữu trên kênh truyền hình Intereconomia. Iglesias kể lại, "áp lực của việc bước qua lằn ranh và nói chuyện với họ thật kinh khủng". Bởi vì Iglesias một mình đơn phương đối chọi với cả một nhóm người bảo thủ. Nhưng từ sau sự kiện đó, Iglesias bắt đầu được mời tham gia các cuộc tranh luận trên nhiều kênh truyền hình chính thống của Tây Ban Nha.

Một ngôi sao mới trên truyền hình, trên các diễn đàn chính trị quốc gia bắt đầu xuất hiện. Biệt danh "Gã tóc đuôi ngựa" cũng xuất hiện do vẻ bề ngoài ấn tượng, khó quên của ông. Tỉ lệ ủng hộ đối với Iglesias tăng vùn vụt theo từng cuộc tranh luận. Iglesias, với vũ khí sắc bén là lý luận chặt chẽ và cứ liệu dồi dào, thuyết phục, đã dẫn ra hai nguyên nhân mấu chốt của những khó khăn của kinh tế Tây Ban Nha chính là tầng lớp chính trị và doanh nghiệp tham nhũng, Thủ tướng Đức Angela Merkel và những quan chức kiểm soát Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt.

Rồi Iglesias xúc tiến việc thành lập đảng Podemos. Kế hoạch thành lập đảng được hoàn tất trong một bữa ăn tối vào tháng 8-2013, trong một chương trình tập huấn 4 ngày của đảng Izquierda Anticapitalista (IA). Iglesias và Miguel Urban, 33 tuổi, thành viên IA và là nhà hoạt động kỳ cựu trong các phong trào phản đối, đã cùng nhau bàn bạc, thiết kế một sự phối hợp lạ kỳ giữa một cá nhân - Iglesias - và một tổ chức, đảng IA, vốn ghét hệ thống thứ bậc truyền thống. Vậy là Podemos đã được hình thành.

Ngày 17-1-2014, Iglesias chính thức công bố sự ra đời của Podemos tại một khách sạn nhỏ ở quận Lavapiés, Madrid. Ngày 31-1-2015, tức một năm sau khi thành lập đảng Podemos, Tổng thư ký đảng Pablo Iglesias có cuộc tập hợp cử tri ủng hộ đông đảo, đến 150.000 người chen cứng Quảng trường Puerta del Sol ở trung tâm thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Tại cuộc họp mặt cử tri đó, Iglesias đã gây ấn tượng mạnh bằng giọng điệu hùng hồn tố cáo giới nhà giàu, doanh nghiệp và chính trị gia chóp bu tha hóa, lũng đoạn chính trị đã tạo ra khủng hoảng kinh tế và tiếp theo đó áp dụng cái gọi là "thắt lưng buộc bụng" để chiều lòng giới lãnh đạo ngạo mạn ở Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Iglesias gây hứng khởi cho hàng vạn người ủng hộ Podemos khi kêu gọi mọi người "Hãy ước mơ và hãy nghiêm túc theo đuổi ước mơ của mình!". "Tây Ban Nha đang đứng trước sự đổi thay lịch sử!". Đám đông òa vỡ trong niềm hứng khởi mới, tràn đầy niềm tin. Đám đông là những hậu duệ nối tiếp thế hệ cha anh đã anh dũng chiến đấu bằng gậy gộc, cuốc xẻng chống lại quân đội hùng mạnh của Napoleon cách đây hai thế kỷ. "Chúng ta có thể ước mơ, chúng ta có thể thắng!".

Một đồng chí của Hy Lạp chống “kẻ cả” EU

Vâng, ước mơ của Iglesias đã ngay lập tức được cụ thể hóa một phần. Tháng 5-2014, Podemos trải qua thử thách đầu tiên với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu. Nhiều người xem Nghị viện châu Âu là cơ quan "cọp không có răng", nhưng Iglesias và Urban thì lại nhìn thấy cuộc bầu cử này là cơ hội, là một bệ phóng tiềm năng cho Podemos tiến vào cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015.

Tháng 1-2015, 8 tháng sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Iglesias có chuyến công du sang Hy Lạp để giúp Alexis Tsipras và đảng Syriza tổ chức thành công một cuộc tập hợp quần chúng ủng hộ đảng Syriza ở Athens. Điều trùng hợp ở chỗ, Tsipras từng là một đảng viên đảng Cộng sản Hy Lạp (1991), do đó, những chủ trương, đường lối thiên tả của Iglesias đều "ăn khớp" với Tsipras ngay tức thì.

Tinh thần đấu tranh từ phong trào quần chúng của Iglesias đã được Tsipras đón nhận nồng nhiệt, góp phần tạo nên những sự kiện quần chúng mạnh mẽ cho Syriza, góp phần củng cố thêm đường lối đấu tranh của Syriza vì nhân dân lao động nghèo của Hy Lạp. Đó là điểm gặp nhau giữa hai bộ óc, hai phong cách chính trị chống lại thế lực "kẻ cả" ở EU, chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt do Berlin áp đặt thẳng thừng lên các quốc gia lâm vào khủng hoảng để đổi lấy sự trợ giúp về tài chính.

Miguel Urban, đồng sáng lập đảng Podemos.

Ở phía ngược lại, chuyến đi đến Athens đã tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho Iglesias trong cuộc đấu tranh mang nhiều đặc thù riêng ở Tây Ban Nha. Những ngày sau chuyến đi Hy Lạp, Iglesias đã tổ chức nhiều cuộc vận động quần chúng ở khắp các thành phố lớn của Tây Ban Nha, mỗi nơi có đến hàng chục ngàn người tham dự.

Giới báo chí vây quanh Iglesias để đặt nhiều câu hỏi về đường lối chính trị của ông, trong đó nổi lên những câu hỏi về chính sách dân túy mà Iglesias nhiều lần phản bác, bởi tinh thần đấu tranh vì nhân dân lao động nghèo của ông là khác hẳn, không giống các chính khách thiên tả, dân túy nổi tiếng trên thế giới, như Hugo Chavez chẳng hạn. Và chính sách đó đã được chứng minh là đúng hướng. Sau cuộc bầu cử chính quyền địa phương ngày 24-5-2015, Podemos tiếp tục gặt hái thêm những tiến bộ vượt bậc, chiếm 18% số phiếu bầu. Podemos cùng với các đồng minh nhỏ ở địa phương về nhì, kiểm soát đến 10 hội đồng địa phương. Và đó là bước đệm tuyệt vời để Iglesias và Podemos tiến thẳng đến vị trí cao hơn trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua.

An Châu (tổng hợp)
.
.