Tổng thống Donald Trump: Mỹ không vội đàm phán với Triều Tiên
- Tổng thống Mỹ Donald Trump tự hào khoe thành tựu tại Đại Hội đồng LHQ
- Tổng thống Donald Trump muốn chấm dứt cuộc điều tra về Nga
Cho đến nay, hai bên vẫn chưa thực sự có tiến bộ gì trong quan hệ. Vì sao Tổng thống Mỹ lại không vội vã trong việc cải thiện ngay quan hệ với Triều Tiên?
Tuyên bố với các phóng viên khi đến Iowa gặp gỡ các cử tri ngày 9-10, Tổng thống Trump giải thích là ông sẽ rất bận rộn với chuyện vận động bầu cử cho nên sẽ không thể gặp lại ông Kim Jong-un trước ngày 6-11 tới.
Trước đó, cùng ngày, ông Trump nói với các phóng viên rằng hiện các kế hoạch cho hội nghị thượng đỉnh thứ hai đang được xúc tiến và ông cho rằng đã có tiến bộ “đáng kinh ngạc” trong các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và đất nước Bắc Á bị cô lập từ lâu này. Ông nói Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có một cuộc đàm phán tốt đẹp với ông Kim Jong-un hồi cuối tuần trước và hiện hai bên đang cân nhắc 3 hoặc 4 địa điểm chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh.
Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 6 vừa qua tại Singapore nhưng ông Donald Trump nói rằng thượng đỉnh thứ hai sẽ không diễn ra ở Singapore mà có thể được tổ chức trên lãnh thổ Mỹ hoặc Triều Tiên.
Cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên hôm 7-10-2018 tại Bình Nhưỡng kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ được đánh giá là hữu ích. Hai bên đề cập cả 4 điểm thỏa thuận trong bản Tuyên bố chung sau thượng đỉnh Singapore ngày 12-6: thiết lập quan hệ mới giữa Washington-Bình Nhưỡng, xây dựng hòa bình lâu dài, khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo và trao trả hài cốt quân nhân Mỹ. Hai bên cũng thảo luận về khả năng tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
Trong cuộc hội kiến sau đó với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Seoul, Ngoại Trưởng Pompeo nói chuyến đi mới nhất tới Bình Nhưỡng, chuyến thăm thứ tư của ông, là “thêm một bước tiến” hướng tới phi hạt nhân hóa. Ông cho biết đã có một “cuộc đàm đạo tốt, hiệu quả” với ông Kim.
Ông Pompeo cho biết ông và ông Kim đã thảo luận về các bước để tiến tới phi hạt nhân hóa mà Bình Nhưỡng sẽ thực hiện, về vai trò của Chính phủ Hoa Kỳ giám sát các bước đó, điều mà Washington coi là vô cùng quan trọng. Hai bên cũng thảo luận về những điều mà Hoa Kỳ sẽ thực hiện để đáp lại hành động của Bình Nhưỡng.
Ông Pompeo và lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng đồng ý lập ra một nhóm công tác trong thời gian “sớm nhất” để thảo luận về tiến trình phi hạt nhân hóa và hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa ông Kim với Tổng thống Trump. Chính ông Kim đã đưa ra đề nghị này trong một lá thư hồi tháng trước.
Theo đài KBS, Ngoại trưởng Mỹ xác nhận với Tổng thống Hàn Quốc rằng phía Triều Tiên đã mời phái đoàn thanh tra Mỹ đến thanh sát bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri. Tổng thống Moon bày tỏ hy vọng rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Pompeo và hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa lãnh đạo Kim của miền Bắc và Tổng thống Donald Trump sẽ giúp hai bên đạt được những “tiến bộ không thể đảo ngược được, cả về mặt phi hạt nhân hóa cũng như về tiến trình hòa bình”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử ở Singapore vào ngày 12-6-2018. |
Từ sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim ở Singapore cho đến nay, hai nước Mỹ-Triều chưa có bất cứ tiến bộ nào khác. Bên lề Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 27-9-2018, Ngoại trưởng Mike Pompeo chủ trì cuộc họp Hội đồng Bảo an để bàn về vấn đề Triều Tiên. Mỹ kêu gọi thế giới tôn trọng các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Triều Tiên, cho đến khi Bình Nhưỡng hoàn thành tiến trình phi hạt nhân hóa.
Trước đó, Tổng thống Trump lưu ý rằng Hoa Kỳ chưa dỡ bỏ “những chế tài lớn” đã áp đặt lên Bình Nhưỡng. Triều Tiên rất quan tâm đến việc đạt được một số những thỏa thuận về phi hạt nhân hóa để nước này có thể tăng trưởng về phương diện kinh tế với những lợi ích của đầu tư nước ngoài mà hiện giờ còn đóng cửa đối với Triều Tiên, ông Trump nói.
Trong khi đó, hai miền Triều Tiên vẫn tiếp tục tiến trình xích lại gần nhau. Ra điều trần trước Quốc hội ngày 10-10, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha cho biết là Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét khả năng bãi bỏ một số trong những biện pháp trừng phạt Triều Tiên, được ban hành sau vụ tấn công vào một chiến hạm Hàn Quốc, khiến 45 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng vào năm 2010.
Trước đó, trả lời nhật báo Mỹ The Washington Post ngày 3-10, nữ Ngoại trưởng Hàn Quốc đề nghị Mỹ ra tuyên bố hòa bình, kết thúc chiến tranh, để đánh đổi lấy việc Triều Tiên dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân. Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tháng 9-2018. Ông Kim Jong-un đã cho biết sẵn sàng đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon nếu như Mỹ đưa ra “các biện pháp tương ứng”.
Việc Mỹ không muốn đẩy nhanh các cuộc đàm phán để làm rõ một số điều khoản trong thỏa thuận phi hạt nhân hóa với Triều Tiên được các chuyên gia nhìn nhận là nhằm mục đích chính trị nội bộ. Cuộc gặp giữa ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên ở Singapore hồi tháng 6 được xem là một thành công đối ngoại lớn đối với vị tổng thống này. Giờ là lúc ông gặt hái thành quả đó trong cuộc bầu cử giữa kỳ đầu tháng 11 tới. “Quân bài Triều Tiên” sẽ tiếp tục được ông Trump sử dụng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới.
Hồi tháng 7 vừa qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ tái tranh cử trong 2 năm tới để tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã rục rịch chuẩn bị cho cuộc đua vào Nhà Trắng thông qua một loạt hoạt động như đăng ký bản quyền khẩu hiệu, lập đội ngũ vận động hay tổ chức gây quỹ tái tranh cử.
Theo giới phân tích, nếu đến sát ngày diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, ông Trump đạt được điều mà bao đời Tổng thống Mỹ mơ ước: phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và ký tuyên bố kết thúc chiến tranh với Bình Nhưỡng thì gần như chắc chắn ông ta sẽ tái đắc cử.