Venezuela: Tổng thống sẽ bị phế truất bởi một cuộc trưng cầu dân ý?

Thứ Năm, 25/08/2016, 12:45
Được bầu lên vào năm 2013 sau cái chết của Hugo Chavez, uy tín của Tổng thống Nicolas Maduro sụt giảm trầm trọng cùng với nền kinh tế quốc gia. Bị ảnh hưởng do giá dầu giảm, đất nước đang thiếu thốn thực phẩm và thuốc men trong khi lạm phát tăng cao. Từ năm 2014, những cuộc biểu tình nối tiếp nhau đòi chính phủ phải từ nhiệm.

Cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015 đánh dấu sự thất bại của đảng Xã hội hợp nhất Venezuela (PSUV) đang cầm quyền trước đảng đối lập Bàn dân chủ thống nhất (MUD), một liên minh chính trị trung hữu và cực hữu.

Tháng 5-2016, MUD đưa ra một thỉnh nguyện thư gồm 2 triệu chữ ký với mục đích tổ chức cuộc trưng cần dân ý bãi nhiệm tổng thống. Còn Tổng thống Maduro cáo buộc giới thượng lưu, tài phiệt đang phá hoại đất nước. Từ đó những cuộc biểu tình ngẫu hứng bùng ra không ngớt để phản đối nạn khan hiếm thực phẩm tại Venezuela.

Hiến pháp do cựu Tổng thống Hugo Chavez ban hành vào năm 1999 dự trù khả năng của cử tri được quyền yêu cầu bãi nhiệm tổng thống ở giữa nhiệm kỳ bằng cách tiến hành trưng cầu dân ý. Nhưng muốn đi đến hành động này, Hội đồng Bầu cử quốc gia thân chính phủ phải phê chuẩn nhiều bước của một tiến trình rất dài. Để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, chẳng hạn phe đối lập phải quy tụ được ít nhất 200.000 cử tri đồng ý. Và đó chỉ là bước đầu tiên.

Trong số 2 triệu chữ ký mà phe đối lập đưa ra, Hội đồng Bầu cử xác nhận được 1,3 triệu chữ ký. Kế đó, hội đồng muốn kiểm tra 200.000 chữ ký khác thông qua máy sinh trắc học. Những người có liên quan phải đi đến các trung tâm bầu cử địa phương để áp dấu vân tay nhằm chứng thực chữ ký của họ. Sau hơn 1 tháng kiểm tra, cuối cùng hội đồng công nhận 400.000 chữ ký, tức gấp đôi số lượng yêu cầu. Tuy nhiên, cơ quan này lại định mở cuộc điều tra về các cáo buộc gian lận do chính phủ nêu ra.

Phe đối lập lại phải quy tụ 20% số cử tri trong vòng 3 ngày (gần 4 triệu người) để lấy chữ ký và vân tay. Nếu vượt qua bước thứ nhì này, Hội đồng Bầu cử sẽ ấn định thời điểm trưng cầu dân ý. Đây sẽ là cuộc trưng cầu dân ý thứ nhì tại Venezuela sau lần đầu tiên vào năm 2004 nhằm phế truất Tổng thống Hugo Chavez nhưng thất bại. Lần này, để bãi nhiệm Tổng thống Maduro, số cử tri đồng ý phải cao hơn số phiếu bầu trong kỳ bầu cử 2013, tức 7,5 triệu cử tri.

Người dân xếp hàng chờ mua nhu yếu phẩm tại một siêu thị ở Caracas.

Trong trường hợp Tổng thống Maduro bị phế truất, điều này sẽ dẫn đến một cuộc bầu cử Tổng thống mới, chấm dứt 17 năm tồn tại của chính phủ theo xu hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào năm 2017, điều này sẽ không có gì thay đổi vì Phó Tổng thống sẽ thay thế Maduro cho đến kỳ bầu cử tổng thống sắp tới vào năm 2018. Do vậy phe đối lập đã hối thúc Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Tibisay Lucena ấn định thời điểm trưng cầu dân ý trong khi Tổng thống Maduro lại cố trì hoãn việc này.

Do không tìm được giải pháp cho các vấn đề xã hội kinh tế nghiêm trọng của đất nước nên Tổng thống Maduro không ngừng tố cáo và đe dọa phe đối lập. Cuộc thanh trừng rộng khắp của Tổng thống Erdogan thực hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính hụt ngày 16-7 đã tạo hứng khởi cho Tổng thống Maduro lên tiếng cảnh báo phe đối lập và được phát trên truyền hình quốc gia từ miền đông: “Tổng thống Erdogan sẽ cảm thấy như trẻ con trước những gì mà cuộc cách mạng ở Venezuela bùng ra nếu cánh hữu vượt qua ranh giới của một cuộc đảo chính. Tôi đã chuẩn bị để làm điều đó và tôi biết rằng chủ nghĩa đế quốc ở Bắc Mỹ sẽ nói gì”.

Từ nhiều tháng nay, đất nước Venezuela ngập chìm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Quốc gia này có trữ lượng dầu hỏa lớn nhất thế giới nhưng lại không thể nhập khẩu các hàng hóa cần thiết cho người dân, dù là thực phẩm hay thuốc men. Ngành sản xuất trong nước hầu như đã biến mất do nạn quốc hữu hóa, định khung giá cả và thiếu khả năng nhập khẩu các nguyên liệu cần thiết, sự thiếu thốn trong mọi lĩnh vực khiến cho người dân phải xếp hàng nhiều giờ mỗi ngày chỉ để tìm được nhu yếu phẩm. Chính phủ của Maduro lên án đây là một “cuộc chiến tranh kinh tế” được giới thượng lưu và tài phiệt tổ chức với sự hậu thuẫn của Mỹ.

Đảng cầm quyền đã thua trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 12-2015. Từ đó chính quyền làm mọi cách để ngăn chặn công việc của Quốc hội với các phương cách đôi khi không dựa vào Hiến pháp. Chẳng hạn Tối cao Pháp viện vừa hủy bỏ 7 phiên họp Quốc hội cùng những nghị quyết được phê chuẩn.

Ngày 21-8 Chủ tịch Quốc hội Henry Ramos Allup cáo buộc “những phán quyết gian lận” của Phòng Hiến pháp Tối cao Pháp viện mà ông gọi là “Phòng vô hiến” vì phòng này “vi phạm Hiến pháp và chối bỏ ý muốn của dân chúng”.

Tuyên bố của Tổng thống Maduro được đưa ra khi Ngoại trưởng Delcy Rodriguez sắp sửa có cuộc viếng thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ giữa 2 nước. Venezuela đang rất cần nguồn đầu tư nước ngoài và sẵn sàng trao đổi dầu hỏa hay nhượng quyền khai mỏ tại khu vực Orinoque.

Từ tháng 1 năm nay, phe đối lập đã cố thúc đẩy tiến trình trưng cầu dân ý để phế truất Tổng thống Maduro theo Hiến định. Nhưng Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm những nhân vật thân chính phủ đã làm tất cả để chặn đứng tiến trình. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân ủng hộ việc phế truất Tổng thống.

Nếu cuộc trưng cầu dân ý diễn ra sau ngày 10-1-2017, nửa nhiệm kỳ tổng thống, sẽ không có bầu cử tổng thống mới và Phó Tổng thống Aristobulo Isturiz sẽ thay thế Nicolas Maduro. Như thế phe cầm quyền sẽ tiếp tục nắm giữ quyền hành. Trừ phi từ nay đến lúc ấy có một sự biến mang tính bước ngoặt.

Mê Linh (tổng hợp)
.
.