Anh: Hồi hộp cuộc đua kế vị ông Boris Johnson

Thứ Tư, 13/07/2022, 09:00

Ngay sau khi ông Boris Johnson tuyên bố từ chức, đã xuất hiện ngay một loạt cái tên tham gia cuộc đua vào chức vụ lãnh đạo đảng Bảo thủ đồng thời là Thủ tướng Anh. Đến ngày 11-7, ít nhất 11 cái tên đã xuất hiện trên mặt báo và con số này được cho là sẽ còn tăng thêm.

Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi là một trong những ứng cử viên nghiêm túc nhất cho chiếc ghế Thủ tướng Anh. Trong cuộc phỏng vấn quan trọng đầu tiên kể từ khi tuyên bố ra tranh cử, Bộ trưởng Zahawi đã cam kết cắt giảm thuế doanh nghiệp, thuế thu nhập và thuế suất kinh doanh. Zahawi nói rằng ông sẽ bù đắp cho khoản cắt giảm này bằng cách cắt giảm chi phí hoạt động của các cơ quan chính phủ. Zahawi cho biết, ông sẽ buộc mọi cơ quan chính phủ cắt giảm 20% chi phí hoạt động.

Trong khi đó, đối thủ của ông là bà Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss cũng tham gia cuộc cạnh tranh ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ, hứa rằng bà sẽ giảm thuế “ngay từ ngày đầu tiên” nhậm chức. Ngay sau bà Truss, nghị sĩ vùng Kent ít ai biết đến là Rehman Chishti cũng gia nhập “đoàn đua” và đưa con số ứng viên lên 11.

Anh: Hồi hộp cuộc đua  kế vị ông Boris Johnson -0
Các ứng cử viên tranh ghế Thủ tướng Anh.

Giống như một số đối thủ, bà Truss tham gia cuộc đua qua một bài báo đăng trên tờ The Telegraph. Trong bài báo, Ngoại trưởng Truss đã viết: “Dưới sự lãnh đạo của tôi, tôi sẽ bắt đầu cắt giảm thuế ngay từ ngày đầu tiên để hành động ngay lập tức nhằm giúp mọi người giải quyết chi phí sinh hoạt”. Điều này sẽ bao gồm cả việc đảo ngược việc tăng bảo hiểm quốc gia, được đưa ra để chi trả cho các cải cách đối với chăm sóc xã hội và giảm thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Truss bị giới bình luận cho là đã mơ hồ về cách thức bù đắp cho các khoản cắt giảm thuế, cho rằng khoản bù đắp giảm thuế sẽ đến từ tăng trưởng kinh tế bằng cách đưa nước Anh trở thành “cường quốc tăng trưởng cao và năng suất cao”. Giới chuyên gia cho rằng, điều đương nhiên phải thực hiện khi giảm thuế là sẽ phải cắt giảm chi tiêu công cộng.

Hiện tại, theo đánh giá của giới chuyên gia, dẫn đầu danh sách ứng cử viên tính theo tỉ lệ ủng hộ không ai khác chính là ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh. Ông Tugendhat đã giành được sự ủng hộ của nghị sĩ Damian Green, chủ tịch nhóm các nghị sĩ Một quốc gia của đảng Bảo thủ, nhờ đó ông đã vượt qua đối thủ nặng ký Jeremy Hunt. Trong bài báo “ra mắt” ứng  cử trên tờ Daily Telegraph, ông Tugendhat đã đưa ra lời kêu gọi đoàn kết, thống nhất toàn nước Anh, hứa hẹn sẽ “lấp đầy” sự chia rẽ quốc gia do vấn đề Brexit, nhưng ông cũng kêu gọi đảo ngược ngay lập tức việc tăng bảo hiểm quốc gia gần đây - điều mà phía Công đảng đối lập cũng phản đối.

Bám sát sau ông Tugendhat là ứng cử viên Jeremy Hunt, Chủ tịch Ủy ban Chăm sóc sức khỏe và xã hội trong suốt cuộc khủng hoảng COVID-19. Ông Hunt kiên định với chính sách y tế và an toàn bệnh nhân, gần đây ông đã viết một cuốn sách về vấn đề này. Chính sách mà ông Hunt đưa ra khi ông tranh ghế lãnh đạo với ông Johnson vào năm 2019 bao gồm nâng ngưỡng bảo hiểm quốc gia - cắt giảm thuế cho người có thu nhập thấp đến trung bình - và tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,5% GDP, điều mà ông Johnson gần đây cũng đã ủng hộ. Ông cũng bớt cứng rắn hơn với Brexit, lên tiếng phản đối lựa chọn không có thỏa thuận.

Người thứ ba trong danh sách ứng cử viên theo thứ tự ủng hộ là bà Penny Mordaunt. Là một người ủng hộ Brexit một cách hăng hái, bà Mordaunt đã khiến những người còn lại tức giận trong chiến dịch trưng cầu dân ý năm 2016 bằng cách tuyên bố sai lầm rằng “Vương quốc Anh sẽ không có quyền phủ quyết đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU”. Tuy nhiên, về chính sách kinh tế, bà hướng tới cánh tả trong đảng Bảo thủ, hỗ trợ các ngân hàng thực phẩm ở khu vực bầu cử phía Bắc Portsmouth của bà và thúc giục chính phủ hành động nhiều hơn đối với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Bà cũng là một người ủng hộ quan tâm đến quyền của giới đồng tính.

Đối với ông Sajid Javid, cựu Bộ trưởng Tài chính, đây đã là lần thứ tư ông tham gia cuộc đua tranh ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ. Các lần trước ông đều thất bại, trong đó lần gần đây nhất là vào năm 2019 ông về thứ tư. Ông Javid đã công bố một kế hoạch kinh tế với các ý tưởng về ngân sách khẩn cấp, thêm các đề xuất cắt giảm thuế (bỏ thuế chăm sóc sức khỏe và xã hội, cắt giảm thuế thu nhập và loại bỏ việc tăng thuế doanh nghiệp theo kế hoạch). Nhưng, hầu hết các ứng cử viên khác đều nói những điều tương tự và ông Javid đã không thuyết phục khi được yêu cầu giải thích lý do tại sao ông bảo vệ quá lâu cho mức tăng bảo hiểm quốc gia mà chính ông cũng muốn loại bỏ.

Nối tiếp theo sau trong danh sách ứng cử viên là những cái tên quen thuộc từng là bộ trưởng trong nội các cũ của ông Johnson, như: Rishi Sunak, Grant Shapps, Kemi Badenoch, Suella Braverman,... Phần lớn các luận điểm tanh cử các ứng cử viên đưa ra cho đến nay xoay quanh những cam kết ngày càng tham vọng về cắt giảm thuế, bị lãnh đạo Công đảng Keir Starmer bác bỏ, coi đó là một “cuộc chạy đua vũ trang của kinh tế học giả tưởng”.

Ủy ban 1922 của đảng Bảo thủ sẽ đặt ra các quy tắc cho phần đầu cuộc đua, trong đó danh sách ứng cử sẽ được rút ngắn xuống còn 2 ứng cử viên vào vòng cuối cùng, do các thành viên trong nhóm lựa chọn. Trong bối cảnh lo ngại về số lượng ứng cử viên, những người tham gia cuộc đua có thể cần phải có 25 đề cử trở lên để có thể tham gia cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ. Đây là cách đảng Bảo thủ loại bỏ bớt ứng cử viên đăng ký ban đầu để tìm ra 2 người cuối cùng xứng đáng nhất để các nghị sĩ bỏ phiếu bầu chọn.

Cuộc tuyển lựa gay gắt sẽ chính thức bắt đầu ngày 18-7, với cuộc “tỉ thí” đầu tiên giữa các ứng cử viên trong cuộc tranh luận trên truyền hình.

An Châu (Tổng hợp)
.
.