Argentina: Tổng thống M. Macri ngoài nhu, trong cương

Thứ Năm, 28/01/2016, 14:05
Một tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Argentina Mauricio Macri vừa có cuộc phỏng vấn đầu tiên với báo chí quốc tế và đặt ra một số nhiệm vụ liên quan những vấn đề mà ông cho là cần phải giải quyết, thay đổi so với người tiền nhiệm. Một trong những thay đổi quan trọng đó là việc cải thiện quan hệ với nước Anh - vốn đang có tranh chấp quyết liệt đối với quần đảo mà Argentina gọi là Las Malvinas, còn Anh gọi là Falkland.


Mặc dù mang dáng vẻ khó chịu, hơi nhăn nhó do vẫn còn bị đau sau cú ngã làm gãy xương sườn tuần trước, ông Mauricio Macri vẫn dành ra một giờ để trả lời các câu hỏi của một số tờ báo quốc tế như The Guardian của Anh, Le Monde của Pháp, El Pais của Tây Ban Nha và La Stampa của Italia, và khiến cho báo chí ấn tượng bởi những thông tin mà ông cung cấp. Trong đó, đáng chú ý nhất là tuyên bố rằng ông sẽ khởi đầu một "kiểu quan hệ mới" với nước Anh xung quanh vấn đề quần đảo Las Malvinas/Falkland.

Macri nói, ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Argentina đối với Las Malvinas, nhưng đồng thời cũng không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để khôi phục quan hệ ngoại giao với nước Anh.

Thái độ hòa giải của ông Macri có vẻ trái ngược với những gì diễn ra trong giai đoạn tiền nhiệm. Nó được xem là một trong những động thái "sửa chữa" các mối quan hệ ngoại giao với các đối tác quốc tế khi ông bắt đầu hành trình đưa đất nước Argentina đi theo con đường chính trị trung dung trên trường quốc tế.

Đặc biệt, ý nghĩa đó càng được nhấn mạnh thêm do tuyên bố gây chú ý của ông được đưa ra ngay trước chuyến đi dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Tại Davos, ông Macri sẽ có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với Thủ tướng Anh David Cameron, và người ta mong đợi đó sẽ là một cuộc gặp "phá băng" giữa hai nhà lãnh đạo hai quốc gia.

Mauricio Macri nhậm chức Tổng thống Argentina, tháng 12-2015.

Mối quan hệ song phương giữa Argentina và Anh đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi nước Anh chiếm lấy quần đảo Las Malvinas, sau một trận chiến không cân sức giữa quân đội hai nước tại quần đảo này vào tháng 4-1982. Tổng thống Leopoldo Galtieri đã mở đợt tấn công nhằm thu hồi quần đảo Las Malvinas vốn bị thực dân Anh chiếm đóng từ thế kỷ thứ XVIII. Trận chiến đó để lại trong lòng người Argentina nỗi căm tức vì bị mất lãnh thổ.

Qua các đời Tổng thống Argentina, Las Malvinas/Falkland luôn là vấn đề gút mắc trong quan hệ Anh-Argentina. Đã có lúc, quan hệ ngoại giao hai nước được khôi phục, từ năm 1990, nhưng Las Malvinas/Falkland vẫn được Tổng thống Carlos Menem khẳng định trong chuyến thăm Anh của ông. Khi Thủ tướng Anh Tony Blair thăm Argentina vào năm 2001, vấn đề chủ quyền lãnh thổ không được nhắc tới, nhưng Tổng thống Nestor de Kirchner khẳng định thu hồi chủ quyền lãnh thổ đối với Las Malvinas là ưu tiên hàng đầu của ông.

Dưới thời Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner, quan hệ Anh-Argentina luôn ở trạng thái căng thẳng cao độ vì vấn đề Las Malvinas/Faukland. Tháng 4-2015, Argentina của Tổng thống Cristina de Kirchner lên án mạnh mẽ việc Anh tăng cường quân đội tại Falkland.

Với lịch sử quan hệ căng thẳng quanh vấn đề Falkland/Las Malvinas, việc khôi phục lại quan hệ ngoại giao Anh-Argentina hiện nay là chuyện không đơn giản, nhưng không phải không thể. Để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này, ông Macri đã vạch rõ mình phải làm sao để có thể vừa đạt được mục tiêu thu hồi lãnh thổ, vừa tạo và giữ được mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với London.

Ông Mauricio Macri gặp gỡ Thủ tướng Anh David Cameron tại Diễn đàn Davos 2016.

Macri nói, ông sẽ tận dụng "tất cả phương tiện có được để liên lạc", kể cả trên Facebook, và thực tế ông đã sử dụng kênh giao tiếp trên Facebook để đưa ra những ý kiến mang tính hòa giải của mình.

Không chỉ mong muốn cải thiện quan hệ với Anh, ông Macri còn muốn tận dụng diễn đàn Davos để tăng cường quan hệ ngoại giao với các quốc gia trên thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, giới đầu tư, kinh doanh toàn cầu, thông qua thông điệp cởi mở với kinh doanh. Hướng tới giới kinh doanh cũng là thông điệp chủ đạo trong chiến dịch tranh cử vừa qua của ông Macri giúp ông giành chiến thắng trước một đối thủ không mấy tiếng tăm của đảng cầm quyền thuộc phái Peronist.

Chiến thắng của Macri hồi tháng 11-2015 còn mang ý nghĩa dịch chuyển thái độ chính trị theo hướng hữu khuynh tại khu vực Mỹ Latinh, cùng với việc đảng cầm quyền của Tổng thống Nicolas Maduro thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Venezuela mới đây, và tình hình khá u ám của đảng cánh tả cầm quyền ở Brazil hiện nay. Tuy nhiên, bản thân Macri lại từ chối thừa nhận mình theo thiên hướng chính trị mới này.

Macri tái khẳng định mong muốn đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế về khoản nợ từ các quỹ kền kền đã bị "đóng băng" hơn 10 năm nay. Macri cũng đưa ra các mục tiêu kinh tế trong giai đoạn tới, đó là tiếp tục kiểm soát mức lạm phát ở một con số. Ông nói muốn cộng đồng kinh tế thế giới hiểu và tin tưởng Argentina hơn nhằm tiếp tục thu hút các nhà đầu tư đến Argentina. Argentina mong muốn có mối quan hệ tốt đẹp với thế giới. Đó là thông điệp chính của Macri.

"Chìa cành ôliu" ra thế giới, nhưng Macri lại tỏ ra rất cứng rắn với các vấn đề trong nước. Ngay từ khi thắng cử, giới quan sát đã nhận diện được Macri sẽ đi ngược lại gần như hoàn toàn với nhiều chính sách mà chính quyền tiền nhiệm đã theo đuổi. Một trong những chính sách quan trọng nhất mà ông Macri đang muốn thay đổi là chính sách trợ cấp khó khăn cho người nghèo.

Đáng chú ý là Macri đang có kế hoạch xem xét lại và có những phương án thay thế cho dự án đập thủy điện do Trung Quốc đầu tư ở Patagonia đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi công. Dự án này vốn được xem là một "di sản" quan trọng của cố Tổng thống Nestor de Kirchner, và là biểu tượng mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc. Và Macri có thể làm thay đổi mối quan hệ chiến lược đó.

Một mặt trái khác mà truyền thông phương Tây ít chú ý, đó là Macri còn tỏ ra mạnh tay hơn Tổng thống tiền nhiệm Cristina de Kirchner trong việc đối xử với những kẻ chống đối mình. Điển hình là vụ việc bắt giam lãnh đạo người da đỏ bản xứ Milagros Sala. Ngay trong ngày ông Macri trả lời phỏng vấn báo chí hôm 19-1-2016, hàng trăm người đã tụ tập phản đối phía trước Casa Rosada (Dinh Tổng thống Argentina).

Các lãnh đạo phong trào hoạt động xã hội Argentina nói rằng, bà Sala bị bắt giam do tham gia các cuộc biểu tình chống Macri và chống lại việc cắt giảm quỹ hỗ trợ các nhóm hoạt động vì quyền công dân. Ngoài ra, dù tuyên bố tiếp tục duy trì chính sách tạo công ăn việc làm và xóa nghèo, nhưng Macri lại sa thải hàng loạt người thuộc phái Peronist của chính quyền cũ. Và đây được cho là một động thái chính trị nguy hiểm, có thể dẫn đến những sự chống đối kéo dài trong nước.

Cuộc chiến tranh Falkland (hay còn gọi là xung đột Falkland), là cuộc chiến tranh về hai vùng lãnh thổ là quần đảo Falkland và Nam Georgia và quần đảo Nam Sandwich tại Nam Đại Tây Dương. Cuộc chiến tranh bắt đầu vào ngày 2-4-1982 khi Argentina xâm nhập quần đảo Malvinas/ Falkland trong một nỗ lực nhằm thiết lập chủ quyền mà họ yêu sách từ lâu.

Ngày 5-4, Chính phủ Anh phái một biệt đội hải quân đến giao chiến với hải quân và không quân Argentina trước khi tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ lên quần đảo. Xung đột kéo dài trong 74 ngày, và kết thúc khi Argentina đầu hàng vào ngày 14-6-1982, quần đảo trở lại dưới quyền kiểm soát của Anh.

Cho đến nay, Argentina luôn khẳng định quần đảo này là lãnh thổ của Argentina. Quan hệ ngoại giao giữa Anh và Argentina được khôi phục vào năm 1989 sau một cuộc họp tại Madrid, Tây Ban Nha, tuy vậy hai quốc gia vẫn không thay đổi lập trường của mình một cách rõ ràng đối với chủ quyền quần đảo Falkland. Năm 1994, yêu sách của Argentina đối với các lãnh thổ được đưa vào hiến pháp.

Vào tháng 2-2015, một giàn khoan khổng lồ thuộc dự án liên doanh của các công ty Anh: Rockhopper, Falkland Oil, Premier Oil và Noble Energy đã được lai dắt ra Nam Cực tại khu vực đang có tranh chấp với Argentina.

Ngày 1-4-2015, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề quần đảo Malvinas thuộc Bộ Ngoại giao Argentina, đã lên tiếng phản đối việc các công ty của Anh đặt giàn khoan thăm dò dầu khí tại Malvinas. Sự kiện diễn ra đúng 1 ngày trước khi Argentina kỷ niệm 33 năm ngày Chiến tranh Malvinas năm 1982.

Ngài Quốc vụ khanh khẳng định việc một giàn khoan đặt tại đây sẽ đe dọa nghiêm trọng môi trường sinh thái, đồng thời bày tỏ các công ty tham gia vào dự án này sẽ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp Argentina và luật pháp quốc tế. Theo ông, Tòa án Argentina thậm chí có thể ra lệnh bắt những người tham gia khai thác dầu khí trái phép tại vùng biển nước này.

Giàn khoan của Anh tại vùng biển tranh chấp.

Theo Luật Dầu khí quốc gia Nam Mỹ năm 2013, những người điều hành các công ty thăm dò và khai thác dầu khí mà không được sự cho phép của chính phủ sẽ bị bắt giam tới 15 năm tù và bị phạt với số tiền tương đương giá trị của 1,5 triệu thùng dầu.

Về phần mình, Chính phủ Anh cho rằng Luật Dầu khí Argentina không có giá trị tại quần đảo Falkland/Malvinas. Ngày 24-3-2015, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ tăng cường năng lực phòng vệ của Anh tại quần đảo tranh chấp với Argentina.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết kế hoạch nói trên kéo dài 10 năm với tổng chi phí lên tới 268 triệu USD, bao gồm nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và triển khai 2 trực thăng Chinook tới quần đảo phía Nam Đại Tây Dương này vào giữa năm 2016.

Liên Hiệp Quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, song London cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo này và chỉ thảo luận với Buenos Aires về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện mong muốn. Khoảng 3.000 người dân tại Malvinas/Falkland, phần lớn là người Anh hoặc hậu duệ của họ, đã tỏ ra không muốn quần đảo này thuộc chủ quyền của Argentina.

Đ.L.

An Châu (tổng hợp)
.
.