Bầu cử Tổng thống Colombia: Bước ngoặt thiên tả?
Cuộc bầu cử Tổng thống Colombia diễn ra vòng 1 vào ngày 29-5 vừa qua, với kết quả hai ứng cử viên đối nghịch nhau và cùng chống lại thể chế cũ bước vào vòng 2. Cuộc bầu cử này được đánh giá là “bước ngoặt” lịch sử đưa Colombia trở thành quốc gia thiên tả.
Cuộc đua cân sức
Cuộc bầu cử Tổng thống Colombia diễn ra trong bối cảnh quan điểm chính trị ở nước này đang chia rẽ sâu sắc và sự bất bình ngày càng tăng của cử tri do tình trạng bất bình đẳng và lạm phát đều tăng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tỉ lệ phiếu bầu của các ứng cử viên không cao. Vòng 2 cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 19-6 tới, sẽ là cuộc đấu hấp dẫn giữa 2 “tay chơi” hoàn toàn mới, hứa hẹn sẽ thành lập ra một chính phủ mới khác hẳn chính phủ hiện tại ở Colombia.
Ứng cử viên Gustavo Petro, một cựu du kích cánh tả và một thời là thị trưởng thành phố Bogotá, đã giành được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất với 40% nhưng không đạt được 50% theo quy định để giành chiến thắng hoàn toàn ngay từ vòng 1. Đối thủ của ông Petro trong vòng 2 sẽ là ông Rodolfo Hernández - trùm kinh doanh và thương hiệu truyền thông xã hội - được coi là người theo chủ nghĩa dân túy, bảo thủ.
Ông Federico Gutierrez - cựu thị trưởng cánh hữu của thành phố Medellín được nhiều người coi là sẽ kế thừa chính phủ của tổng thống đương nhiệm Iván Duque, đã đạt kết quả không mấy khả quan, khi chỉ giành được 23% phiếu bầu. Ông ta có thể trở thành một nhân vật “dựng vua” ở vòng 2 vì những người ủng hộ ông ta có khả năng chuyển sang ủng hộ ông Hernández.
Ông Petro đã từng tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 và bại dưới tay đương kim Tổng thống Iván Duque. Bước vào cuộc bầu cử lần này, ông Petro đưa ra lời hứa sẽ có sự điều chỉnh lớn đối với nền kinh tế, trong đó có cải cách chính sách thuế và thay đổi cách Colombia xử lý vấn đề các tập đoàn ma túy cũng như các nhóm vũ trang khác.
Ông Petro cố gắng thu hút tầng lớp trung lưu trong chiến dịch tranh cử, điều này khiến ông phải tiết chế chương trình kinh tế của mình và bớt chỉ trích khu vực kinh tế tư nhân. Ông phê phán hệ thống kinh tế tân tự do của Colombia và sự phụ thuộc vào dầu khí; ủng hộ các đề xuất tiến bộ về quyền của phụ nữ và các vấn đề người đồng giới, đồng thời ủng hộ một thỏa thuận hòa bình giữa nhà nước Colombia và quân du kích FARC, ELN. Ông đề xuất thay đổi mô hình kinh tế quốc gia bằng cách đánh thuế đối với các chủ đất làm ăn kém hiệu quả và từ bỏ dầu mỏ và than đá, thay bằng năng lượng sạch. Một số người lo ngại nỗ lực chuyển đổi của cải từ người giàu sang người nghèo của ông có thể khiến Colombia lâm vào khủng hoảng.
Nếu ông Petro có thể đánh bại ông Hernández vào tháng 6 thì đây sẽ là lần đầu tiên quốc gia Nam Mỹ này có tổng thống cánh tả. Người đồng hành của ông Petro là bà Francia Márquez đã làm nên lịch sử với tư cách là nữ ứng cử viên phó tổng thống da màu đầu tiên của Colombia.
Ông Rodolfo Hernández, doanh nhân và cựu thị trưởng Bucaramanga, được sự hậu thuẫn của Liên đoàn Thống đốc chống tham nhũng, đã vận động chống lại tình trạng tham nhũng trong giới chính trị truyền thống, nhấn mạnh hình ảnh của ông là một doanh nhân thành đạt có thể làm thay đổi Colombia và được mô tả như một người theo chủ nghĩa dân túy, được so sánh với cựu Tổng thống Donald Trump của Mỹ.
Ông ta đã hứa sẽ “làm sạch” đất nước và tuyên bố sẽ thưởng tiền cho những công dân tố cáo quan chức nhà nước tham nhũng. Ông ủng hộ giảm thuế giá trị gia tăng từ 19% xuống 10%; thu nhập cơ bản cho tất cả người cao tuổi và những người cận hoặc dưới mức nghèo khổ; tăng khả năng tiếp cận giáo dục đại học ở các khu vực; chăm sóc y tế toàn dân. Về tiến trình hòa bình Colombia, ông Hernández tuyên bố sẵn sàng bổ sung một phụ lục vào thỏa thuận hòa bình với FARC để bao gồm luôn cả lực lượng Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN). Reuters mô tả quan điểm chính trị của ông Hernández là trung hữu. Ông nhận được sự ủng hộ của ứng cử viên đứng thứ ba Fico Gutiérrez, cho vòng 2, kêu gọi cử tri "ngăn chặn Petro”.
Nhiều thách thức với người kế nhiệm
Cho dù ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Năm ngoái, đất nước Colombia bị tê liệt bởi các cuộc biểu tình chống bất bình đẳng, trong khi bạo lực của phiến quân bất đồng chính kiến và thành phần buôn ma túy có vũ trang tiếp tục hoành hành các thành phố và vùng nông thôn. Lạm phát gia tăng và đất nước này đang phải vật lộn để đối phó với gần 2 triệu người di cư từ nước láng giềng Venezuela.
Cuộc bầu cử tổng thống hôm 29-5 cũng được xem là cuộc trưng cầu ý kiến người dân Colombia đối với tiến trình hòa bình mong manh của Colombia với lực lượng du kích cánh tả Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC), những người đã giải giáp sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết vào năm 2016, chấm dứt nhiều thập kỷ nội chiến khiến hơn 260.000 người thiệt mạng và 7 triệu người phải di tản.
Ông Petro là một người ủng hộ nhiệt thành cho thỏa thuận hòa bình này, trong khi ông Gutierrez được coi là một người hoài nghi đối với thỏa thuận. Ông Hernández thì cam kết sẽ ủng hộ thỏa thuận hòa bình này, mặc dù các nhà quan sát nói rằng ông ta có thể thay đổi quan điểm đó trong quá trình xây dựng một liên minh cánh hữu để nắm quyền.
Một vấn đề lớn khác đe dọa cuộc bầu cử là những lo ngại về bạo lực chính trị, mặc dù các nhà chức trách đã báo cáo rằng không có vụ bạo lực lớn nào liên quan đến cuộc bầu cử. Colombia nổi tiếng với tình trạng bạo lực chính trị; trong quá khứ từng xảy ra nhiều vụ, trong đó có những vụ bắt cóc ứng cử viên tổng thống gây chấn động. Các ứng cử viên đã phải trang bị áo chống đạn hoặc thuê vệ sĩ khi đi vận động tranh cử cũng như khi đi bỏ phiếu.